Vừa qua, về bài giới thiệu của tôi cho tác phẩm Có 500 năm như thế của Hồ Trung Tú, và cách hành xử của tôi về vấn đề liên quan, cộng đồng Chăm có nhiều phản hồi khác nhau. Cuối cùng tôi có bài viết : “Quan điểm của Inrasara 08. Tổng kết 4 sự cố văn hóa Chăm & ứng xử cuộc người”. Trong đó có đoạn mở đầu, xin trích lại:
Trước một sự thể ta cho là “sai lầm”, có mấy cách phản ứng sau:
– Kết án, quy chụp và tìm mọi cách đánh gục đối phương, không cho đối phương một nửa đường trở về để có thể gọi là cải tà quy chánh. Đó là lối hành xử của kẻ có xu hướng chính trị.
– Quyết liệt tranh đấu cho cái ta cho là “đúng”, dù quyết liệt đó gây tổn thương cho đối tượng. Nhà khoa học cực đoan hay chọn lối này.
– Nhà minh triết thì khác: Không chạy trốn vấn đề mà điềm tĩnh tìm cách minh giải để có thể hóa giải vấn đề và hòa giải nỗi người. Từ đó mở lối cho đối tượng phục thiện trong chân trời của sự bao dung.
4 sự cố văn hóa xảy ra trên web Inrasara.com cùng các phản ứng và tương tác nhiều chiều của bà con Chăm và độc giả thời gian qua nói lên đủ đầy cách ứng xử 3 chiều đó.
Hai người bạn thân của tôi, thân và quý mến nhau, bên cạnh là đầy hiểu biết nữa, nhưng có hai phản ứng khác biệt. Một: khá giận, bởi anh Inrasara đồng lõa với ông Tú, có ý đồ cướp di sản Chăm; một: Bồ đã ứng xử rất thông minh, đầy trí thức và hiệu quả.
Tôi xin miễn bình luận về 2 ý kiến trên (bởi có thể một trong hai sai lầm, hoặc sai lầm cả hai), mà chỉ xin kể ngụ ngôn trong Phúc Âm.
Chuyện “Ngày trở về của đứa con hoang”, Phúc Âm kể chuyện nông dân nọ có hai đứa con trai. Đứa em sau khi được cha chia gia tài, đã đi hoang phung phí. Đến khi trắng tay, ân hận, hắn trở về quê nhà.
Phúc Âm viết:
Từ xa, người cha đã trông thấy chàng. Bối rối vì cảm động, ông chạy ra đón con, ôm chầm lấy cổ con và hôn con luôn mãi. Người con mở đầu: “Thưa cha, con thực đắc tội với Trời, với cha, con không đáng gọi là con của cha nữa.” Song người cha đã kêu bảo tôi tớ: Hãy mau mau đem áo của con ta ra bận cho nó; hãy lấy nhẫn đeo vào tay nó, lấy dép xỏ vào chân nó. Hãy đem một con dê béo ra làm thịt đi! Phải làm một bữa tiệc thật linh đình! Vì con ta đây đã chết, nay lại sống lại, đã lạc nay lại tìm thấy…” Bữa tiệc khoản đãi liền nay lúc ấy…
Bây giờ người con lớn đang ở ngoài đồng. Khi trở về gần tới nhà, người ấy nghe thấy tiếng đàn hát liền gọi một tên đầy tớ lại hỏi cho biết có việc gì. “Em cậu đã trở về rồi! Ông sai mổ bê béo (ăn mừng) vì thấy cậu vẫn được mạnh giỏi!” Người con lớn tức, giận, không chịu vào nhà. Bấy giờ người cha vội ra năn nỉ con. Đứa con ấy nói: “Con vất vả làm việc với cha từ bao nhiêu năm! Không bao giờ con không vâng giữ lời cha. Thế mà chẳng bao giờ cha cho con một con dê nhỏ để đãi bạn bè. Còn đối với đứa con đã xài phí hết cơ nghiệp cho điếm, thì cha đã vội giết bê béo để ăn mừng, khi nó vừa thoạt trở về!”; người cha liền đáp; “Con ơi! Con ở với cha luôn luôn từ trước đến nay. Những gì của cha đều thuộc của con. Nhưng phải làm tiệc ăn mừng vì em con đã chết nay lại sống lại, đã lạc nay lại tìm thấy!” (bản dịch của H. M. T)
Người cha, hiểu đời và hiểu người, nên đã hành xử đầy tình yêu thương và khôn ngoan.
Hãy vui chơi đi bây.
Đứa con ta đã mất và ta đã tìm lại được.
Đứa con ta đã đi hoang và đã trở về nhà.
Đứa con ta đã mù và bây giờ đây được thấy lại.
(Augusto Frederico Schmidt, Phạm Công Thiện dịch).
Lỗi lầm là thuộc tính của con người Lỗi lầm lớn hay nhỏ, mang tính chất cá nhân hay tập thể,… Với sinh thể mang tên Chăm thì càng. Bởi qua hai trăm năm li tán tha hương, người Chăm tạm dung nhiều đất nước khác nhau, sống lẫn với dân tộc khác trên thế giới. Họ không còn dùng tiếng mẹ đẻ, họ lai giống, họ nhớ mang máng hay đã quên hẳn nguồn cội, thậm chí họ chối mình là Chăm khi bị nhận diện. Do phiến diện về hiểu biết hay do yếu đuối, do chuyện áo cơm hay để giữ mạng sống, hoặc bởi nhiều nguyên do khác nữa – họ phát ngôn sai lầm, viết sai lầm, hành động sai lầm.
Như “đứa con đi hoang” trên kia.
Người cha “cần” nhớ nhung hắn, ngày đêm – nhớ nhung nhiều hơn mấy đứa con ngoan ngoãn ở lại quê nhà. Như kẻ chăn chiên sẵn sàng gửi cả bầy chiên còn lại, để lên đường tìm một con chiên đi lạc. Rồi khi tìm được, hay khi con chiên đi lạc kia trở về, nếu người cha phê phán hay chửi bới hắn, hất hủi hay quay lưng lại với hắn, hắn sẽ đi đâu? Hắn sẽ bỏ đi lang thang vô định. Và người cha cũng mất luôn đứa con yêu. Vĩnh viễn.
Con dân Chăm – khi quê hương tan rã – đã bỏ cố quận mà đi, hay ở lại. Họ sống ẩn danh giữa cộng đồng nhân loại xa lạ nhưng vẫn âm thầm nhận mình là Chăm; hay cá nhân nào đó có ít tài năng khiến thế giới biết đến Chăm hơn. Họ đúng, nhưng lắm lúc cũng phạm sai lầm.
Ông Lưu Quang Sang, ông Nguyễn Văn Tỷ hay bà Phú Thị Mận… có thể thông minh quá mà sai lầm; anh Dohamide, anh Dharma… có thể vì yêu dân tộc say đắm quá mà thành sai lầm; tiến sĩ Thành Phần, Phú Văn Hẳn… có khi khôn khéo quá cũng sai lầm; Mã Điền Cư hay Amư Nhân cũng thế; Trà Vigia cứng quá hay Inrasara mềm quá… cũng có thể đã phạm bao sai lầm. Họ lầm lạc đầy ra. Rồi cả các bạn trẻ nữa, nhiệt tình quá cũng đã phạm khối sai lầm trong hành xử, trong chối bỏ hay kiêu hãnh về dân tộc, trong nghiên cứu, trong hôn nhân hay trong thái độ chính trị. Họ không là thánh, họ cũng không là quỷ, mà là con người – với đủ đầy hỉ nộ ai lạc.
Chăm là vậy, cả những người ngoài Chăm tự nhận mình mang dòng máu Chăm, từng có cảm tình với dân tộc Chăm hay văn hóa Chăm, từng nghiên cứu về Chăm, từng lăn xả trong cộng đồng Chăm.
Tất cả – họ sai lầm, trong phát ngôn hay viết, trong hành vi hay cách nghĩ; sai lầm với nhau hay với người ngoài, với người thân hay kẻ đối nghịch. Không thể tránh.
Phê phán hay ruồng bỏ họ ư?(*) – Họ sẽ bỏ đi, quay lưng lại với Chăm. Mãi mãi.
Vậy, theo bạn – nếu bạn tự nhận mình thông minh, bạn hành xử thế nào!?
________
(*) Về hành vi này, lời lẽ vài comment trên Chamyouth cách nay 7 năm dành cho Amư Nhân, lối phê phán quá đà (tôi không đăng) về một họa phẩm của Chế Kim Trung, hay thái độ muốn loại Chế Linh ra khỏi cộng đồng gần đây, hoặc vài năm qua – khi không ít người có học Chăm nặng lời với nhau chỉ vì một quan điểm về chuyên môn, như muốn triệt tiêu nhau,… là rất đáng tham khảo.
Họ ít nhiều đóng góp công sức cho cộng đồng, vậy mà chỉ vì sơ suất phạm một sai lầm (theo lối hiểu của ta), mà ta muốn loại bỏ họ, hất hủi họ. Hỏi ta có nhân văn không? có công bằng không? Khi ta không công bằng với người anh em ta, hỏi ta còn có thể đòi hỏi ai công bằng với ta?
Giết người đi thì ta ở với ai… – Nhất Hạnh!
Như vậy, chẳng những không giết, ta còn có thể “chiêu hồi” họ trở về với cộng đồng. Để cùng tồn tại, yêu thương và sáng tạo.
Sài Gòn, 15-1-2012
Bài này khá hay và rất thực tế. Cắt ra đoạn cuối để quý bà con Chăm mình đọc lần nữa:
“Họ ít nhiều đóng góp công sức cho cộng đồng, vậy mà chỉ vì sơ suất phạm một sai lầm (theo lối hiểu của ta), mà ta muốn loại bỏ họ, hất hủi họ. Hỏi ta có nhân văn không? có công bằng không? Khi ta không công bằng với người anh em ta, hỏi ta còn có thể đòi hỏi ai công bằng với ta?”
Về, viết và chỉ viết là ý hay đấy bác Sara ạ. Khi ta cố dấn thân vào cộng đồng chỉ cần một sai sót nhỏ thì bị phê phán và lên án dồn dập. Về với quê hương với xóm giềng thân thuộc, âm thầm lặng lẽ mà viết. Có người nói ta trốn tránh sự đời, trốn tránh dân tộc không cống hiến. Về viết và viết, cho ra những tác phẩm hay, đầy chất Chăm đó là cách cồng hiến cho dân tộc không gì tốt đẹp và cao quý hơn bác Sara ạ.
Hay qua Inra oi. Nam moi roi, chung ta ru bo tat ca hiem khich de cung nam tay nhau di toi. Cong hien cho cong dong nho be chung ta them lon manh.
Ước cho PD, MS Porome, Jathoarh… đọc được bài này.
Cách đây vài ngày,ngồi lai rai với vài người bạn ở Đà Nẵng. Thấy tôi có nước da lạ nên hỏi tôi có phải Chăm không? Sau đó anh ta kể về mình thật nhiều: rằng tổ tiên của anh ta là Chăm có ghi trong gia phả hẳn hoi. Anh ta biết nhiều về lịch sử Chăm, hăng say kể về Chăm, từng biến cố, từng cột mốc thật chính xác…
Ở đâu đó xung quanh tôi dù rất xa lạ nhưng tôi có cảm giác rất thân quen.
Họ nói tiếng Việt nhưng chắc có lẽ dòng máu Chăm đang chảy trong người họ. Có thể da họ trắng, nhưng nhìn vào đôi mắt tôi chắc rằng đó là đôi mắt Chăm. Nói như Inra rất hay. Hoặc là chúng ta đón mừng người anh em trở về, hoặc là mãi mãi mất họ.
Các nhà khoa học của chúng ta quá công thức và cứng nhắc, thiếu cả tính nhân văn nữa.
Tôi dự định ở Đà Nẵng ít nhất 3 năm nữa và cũng hy vọng sẽ gặp nhiều người bạn nhận mình là Chăm trong thời gian tới.
Tôi thích ông Inra viết thế này. Viết ngắn mà chắc, mà hay, mà độc đáo. Một ít kể chuyện, một ít lý giải, một ít ghi chú, trích dẫn một ít… mà không phải phê phán ai cả.
Ví dụ viết câu này:
“hoặc vài năm qua – khi không ít người có học Chăm nặng lời với nhau chỉ vì một quan điểm về chuyên môn, như muốn triệt tiêu nhau,… là rất đáng tham khảo”.
Viết như vậy là rất khó.
“rất đáng tham khảo”. Thường thì sau khi nêu tiêu cực ra, ng ta phê phán kịch liệt. Ông Inra chỉ viết: “rất đáng tham khảo”!
Cao cờ!
Kính bác Inra ạ.
Cháu nghe bác nói sẽ về quê viết tiểu thuyết, cháu nhất trí cả hai tay đó. Chăm mình chưa có ai kể chuyện Chăm làm hấp dẫn dân tộc khác. Ko có ai biết nhiều chuyện về dân tộc mình như bác, và viết hay như bác. Bác ko viết thì uổng lắm. Như bác nói, mất “kí ức dân tộc”.
Còn bác làm xã hội hỉ? – Bác sai 1 tích tắc thôi, mọi phê phán đổ lên bác. Cháu biết có vài nhóc tài năng ko đáng xách dép cho bác, tuổi tác thì thuộc hàng con cháu bác, vậy mà vẫn bô bô phê bác này nọ. Trong khi họ chưa làm cái gì ra hồn.
Kính chúc bác Inra năm mới sức khỏe, an khang.
Sara viết bao giờ cũng mạch lạc, khúc chiết, gây ấn tượng mạnh cho người đọc, em thích đoạn này:
– “Rồi cả các bạn trẻ nữa, nhiệt tình quá cũng đã phạm khối sai lầm trong hành xử, trong chối bỏ hay kiêu hãnh về dân tộc, trong nghiên cứu, trong hôn nhân hay trong thái độ chính trị. Họ không là thánh, họ cũng không là quỷ, mà là con người – với đủ đầy hỉ nộ ai lạc.”…
– không là Chăm nhưng đã thích Chăm và yêu Chăm…