Nhà thơ Inrasara bị điện hạt nhân làm “chấn động” tác phẩm

(Chủ đề Bất an Dự án Nhà máy Điện hạt nhân – Ninh Thuận)

Hiền Hòa thực hiện

Bài đã đăng một phần ở báo Sài Gòn Tiếp thị, 11 6-2012

Sau khi thông tin về tiểu thuyết “hạt nhân” vừa hoàn thành có tên Tcherfunith của Inrasara được công bố thì trên mạng đã có rất nhiều đường dẫn với nhiều bàn luận khác nhau. Để độc giả hiểu hơn về tác phẩm được thai nghén một cách gai góc này, chúng tôi tiếp tục có cuộc trò chuyện với nhà thơ – nhà nghiên cứu Inrasara.

*

Inrasara cho biết nguyên do và thời điểm hoàn thành tiểu thuyết: “Sau Hàng mã kí ức, tôi bắt tay vào lập hồ sơ ba truyện vừa để làm nên tiểu thuyết ý hướng bao quát tinh thần xã hội Chăm suốt 40 năm: “Hầm Mỹ” (1969-1975), “Bà Kâu” (1976-1985) và giai đoạn sau đó. Ý định này được nung nấu mươi năm trước. Dự án Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận, sau đó là sự cố Fukushima gợi ý cho tôi tên truyện thứ ba “Tcherfunith”. Nhưng đâu là thời gian để tập trung? Trại viết văn ở Tuy Hòa là cơ hội hiếm. Thế là tôi khởi động ngay Tcherfunith, khi vừa ổn định ăn ở. Ngỡ là truyện vừa, ai dè hứng quá nên thành tiểu thuyết lúc nào không hay.”

Bị đẩy xuống tàu

Nếu có ai đó lý luận, viết cái gì không quan trọng (ngay cả điện hạt nhân), mà viết như thế nào cho hay mới quan trọng. Anh bảo vệ tác phẩm của mình như thế nào?

– Đúng, viết cái gì không quan trọng bằng viết thế nào. Ví như thơ về tháp Chàm, bao nhiêu nhà thơ đã thử ngòi bút, vậy mà để lại cho đời có mấy bài đâu!

Tcherfunith thì khác. Nhà văn hậu hiện đại là kẻ có thể theo dõi các trào lưu triết học mới nhất trên thế giới, bên cạnh có thể đi vào làng quê vùng sâu điều tra nạn cắp gà để giúp chính quyền địa phương ổn định xã hội – tôi có viết trong một tiểu luận như thế. Nhà văn không thể không quan tâm thế giới quanh mình, với sự kiện lớn tác động toàn diện đến cộng đồng như điện hạt nhân thì càng không thể tránh. Nhà văn là kẻ bị đẩy xuống tàu, A. Camus nói. Không phải nhập cuộc, mà là bị đẩy xuống. Tôi cũng vậy. Hơn nữa, tôi là nhà văn người Chăm, từ khi dấn thân vào thế giới chữ nghĩa, luôn đứng ở đầu sóng ngọn gió của thời cuộc cộng đồng. Với tư cách trí thức, tôi không thể không bày tỏ thái độ. Và vì còn là nhà văn, tôi cần thể hiện thái độ kia qua tác phẩm văn chương. Không thể khác.

Tại sao anh không làm thơ hay viết nghiên cứu – những thế mạnh của anh – mà lại chọn thể loại tiểu thuyết?

– Tôi đã có hai tập thơ thế sự. Một đã in: Chuyện 40 năm mới kể & 18 bài thơ tân hình thức (2006) về đời sống Chăm, và một chưa in (đã đăng website): Ở nơi ấy [thơ thời cuộc] (2011) về các sự kiện nóng trong nước và thế giới. Dẫu sao, có những vấn đề mà thơ không thể nói xuể, cần nhờ đến một thể loại khác có sức bao quát lớn hơn, chứa đựng nhiều chi tiết đặc trưng hơn. Tiểu thuyết làm được điều đó. Và tôi nghĩ, ở mức nào đó – thể loại này dễ đến với nhiều bộ phận độc giả hơn. Vả lại, tôi cũng đã in hai tiểu thuyết rồi, không quá xa lạ lắm đâu. Riêng nghiên cứu, đó là chuyện cần nhiều thời gian và công sức, đương nhiên phải làm, nhưng không thể chạy theo cảm xúc.

Trước khi in ấn và phát hành, tham vọng của anh với tác phẩm này đi đến đâu?

– Tiểu thuyết Tcherfunith được viết theo bút pháp hậu hiện đại, nên nó không ngại dung chứa các thông tin mang tính báo chí hay hàn lâm… Nhiều người nghĩ, nếu thế, viết một tiểu luận không hay hơn sao? Không sai. Nhưng Tcherfunith là tiểu thuyết. Tôi muốn kể câu chuyện về Chăm, với mọi biểu hiện của nhiều nhân vật thuộc cộng đồng nhỏ bé này về dự án tác động toàn diện đến đời sống họ, hôm nay và tương lai. Thờ ơ bàng quan hay quyết liệt, tiêu cực hay tích cực, hời hợt hay sâu sắc, kín đáo hay lộ liễu, vân vân… đều có mặt. Đó là những con người [thật, ảo và hư cấu] tôi gặp mặt và đối thoại mỗi ngày trong đời và cả trên mạng cá nhân. Qua câu chuyện, tôi muốn đánh thức cộng đồng Chăm nhìn lại mình đồng thời biết mở ra với thế giới ngoài Chăm.

Không chạy trốn hiện thực

Theo anh, các tác giả người Chăm hoặc quanh khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận có nhiều người quan tâm và viết về đề tài này không?

– Ngoài vài tùy bút mang tính phản ứng của Trà Vigia và Đồng Chuông Tử, còn tác phẩm văn chương, hầu như chưa có bất kì tác giả nào động bút. Qua mạng Inrasara.com, tôi biết rất nhiều người Chăm và cộng đồng người Kinh quan tâm đến điện hạt nhân, nhưng chưa ai xây dựng tác phẩm trên nền tảng hay xung quanh sự kiện này. Biết tôi hoàn thành tiểu thuyết vui, có người nói Inrasara bị điện hạt nhân làm “chấn động” tác phẩm, thấy cũng đúng.

Bằng kinh nghiệm nghiên cứu và phê bình, anh có thử cắt nghĩa sự lơ là này của giới cầm bút không? Phải chăng điện hạt nhân là chủ đề quá nhỏ?

– Không phải họ lơ là, mà là họ sợ hãi hiện thực. Khi hiện thực chính trị xã hội ảnh hưởng rộng lớn đến chính cuộc sống họ, họ càng tránh. Có một nghịch lý, họ có thể bù lu bù loa chúng ở ngoài quán xá hay chỗ anh chị em bằng hữu, nhưng trong tác phẩm văn học thì lớt phớt hoặc không dám đụng tới. Trốn tránh đầy sợ hãi riết rồi thành quen, làm nên thói tật khó chữa trị. Hiện thực không xong, tháp ngà cũng chẳng tới, từ đó, không ít nhà văn đẻ ra tác phẩm “chân không tới đất cật không tới trời”, là vậy.

 

 

14 thoughts on “Nhà thơ Inrasara bị điện hạt nhân làm “chấn động” tác phẩm

  1. Pingback: Tin thứ Ba, 12-06-2012 « BA SÀM

  2. Pingback: Tin thứ Ba, 12-06-2012 « BA SÀM

  3. Pingback: Điểm Tin Thứ Ba 12.06.12 « TIN TỨC HÀNG NGÀY – Online

  4. Pingback: Lượm tin ngày 12/6/2012 | Dahanhkhach's Blog

  5. Inrasara viết: “Nhưng đâu là thời gian để tập trung? Trại viết văn ở Tuy Hòa là cơ hội hiếm. Thế là tôi khởi động ngay Tcherfunith, khi vừa ổn định ăn ở. Ngỡ là truyện vừa, ai dè hứng quá nên thành tiểu thuyết lúc nào không hay.”
    Phải công nhận Inrasara rất chuyên nghiệp. Tôi thường thấy các nhà văn đi trại để gặp bạn văn tán gẫu hoặc cùng lắm là viết lẻ. Inrasara thì làm ngay tác phẩm. Nhớ lần trước đi trại Vũng tầu, anh làm ngay tập thơ nổi tiếng sau này là Lễ Tẩy trần tháng Tư.
    Có lẽ điều chủ yếu anh cần nhất là thời giờ. Có thời giờ là anh có tác phẩm. Thế mới đúng tác phong nhà văn chuyên nghiệp.
    Chúc mừng anh trước đã nhé.

  6. Pingback: Tin thứ Ba, 12-06-2012 | Dahanhkhach's Blog

  7. “Không phải họ lơ là, mà là họ sợ hãi hiện thực…”. Rất thích đoạn trả lời cuối cùng này của bác Inrasana. Đoạn chỉ có 5 câu ngắn mà thật súc tích, gần như đã phác họa đầy đủ dung mạo của giới cầm bút nước mình hiện nay. “Không ít những tác phẩm chân không tới đất cật không tới trời”… – câu nói thật là thấm thía!

    Em nghĩ “sự trốn tránh đầy sợ hãi riết rồi thành quen” này cũng dễ hiểu và phần nào cũng đáng cảm thông, bác Inrasana ạ. Giới văn nghệ sĩ thì nhạy cảm hơn người, nên họ cũng nhạy bén hơn ai hết để có thể linh cảm trước những hậu quả sẽ lãnh, thấu hiểu trước những cái giá phải trả, nếu họ dám dấn thân “lo trước cái lo của thiên hạ”. Những người sáng tác, bởi vì họ luôn muốn vươn tới những chân trời chưa ai vươn tới, nên thường thì họ lại vụng về trong cuộc sinh kế thường nhật. Nội chuyện cơm áo gạo tiền thôi cũng đủ quăng quật họ bầm giập te tua rồi. “Cơm áo không đùa với khách văn”. Thế nên ở nước ta, những tác phẩm xứng tầm thời đại thì cực hiếm, mà những ngòi bút cam tâm tự nguyện biến thành bồi bút – để kiếm miếng ăn – thì lại tràn lan!

    Vậy thì điều gì khiến một số văn nghệ sĩ dám dân thân sống trọn thiên chức của mình? Em nghĩ không phải vì cái “máu anh hùng”, mà là vì con tim, vì tình yêu, vì sự bất nhẫn trước những khổ đau của cộng đồng, của đồng loại. Albert Camus nói quá đúng: họ không dám tự nhận mình là dũng cảm nhảy xuống, “họ bị đẩy xuống tàu”! Chính vì dám nghe theo tiếng gọi của con tim để chấp nhận cuộc xô đẩy dữ dằn đó, họ làm nên những tác phẩm để đời, rúng động con tim bao người khác.

    Nếu em còn ở Việt Nam, thế nào em cũng tìm đọc ngay cuốn Tcherfunith của bác. Kính chúc bác Inrasana nhiều sức khỏe và dồi dào trí lực, để luôn có mặt trên chuyến tàu định mệnh không những của dân tộc Chăm yêu dấu của bác, mà của cả cộng đồng Việt Nam, của cả cộng đồng loài người, trong thế kỷ đầy sóng gió này.

  8. Pingback: Nhà thơ Inrasana trả lời SGTT về cuốn tiểu thuyết “hạt nhân” «

  9. Chu viet hay nhung ko thuyet phuc, chu chi nghien ve nguoi Viet ma thoi. Toi co nghe nguoi dan cham minh don chu lam phoman cho nguoi Viet phai ko vay, that la te hai chu la than tuong cua toi ma toi nghe nhung loi do lam toi that vong ve chu qua.

  10. Tôi không hiều tại sao phản hồi như Porome mà BBT lại đưa lên. Đó là cái phản hồi vô trách nhiệm và rất tầm bậy.
    Thế nào là nghiêng về người Việt? Nghiêng chỗ nào? Có chỉ ra được không?
    Ông từng xem Inrasara là thần tượng, nhưng chỉ vì NGHE NGƯỜI TA ĐỒN mà đã thất vọng, tức là ông đã hiểu thần tượng sai. Và ông nô lệ vào dư luận. Hết chỗ nói.

  11. Porome giả dạng Chăm để xuyên tạc nhà thơ Inrasara. Anh này giả vờ gọi Inrasara là thần tượng để dễ bề xuyên tạc. Tôi cho là ngu muội! Cả thế giới đều biết Inrasara là người đầu tiên trong người Chăm lên tiếng về điện hạt nhân (và nhiều chuyện khác), Porome này quá biết điều đó, nhưng tại sao anh ta lại xuyện tạc nhà thơ? Nhà thơ Inrasara không nghiêng về người Việt hay người Chăm (tôi không thấy Inrasara phân biệt như thế, có ngu mới đi phân biệt), nhà thơ phát biểu với tư cách là một trí thức, một con người. Vậy mà bảo Inrasara nghiêng theo người Việt, vậy thì các trí thức Chăm khác thì thế nào? Porome thế nào? Anh ở đâu không thấy ló mặt???

  12. Đúng là “porome vi dan cham” ngứa tay viết bậy viết bạ. Loại người này nhiều lắm, lúc nhúc, rất chán.

  13. Pingback: Chép sử Tháng 6-2012 « VIỆT SỬ KÝ

  14. Tuyệt! Thế mới đáng là anh Inrasara! Một cá nhân cực kì, một giọng văn cực kì, thêm một hướng khai phá vùng đất chưa ai đặt chân tới. Hãy để điện hạt nhân giật thêm vài cú nữa đi anh. Yêu anh.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *