Japan Ariya: Lễ hội Rija Nưgar an lành, linh ứng và tiễn năm cũ về trời nhẹ bẫng

Sau Trại truyền thống vòng tay bè bạn lần thứ 7/2012, diễn ra tại palei Palau (Hiếu Thiện, Thuận Nam, Ninh Thuận) để lại dư luận. Mọi quan tâm được đổ dồn về Lễ hội Rija Nưgar tổ chức ở huyện Cần Giờ, TP.HCM vào ngày 12-13/5 vừa qua.

Chi hội Chăm trực thuộc Hội dân tộc học TP.HCM là đơn vị hoạt động nghề nghiệp, đứng ra tổ chức lễ hội này. Chi hội hoạt động theo tinh thần tự nguyện, không lương bổng, tài chính tự túc.

Cũng giống như ở tất cả các chương trình khác mà Chi hội Chăm thực hiện, Lễ hội Rija Nưgar lần này kêu gọi sự đóng góp tượng trưng của đông đảo sinh viên Chăm và tấm lòng vàng của các mạnh thường quân.

Nhà tài trợ chính là Khu du lịch sinh thái Khánh Sơn tại Cần Giờ, thuộc tập đoàn Khánh Sơn Corp. Chương trình nhận được sự tài trợ về địa điểm, lễ vật phục vụ ẩm thực, âm thanh-ánh sáng, bảo đảm an ninh trật tự,…

Lễ hội kết hợp hình thức sinh hoạt dã ngoại cho đông đảo sinh viên, thu hút sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của chính quyền thành phố.

Địa điểm tổ chức lễ hội là huyện Cần Giờ, nằm ở phía Đông và là huyện ngoại thành xa xôi, gần Khu căn cứ cách mạng Rừng Sác.

Sinh viên được phân làm 2 nhóm để đến với nơi sẽ tổ chức lễ hội. Nhóm đi xe buýt và nhóm đi xe gắn máy.

 

Đúng 10 giờ thứ bảy ngày 12/5, hầu hết các bạn đều hội tụ về, sau một quãng đường dài hơn 60 km di chuyển.

Để đảm bảo an ninh trật tự cho chương trình được trôi chảy thuân lợi, mỗi bạn sinh viên được phát một thẻ thành viên, vì lễ hội diễn ra ở nơi dân cư có nhiều thành phần phức tạp.

Khoảng 11 giờ trưa, Jaka-cựu thành viên BCH, làm quản trò hướng dẫn các bạn sinh viên nhiều trò chơi vui nhộn, thích thú, trong sự ngạc nhiên, chú ý của những vị khách mời và cả vẻ dáo dác ở “vài nhiếp ảnh gia” đặc biệt.

Trò chơi diễn ra khoảng hơn một tiếng đồng hồ thì kết thúc. Sau đó, các bạn dùng cơm trưa, nghỉ ngơi và chuẩn bị bước vào một buổi chiều bận rộn.

Khoảng 3 giờ chiều, buổi lễ múa Rija Nưgar được sân khấu hóa, chính thức mở màn. Thạc sĩ Trương Văn Món (Sakaya) – Giảng viên Trường ĐH KHXH và NV, giới thiệu tổng quát về lễ hội Rija Nưgar. Tiếp theo là chương trình biểu diễn lễ của các bạn sinh viên Chăm.

Lễ hội Rija Nưgar là một lễ hội múa đầu năm (theo Chăm lịch), quy mô rộng khắp các xứ sở plei Chăm, và có thể ví như Tết Nguyên Đán” của các bạn người Kinh. Nhưng ngày nay, không ít nhà nghiên cứu văn hóa trong nước cũng như các bạn ngoại tộc đã nhầm lẫn lễ hội này với lễ hội Ka-tê của người Chăm.

Mục đích của lễ hội này là nhằm ôn lại và tống khứ những chuyện rủi ro, vận hạn đen đúa từ thiên nhiên, nhơ nhớp xấu xa từ yếu tố con người của năm cũ về với trời biển muôn trùng. Đồng thời, cầu nguyện và hi vọng thần linh thấu hiểu đem đến an lành, hạnh phúc và may mắn nhiều hơn nữa trong năm mới.

Buổi lễ múa được sân khấu hóa vừa xong, trời bỗng đổ một trận mưa lớn, tưới mát vẻ oi bức mấy ngày qua rực nắng của thời tiết và cũng tưới mát cả lòng người nhiều chộn rộn, lo âu.

