Văn chương & Tư tưởng III-132

Vào buổi bình minh của thời Cận đại (thế kỷ 16-18), có hai nhà tư tưởng lớn người Pháp chủ trương hai con đường khác nhau và đều gây ảnh hưởng sâu đậm đến ngày nay. Một ông là Michel de Montaigne. Với ông, con đường có mục đích tự thân; đi để mà đi, thế thôi. Ông viết: “Nếu tôi lỡ bỏ qua một cảnh đẹp đáng nhìn? Thì tôi cứ quay lại, đàng nào cũng nằm trên con đường đi của tôi thôi mà! Tôi chẳng việc gì phải bám vào một con đường có sẵn, dù đó là đường thẳng hay đường cong”. Ông không chờ đợi một sự “tiến bộ” theo đường thẳng, nếu phải vì thế mà bỏ qua bao cỏ lạ hoa thơm. Tác giả của bộ Essais (1580) nổi tiếng chấp nhận và thích thú với đường vòng.

Ông kia, René Descartes, thì lại rất ghét những ai “không bao giờ biết giữ vững một con đường để đi thẳng đến đích”. Tác giả cũng lừng danh không kém của Discours de la Methode / Luận văn về Phương pháp (1637) chủ trương: nếu bị lạc trong rừng rậm thì phải chọn một con đường – bất kể theo hướng nào – rồi cương quyết đi thẳng cho tới khi thấy ánh sáng. Ông tin vào “phương pháp” có giá trị siêu-thời gian, siêu-kinh nghiệm, hay nói ngắn, ông không thích đường vòng. Với Descartes, “rừng rậm” là hình ảnh của cái xa lạ, nguy hiểm, thù địch; còn sự “vững chắc của nhận thức” là kết quả của việc loại trừ hết những thứ đó, nhờ vào “Phương pháp”. Không lạ gì khi quyển Essais có tính đối thoại, “biện chứng” (dialogic), còn quyển Discours có tính chặt chẽ, quy luật (nomologic). Một bên chuộng việc “lý giải” những cái mới mẻ, bất ngờ, bên kia yên tâm “áp dụng” thành tựu có sẵn của phương pháp. Một bên quan tâm đến nhu cầu định hướng của con người cụ thể, bên kia sẵn sàng chấp nhận sự “cào bằng”, hy sinh hiện hữu cá biệt cho tri thức có phương pháp.

Bùi Văn Nam Sơn, báo Sài Gòn tiếp thị

 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *