Đồng Chuông Tử: Một chuyến rong chơi ở Vĩnh Phúc

Ghi chép

1. Đọc được bài viết về Đêm nhạc Nhật kí đời tôi của Cei Chế Linh trên inrasara.com, Tuyên biết thằng anh đang “giang hồ” ở Hà Nội.

Tình cờ làm sao chú nó cũng đang làm “Chăm ba lô” dọc ngang nhiều tỉnh thành phía bắc.

Qua Sonputra, Tuyên có số phone của mình. Thế là alo, hẹn cà phê cà pháo.

Chú nó đang làm thạc sĩ Nhân học bên Mỹ. Nghỉ hè 3 tháng về thăm quê, xả stress học hành căng thẳng.

Y hẹn, sáng hôm sau, anh em đã réo nhau “dập” cả mạng điện thoại. Địa điểm có thay đổi đôi tí.

Trước chú nó định ở Hồ Gươm, vì cũng có hẹn bạn Dwon. Sau, ở ngã tư Khuất Duy Tiến và Nguyễn Trãi, cũng gần chỗ mình.

Khả Lôi đèo mình đến. Đúng lúc Tuyên và hai người bạn khác vừa tắp vào. Hà Nội đang mùa oi nóng.

Xớ rớ kiểu gì, cả bọn lại vào phải quán đang mất điện. Nóng bỏ xừ. Nhưng may thay, chỗ ngồi gần cửa sổ, thỉnh thoảng vài ngọn gió vu vơ thổi lạc vào.

Ổn định đâu đấy, mọi người bắt đầu giới thiệu tên tuổi để làm quen.

Tuyên ngồi gần một gã đàn ông trẻ tuổi, mắt mơ màng, môi hay điểm nụ cười, dáng người hơi đẫy đà.

“Đây là bạn em, tên Đỗ Trường Giang, biệt danh là Giang béo, đang làm nghiên cứu sinh sử học ở Sing, cũng mới về vài hôm thôi”, Tuyên chấm phá vài dòng về bạn mình như vậy…

 

Giang béo khẽ hóm hỉnh “nghỉ hè về thăm bố mẹ là chính, nhưng chính hơn nữa là nhớ vợ. Hai đứa mới lấy nhau được một năm mà mỗi đứa cứ bị ca khúc “mỗi người một nơi” chi phối”.

Sợ vợ buồn sinh bệnh, Giang béo chắt chiu tiền học bổng để có vé bay về an ủi vợ một năm hai lần.

Rồi Giang giới thiệu người ngồi đối diện với mình, tên Lâm, cùng quê Vĩnh Phúc, đang làm giảng viên ở Hà Nội.

Giang biết tên mình từ lâu rồi. Chú em nói “khi Tuệ Nguyên ra Hà Nội, cũng đã cà phê vài lần với nhau”.

Đến lượt mình, quay qua gã đầu đinh, râu ria vừa cạo sạch, tướng hộ pháp, mình nói “đây là Khả Lôi, thằng em kết nghĩa, hôm trước có nhắc đến trong bài Chế Linh hát ở Hà Nội”.

Tuyên và Giang béo đồng thanh à lên thành tiếng to tướng.

Giống cánh chị em phụ nữ, 5 gã đàn ông tình cờ gom lại, mặc dù vừa mới quen, nhưng đã thể hiện khả năng “tám” tuyệt vời. Chẳng cần nhiều thời gian, thế là cả bọn đâm thân nhau nhờ nhiều chuyện.

Giang béo bỗng đánh tiếng mời anh em về thăm Vĩnh Phúc, quê hương em nó. Lâm, bận dạy tiết buổi chiều. Khả Lôi kẹt chế tạo chiếc Min, chuẩn bị làm hành trình lên Tây Bắc với mình, cuối tháng 6.

Cuối cùng chỉ còn lại ba thằng, Tuyên, Giang béo và Cái Chuông Nhỏ, biệt hiệu khác của mình. Buổi cà phê vội tan. Ba đứa nhanh nhẩu xuống đường, vẫy tay đón xe đò đi Vĩnh Phúc.

2. Mặc dù chỉ cách Hà Nội hơn 70 km về hướng nam, nhưng cũng mất hơn 2 giờ đồng hồ để đến nơi cần đến. Vĩnh Phúc là tỉnh thuộc trung du và miền núi phía bắc, nằm ở vùng đỉnh của châu thổ Sông Hồng.

Tỉnh lị là thành phố trẻ Vĩnh Yên vẫn còn đang trong quá trình hoàn thiện và phát triển cơ sở vật chất, hạ tầng lẫn thượng tầng.

Vĩnh Phúc là tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống như Việt, Sán Dìu, Tày, Cao Lan,… Biển số xe là 88.

Xe dừng lại ở thành phố Vĩnh Yên hơn 14 giờ chiều. Mùa này miền bắc đang vào đợt nắng nóng. Cả bọn bơ phờ lẫn đói khát, bèn bấm bụng leo taxi nhanh nhanh kiếm chỗ cho bao tử khỏi “thất nghiệp”.

Không hiểu sao nhiều món ăn ở đây, hợp khẩu vị như chính ở quê Chăm mình đến thế. Dùng bữa xong, cả bọn tản bộ ra vỉa hè uống nước trà đợi xe buýt về huyện Lập Thạch, quê của Giang béo.

Xe buýt chạy vòng tròn quanh huyện, để nhả khách. Đến nhà Giang, xe lượn cũng gần giáp vòng. Cảnh vật làng quê ở đây rất thanh bình đặc trưng Bắc bộ.

Cánh đồng vàng rực, nhiều nơi đang vào mùa gặt. Rau quả sinh hoạt hàng ngày được trồng ven hai bên đường và xung quanh căn nhà. Nhiều dải núi lãng đãng khói trắng. Lạ thật, màu mắt nhiều cô gái Kinh đang ngồi cạnh mình trên chuyến buýt về Lập Thạch, bỗng dưng lại từa tựa màu mắt người Chăm quá chừng. Tự nhiên nhớ plei ngang hông.

Vào đến nhà, đã thấy bố Giang ngồi bóc cả thúng lạc trên chiếc giường tre. Mẹ Giang có việc đi lên xã chưa về. Chào hỏi bố Giang xong, cả bọn rúc ra vườn lung linh bóng râm. Cái giếng thơi mé vườn ôm mang trong lòng nó dòng nước mát lạnh, dường như chưng cất đợi sẵn khách phương xa về cho thỏa cơn khát.

Nhà Giang sơn màu vàng mái đỏ kiểu chùa chiền mọc trên ngọn đồi xanh rì. Đa số người dân ở các vùng quê Bắc bộ, kinh tế gia đình làm theo mô hình VAC. Nhà Giang béo cũng vậy. Nếu thèm cá thì đã sẵn ao trước mặt. Nhớ thịt gà thịt vịt, cũng sẵn gà vịt thả đồi. Rau củ tươi sạch um tùm mé nhà. Không thiếu thứ gì. Khách đến nhà cũng không cần phải lên chợ huyện xa xôi. Mô hình VAC quả là thuận tiện và ích lợi to lớn. Riêng Chăm mình, chả hiểu sao chỉ thích xách cái rổ xuống chợ, tốn kém lại ít an toàn.

Đêm xuống cả nhà quây quần bên mâm cơm, chén rượu gia đình thật ấm áp và hạnh phúc như chính nhà mình vậy.

 

3. Sớm hôm sau, dùng điểm tâm xong, ba thằng lại leo buýt đi huyện mới Sông Lô, thưởng lãm cảnh đẹp xứ núi. Giang béo khéo tếu “em đưa hai anh đến một chỗ bí mật để nhận mặt tổ tiên”. Tuyên giữ vẻ bình thản. Mình lấy làm khó hiểu, nhưng cũng một phen tò mò. Đến nơi, Giang béo gọi bằng hữu ra “diện kiến” anh em bên quán cà phê Chiều nhớ. Cô chủ quán bưng nước ra cho khách, khuôn mặt thiên thần, dáng người cao ráo, nước da trắng ngần như bông cau mé quán, khiến cánh nhìn cả bọn lâng lâng bay bổng.

Ngồi với nhau một lát thì chia tay những người mới quen. Hai thằng lẽo đẽo làm cái đuôi Giang béo. Hôm nay em nó tình nguyện làm hướng dẫn viên du lịch mà lị. Men theo một con đường dốc thoai thoải lên, cảnh tượng một ngôi chùa đang xây dở dần hiện ra. Đập vào mắt hai gã đàn ông Chăm là một cái tháp cao 11 tầng, bằng gạch nung. Chân tháp từa tựa chân tháp Chăm ở dọc miền trung đất nước. Mình lấy làm ngờ ngợ, vội huy động trí nhớ với mớ kiến thức sử học lõm bõm. Tuyên thì liên tục chụp hình ngọn tháp.

Phía trước chùa có cây thị và cây lim cổ, thân to rộng, xòe tán ra một vùng mênh mông. Dưới gốc cây là một cái bàn đá, vài cái ghế trống và ba người đang ngồi với nhau. Ba người khách vội đến chào và nhanh chóng bắt chuyện. Có một cụ già nhuộm răng đen, đội khăn mỏ quạ, miệng nhai trầu bỏm bẻm. Một sư cô mặc áo nâu sồng. Và một người phật tử đang làm công quả cho chùa.

Câu chuyện được bắt đầu khá tự nhiên. Sư cô là trụ trì chùa này từ năm 2004, đến từ Đồng Nai. Tên sư là Bửu Đạo. Hỏi về lí lịch ngọn tháp, sư cô nói “tháp này có lịch sử từ thời Lí Trần, trước đây có 13 tầng. Năm 1971 trên Bộ xuống phục dựng chỉ còn 11 tầng thôi. Trước có hai tháp, một tháp đỏ rực và một tháp xanh, giờ chỉ còn mỗi tháp đỏ nhàn nhạt này thôi. Người Nhật hay ghé vào đây. Cả người Pháp cũng vậy. Tài liệu về tháp này được Viện viễn đông bác cổ Pháp lưu giữ từ thời thuộc Pháp. Sư cô quả quyết tháp này không phải của người Việt dựng nên”.

Cụ già nhuộm răng đen, đội khăn mỏ quạ tiếp lời “thuở bà còn là thiếu nữ, có vào phụ giúp khi ở trên về tổ chức trùng tu. Người ta đào được dưới chân tháp, một cái ấm đất, tro còn nguyên. Một vòng kiềng ba chân bằng sắt. Và cả ba quả chuối bằng vàng”.

Tuyên nói hoa văn trên gạch ở đây giống với gạch ở Hoàng Thành Thăng Long quá.

Khi Giang béo giới thiệu với sư cô Bửu Đạo, đây là những người Chăm từ miền Nam ra, đi ta bà thế giới. Sư cô liền xúc động nói “thật ra tháp này được xây dựng nên từ máu và nước mắt của người Chiêm Thành, khi họ bị bắt làm tù binh”.

Ngôi chùa có tên là Vĩnh Khánh, trú xã Tam Sơn, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc.

 

 

5 thoughts on “Đồng Chuông Tử: Một chuyến rong chơi ở Vĩnh Phúc

  1. Hay lam!
    Neu post duoc hinh cua chuyen di va ngoi Chua thi con hay hon nua.
    Toi cung co doc bai Đêm nhạc Nhật kí đời tôi của Cei Chế, doc ca ba ki va deu thich. Bai viet Ki 1 vi xuc dong DCT co nhung phan qua that tha ma doi voi nhung nguoi khac, ho cho do la deu ko tot. Nhung voi toi DCT la dua that tha, thang nhu ruot ngua. Tran tro, buc xuc vi minh ko lam duoc dieu minh hua, nhu in tap tho cho nen moi viet ra cho nhe long. Cu tiep tuc lam nhung gi ma minh cam thay dung, ngay thang, va thoai mai trong long la duoc roi. Dung ban tam chuyen nho nhoi. Cu tiep tuc viet lach cho Cham minh doc. Kajap karo!

  2. Một đoạn trong bài viết có nhắc đến một chuyện hơi tế nhị, một cá nhân liên quan vừa mail cho Inrasara yêu cầu cắt bỏ.
    BBT xin miễn phép tác giả và độc giả thực hiện yêu cầu chính đáng đó.
    Thuk siam.
    BBT

  3. Ảnh hưởng của văn hóa Chăm lên văn hóa Việt, trong đó có kiển trúc Chăm lên kiến trúc Việt, là một đề tài cần được nghiên cứu kỷ lưỡng, trung thực, và khoa học. Nhưng đó chỉ là điều kiện đủ. Điều kiện cần lả phải thoát ra khỏi cách nhìn lấy Việt làm trung tâm và sự cao ngạo kệch cớ̃m trong nghiên cứu lịch sử, nhân chủng, và văn hóa. Dường như đề tài này bị làm lơ hoàn toàn trong nghiên cứu chính thống, trong giáo dục, và quảng bá kiến thớc phổ thông. Những cơ cấu chính trị ở Việt Nam thời hiện đại cho tới giờ này chị làm cho sự lãng tránh này trầm trọng thêm. Nếu đất nước là nơi mọi dân tộc sinh sống cùng chia sẽ một tương lai chung, thì vấn đề này cần được đào xới và mổ xẻ nghiêm túc. Hy vọng những anh em trong giới sử học, nhân chủng học, xã hội học, v.v… am tưởng cả văn hóa Chăm lẫn Việt sẽ soi rọi một hướng nghiên cứu mới theo hướng này. Đây có thể là những nghiên cứusẽ làm thay đổi toàn bộ nền tảng học thuệt liên quan tới phạm vi này.

Leave a Reply to Kiam Cancel reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *