1. Tôi lại “đụng” Nguyễn Quang Thiều nữa rồi. Là điều tôi không hề muốn.
Thứ nhất tôi và Thiều bạn thơ quý trọng nhau, thứ hai tôi với anh đang chung lò Hội Nhà văn Việt Nam (anh Phó Chủ tịch Hội, tôi được thêm hai chữ sau đuôi “… đồng Thơ”), thứ ba: chuyện trao đổi về thơ là thứ trơn trượt khó nắm bắt, mà Việt Nam thì cứ lẫn lộn chuyện văn chương với nỗi đời. Nhưng tôi đã không thể thoát. Trước, về “cường quốc thơ”, nay – nghiêm trọng hơn, về sự bất công trong thế giới hợp tác xã văn chương nước nhà.
Anh bạn vong niên phone: Sara không thể không lên tiếng. Nói thế không phải mình khích bạn đâu. Đáp lại mấy nịnh bợ, vài bài phản biện vừa yếu vừa đi ra ngoài phạm vi văn học nên không thuyết phục nổi ai.
Một bạn thơ trẻ: Nhà văn miền Nam chết hết rồi sao mà câm như hến vậy? Sara xắn tay áo vào cuộc đi, chỉ trông chờ mỗi ông anh nữa thôi. Em nói thật lòng mình đó.
Người Kinh thì vậy, anh em Chăm nghĩ khác: Mắc mớ gì Sara đi dây dưa vào mấy chuyện vớ vẩn này, mất lòng với mất thì giờ vô ích.
Nhưng tánh nào tật nấy, tôi lại dây vào. Bài viết “Về hiện tượng thơ Nguyễn Quang Thiều, vài minh định” đưa lên Inrasara.com và Tienve.org cùng lúc, ngay tức thì được nhiều mạng khác dẫn link, còn tôi nhận liên tục hơn 30 phản hồi. Bao nhiêu là dũng cảm, thẳng thắn, khách quan, công tâm, thuyết phục,… tới tấp bay tới. Nhưng tôi đã không lấy gì làm hãnh diện về lời khen ngợi thiện chí đó. Buồn!
2. Sáng 9-7, bay ra Hà Nội. Đụng phải anh em Hội DTTS đang lai rai giờ trưa, anh B mời, tôi ghé ngồi. Nhạc sĩ PĐP nhắn lúc nào Sara rảnh lên phòng mình làm thủ tục nhận tiền tác quyền thơ phổ nhạc. Tiền như từ trên trời rơi xuống, tôi nói: – Sara trở về từ Ninh Bình đã nhé.
Xe đưa đi Ninh Bình. Khách sạn 4 sao. Lớp tập huấn người đông như… kiến. Tôi không dự lớp mà lang thang cô độc thành phố xa lạ. Tối 19-7, 60 anh chị em trẻ họp mặt bàn về phê bình trẻ. Lạ, ở đó mọi người gần như lạc đề. Hai phần ba thời gian dành cho việc xin – cho. Anh chị em địa phương rên rỉ khó khăn để trên đưa hướng giải quyết. Khác với ý hướng của bạn văn Ngô Hương Giang lúc rủ rê tôi nhập cuộc. May ở đó có 5, 6 nhà phê bình trẻ. Ý kiến họ mang tính chuyên môn hơn.
Đến lượt tôi được đề nghị, tôi nói: Thế hệ phê bình của tôi hay trước tôi đã nói giả và nói giả vờ quá nhiều rồi. Tôi không mong mấy nỗi đó lặp lại ở thế hệ phê bình hôm nay. Bởi chỉ khi chúng ta dám cắt bỏ nó, ta mới học tập được và từ đó, hi vọng có cái gì đó hữu ích cho phát triển văn học.
* Ở Đồng Nai.
Ở lại Hà Nội một đêm, gặp vài bạn thơ quen thân, tôi bay ngay vào Sài Gòn.
Chưa khi nào buồn hơn. Buồn sâu thẳm. Dù vấn đề Điện hạt nhân đang chiều hướng và có nhiều tín hiệu “vui”. Không kịp về quê lễ Ramưwan nữa rồi, dù đã hẹn với bà con, Trà Vigia, Phăng, Xoài, Kiều Maily… tôi lên xe bus qua Đồng Nai sớm hơn dự định. Bạn thơ Trần Ngọc Tuấn rước đi lai rai tán chuyện văn chương thế sự. Trở về với lớp tập huấn, gặp nhiều bạn bè quen và lạ, tôi vẫn rút vào lô cốt riêng tư.
Tối họp mặt nhà văn trẻ, anh chị em văn nghệ sĩ các tỉnh thành phía Nam có lẽ ít mặn mà với phê bình; rút kinh nghiệm ở Ninh Bình, tôi lãng xa. Và mọi người cũng quên tôi đi.
Nhớ, ở Ninh Bình, anh em trẻ đòi Sara tập tiểu luận phê bình mới nhất, bởi lâu nay tụi em chỉ đọc anh lai rai mấy bài lẻ trên trời. Tôi không mang theo cái gì cả, nên không có gì cho họ. Đi Đồng Nai, tôi thủ sẵn tập bản thảo Phê bình phê bình phê bình, và tự nhủ sẽ đưa cho một người nào đó theo cách ngẫu nhĩ ra hoa nhất.
Gặp Phương lần đầu, tôi đưa cho bạn bản thảo, và nhắn tin: đọc kĩ với 4 nhiệm vụ học hỏi, biên tập, góp ý và đề nghị loại bỏ thẳng thừng bài không đạt. Bạn: – Dạ.
3. Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số ở đâu? là đề tài thuyết trình của tôi tại Lớp Tập huấn Lí luận – Phê bình, Hội đồng Lí luận – Phê bình Văn học, Nghệ thuật Trung ương, Ninh Bình, 12-7-2012 & Đồng Nai, 20-7-2012
Mở
Nước Việt Nam hợp thành từ ba quốc gia cổ: Đại Việt, Champa và một phần Chân lạp (Thủy Chân Lạp), hiện nay Việt Nam có 54 dân tộc đang sinh sống cùng nền văn hóa đặc thù và phong nhiêu. Đó là tài sản quý hiếm thế giới ít nơi nào có được, một kho tàng vô giá cho văn nghệ sĩ “khai thác”.
I. Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số ở đâu?
1. Văn học Đông Nam Á là vùng trũng của văn học thế giới. Chúng ta có thể đọc Mỹ, Pháp, Đức,… có thể đọc Trung Quốc, Nhật, thậm chí Hàn Quốc. Nhưng chúng ta không đọc nhau, chúng ta xem thường nhau và xem thường chính mình.
Văn học Đông Nam Á bị cho là văn học ngoại vi của thế giới.
2. Văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam cũng bị cho là văn học ngoại vi.
Có ai trong số 250 nhà văn, nhà báo, người làm quản lí văn học nghệ thuật tại hội trường này đọc các tác giả dân tộc thiểu số? Đọc như là đọc? Có phải văn học dân tộc thiểu số không có gì đáng đọc không?
3. Toàn cầu hóa là một hiện thực diễn ra trên phạm vi toàn thế giới. Toàn cầu hóa tác động toàn diện đến nhân loại, dân tộc thiểu số vùng sâu miền xa không là ngoại lệ. Đối phó với toàn cầu hóa, có ba tâm thế rõ rệt: chối bỏ, hồ hởi chấp nhận và tiếp thu có chọn lọc.
Toàn cầu hóa & internet tiếp sức cho hậu hiện đại giải trung tâm các vấn đề văn học. Văn học dân tộc thiểu số – từ đa dân tộc/ đa vùng miền, nhiều lối viết, lối nghĩ khác nhau – cũng đã phản ứng theo đúng thể cách của nó. Và họ có thành tựu nhất định.
4. Làm thế nào tiếp cận văn học nghệ thuật dân tộc thiểu số?
* Với bạn thơ Đào Thái Sơn – Tây Ninh.
II. Khởi động một chiều hướng phê bình mới
1. 10 căn bệnh phê bình cùng với hội chứng rên rỉ & đổ thừa của nó.
Chỉ qua một thế kỉ, thế giới trải qua mươi cuộc cách mạng nghệ thuật khác nhau. Nếu ta đứng mãi ở hệ mĩ học nào đó để phê phán sáng tác thuộc hệ mĩ học khác, ta chẳng những bất công với tác phẩm kia mà còn không thể thấy được cái hay, sự đóng góp của tác giả vào tiến trình phát triển của tư tưởng và nghệ thuật loài người.
Như vậy nhà phê bình cần có thái độ “đi vào trong” với sự hiểu biết và nhạy cảm nghệ thuật cao để làm phê bình.
* Với Võ Văn Hòe và Bùi Xuân.
2. 3 hình thức Phê bình Lập biên bản: Biên bản Bàn tròn văn chương: tập thể phê bình, Phê bình lập chậm và Phê bình như là lập biên bản.
3. Thế nào là phê bình mở?
III. Kết. Tầm vóc của một nghệ sĩ dân tộc thiểu số được đánh giá trên ba yếu tố: – Hiểu biết về văn hóa dân tộc, tìm ra bản sắc của nó (bản sắc là gì?), – Sáng tác, và – Mở ra với thế giới: có khả tính phê bình.
*
Cùng đề tài, nhưng mỗi nơi hay mỗi thời điểm, tôi luôn có cách trình bày khác nhau, nội dung có khi đến 50% sự khác biệt. Ở Ninh Bình và ở Đồng Nai vừa qua cũng vậy.
Khác với hầu hết giảng viên, ở đó có vị độc thoại từ đầu đến cuối, riêng tôi luôn chọn phương thức nhiều bất trắc: trao đổi, đối thoại. Một nửa thời gian cho thuyết trình, một nửa cho đối thoại trực tiếp. Qua đó, tôi nghĩ người nghe sẽ có cơ hội tìm hiểu sâu hơn điều cần hiểu, và tôi với tư cách người nói, cũng học hỏi được nhiều hơn.
Cả hai cuộc, tôi đều nhận được phản hồi đáng mong đợi. Nhưng có lẽ do nếp văn hóa khác nhau, thính giả hai miền cũng có những phản ứng khác nhau, dù không khác biệt về sự thẳng thắn.
Ở Ninh Bình, hơn 300 học viên từ 32 tỉnh thành phía Bắc, có vẻ chưa quen cách thế này nên khá dè dặt, được cái là họ hỏi ít lạc đề hơn. Ngược lại, ở Đồng Nai, 250 học viên từ 30 tỉnh thành phía Nam, sôi nổi, cấp tập từ đó có không ít câu hỏi ra ngoài lề và lạc đề. Ví dụ:
– Có hay không có văn học dân tộc thiểu số ở Việt Nam? (nghi vấn về sự thể đương nhiên).
– Sao lại nói đất nước Việt Nam hôm nay hợp thành từ ba nước? Sách ở đâu nói nước Thủy Chân Lạp? (đặt câu hỏi đầy nghiêm trọng về một thông tin rất phụ, trong khi tôi chỉ nói lướt qua với mục đích chuyển vào ý chính).
– Tại sao không đề cập đến văn học dân gian dân tộc thiểu số? (câu hỏi ngoài đề tài).
– Có vị còn đọc sai văn bản mà hạch sách giảng viên nữa. Vân vân…
Trong khi đó, câu hỏi quan trọng nhất lại chưa được nêu lên: – Văn học dân tộc thiểu số Việt Nam phong phú như thế nào? – Chiều hướng phê bình mới là gì?
Thế là hẫng, do hết giờ! Như ở Ninh Bình, mươi câu hỏi viết ra giấy gửi lên chưa được giải đáp thì đã hết giờ… 75 phút đồng hồ cho một đề tài bao la là thực trạng sáng tác và phê bình văn học nghệ thuật dân tộc thiểu số Việt Nam đương đại, không hẫng mới lạ!
*
Tôi đã thành công hay thất bại?
Hội trường mênh mông, người nghe đủ thành phần đủ lứa tuổi từ khắp vùng miền, nghề nghiệp chữ nghĩa và địa vị xã hội khác nhau, trình độ khác nhau và nhất là chuyên môn khác nhau, nên khó cho giảng viên quán xuyến hết. Khôn hơn cả – như đa số quý thầy cô – thì phần mình cứ nói, ai muốn nghe hay không thì tùy! Tôi từ chối chọn cách khôn ngoan đó.
Năm 2008, ở Vĩnh Long, sau buổi “giảng bài”, vị chủ tịch kể lại với tôi có vài ông bảo sao Hội lại đi mời anh này về dạy cơ chứ, mình đã bảo họ rằng chính điều đó tôi mới mời anh ta. Sara nói là để cho anh chị em ta suy nghĩ chứ không phải cho hết thảy đồng ý…
Còn lần này, sau hai kì thuyết giảng, có vài vị bảo Sara thất bại, bên cạnh không ít người cho “nhà thơ Inrasara thành công lớn, hơn hẳn tất cả”! Hai ý kiến ngược, thế mới vui.
Riêng tôi, cái đáng nói hơn cả là: Tôi đã khuấy động không khí buồn ngủ monotone của lớp học, tôi đã cho học viên tiếp cận điều họ không ngờ tới, cách nhìn khác và cách giảng bài kiểu khác. Thú vị hơn cả là tôi đã tạo cơ hội cho học viên có dịp nói lên ý kiến của mình.
Nếu nói nó thất bại thì đó là… bà nội thành công!
Trưa dự tiệc tổng kết xong, tôi bắt xe về Thủ Dầu Một.
Sài Gòn, 24-7-2012
Pingback: Tin thứ Ba, 24-07-2012 « BA SÀM
Em thấy cách dạy của thầy có ích hơn, thế nhưng cách này cũng nguy hiểm cho thầy hơn. Dư luận chung của giới trẻ có xu hướng cấp tiến rất thích cách này. Nhiều thầy cô làm chúng em buồn ngủ quá. Nếu không ngủ thì họ tán chuyện khác hay làm điều gì đó. Còn thầy Inrasara thì rất hấp dẫn, thầy thường xuyên đánh thức họ dậy.
Sau đó em tin là họ còn bị mất ngủ sau khi về nhà…
Cảm ơn thầy!
Đọc và nắm được vấn đề nào đó thì cùng lắm anh chỉ là học giả hay nhà nghiên cứu. Ví như nhà nghiên cứu về phong tục, về lễ hội… Còn tư duy về điều mình đọc mới quan trọng. Nhà thơ Inrasara nhắm vào điều sau và anh đã làm được điều đó.
Anh dùng tư tưởng hậu hiện đại soi rọi vào các miền tối của văn học của người Chăm, của dân tộc thiểu số và của Việt Nam. Cho nên người ta nói anh gây ảnh hưởng lớn đến văn học hiện nay, quả không sai.
Tôi nhất trí với quan điểm này.
Pingback: Tin thứ Ba, 24-07-2012 | Dahanhkhach's Blog
“Thế hệ phê bình của tôi hay trước tôi đã nói giả và nói giả vờ quá nhiều rồi. Tôi không mong mấy nỗi đó lặp lại ở thế hệ phê bình hôm nay. Bởi chỉ khi chúng ta dám cắt bỏ nó, ta mới học tập được và từ đó, hi vọng có cái gì đó hữu ích cho phát triển văn học.”
Đoạn văn đọc để mà NHỚ. Nhớ và lặp lại.
Chú Sara luôn có người đẹp đứng cùng, sẽ sống dai lắm. Và còn sáng tác hay dài dài.
Cháu không được hân hạnh tham dự lớp này. Cháu nghe kể chú nói hấp dẫn, rất hay. Nhiều người nói học được rất, rất nhiều từ cách thuyết giảng và kiến thức truyền đạt. Nhưng có người có vẻ mặc cảm (người Chăm mà đi dạy người Kinh về lí luận phê bình, nên muốn chơi chú). Tiếc là lúc đó đã quá giờ. Nên chú đã không đáp lại thỏa đáng.
Ông Bùi Công Thuấn viết là “Inrasara không trả lời thỏa đáng” là sai. Chính ông chủ tịch Hồng Vinh sơ kết “Inrasara rất có duyên và khôn ngoan trên diễn đàn”. Tại hết giờ thôi.
Ông Thuấn bắt chước chú Inrasara lập “biên bản lập chậm” trên Phong Điệp, nhưng không đạt.
Đó là ý rêng của Thanh Van.
Hơn trăm cuộc thuyết giảng,… tôi chưa bao giờ gặp phải chuyện mặc cảm cả đâu. Nếu ở chỗ này mà để xảy ra chuyện mặc cảm thì đáng tiếc xiết bao.
Nhà phê bình Bùi Công Thuấn bảo Sara giải đáp “không thỏa đáng” là đúng đó. Vì nếu thỏa đáng, thì mất lòng chính thống (trong đó có 2 người đặt câu hỏi), cho nên tôi nói là để tránh, và chuyển qua đề tài chính. Nhạy cảm mà. Mà ở Việt Nam, cái từ NHẠY CẢM thì ai cũng hiểu nó thế nào rồi.
Thân mến
Bài viết cung cấp nhiều tư liệu vô cùng quý. Để tiếp cận bài này, nhà thơ Inrasara nói chủ yếu gợi mở là rất hay. Vì thì gian rất ít. Quá hay chớ. Văn học dân tộc thiểu số vẫn còn lép vế lắm!
Sức đọc và sức khái quát của Inrasara thật đáng nể!
Đọc 2 bài này (ý tôi nói bài về văn học dân tộc thiểu số và bài về văn học Bình Thuận) chưa thấy hết cái sức kia, bởi một người theo dõi văn học dân tộc thiểu số đều có thể làm được. Đáng nói là những gì Inrasara gợi mở trong buổi nói chuyện.
nghiên cứu về văn hóa Chăm như anh đã quá siêu rồi, vậy mà anh còn khái quát được văn học dân tộc thiểu số Việt Nam trong Nam ngoài Bắc. Chẳng những thế anh còn nắm vững và theo dõi sâu sát văn học Việt Nam trong nước lẫn hải ngoại.
sức đọc kinh khủng.
nhưng điều đáng nể hơn cả là tâm công bằng và sự bình phẩm của anh trên nền tảng kiến thức bao la đó.
cảm ơn Inrasara!