Inrasara: Trịnh Công Lộc, 40 năm thơ tóc trắng ngang trời

Nhân bài thơ “Mộ gió” của Trịnh Công Lộc đoạt Giải nhì cuộc thi thơ “Đây biển Việt Nam”, Inrasara đọc lại tập thơ Đọc Cánh buồm nâu của anh do NXB Hội Nhà văn in năm 2011.

*

“Cánh buồm nâu” là tên bài thơ được Trịnh Công Lộc chọn đặt tên cho tập thơ. Bài thơ viết vào mùa Thu năm 1973, nghĩa là gần nửa đời người, khi nó hân hạnh có mặt trong tập thơ đầu tay của tác giả. Thời gian đó, thời cuộc đất nước và thời cuộc thơ Việt trải qua nhiều chuyển động và thay đổi. Thơ Việt từ Nam ra Bắc, từ trong nước đến hải ngoại đã khác nhiều. Khác về cách nghĩ, cách viết và cả cách thưởng thức.

Chim gáy mùa thu bay buổi sáng

Sông xanh đậm buổi chiều

 

Bài thơ thời tuổi trẻ báo hiệu con đường thơ của Trịnh Công Lộc: Chầm chậm, trầm lặng nhưng không thiếu nội lực. Cho nên, sự chuyển động thơ Việt giai đoạn qua với Trịnh Công Lộc, không là một trở lực nào bất kì đối với trải nghiệm đời và cảm thức thơ của anh. Có khi chính nhờ và qua khoảng kì gian “bất động” ấy, hơi thơ của anh đã được dưỡng nuôi, nhân lên, trào ra và lắng lại.

 

Với một nhà thơ không ý hướng theo đuổi cách tân đương đại (như phong trào thơ tân hình thức hay hậu hiện đại đang thể nghiệm) , thì một ngàn năm hay sát-na “buổi sáng – buổi chiều” không là gì cả. Thời gian muôn đời vẫn là một ám ảnh với thi sĩ. Trịnh Công Lộc không là ngoại lệ. “Quê hương tôi nghìn năm”, “Sông Hồng nghìn năm tuổi”, Người Hà Nội trăm tuổi” “câu hỏi ngàn năm” trải dài cho đến “vẫn có một ngày”… tưởng hồn thơ anh đã cỗi đi, nhưng không – bao giờ sức thanh xuân vẫn còn đó nung nấu hơi thơ anh, cho “cơn mưa mười tám tuổi”, “sông Hàn vẫn mười tám” sẵn sàng trỗi dậy.

Thơ, dù trải qua mấy bụi lầm, dù thay đổi thiên hình vạn trạng, nó vẫn “cũ như giấc mộng và mới như cái hiện tiền” (Trúc Thiên), cho nên ám ảnh của thời gian về cách tân [thời thượng – nếu có thể nói như thế] là không có, nơi Trịnh Công Lộc. Và có lẽ, không cần thiết. Ám ảnh của thời gian với anh, là ám ảnh về thay đổi tình đời và lòng người.

Người đứng đây…

Người đến đây…

Người ở đây…

 

Người sẽ cảm gì? nghĩ gì? ứng xử như thế nào? – khi đối diện với một sinh linh quen mà lạ qua bao dâu bể của cuộc thế, của hồn người:

Có thể là tôi

người về phía cuối cùng

Kết cục là không, như bao nhiêu người khác

Không danh giá và cũng  không tiền bạc

 

Đó mới là câu hỏi cốt tủy mà người thơ như Trịnh Công Lộc đặt ra cho chính mình. Trả lời thấu đáo câu hỏi đó, thơ sẽ chầm chậm hé nhụy và khai hoa – từ đó, nó biết tự làm mới mình. Không hối thúc, không vội vã. Như Rilke:

“Hãy chờ đợi một cách khiêm tốn và kiên nhẫn,… Một năm có kể gì: mười năm không là gì cả, khi mình là nghệ sĩ thì có nghĩa là không tính toán, không kể số, khi mình là nghệ sĩ thì có nghĩa là nẩy nở như một cây lá không hề bức thúc nhựa cây, đứng vững lại một cách tín thành trong tất cả những ngọn gió lớn của mùa xuân, không hề sợ hãi nao núng rằng mùa hạ không trở lại nữa. Mùa hạ nhất định sẽ đến. Nhưng mùa hạ chỉ đến cho những kẻ biết chờ đợi, chờ đợi một cách trầm lặng và cởi mở như là mình đã có cả vĩnh cửu trước mắt mình.”

 

Ẩn mình trong bóng tối vô danh, chờ đợi trong kiên nhẫn tín thành – từ bài thơ đầu tiên ra đời vào đầu những năm bảy mươi của thế kỉ trước cho đến tập thơ đầu tay xuất bản vào đầu thập niên thứ hai của thế kỉ này – bốn mươi năm nước chảy qua cầu với bao biến động và chuyển đổi, cuối cùng, mùa hạ thơ đã đến với anh. Không ồn ào chiêng trống rập rình. Vẫn giọng khiêm cung, nhưng thơ Trịnh Công Lộc đã đĩnh đạc và chín đầy:

Nhưng dù sao, vẫn là phía cuối cùng

Chầm chậm đến – bớt ồn ào, inh ỏi

Nho nhỏ thôi, để dễ đi, dễ nói

Để mọi người

dễ nhớ

dễ gần nhau.

 

“Khi tâm ta đang có Phật” thì tình tự nhiên sinh; khi hồn ta đang có thơ thì tự nhiên thơ tới, không mời gọi, không thúc bách, không cần một dụng công hay gắng sức nào bất kì. Thơ không tại sao, mà bởi vì. Thơ như “hoa hông nở bởi vì hoa hồng nở”. Thơ như thở:

Mây, gió chen chân, mưa chậm bước

Ngọa Vân tóc đã trắng ngang trời

Người định trước hay trời định rước

Mà lên tận đỉnh khỏa mây trôi…

 

Như Ngọa Vân làm một với mây trời, ta cũng làm một với thơ. Đủng đỉnh đầy cổ điển, mà thơ đã nói được rất nhiều.

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *