1. Muộn
Đã muộn cho ngày sinh
mặt trời đến hơi sớm
thế kỉ đến hơi sớm, người cùng thời bỏ đi
cũng có thể thiên kỉ này, hoặc vạn kỉ sau
Đã muộn cho một cuộc tình
em vừa lên xe, anh thì đến chậm
chậm gánh hoa bà bán hoa rong chậm
hồng trên tay không héo
Vĩnh viễn muộn
nhếch môi hụt hẫng
câu thơ bâng quơ, cái nhìn chạng vạng
muộn tiếngkêucứucuốicùng
vẫytaycuốicùng sau hồi còi tàu hụ
bàn thắng muộn ở phút 91+ hết cứu vãn tình thế
Đại đội tiếp viện muộn cho chiến cuộc sắp kết thúc
một lá cờ hạ xuống, lá cờ khác vừa kéo lên
thực khách sau cùng đã rời bàn tiệc
li rượu tàn rót muộn
đứng như đưa tang một nền văn minh
Muộn cho ngày chết, có lẽ
mi tìm nhờ vuông đất nương thân
khi ngày muộn và giờ muộn
hơi thở cuối cùng không đúng hẹn.
2. Tiếng nói
Có lẽ chúng ta đã quá chậm để học nói
tiếng nói thật đầu tiên
quá chậm cho Auschwitz hay Hiroshima cho
Việt Nam, Iraq, Syria và hơn nữa
3.000.000, 300.000, 64.000 hay 1.250 mạng người không là con số
98 hay 1 cũng không chỉ là con số
chúng ta đã quá chậm cho Dreyfus cho Nadia Anjuman
cho bước đi nóng vội của lịch sử
vẫn còn chưa chuẩn bị để học nói, chắc thế
tiếng nói mạnh mẽ hơn dứt khoát hơn
chúng ta quá chậm cho bất cập Dự án Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận cho
bấp bênh thủy điện Sông Tranh cho
bất công Tiên Lãng
tính mệnh một cộng đồng một gia đình một sinh thể
chúng ta đã quá chậm cho
một tiếng nói
trên bờ đập thủy điện Sông Ba chiều hè nắng đẹp
đám nhà văn đứng tạo dáng lấy ảnh kịp cho tin buổi tối
những tấm ảnh đẹp, chắc thế
chúng ta quên năm ngoái buôn Êđê dưới kia vừa hứng trận lũ kinh hoàng
kí ức bị bỏ quên
tiếng nói bị bỏ quên
sự nín lặng kéo dài quá lâu biến chúng ta thành đám nhà văn ú ớ
trước bất an của sinh phận bên lề
bởi
chúng ta đã quá quen với sự giả để có thể nói
tiếng nói thật cuối cùng.
*
Chú thích:
Alfred Dreyfus: nạn nhân của vụ vi phạm tư pháp năm 1894, là nguyên nhân khủng hoảng chính trị nghiêm trọng ở Pháp dưới tên vụ Dreyfus (1898-1906); Auschwitz: trại tập trung lớn nhất của Đức Quốc xã dựng tại Ban Lan với số người bị giết rất lớn, đến nay vẫn chưa được biết chính xác; Nadia Anjuman: nữ thi sĩ trẻ Afghanistan bị gia đình chồng bức hại đến chết, chỉ vì tội làm thơ.
3. Chờ
Không phải làn sóng dân chủ đang tràn vào mùa Xuân Ả Rập
không phải nguy cơ xung đột ngoài Biển Đông
năm vấn nạn ở Tây Nguyên không phải
tham nhũng giáo dục kéo lùi Việt Nam không phải
nền phê bình văn học vừa xuống cấp
xâm chiếm chúng ta
không phải
thông tin mỗi giây phút làm thế giới chật chội hơn
tràn lên đè nặng lướt qua chúng ta
để
từ Nhạn Tháp lên làng Ia Bia từ Đồi Thơm xuống Bãi Xép
từ phòng văn sang restaurant qua & lại mỗi ngày
chúng ta chờ
bao giờ chiến tranh Iran Israel nổ ra không phải
bao giờ khủng hoảng nhân đạo Syria kết thúc không phải
bao giờ Cham Ninh Thuận bị lùa đi
không phải
chúng ta chờ
không gì cả
gió Vũng Rô vừa lạc qua cánh cửa khép hờ
ngọn gió đầu tiên
không gì cả tôi chờ
không phải nửa tứ thơ lạ không phải một cuốn sách mới
tin nhắn của Kamay không phải
điện thoại Hani gọi từ Sài Gòn không phải
tiếng gõ cửa của bạn văn
không gì cả một điều gì đó sẽ xảy ra
đây hay kia
không phải tư tưởng
không phải kinh tế không phải chính trị
không phải cá nhân hay tập thể lớn hay bé hi vọng hay tuyệt vọng
không phải quốc gia hay quốc tế không phải trái đất sắp nổ tung không phải
chờ không gì cả
một điều gì đó như một kết cục sắp xảy ra
có lẽ.
Bài thơ tuyệt hay, bạn tôi ơi! Nhà thơ lớn là vậy, mỗi công bố tác phẩm là một làm lay động lòng người:
…
vẫn còn chưa chuẩn bị để học nói, chắc thế
tiếng nói mạnh mẽ hơn dứt khoát hơn
chúng ta quá chậm cho bất cập Dự án Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận cho
bấp bênh thủy điện Sông Tranh cho
bất công Tiên Lãng
tính mệnh một cộng đồng một gia đình một sinh thể
chúng ta đã quá chậm cho
một tiếng nói
Pingback: Tin Chủ Nhật, 13-05-2012 « BA SÀM
“Không phải …
không phải …
… không phải
tham nhũng giáo dục kéo lùi Việt Nam không phải
nền phê bình văn học vừa xuống cấp
xâm chiếm chúng ta
không phải”
không phải nhưng thực ra là…phải.
Bài thơ anh viết ở Đồi Thơm đúng không, tứ thơ rất ám ảnh, chờ…nhưng “không gì cả”.
Chúc anh vui, S
Chỉ có nhà thơ Inrasara mới có lối ví lạ và độc đáo như thế này:
“thực khách sau cùng đã rời bàn tiệc
li rượu tàn rót muộn
đứng như đưa tang một nền văn minh”
Tôi nhớ có một lối ví kiểu như vầy trong tập Lễ tẩy trần tháng tư:
“anh đứng
kiêu hãnh và cô độc như một kì quan”
Lối ví von có một không hai!
Nguyễn Anh Thy hay bình luận về thơ nhà thơ Inrasara, có lẽ bạn đọc nhiều, bạn bình cũng hay nhưng tôi đọc thấy câu này viết như sau:
Chỉ có anh đứng khóc
dũng cảm và cô độc một kì quan
Không như bạn đã viết. ‘”dũng cảm’ chứ không phải “kiêu hãnh”. Thứ hai là không có chữ “như”. Chứ “như” được hiểu ngầm.
chúc Inrasara.com một tuần nhiều niềm vui
Pingback: Lượm tin tức | Dahanhkhach's Blog