* Đứa con của Đất – Photo Inrajaya.
Tự chiều sâu thẳm của tâm hồn con dân Chăm Pangdurangga, họ chưa bao giờ nghĩ họ mất nước, quốc gia hay vương quốc gì đó. Do họ không có khái niệm về quốc gia, tổ quốc hay vương quốc, như con người hôm nay hiểu.
Họ sinh ra ở đó. Xa hơn, ông bà và cha mẹ họ sinh ra và sống ở đó. Miền đất đó là của họ, thuộc về họ. Hay đúng hơn, họ thuộc về đất.
Xưa, họ đã từng nhiều lần phản kháng chống lại triều đình trung ương ở Amaravati, khi vị đại vương muốn dùng uy quyền áp đặt chính sách lạ lẫm lên vùng đất họ. Trịnh Nguyễn phân tranh, rồi khi Tây Sơn thống nhất đất nước, cả vùng miền Nam rộng lớn rơi vào quân Tây Sơn, nhưng “miền đất Pangdurangga” vẫn là của Chăm. Nghĩa là Chăm vẫn còn thuộc vùng đất của mình.
Sang thời Nguyễn, nhà Nguyễn vẫn dành cho Chăm phần đất đó để cư trú như là nhà mình. Chỉ đến Minh Mạng lên ngôi trong tham vọng thâu tóm mọi quyền lực, khi bị ép buộc quá quắt, người Chăm mới nổi dậy – như họ đã từng nổi loạn ngàn năm trước. Minh Mạng hoàn toàn không hiểu cộng đồng này: người Chăm không đòi tái lập vương quốc mà là được ở miền đất như ở nhà, và họ đã chiến đấu đến đứa con cuối cùng cho ý nghĩa đó.
Đúng! “Đứa con cuối cùng”, không mơ hồ hay trừu tượng.
Champa mất, nhưng “miền đất Pangdurangga” vẫn còn. Dù bị càn quét dã man, người Chăm quyết không bỏ đi. Họ lởn vởn đâu đó, trong rừng núi. Đến khi Thiệu Trị xuống chiếu kêu xuống, họ về lại miền đất của mình. Lúc này dân số Chăm còn vỏn ven 9.000 người!
80 năm sau, con số lên đến 90.000 người.*
Tôi nói, nếu bây giờ Ninh Thuận và Bình Thuận bị xâm lăng, người Chăm Pangdurangga không cần đến dân tộc nào khác, chính họ sẽ lại đứng lên chiến đấu đến đứa con cuối cùng, như họ từng. Không phải bảo vệ tổ quốc Việt Nam, mà là canh giữ miền đất mà họ thuộc về.
Khi họ hết thuộc về, là họ tự đánh mất Chăm tính.
______
Chú thích của Inrasara:
Đây là tư tưởng rất nền tảng của Hàm Bộ. Con người cư lưu ở miền đất như là ở nhà. Khái niệm quốc gia, tổ quốc như chúng ta hiểu hôm nay hoàn toàn xa lạ với người Chăm. Con người thuộc về đất, họ sống và chết cùng với đất.
(*) Con số năm 1997.
Mấy thập niên qua, người Chăm Pangdurangga li hương sang sống ở nhiều đất nước khác nhau, nhưng ở bề sâu thẳm tâm hồn họ, đa phần họ vẫn thuộc về miền đất đó.
Đây là tư tưởng lần đầu tiên tôi đọc thấy. KHỦNG! Siêu đẳng và đúng hơn cả đúng. Chưa có nhà nghiên cứu ngoại quốc hay người Chăm nào suy nghĩ như thế bao giờ. Tư tưởng của Hàm Bộ hay của Inrasara?
Bởi tôi có biết anh Hàm Bộ, một nông dân có học, cho dù đời sống anh có cái gì đó bí hiểm.
Ý tưởng sâu sắc vô cùng. Quả là chưa có ai suy nghĩ kiểu này cả. Đầy chất nhân văn. Con người ta tàn phá trái đất là vì không xem trái đất như nhà mình. Con người ghét bỏ quê hương, vì hi vọng tìm quê hương khác ngon cơm hơn, béo bở hơn…