Sự linh ứng nhanh chóng và ngay lập tức này, khiến nhiều người ngạc nhiên. Những người khác thì lấy làm lạ và khó hiểu. Có người lạ lại bảo ” chuyện ngẫu nhiên thôi mà”.

 

Sau phần múa lễ, là phần giao lưu giữa các nhà khoa học người Chăm như Phó Giáo sư-Tiến sĩ Thành Phần, Thạc sĩ Sakaya Văn Món, Tiến sĩ Phật học Thông Thanh Khánh với đông đảo sinh viên, xoay quanh chủ đề Lễ hội Rija Nưgar và Lịch sử du nhập Phật giáo vào Vương quốc Chămpa. Buổi giao lưu diễn ra sôi nổi, ý nghĩa và gợi mở nhiều ý tưởng mới làm đề tài luận văn tốt nghiệp của các bạn sinh viên cũng như ở những bậc học cao hơn sau này.

Góp phần làm tăng vẻ đẹp lãng mạn, phong phú cho không khí giao lưu, là các tiết mục đọc thơ, ca hát của Nghệ sĩ Trà Vigia và Nhà thơ Đồng Chuông Tử. Các bạn cũng thử tài khách mời bằng cách thách đố làm thơ về xứ Cần Giờ trong vòng 3 bước. Và phần nào các bạn cũng thỏa nhãn, sau phần đọc thơ ứng khẩu và trổ tài ca hát bấc đắc dĩ của Đồng thi sĩ, sau khi Nghệ sĩ Trà Vigia lặn lội đường xa từ Ninh Thuận đến tham dự, “quyết tâm” nhường lại cơ hội hiếm hoi.

Khoảng 5 giờ, kết thúc phần giao lưu. Mọi người hớn hở bước vào dùng bữa cơm chiều, sau một ngày an lành, linh ứng và nhiều bổ ích.

 

Khoảng 8 giờ tối, chương trình văn nghệ khai mạc. Đó là các tiết mục múa hát, đọc thơ cây nhà lá vườn, mà các bạn sinh viên đã khổ luyện. Khổ luyện nhất là Kiều Dung, với bài hát Haluw agha (Nguồn cội), đã bỏ ra gần 3 tháng để tập dượt.

Dẫn chương trình: Ja Vinh-MC tài năng, duyên dáng trong trang phục truyền thống của đàn ông Chăm.

Dàn nhạc: Nhóm Sáng-Lâm-Linh-Lang.

Các bài hát quen thuộc như Bhum adei, Apsara-vũ nữ Chăm, Kak tian ka anưk nau bac,…lại vang lên đầy xúc cảm Chăm của các nhạc sĩ: Đàng Năng Quạ, Amư Nhân, Tantu… nhắc nhớ các bạn sinh viên biết yêu thương cha mẹ nơi quê nhà dầm sương dãi nắng, và sẵn sàng động viên, chia sẻ khó khăn, đùm bọc nhau cùng học tập tiến bộ, trở thành những công dân có ích.

Nghệ sĩ Trà Vigia và Nhà thơ Đồng Chuông Tử tiếp tục được mời lên sân khấu đọc thơ và ca hát.

Khoảng 10 giờ 30, kết thúc chương trình văn nghệ.

Sáng ngày 13/5, bế mạc lễ hội. Tất cả các bạn lên xe buýt và xe gắn máy về lại thành phố, trong trạng thái luyến tiếc, hứa hẹn và hi vọng ở những lễ hội sau nữa sẽ lại gặp nhau ở Cần Giờ.

 

4 thoughts on “Japan Ariya: Lễ hội Rija Nưgar an lành, linh ứng và tiễn năm cũ về trời nhẹ bẫng

  1. Pingback: Sinh viên Chăm mừng năm mới Rija Nâgar tại Cần Giờ | CHAMRANAM

  2. Pingback: Sinh viên Chăm mừng năm mới Rija Nâgar 2012 tại Cần Giờ | Gilaipraung

  3. Hay lắm đó, các anh chị em Chàm chơi tốt lắm. Em cũng hoan hô.
    Nhưng em Đàng Thị Cực Khổ xin gửi lời nhắn bác Thành Phần, bác Phú Hãn, chú Văn Món và các bác các bạn làm ơn đừng quên LÒ HẠT NHÂN nhé.

  4. Pingback: Tin thứ Sáu, 18-05-2012 « BA SÀM

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *