Thuyết giảng tại Lớp Tập huấn Lí luận – Phê bình, Hội đồng Lí luận – Phê bình Văn học, Nghệ thuật – Ninh Bình, 12-7-2012 & Đồng Nai, 20-7-2012
(Toàn văn bài thuyết giảng)
* Inrasara và Mai Liễu chủ trì Tọa đàm văn học dân tộc thiểu số, Hà Nội, 4-2011.
Phần khai đề
Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số ở đâu?
Nước Việt Nam hợp thành từ ba quốc gia cổ: Đại Việt, Champa và một phần Chân Lạp (Thủy Chân Lạp); hiện nay Việt Nam có 54 dân tộc đang sinh sống cùng nền văn hóa đặc thù phong nhiêu. Đó là tài sản quý hiếm thế giới ít nơi nào có được, một kho tàng vô giá cho văn nghệ sĩ “khai thác”. Các văn nghệ sĩ dân tộc thiểu số giai đoạn qua đã làm được gì? Thành tích nếu có, được nhận diện và đánh giá như thế nào?
Phần thuyết giảng của tôi có hai mục chính:
1. Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số ở đâu?
Văn học Đông Nam Á là vùng trũng của văn học thế giới. Chúng ta có thể đọc Mỹ, Pháp, Đức,… có thể đọc Trung Quốc, Nhật, thậm chí Hàn Quốc. Nhưng chúng ta không đọc nhau, chúng ta xem thường nhau và xem thường chính mình. Văn học Đông Nam Á bị cho là văn học ngoại vi của thế giới.
Ở Việt Nam, văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam cũng bị cho là văn học ngoại vi.
Toàn cầu hóa là một hiện thực diễn ra trên phạm vi toàn thế giới. Toàn cầu hóa tác động toàn diện đến nhân loại – dân tộc thiểu số vùng sâu miền xa không là ngoại lệ. Đối phó với toàn cầu hóa, có ba tâm thế rõ rệt: chối bỏ, hồ hởi chấp nhận và tiếp thu có chọn lọc
Toàn cầu hóa & internet tiếp sức cho hậu hiện đại giải trung tâm văn học. Văn học dân tộc thiểu số – từ đa dân tộc/ đa vùng miền, nhiều lối viết, lối nghĩ khác nhau – cũng đã phản ứng theo đúng thể cách của nó. Và họ có thành tựu nhất định.
2. Làm thế nào tiếp cận văn học nghệ thuật dân tộc thiểu số?
10 căn bệnh phê bình cùng với hội chứng rên rỉ & đổ thừa là hiện trạng đáng buồn của phê bình văn học Việt Nam, giai đoạn qua. Các căn bệnh này cũng xảy đến với văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam.
Chỉ qua một thế kỉ, thế giới trải qua mươi cuộc cách mạng nghệ thuật khác nhau trên thế giới, sự chuyển động này ít nhiều ảnh hưởng đến sáng tác của người dân tộc thiểu số. Nếu ta đứng mãi ở hệ mĩ học nào đó để phê phán sáng tác thuộc hệ mĩ học khác, ta chẳng những bất công với tác phẩm đó mà còn không thể thấy được cái hay, sự đóng góp của họ vào tiến trình phát triển của tư tưởng và nghệ thuật loài người.
Như vậy cần có thái độ “đi vào trong” với sự hiểu biết và nhạy cảm nghệ thuật cao để làm phê bình. Với văn học dân tộc thiểu số Việt Nam, các nhà phê bình cũng cần có thái độ “đi vào trong” đầy khiêm tốn, mới mong có sự hiểu biết nhất định, từ đó làm phê bình.
Tầm vóc của một nghệ sĩ dân tộc thiểu số được đánh giá trên ba yếu tố: Hiểu biết về văn hóa dân tộc (bản sắc là gì?), – Sáng tác, và – Mở ra với thế giới: có khả tính phê bình.
(Chú ý: Cùng đề tài, nhưng mỗi nơi hay mỗi thời điểm, tôi luôn có cách trình bày khác nhau, nội dung có khi đến 50% sự khác biệt. Ở Ninh Bình và ở Đồng Nai vừa qua cũng vậy).
Sau đây là nguyên văn bài thuyết trình
I. Đặt vấn đề
1. Việt Nam là đất nước đa dân tộc. Hơn 54 dân tộc cư trú rải đều trên khắp mọi miền đất nước, là nguồn vốn con người và văn hóa vô cùng quý giá.
Văn hóa một dân tộc tồn tại ở bản sắc, phát triển ở tiếp nhận và sáng tạo. Nhưng thế nào là bản sắc? Ta chỉ hiểu được bản sắc một cái gì đó khi đặt nó bên cạnh một/ những cái khác. Đâu là bản sắc văn hóa dân tộc của các dân tộc thiểu số Việt Nam? Ở phạm vi hẹp hơn, văn học nghệ thuật – đâu là bản sắc, cái khác biệt nổi bật của văn học nghệ thuật dân tộc thiểu số khả dĩ làm đa dạng thêm nền văn học nghệ thuật đa dân tộc Việt Nam?
Văn chương cổ điển, dân tộc thiểu số đã cống hiến nhiều cái khác lạ. Sử thi Đam San, Xinh Nhã, Xống Chụ Xon Xao, Đẻ đất đẻ nước, Mo Mường, Akayet Dewa Mưno… Tiếp, cả ngàn lễ hội cùng vô vàn sắc thái riêng biệt diễn ra suốt bốn mùa với bao loại hình phụ họa là ca – múa- nhạc phong phú, độc đáo. Đó gần như là nguồn suối vô tận cho thế hệ đi sau “tiếp thu và sáng tạo”. Tiếp thu cái cũ, hỏi văn nghệ sĩ dân tộc thiểu số đã nêu bật được các bản sắc độc đáo đó chưa?
2. Tiếp thu và sáng tạo, để có đóng góp mới – hỏi, chúng ta đã làm được gì với kho tàng trân bảo do ông bà để lại? Làm được, thậm chí có thể nói – làm được khá nhiều. Thế nhưng tất cả vẫn chưa thấm vào đâu, so với thực tế cuộc sống đòi hỏi. Diễn tả bằng ngôn ngữ dân tộc, hay cả khi các nhà văn Tày, Nùng, Chăm, Thái,… thể hiện qua tiếng Việt, chúng ta vẫn còn những hạn chế. Mãi đến hôm nay – ngoại trừ Chăm với đặc san Tagalau, sáng tác – sưu tầm – nghiên cứu Chăm, các dân tộc khác vẫn chưa có tạp chí riêng. Thậm chí có dân tộc còn chưa có nhà văn hay họa sĩ của mình.
Muốn phê bình để đánh giá công bằng thành tựu văn học nghệ thuật dân tộc thiểu số, cần có cái nhìn toàn cảnh đó: tiếp nhận cái cũ và sáng tạo cái mới.
Có thể phân thời đoạn văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số là ba thời kì: 1. Thời kì thứ nhất: kháng Pháp và chống Mỹ, 2. Thời kì thứ hai Hậu chiến và Đổi mới, 3. và thời kì thứ ba: Thời hậu Đổi mới, từ năm đầu thế kỉ thứ XXI. Bài viết tập trung vào hai thời kì sau.
II. Thực trạng văn học nghệ thuật Dân tộc Thiểu số Việt Nam sau đổi mới
1. Thơ
Đội ngũ văn nghệ sĩ dân tộc thiểu số mạnh về thơ, là điều dễ nhận thấy. Tạm phân làm hai bộ phận:
a. Thơ tiếng Việt
Sau thế hệ đầu còn chập chững: Nông Quốc Chấn, Bàn Tài Đoàn, Nông Viết Toại, Triều Ân, Mã Thế Vinh, Vương Trung; thế hệ thứ hai xuất hiện hàng loạt tên tuổi sáng giá: Vương Anh (1944, Mường, Thanh Hóa), Lâm Quý (1947, Cao Lan, Vĩnh Phúc), Lò Ngân Sủn (1945, Giáy, Lào Cai), Pờ Sảo Mìn (1944, Pa Dí, Lào Cai), Dư Thị Hoàn (1947, Hải Phòng, Hoa), Y Phương (1948, Tày, Cao Bằng), Mai Liễu (1950, Tày, Tuyên Quang), Inrasara (1957, Chăm, Ninh Thuận), Lương Định (1957, Tày, Lạng Sơn), Dương Thuấn (1959, Tày, Bắc Cạn), Lò Cao Nhum (1954, Thái, Hòa Bình), … bắc qua thế hệ nhà thơ trẻ đầy tài năng như: Bùi Tuyết Mai (1971, Mường, Hòa Bình), Jalau Anưk (1975, Chăm, Ninh Thuận), Nông Thị Hưng (1977, Tày, Bắc Giang), Thạch Đờ Ni (1977, Khmer, Bạc Liêu), Tăng A Tài (1978, Dao, Quảng Ninh), Hoàng Thanh Hương (1978, Mường, Gia Lai), Đinh Thị Mai Lan (1979, Tày, Cao Bằng), Đồng Chuông Tử (1980, Chăm, Ninh Thuận), Vi Thùy Linh (1980, Tày, Hà Nội), Hoàng Chiến Thắng (1980, Tày, Bắc Kạn), Phạm Mai Chiên (1981, Thái, Nghệ An), H’trem K’nul (1983, Êđê, Đăk Lăk), Đàm Thị Hải Yến (1984, Nùng, Cao Bằng), Tuệ Nguyên (1984, Chăm, Ninh Thuận), Phùng Hải Yến (1985, Dao, Lai Châu), Bùi Thị Dáng Hương (1987, Mường, Hòa Bình), Ngô Bá Hoà (1987, Tày, Lạng Sơn).
– Các tác giả thuộc nhiều dân tộc khác nhau cư trú ở nhiều vùng miền khác nhau, rải khắp đất nước. Tên của dân tộc và vùng đất mình sinh ra hay cư trú luôn được gọi lên trước tiên. Từ người Tày cư trú đất Bắc nơi đỉnh đầu Tổ quốc:
Cô gái Tày sông Hiến thuở hồng hoang
Non nước Cao Bằng vời vợi biên cương
Anh đắm say qua ngọn nguồn em kể
Những Mã Phục, Đèo Mây, Đèo gió…
(Lương Định, “Phương ấy ban mai”)
Đến người Êđê ở Tây Nguyên:
Già đang khan
Già say lời kể
Người nghe say lời già
Già kể từ ngày trước
Ngày sau chưa hết lời
(H’triem K’nul, “Người kể khan”)
Xuống đồng bào H’rê đang sinh sống nơi khúc ruột miền Trung:
Lũ con iêng
Ngực non như trái hoa chuối
Ra con suối đội nước
Chọn lấy nước giữa dòng
Nước chảy từ lòng đá
Ngọt như trái Kapong – Kapang
Mát như gió núi Azin – Azàn…
(Nga Rivê, “Con iêng, xang éo”)
Sang tận dân tộc Châu Ro ở Đông Nam Bộ:
Châu Ro – Ta là ai?
Từ đâu đến?
Từ Cửu Long giang cổ quàng phù sa đỏ?
Từ biển biếc xa vời sóng vời lưng cát nhỏ?
(Prékimalamak, “Châu Ro ta là ai”)
Rồi Thái, Mông, Nùng, Kơ Ho, Mường, Hoa, Cao Lan, Chăm, Hà Nhì, Dao, Pù Nả, Vân Kiều, Xá Phó, Padí,… và cả dân tộc đa số là người Kinh – dĩ nhiên. Do đó, mặc dù thơ không phải là thể loại kể lể chuyện phong tục tập quán, tái hiện đời sống hiện thực của người dân tộc thiểu số, nhưng có thể nói hầu hết các tên lễ hội cùng đặc ngữ với những đặc trưng văn hóa vùng miền đều được gọi tên qua câu thơ của tác giả thơ dân tộc thiểu số. Những thổ cẩm, thắng cố, vũ nữ Apsara, múa Xòe, Tung Còn, Katê, phum, sóc, plây, amí, amư, tiếng cồng chiêng, lời kể khan,…có mặt dày đặc suốt tuyển thơ này. Không như một cách tăng chất dân tộc thiểu số trong sáng tác, mà xuất phát từ thẳm sâu tình cảm của người viết với những gì gắn bó nhất và thân thuộc nhất của mình. Không có không được. Bởi chỉ như vậy thôi, tiếng thơ ấy mới đi thằng đến được trái tim độc giả, từ đó rung động được lòng người.
Ba mươi năm chẵn chòi, con mới về tới Thánh địa
Hành hương nhận mặt tổ tiên mình
Con chào Tháp, chào linga – yoni, chào hồn vía
Và chào luôn những cọng cỏ linh tinh
Dạ, lạy Tháp đừng nhìn con như rứa
Đừng lặng im, buồn bã, nát nhàu
Xin hãy nói ngàn lời chất chứa
Tổ tiên ơi gạch đá trăng sao
(Đồng Chuông Tử, “Hello Mỹ Sơn”)
– Họ thể nghiệm nhiều kĩ thuật thơ, vừa cũ vừa mới. Từ thể thơ cổ điển như tự do sơ kì, lục bát, tám chữ hay năm chữ:
Tôi muốn làm con suối
Hát mãi cùng rừng xanh
Rừng có cây có quả
Có ngọn gió trong lành
Đừng băt stôi làm sông
Đừng bắt tôi làm biển
Sông lắm thác nhiều ghềnh
Biển sóng thần hung dữ
Tôi muốn làm con suối
Hát mãi cùng rừng xanh
(Hữu Tiến, “Điều giản dị”)
Cho đến thơ tự do nhịp chỏi, đều được họ sử dụng nhuần nhuyễn:
Thuở ấy tôi đi
Với
hào quang trước mắt
ngỡ được tắm trong thế giới diệu kì
ngỡ hái trọn bao trái cây mơ ước.
Thuở ấy tôi đi…
mang nông nỗi thời trai trẻ
bơm háo thắng qua vụn vặt kiến thức
nuôi xảo quyệt cơm-áo-gạo-tiền phủ bẩn giấc mơ.
Tôi loay hoay tìm về…
(Jalau Anưk, “Tạ lỗi”)
Từ giọng yêu thương ngợi ca của Lò Ngân Sủn cho đến lỗi thơ phản biện xã hội của Tuệ Nguyên, từ cách tạo nhịp thơ mượt mà uyển chuyển của Mai Liễu hay Lương Định cho đến lối thơ chọn nhịp trúc trắc của Inrasara. Từ tiếng thơ đẫm chất dân gian với ngôn từ người đời thường, như Dương Thuấn theo cách nói và kể:
Ở quê tôi có anh bạn người Mông
Hai mươi tuổi mối dắt đi tìm vợ
Lần thứ nhất hỏi một cô gái trẻ
Anh chê rằng cô gái ấy môi chì
Lần thứ hai hỏi một cô lỡ thì…
(Dương Thuấn, “Tìm vợ”)
Cho đến tiếng thơ đẫm chất suy tư của Trà Vigia:
Mùa xuân bao lần phai phôi
nào hay biết
Đời người bao lần bai bôi
hoài lỡ bước
Que củi cháy để lại than hồng
Que diêm cháy bay vào hư không.
Em không mãi là thiếu nữ
Làm duyên ngàn năm trên khung lụa
Tôi không mãi làm câu chữ
Hờn ghen phù du trang giấy cũ,.
Chỉ vài sợi khói mong manh
Không đủ dò đường lên thượng giới
Gạt đống tro tàn thâu canh
Làm sao thắp nắng tươi ngày mới?!
Em bao lần đi qua
tôi chẳng thấy
Tôi bao lần đi xa
chẳng thấy tôi.
(Trà Vigia, “Miên du”)
Tất cả có mặt để làm nên một bản giao hưởng thơ tiếng Việt của các tác giả dân tộc thiểu số Việt Nam, quen mà lạ, góp phần đáng kể vào nền thơ ca đa dân tộc Việt Nam.
b. Thơ tiếng dân tộc thì sao?
Nhà thơ là kẻ cư trú trong ngôn ngữ dân tộc. Tắm gội đông thời làm tươi mới ngôn ngữ dân tộc. Nhà thơ dân tộc thiểu số đã làm được gì cho tiếng mẹ đẻ của mình?
Thử nêu vài khuôn mặt tiêu biểu, qua tiêu chí chọn: Những người sáng tác thơ và thành danh bằng thơ; cư trú nhiều vùng miền khác nhau; thuộc dân tộc khác nhau(1):
Lò Ngân Sủn (sinh 1945, dân tộc Dáy): Thơ tiếng Việt (9 tập): Chiều biên giới, Những người con của núi, Đám cưới, Đường dốc, Dòng sông Mây, Chợ tình, Lều nương, Tôi là một ngọn gió, Người trên đá. Thơ song ngữ (1 tập): Đầu nguồn cuối nước. Tập truyện tiếng Việt (2 tập): Chiếc vòng bạc, Hưu tập thể. Sưu tầm, dịch (2 tập): Tục ngữ Dáy, Bước đầu tìm hiểu về dân ca người Dáy. Tiểu luận (3 tập).
Lò Cao Nhum (sinh 1954, dân tộc Thái): Thơ tiếng Việt (5 tập): Giọt sao trở về, Rượu núi, Sàn trăng, Theo lời hát về nguồn, Mùa hoa chuông. Dịch dân ca Thái (1 tập): Lời hát trong lễ hội Chá chiêng.
Chu Thùy Liên (sinh 1966, dân tộc Hà Nhì): Thơ tiếng Việt (1tập): Lửa sàn hoa. Trường ca Hà Nhì: Xa nhà ca, 1 tập Truyện cổ Hà Nhì.
Inrasara (sinh 1957, dân tộc Chăm): Thơ tiếng Việt (3 tập): Tháp nắng, Hành hương em, Lễ Tẩy trần tháng Tư. Thơ song ngữ: Sinh nhật cây xương rồng. Tiểu luận: Văn hóa-xã hội Chăm, nghiên cứu & đối thoại. Nghiên cứu – sưu tầm – dịch thuật: Văn học Chăm (3 tập). Nghiên cứu ngôn ngữ: Tự học tiếng Chăm, Từ điển Chăm – Việt dùng trong nhà trường.
Dương Thuấn (sinh 1958, dân tộc Tày): Thơ tiếng Việt (8 tập): Cưỡi ngựa đi săn, Đi tìm bóng núi, Đi ngược mặt trời, Bà lão và chích chòe, Mười bảy khúc đảo ca (trường ca), Hát với sông Năng, Trăng Mã Pí Lèng, Đêm bên sông yên lặng. Thơ song ngữ (1 tập): Con côi làm dâu. Thơ tiếng Tày (1 tập): Slíp nhỉ tua khoăn. Truyện ngắn (1 tập): Bài học mùa hè.
Qua phân tích, ta thấy đa phần nhà thơ người dân tộc thiểu số chú ý đến sáng tác bằng tiếng dân tộc, vẫn còn quan tâm đến đào sâu vào văn chương – ngôn ngữ dân tộc để làm giàu sang tiếng dân tộc đồng thời khai thác khía cạnh độc đáo trong ngôn ngữ dân tộc, từ đó vận dụng vào sáng tác thơ bằng tiếng phổ thông. Đây là điều rất cần thiết, có tác động qua lại mang tính biện chứng trong phát triển thơ song ngữ. Chính nhờ vận dụng lối nói, lối nghĩ dân tộc vào thơ mà các nhà thơ dân tộc thiểu số đã tạo được vài giọng riêng đóng góp vào nền thơ Việt thời gian qua.
Thế nhưng, như vậy vẫn còn là quá yếu so với yêu cầu thực tiễn từ phía ngôn ngữ dân tộc và người đọc là bà con dân tộc thiểu số. Đấy là chúng ta chỉ làm cái kê biên đếm đầu sách mà chưa bàn đến chất lượng. Việc nghiên cứu mang tính chiều sâu về ngôn ngữ – văn chương dân tộc càng yếu hơn nữa.
2. Văn xuôi
– Đất nước mở cửa, ở các tỉnh Việt Bắc và Tây Bắc, song hành với sự nở rộ của thể loại thơ, văn xuôi các dân tộc thiểu số phát triển đều và rộng, với hàng loạt tác giả tên tuổi: Mã A Lềnh (1943, Mông, Lào Cai), Ma Trường Nguyên (1944, Tày, Thái Nguyên), Cầm Hùng (1945, Thái, Sơn La), Sa Phong Ba (1948, Thái, Sơn La), Hoàng Hữu Sang (1950, Tày, Yên Bái), Nguyễn Minh Sơn (1951, Tày, Thái Nguyên), La Quán Miên (1951, Thái, Nghệ An), Đoàn Lư (1959, Tày, Cao Bằng)…
Sau mười lăm năm dọ dẫm, bước sang thế kỉ XXI, văn xuôi dân tộc thiểu số và miền núi khu vực này đã tiến những bước nhảy vọt, cả về chất lẫn lượng. Hà Thị Cẩm Anh (1948, Mường, Thanh Hóa), Hoàng Hữu Sang (1950, Tày, Yên Bái), Bùi Minh Chức (1950, Mường, Hòa Bình), Hữu Tiến (1952, Tày, Cao Bằng), Hà Lý (1956, Mường, Hòa Bình), Đoàn Ngọc Minh (1958, Tày, Cao Bằng), Lang Quốc Khánh (1959, Thái, Nghệ An), Bùi Thị Như Lan (1967, Tày, Bắc Kạn), Kha Thị Thường (1979, Mường, Nghệ An).
Đoạt giải B Hội Nhà văn Việt Nam với tập truyện ngắn Hoàng hôn, nhà văn dân tộc Mường Hà Trung Nghĩa chuyển sang viết tiểu thuyết với hàng loạt tác phẩm ra đời: Lửa trong rừng sa mu, 1999, Gió bụi nhân gian, 2001, Bão từ hai phía, 2006… Khác với Hà Trung Nghĩa, cũng là dân tộc Mường, Hà Thị Cẩm Anh (1948, Mường, Thanh Hóa) chuyên trị truyện ngắn. Các truyện ngắn của nhà văn này vừa tinh tế vừa đầy trải nghiệm. Một năm sau khi đoạt giải nhất cuộc thi truyện ngắn (2003-2004) báo Văn nghệ, Hà Cẩm Anh cho xuất bản tập truyện ngắn Nước mắt của đá, 2005.
Được biết đến nhiều hơn cả là nhà văn Cao Duy Sơn (1956, Tày, Cao Bằng) sau tập truyện ngắn Những đám mây hình người (2002) là Ngôi nhà xưa bên suối (truyện ngắn, 2007) – tác phẩm đoạt Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2008, sau đó là Giải thưởng Văn học ASEAN năm 2009. Ngay năm sau, anh ra tiếp tập truyện ngắn Người chợ (2010). Cao Duy Sơn là nhà văn thành công ở cả hai mảng: truyện ngắn và tiểu thuyết. Nổi bật nhất ở thể loại này là Đàn trời (2006) nhận Giải thưởng Hội Văn học Nghệ thuật các Dân tộc Thiểu số Việt Nam, sau đó là Chòm ba nhà (2009).
Cũng không nên quên một nhà phê bình như Hoàng Quảng Uyên (1950, Nùng, Cao Bằng) hay nhà thơ như Y Phương (1948, Tày, Cao Bằng) đã kịp cho ra đời các tập tản văn thể hiện được các nét độc đáo mang tính vùng miền, rất đáng đọc.
Cùng với những nỗ lực cách tân thơ ca qua các tên tuổi như Y Phương, Lò Ngân Sủn, Mai Liễu, Dương Thuấn,… văn xuôi các dân tộc thiểu số phía Bắc đã có chuyển biến lớn từ lối viết cổ truyền sang lối viết vận dụng nhiều yếu tố hiện đại, từ kể sang tả, từ khái quát bề mặt sang phân tích tâm lí chiều sâu, đa dạng và đa diện hơn.
– Khác hẳn sự phát triển văn học của các dân tộc thiểu số ở phía Bắc, thể loại nổi trội nhất của các nhà văn sống ở Tây Nguyên và Nam Trung Bộ, chính là văn xuôi.
Khởi đầu với Y Điêng (1928, Êđê, Phú Yên) với các tập truyện ngắn và kí: Đrai Hlinh đi về phía sáng (1985), Lửa trong tay chúng tôi (2005), Sông Hinh con sông quê hương (2005)… Truyện dài: Ba anh em (1996), Chuyện bên bờ sông Hinh (2001); qua Kim Nhất (1945, Bana, Đăk Lăk) đi suốt hơn mươi tác phẩm từ tập truyện ngắn đầu tay Mụ Xoại (1994) cho đến tiểu thuyết Luật của rừng (2008), cũng là văn xuôi. Rồi Linh Nga Niêkđam (1948, Êđê, Đăk Lăk) sau khi làm nhiều “nhà” đã trở lại với văn chương, cũng viết văn xuôi nốt. Từ tập truyện ngắn: Con rắn màu xanh da trời (1997), Gió đỏ (2004) cho đến tập bút kí: Trăng Xí Thoại (1998), Đi tìm hồn chiêng (2003).
Văn xuôi ở khu vực này vẫn nằm trong dòng chảy chung của trào lưu hiện thực xã hội. Truyện ngắn hay tiểu thuyết như thể một thứ bút kí hay ghi chép nâng cấp, từ chuyện thực trong đời thực được nhà văn hư cấu thêm, sắp xếp có lớp lang để thành truyện. Câu chuyện dài với nhiều nhân vật thì thành truyện dài, dung lượng ít hơn thì là truyện ngắn. Thế thôi! Cho nên có cảm giác chung là đọc bút kí hay ghi chép của Y Điêng hay Linh Nga thì thích hơn các truyện dài/ ngắn của họ.
Thế hệ mới, Niê Thanh Mai (1980, Êđê, Đăk Lăk) xuất hiện qua ba tập truyện ngắn: Suối của rừng (2005), Về bên kia núi (2007), Ngày mai sáng rỡ ( 2010) dù có đôi nét hiện đại đề cập đến cuộc sống hiện đại với tâm thế của con người hiện đại, cũng không nằm ngoài dòng chảy đó. Tác giả mãi mãi cứ sắm vai tác giả – thượng đế: nghe và thấy tất cả, hiểu tất cả, nói tất cả. Rất ít có nhân vật xưng tôi ở đó, nghĩa là đầy chủ quan và thiếu khuyết như một tác phẩm nghệ thuật hiện đại đòi hỏi.
“Tất cả” đây cũng chưa khai lộ được các tầng sâu văn hóa vùng miền với những nét đẹp từng được nhiều nhà nghiên cứu Tây phương cho là huyền bí đầy lôi cuốn của Tây Nguyên(2); cũng chưa phơi bày được hiện thực cuộc sống với những đảo lộn gần như toàn triệt của không gian văn hóa, môi trường tự nhiên hay đời sống tinh thần dẫn tới bao mất mát, thất thố, bất lực đang lồ lồ hằng ngày, trước mặt và xung quanh.
– Các tác giả Chăm thì khác. Từ Trầm Ngọc Lan (1955, Ninh Thuận) cho đến Jalau Anưk (1975, Ninh Thuận), dù chưa in tập, cũng đã khác. Dù sao, hai tác giả này vẫn còn bám “truyền thống”, chưa có được lối thử nghiệm mới nào đáng kể. Sang đến Trà Vigia (1957, Ninh Thuận), văn xuôi của tác giả Chăm mới tìm được giọng đặc thù vùng miền. Qua tập truyện ngắn Chăm H’ri (2008), Trà Vigia kể lại câu chuyện Chăm theo kiểu của mình. Chuyện hiện tại. Đó là câu chuyện thường ngày mắt thấy tai nghe nhưng được anh liên tưởng đến tầng sâu văn hóa – lịch sử về vài hiện tượng trong đời sống tinh thần và tâm linh Chăm, được kể theo bút pháp khá cổ điển, đan xen hiện thực và huyền thoại, thực tế và tưởng tượng. Chuyển từ thể loại thơ, nghiên cứu và phê bình sang tiểu thuyết, Inrasara cho ra đời hai cuốn tiểu thuyết dày dặn: Chân dung Cát (2006) và Hàng mã kí ức (2011). Inrasara đã thử kể câu chuyện khác về Chăm, ở đó ngoài thông tin về văn hóa xã hội Chăm, giọng khôi hài, giễu nhại nổi trội.
Riêng dân tộc Hoa, Lý Lan gần như là hiện tượng duy nhất. Một hiện tượng khá lạ là, ở miền Tây, cộng đồng dân tộc Khmer chưa bật lên một cây bút văn xuôi nào. Tại sao? Đó là một điều cần lí giải.
3. Nghệ thuật và mĩ thuật
Một khuôn mặt văn nghệ lớn được đánh giá qua sự bao quát rộng và sâu về lĩnh vực mình hoạt động: sáng tác, nghiên cứu và [có khả tính] phê bình. Khi bạn là nghệ sĩ dân tộc thiểu số, đòi hỏi này càng cấp thiết hơn bao giờ. Tại sao? Bởi trong thế giới mở, cộng đồng đang trông chờ vào bạn, vừa có kiến thức về văn hóa dân tộc để giới thiệu văn học nghệ thuật của dân tộc mình với thế giới bên ngoài, vừa nỗ lực sáng tạo để không bị tụt hậu trào lưu văn học nghệ thuật đương đại, muốn thế bạn cần theo dõi sát sao sự tiến triển của văn học nghệ thuật thế giới.
Các nghệ sĩ dân tộc thiểu số đã làm được một nửa đòi hỏi đó chưa? Câu trả lời thành thật nhất là, chưa.
a. Ca – múa – nhạc
Ngoài một vài dân tộc thiểu số mà lực lượng hoạt động văn nghệ còn thiếu và yếu, hầu như mỗi tỉnh có cộng đồng dân tộc thiểu số sinh sống đều có đoàn ca – múa – nhạc dân gian, hoặc là một bộ phận của Đoàn nghệ thuật của tỉnh, hoặc được thành lập đoàn riêng. Nhiều Đoàn đã biết khai thác vốn văn hóa dân tộc mình, cải biên hay nâng cao để phục vụ phong trào thưởng thức văn nghệ cho cộng đồng trong khu vực và phần nào đó, cho người thưởng ngoạn cả nước. Từ “phong trào quần chúng” này, không ít cá nhân hay tập thể của Đoàn đạt thành tích nhất định, nhận được huy chương khu vực hay trung ương. Thế nhưng nếu nhìn gần, tất cả vẫn chưa được đẩy đến một tầm cao hơn.
Đạt tầm vóc “quốc gia” như Y Moan hay Siu Blak thì chỉ mới là ca sĩ thuần túy, chứ chưa kiêm luôn nhạc sĩ sáng tác, đó là chưa đề cập đến việc họ còn chưa làm ra công trình âm nhạc dân tộc Êđê hay Bana của mình đến với nhân loại. Tầm như Đinh Tiến Bình (1950, Tày, Cao Bằng), Dương Toàn Thiên (1953, Tày, Cao Bằng), Amư Nhân (1952, Chăm, Ninh Thuận), A Đủh (1954, Tơngao, Kon Tum), Sơn Lương (1959, Khmer, Sóc Trăng), Rơ Chăm Phiang (1960, Gia Rai, Gia Lai), Krajan Dick (1962, K’ho, Lâm Đồng), Vi Hoa (1965, Thái, Sơn La), Điểu Được (1966, Chơro, Đồng Nai), Đàng Năng Đức (1968, Chăm, Ninh Thuận)… thì khá đông, đa phần vừa sáng tác vừa biểu diễn, nhưng thật sự chưa thể “đỉnh”.
Có thể nói, không có ngành nghệ thuật nào thiếu vắng khuôn mặt người dân tộc thiểu số.
Sân Khấu có Thạch Sết (1952, Khmer, Cần Thơ), điện ảnh có Lò Minh (1943, Thái, Điện Biên Phủ), Vi Hòa (1955, Tày, Cao Bằng), nhiếp ảnh: Mã Thế Anh (1966, Nùng, Lạng Sơn), múa: Điêu Thúy Hoàn (1958, Thái, Sơn La),…
b. Mĩ thuật
Bên mĩ thuật cũng nằm trong tình trạng “chuyên ngành” như thế. Tất cả các họa sĩ hay điêu khắc gia dân tộc thiểu số đều tập trung vào nặn tượng, vẽ tranh… chứ chưa ai có khả năng làm nghiên cứu hay phê bình. Có thể kể các khuôn mặt tiêu biểu: Hà Cắm Dì (1943, Nùng, Lạng Sơn), Mai San (1947, Giáy, Lào Cai), Trương Hán Minh (1951, Hoa, TP Hồ Chí Minh), Vi Quốc Hiệp (1943, Tày, Lạng Sơn), Đàng Năng Thọ (1954, Chăm, Ninh Thuận), Vi Kiến Thành (1963, Nùng, Cao Bằng), Trương Tiến Lợi (1956, Tày, Cao Bằng), Đàm Sơn (1957, Nùng, Lạng Sơn), Ngân Chài (1958, Thái, Nghệ An), Nông Quốc Hiệp (1960, Tày, Quảng Ninh), Chế Kim Trung (1971, Chăm, Ninh Thuận), Trương Văn Linh (1974, Tày, Cao Bằng), Lim Khim Katy (1978, Khmer, An Giang), …
III. Tình hình lí luận – phê bình
Sáng tác phát triển, kéo theo lí luận phê bình phát triển. Nhưng lạ là, cùng với tình hình lí luận phê bình của cả nước, ở mảng này các khuôn mặt dân tộc thiểu số Việt Nam lộ rõ hơn sự mỏng và yếu của mình. Đến nỗi như là không có.
1. Về văn học, thời kì đầu, nhà thơ Nông Quốc Chấn như là lá cờ đầu, giới thiệu các khuôn mặt văn nghệ dân tộc thiểu số, bên cạnh nêu bật nét đặc sắc của các sáng tác của tác giả là người dân tộc thiểu số. Nông Quốc Chấn là nhà thơ, ông viết có tính cách ghi nhận đóng góp khiêm tốn của sáng tác dân tộc vào nền văn học đa dân tộc Việt Nam. Các bài viết được tập hợp trong Một vườn hoa nhiều hương sắc (tiểu luận, 1977).
Đến khi Lâm Tiến (1934, Nùng, Lạng Sơn), sau đó là Hoàng Văn An (1945, Tày, Lạng Sơn) xuất hiện, phê bình văn học dân tộc thiểu số mới có nét riêng. Vừa lí luận vừa phê bình, các bài viết của hai tác giả này vẫn nằm trong chân trời hệ mĩ học hiện thực xã hội chủ nghĩa. Lâm Tiến đã in: Văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại (nghiên cứu – phê bình, 1995), Về một mảng văn học dân tộc (phê bình – tiểu luận, 1999), Văn học và miền núi (phê bình – tiểu luận, 2002). Hoàng Văn An: Nét đẹp văn hóa trong thơ văn và ngôn ngữ dân tộc (3 tập – 1999, 2003, 2007).
Sau đó ít lâu, bằng sự nhiệt tình hiếm có, Phạm Quang Trung (1951, Kinh, cư trú Lâm Đồng) cũng đã đóng góp phần mình vào việc giới thiệu mảng văn học ít nhiều vẫn còn bị xem như vùng ngoại vi này. Hai tác phẩm Thổ cẩm dệt bằng thơ (phê bình, 1999) và Hồn cây sắc núi (lí luận – phê bình, 2010) là hệ quả của nỗ lực đó. Ông đi nhiều, biết nhiều nên trong các bài viết của ông luôn có đời thực của các tác giả dân tộc thiểu số.
Hoàng Quảng Uyên (1950, Nùng, Cao Bằng) với Một mình trong cõi thơ (tiểu luận, 2000) hay Dương Thuấn cũng đã có cố gắng riêng để giới thiệu các cây bút mới.
Thời gian gần đây, Inrasara đứng ở hệ mĩ học hiện đại và hậu hiện đại, đã nhìn văn học dân tộc thiểu số theo một cách thái khác: ý hướng giải trung tâm trong văn học. Nhiều bài viết về văn học dân tộc thiểu số được in trong hai tác phẩm lí luận – phê bình: Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo (2006) và Song thoại với cái mới (2008).
Ngoài ra không thể không kể đến các tuyển tập về mảng văn học này, tuyển các bài thơ – văn hay bên cạnh những bài bình đặc sắc của nhiều tác giả và nhà phê bình cả người dân tộc thiểu số lẫn người Kinh. Nhìn chung, đại đa số phê bình văn học dân tộc thiểu số vẫn còn quẩn quanh ở hệ mĩ học cũ, cảm nhận và giới thiệu nội dung là chính có điểm xuyết mất nét về đời tư như là giai thoại văn học, chứ chưa thật sự đi vào phân tích chiều sâu, bề tối để khám phá những điều ẩn tàng trong chính sáng tác phẩm.
Cuối cùng, điều dễ nhận thấy hơn cả là, đội ngũ: mỏng và yếu và đã… luống tuổi.
2. Mỏng và yếu này càng bộc lộ rõ hơn ở giới thiệu và phê bình nghệ thuật và mĩ thuật dân tộc thiểu số. Khu vực này gần như là mảnh đất còn bỏ hoang, chưa bước chân nào bén mảng tới. Như vậy, nghệ thuật và mĩ thuật dân tộc thiểu số sẽ về đâu, ngày mai? Và đâu là mảnh đất cho cây văn hóa nghệ thuật dân tộc phát triển? Trong khi Hội Văn học – Nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam còn chưa có chuyên san văn học; trong khi chỉ có mỗi dân tộc Chăm là có được đặc san Tagalau(3) do chính trí thức của dân tộc này chủ trì biên soạn?
Sài Gòn, 18-6-2012
_______________
Chú thích:
(1) Tư liệu về các nhà thơ được rút ra từ các tác phẩm sau:
– Lâm Tiến, Văn học các Dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại, NXB Văn hóa Dân tộc, H., 1995.
– Lâm Tiến, Văn học và Miền núi, NXB Văn hóa Dân tộc, H., 2002.
– Núi mọc trong mặt gương, NXB Văn hóa Dân tộc, H., 1998.
– Tuyển tập văn học Dân tộc & Miền núi I, II, III, NXB Giáo dục, H., 1999.
– Hoàng Quảng Uyên, Một mình trong cõi thơ, NXB Văn hóa Dân tộc, H., 2000.
– Lò Ngân Sủn, Thơ của các nhà thơ Dân tộc thiểu số, NXB Văn hóa Dân tộc, H., 2001.
– Lò Ngân Sủn, Vấn đề đặt ra với các nhà thơ Dân tộc thiểu số, NXB Văn hóa Dân tộc, H., 2002.
– Nhà văn Dân tộc thiểu số Việt Nam, Đời và văn, NXB Văn hóa Dân tộc, H., 2003.
(2) Về văn hóa và cuộc sống của các dân tộc Tây Nguyên, các nhà nghiên cứu và học giả Tây phương đã có những khám phá đồ sộ. Có thể kể các tác phẩm tiêu biểu đã được dịch ra tiếng Việt: Georges Condominas, Chúng tôi ăn rừng (tái bản), Trần Thị Lan Anh… dịch, NXB Thế giới, H., 2008; Henri Maitre, Rừng người Thượng, Lưu Đình Tuân dịch, NXB Tri thức, H., 2008;…
(3) Đặc san Tagalau, Tuyển tập sáng tác – sưu tầm – nghiên cứu văn hóa Chăm, do Inrasara chủ biên xuất bản số đầu tiên vào Katê 2000, đến năm 2011 đã in được 12 số.
Pingback: Tin thứ Bảy, 28-07-2012 « BA SÀM
– Tôi nhận thấy, bài thuyết trình này được nhà thơ Inrasara dày công nghiên cứu, thu thập tư liệu phong phú và tư duy rộng mở, trên tinh thần giữ gìn bản sắc và hội nhập. Tất nhiên, là thuyết trình trước lớp tập huấn, phải lệ thuộc quy định thời gian và đối tượng người nghe, nên nhiều vấn đề mới chỉ tóm tắt, đại cương, mà chưa có điều kiện đi sâu phân tích, chứng minh. Phần thơ, tác giả đi sâu hơn các phần khác.
– Tuy nhiên, nếu nhà thơ Inrasara nêu thêm sáng tác của các tác giả là người dân tộc thiểu số Việt Nam đã và đang sinh sống ở các nước trên thế giới nữa, thì bài thuyết trình sẽ sinh động và toàn diện hơn.
Vũ Xuân Tửu
Pingback: Tin thứ Bảy, 28-07-2012 | Dahanhkhach's Blog
Pingback: Anhbasam Điểm Tin thứ Bảy, 28-07-2012 | bahaidao2
Tôi hiểu anh Inrasara. văn hóa Việt Nam đa dạng nhờ đa sắc tộc, anh muốn nhấn mạnh vào chuyện đó. Tiếc là lớp này có nhiều thành phần và trình độ tiếp nhận khác nhau. Làm theo cách của anh dễ bị bắt bẻ. Giảng bài như các giáo sư thì xong rồi về là OK. Chán!
Đội ngũ nhà văn dân tộc thiểu số không có nhà phê bình đâu!
Ông Lâm Tiến thì lí luận xã hội chủ nghĩa quá cũ rồi, vả lại ông lớn tuổi rồi. Còn nhà thơ Inrasara đang nổi lên mạnh mẽ trên diễn đàn lí luận phê bình lại tập trung nhiều vào thơ đương đại Việt Nam. Cho nên tôi nói lí luận phê bình không có, chứ không nói yếu kém gì cả,.
Chúng ta chỉ còn chờ mong nhà thơ Inrasara tập trung hơn vào đội ngũ nhà văn Chăm và cắc dân tộc thiểu số khác. Khi đó văn học dân tộc thiểu số mới mong có tiếng nói trên văn đàn. Còn lại thì yếu lắm.
Mong vậy thay!