Trước một sự thể ta cho là “sai lầm”, có mấy cách phản ứng sau:
– Kết án, quy chụp và tìm mọi cách đánh gục đối phương, không cho đối phương một nửa “đường trở về” để có thể cải tà quy chánh. Đó là lối hành xử của kẻ có xu hướng [tiểu thể] chính trị.
– Quyết liệt tranh đấu cho cái ta cho là “đúng”, dù quyết liệt đó gây tổn thương cho đối tượng. Nhà khoa học cực đoan hay chọn lối này.
– Nhà minh triết thì khác: Không chạy trốn vấn đề mà điềm tĩnh tìm cách minh giải để có thể hóa giải vấn đề và hòa giải nỗi người. Từ đó mở lối cho đối tượng phục thiện trong chân trời của sự bao dung.
4 sự cố văn hóa xảy ra trên web Inrasara.com cùng các phản ứng và tương tác của độc giả và bà con Chăm thời gian qua nói lên đủ đầy cách ứng xử 3 chiều đó.
A. Về 4 sự cố
1. Về bài “Vấn đề nghiên cứu văn hóa Chàm” của Nguyễn Thành Thống trên Sky.vn, 8-2009.
– Bài này do bạn văn gửi cho tôi qua thư điện tử. Tôi là người đầu tiên lên tiếng, qua “Tiếng nói nhà văn 10: Đính chính về…” đăng lên Inrasara.com, 31-8-2009.
– Sau đó có 4 bài chính thức “trao đổi” với NTT. Tương tác với sự cố này, có trên dưới 80 “phản hồi”. Tuyệt đại đa số bạn đọc phản bác quyết liệt tác giả và nội dung bài báo. Có vị còn đề cập đến chuyện kiện tụng nữa. Độc giả cho rằng NTT phê phán mang tính “mỉa mai”, “bôi bác”, “hạ bệ” hầu hết trí thức Chăm.
– Tôi viết “đính chính” không nhằm phê phán NTT mà là tường minh giúp anh hiểu vấn đề. Có lẽ do lời lẽ quá mềm, mà ông thầy cũ từ Mỹ email về trách tôi: “đừng quá tế nhị mà trở thành KHỜ KHẠO”. Rồi không ít bạn đọc bảo Inrasara lịch sự quá, hoàn toàn không cần thiết trong trường hợp này.
– Nhưng kết quả thế nào? – NTT biết mình sai và đã sửa lại bài viết (bài sửa này tôi chưa đọc, chỉ biết qua một bạn văn mách).
Cuối cùng tôi kết bằng bài viết ngắn “Cảm ơn Nguyễn Thành Thống (kết thúc Sự cố văn hóa Nguyễn Thành Thống): Tiếng nói nhà văn 11” đăng Inrasara.com, 17-9-2009.
NTT là anh ruột của bạn tôi. Mọi chuyện đã tốt đẹp, và sẽ tốt đẹp (cho dù anh đã “chê” tôi rất tệ).
2. Về Có 500 năm như thế của Hồ Trung Tú và “đoạn kết” cuốn sách.
Câu chuyên kéo dài qua nhiều giai đoạn.
– Tôi và HTT chưa gặp mặt hay thân quen. Tháng 5-2009, người thân HTT gửi bản thảo cho tôi và nhắn [nếu hứng] Inrasara viết giới thiệu. Tác phẩm có đoạn kết ở cuối sách (in đậm): Mỹ Sơn chính là di sản của tổ tiên ta để lại, chứ không phải là của vương quốc Chămpa đã bị diệt vong. Đó là di sản văn hóa của người Việt chứ không phải của một nền văn minh bị biến mất…”. Tôi thấy đây là công trình tốt, nên nhận giới thiệu. Thấy đoạn kết “sai” và “mâu thuẫn” (chữ tôi dùng trong thư gửi HTT, 25-4-2009), tôi đề nghị tác giả chỉnh sửa. Tác giả hứa sẽ xem lại. Tháng 2-2011, Có 500 năm như thế ra đời. “Lời giới thiệu” bị bỏ hẳn, chỉ chừa một đoạn ngắn in ở bìa 4
– Ngày 11-2-2011, tôi đăng “Lời giới thiệu” lên Inrasara.com.
– 2 tháng, có khoảng 70 “phản hồi”. Đa số cho là cuốn sách giá trị, rất đáng đọc dù đoạn kết “hỏng”, “không ổn”. 2 ý kiến kết án HTT toan “cướp” di sản dân tộc Chăm. 1 ý kiến cho là Inrasara “đồng lõa” với HTT khi ca tụng tác phẩm.
– Sau khi nhận phản hồi từ độc giả, HTT vẫn một mực cho mình đúng.
– Riêng tôi, sau bức thư riêng nêu chỗ “sai”, “mâu thuẫn” chủ yếu giúp tác giả chính sửa trước khi in; và dù HTT không “nghe”, nhưng tôi không phê phán anh mà giúp anh nhận rõ sự việc đồng thời chỉ ra cho bạn đọc thấy đó chỉ là “hỏng hóc” ở cách diễn đạt.
[Đến hôm nay mà còn bàn Mỹ Sơn là di sản của Chăm hay Việt thì không khác gì chuyện “Trâu đực đẻ con” trong truyện cổ Chăm. Ví có ai nổi hứng viết cuốn sách chứng minh làng Caklaing là của dân tộc nào đó chứ không phải Chăm, hỏi dân Caklaing có ai thèm cãi không?].
– Kết quả: rốt cùng, HTT vẫn “nghe” ra là nó “lủng củng” và hứa sẽ “chính sửa”.
Với tôi, câu kết của HTT không gì hơn một lối diễn đạt hỏng hóc hay hơn nữa – một nhận định vu vơ hoàn toàn không đáng để tâm. Điều quan trọng là giá trị của tác phẩm, và nhất là – giá trị gợi mở của nó.
3. Về chi tiết trong tác phẩm Làng Chăm ơn Bác của nữ họa sĩ Chế Kim Trung.
– Khi biết chuyện, Trà Vigia là người viết đầu tiên, qua bài: “Xây dựng và phát triển”. Tôi thấy đây là đề tài cần xem xét và bình luận, nên đưa lên Inrasara.com, 16-5-2010.
– Hơn 60 phản hồi, trong đó rất nhiều độc giả đứng tên thật góp ý xây dựng với họa sĩ. Các ý kiến rất hay, nhưng khi ý kiến phạm vào 3 điểm: khối đoàn kết dân tộc, Bác Hồ, hay cá nhân họa sĩ, tôi đều biên tập kĩ lưỡng trước khi post lên. Dẫu vậy có một số từ như “siêu nịnh bợ”, “phi văn hóa”, “bôi nhọ văn hóa dân tộc”,… dù biết nó ít nhiều làm tổn thương đối tượng, tôi vẫn giữ nguyên. Giữ nguyên vài ngôn từ tiêu biểu, để biết rằng có không ít người đã phản ứng quyết liệt.
– Tuyệt đại đa số bà con Chăm “phản cảm” về chi tiết trên. 2 ý kiến phê phán Inrasara đã chơi ép đàn em khi đăng bài Trà Vigia lên web mình. 2 ý kiến chê trách Trà Vigia rằng chuyện giữa anh em sao không gặp mặt giải quyết mà phải đưa ra công luận.
– Riêng tôi chưa nêu quan điểm của mình về họa phẩm này.
– Kết quả: qua 2 lần phone dài cho tôi, CKT vẫn cho mình đúng.
4. Về câu “Đảng đào tạo nhà văn, nhà thơ Chăm” và… trong tác phẩm của Sakaya.
– Đoạn trích từ bài trao đổi của Đồng Chuông Tử với Sakaya gửi đến Inrasara.com. Tôi từ chối đăng không phải vì nó không “hay” mà bởi không muốn day vào vòng xoáy tranh cãi vô ích. Ngay sáng hôm đó, “trao đổi” được đăng ở Tincham, 8-2011 và cuộc thảo luận bay lạc qua web Inrasara.com. Cho nên tôi mới trình bày các “quan điểm”.
– Hơn 50 “phản hồi”. 100% cho Sakaya “siêu nịnh bợ thô thiển”. 1 ý kiến cho rằng nhà văn ở xã hội này, ai cũng nịnh bợ, dù ít hay nhiều, trong đó có Inrasara. 2 ý kiến phê phán chủ trang web đã đăng các ý kiến. Từ Ninh Thuận, một bạn trẻ phone cho tôi: “Cei Sara hiền quá, sao không đánh một nhát cho hắn tắt đài luôn đi”.
– Tôi cho “ẩn” tất cả ý kiến mang tính bôi nhọ cá nhân, mấy ngôn từ dễ làm tổn hại danh dự dù bất kì là ai, từ VM (nặng nhất), NTT, CKT cho đến các độc giả viết phản hồi. Lạ, là không một ai tấn công cá nhân HTT.
– Về sự cố này, tôi không cho “siêu nịnh bợ” như nhiều người. Sau khi tìm hiểu, đối chiếu hiện tình sinh hoạt văn học Việt Nam (“Nhà văn Việt Nam & Đảng [phe, bè] phái”, Tienve.org, 25-9-2011), tôi đã truy ra nguyên nhân sâu thẳm của phát ngôn kiểu trên, không phải riêng Chăm mà cả cộng đồng dân tộc Việt Nam: đó là “lối suy nghĩ rớt lại từ thời kì tiền-Đổi mới”.
– Kết quả thế nào? – Sakaya vẫn chưa nhận mình sai.
Qua 4 sự cố văn hóa trên, có thể rút ra kết luận:
Bà con và anh chị em Chăm rất quan tâm đến vấn đề cộng đồng và văn hóa dân tộc. Quan tâm và tích cực tham gia thảo luận, sẵn sàng nêu ý kiến cá nhân.
Kết luận một sự việc nào đó, kết án hay quy chụp ai đó thì không gì dễ hơn. Người hiểu biết hành xử kiểu khác: Giải minh để giúp nhau hiểu rõ vấn đề, từ đó, có thể tự họ suy nghĩ lại và thay đổi quan điểm sai lạc.
Ví dụ, về sự thể xung quanh bài viết của NTT, “Inrasara mới dài dòng, tôi chỉ cần một trang cũng đủ đánh gục” – như có người tuyên bố thế. Nhưng đánh gục để làm gì? Rồi vấn đề sẽ đi về đâu?
Hay về câu “kết” của HTT, “sai” và “mâu thuẫn” là điều cả thế giới đều thấy (như tôi thấy ngay khi đọc bản thảo), nhưng nếu tác phẩm ra đời mà tất cả đều xúm vào “đập” HTT, hỏi “chiến sự” sẽ chuyển hướng về đâu?
Hoặc tuyên bố của Sakaya về nhà văn, nếu mọi người đều quy chụp anh nịnh bợ, hỏi anh còn có đường lùi không?
Cái tôi của con người cực lớn, không loại trừ ai – tôi và bạn cũng vậy. Khi bị động tới, ta sẽ xù lông để tự vệ, dù ta có trật tới đâu, sai lầm cỡ nào. Trừ phi có ai đó bình tâm chỉ ra cho ta một cách thiện chí với lời lẽ hòa nhã nhất có thể, ta mới ngộ ra. Từ đó ta chịu nhận ta sai, ta tạ ơn người ấy. Và tạ ơn chính nỗi lầm lạc của ta:
Tạ ơn bước chân hoang, trái tim lầm lạc...
(Thơ Inrasara)
Tôi gọi đó là thượng sách. Nó mở ra các cánh cửa của niềm hi vọng…
Sài Gòn, 2-11-2011
Quan điểm cuối cùng của Inrasara: Trở về với mẹ ta thôi…
Mình rất cảm động khi đọc bài viết này, đúng chất Sara, hiền minh và độ lượng như một bậc thức giả.
Mến.
Bài tổng kết hay thiệt hay anh Inrasara à. Nể anh cả tài lẫn tâm, vậy mới là nhà văn lớn đúng nghĩa. Viết xong nó rồi quên nó luôn đi anh. Anh còn làm nhiều việc lớn khác nữa.
Lâu quá mới đọc bài sướng như thế này.
Cảm ơn anh!
Cei Sara dạy rất phải, đọc xong bài trên cho dù là những người ko đồng tình với Sara nhưng cũng phải công nhận lối dạy đời của Sara rất cao thủ.
Cái hay của người quân tử là thế, sai phải biết sửa để lần sau không vấp ngã. Chỉ cái sai cho người cũng cần phải khiêm tốn để họ không tự ái. Ghét nhất là thói kiêu căng sử dụng ngôn từ bừa bãi để hạ nhục nhau. Ở đời ai cũng có lúc nhầm lẫn hoặc sai lầm.
“Rất cao thủ” – Thanh Tú ơi, tuyệt!
Thật hiếm hoi tôi mới gặp được người có thể “giết” được Inrasara!
Hiểu Sara là giết được anh, chứ không phải đánh đấm hay chửi bới lung tung.
Tôi diễn nôm nhé:
– Có phải HTT đó không? Cậu em mới ra lò mà khá lắm (đọc bản thảo), đáng khen lắm nhé (viết giới thiệu). Nhưng ngón này chưa được nè (đoạn kết – “sai”, mâu thuẫn” – thư), hãy liều liệu. À, bướng không nghe à (sách in không sửa), muốn đấu à? Thì ông anh bố trí cho ra sân…
Thế là Sara kéo HTT ra sân (đăng Lời giới thiệu). HTT tưởng mình ăn là cái chắc, khi thấy ông anh (trọng tài) có vẻ về phe mình. Rồi vài đàn em còn giả vờ đá về lưới nhà nữa (các phản hồi khen ngợi). Rốt cục ông đã chết trên chấm phạt đền: phút 90 cộng thêm giờ, ông bị ghi bàn lúc nào không hay (“lủng củng” và “sửa”).
Thế mới cao tay. Bái phục Thanh Tú!
Tr. Minh Tâm
Viết thêm để tặng các bạn trẻ Chăm của tôi.
Inrasara là tay chơi đích thực. Câu thơ tôi đọc được trong Truyện Kiều của Nguyễn Du:
Chơi cho lịch mới là chơi
Chơi cho đài các cho người biết tay
Chơi cũng phải lịch thiệp, lịch sự văn minh; chơi theo phong cách của bậc quân tử đài các mới đích thực là chơi. Chớ đánh đấm thô tục thì có ai mà ngán? Các bạn Chăm yêu mến của tôi thử hỏi xem HTT hay NTT mà xem nhé!
Còn đi tranh luận Mỹ Sơn là của người Chăm hay của người Việt thì đúng là… trẻ con.
Nhất trí cao với Ngọc Lâm!
Ông NTT thấy sai rồi ĐÃ sửa
Ông HTT thấy mình mâu thuẫn và hứa SẼ sửa
Còn CKT?
– Chị yêu Bác Hồ thì đúng. Người Chăm kính yêu Bác càng đúng.
– Nhưng gắn khẩu hiệu lên tháp như cách CKT thì bà con dị ứng là phải.
Còn S-VM?
– Ơn Đảng và Nhà nước thì đúng
– Lối suy nghĩ “tiền-Đổi mới” thì không đáng trách. Nhưng nhà thơ Inrasara xuất hiện sau Đổi mới hơn 10 năm rồi
– Anh vẫn bám theo lối nghĩ đó, là sai
2 ông người Kinh thì dzậy. 1 ông và một bà người Chăm thì dzầy.
Tui hổng dám phê người Chăm mình, mà chỉ mong 2 anh chị suy nghĩ lại giùm.
Làm ơn.
Allah – Phật – Chúa ban phước lành cho anh chị.
Tôi phản đối cách phê bình triệt tiêu nhau.
1/-Thế giới đâu có nhiều nhà ng cứu ko phải là người Cham viết về dân tộc Cham. Được như Hồ Trung Tú là đáng quý lắm, dẫu ông có vài điểm sai, cũng không nên hạ bệ ông ta. Mà ông ta có sai bao nhiêu đâu. Ta phê phán ông ta nặng lời thì ông ta chán và bỏ công cuộc ngay, tôi đồ thế.
Ngay ông NTThống, dù ông chưa có cuốn sách nào về Cham, nhưng nghe nói ông ng cứu về Cham rất nhiều, cũng là rất đáng quý. Ông ta có sai, ta phê cũng nên nhẹ nhàng, thì ông ta sẽ nghe.
Hai ông đã nghe rồi, là vô cùng tốt. Tôi quý trọng hai ông. Nói như anh Inrasara là được, chớ tôi thấy vài bài ở web khác, nói ghê quá.
2/- Chê Kim Trung là nữ họa sĩ đầu tiên của Cham ta, là cực kì quý. Chị sai nhưng chưa nhận là mình đã sai, thì đáng tiếc. Tôi hy vọng chị sẽ hiểu ra rồi sẽ làm hay hơn.
Anh Văn Món cũng vậy, dù anh ta tuổi đời chưa cao còn nhiều nông nổi, và cho dù anh ta chưa thấy lỗi của mình, ta cũng hy vọng anh sẽ thay đổi, khiêm tốn học hỏi đàn anh. Nhất là cách ứng xử của đàn anh như anh Inrasara.
Các bạn Chăm phản đối câu cuối trong sách yên tâm đi, mấy chục triệu người Việt (Kinh) không một ai tự hào khi nghe nói Mỹ Sơn là của họ đâu. Ngay cả những người có gốc gác là Chămpa xưa (như các tộc họ Ông, Ma, Trà, Chế, hoặc các họ như Phan Đà Sơn) họ cũng đã quên gốc gác, đúng hơn là tự phủ nhận gốc gác từ lâu rồi, phủ nhận sạch trơn rồi. Họ không một chút tự hào nào khi bảo Mỹ Sơn là của họ đâu! Các bạn muốn triệt để sự phủ nhận đó, giúp họ triệt để quên đi cái gốc gác đó thì hãy cứ tiếp tục sự phủ nhận sự “vơ quàng” của tôi. Tùy các bạn vậy, tái bản tôi sẽ xóa câu đó đi, nó không ảnh hưởng mảy may chút nào đến giá trị cuốn sách đâu. Chỉ tiếc!
Anh bạn Hồ Trung Tú ơi
Bạn nhận mình “lủng củng” là đúng lắm. Bạn nói là có nhiều người mang họ Ông, Ma, Trà, Chế chối bỏ gốc gác Chăm cũng đúng nữa. Nhưng bạn hãy coi, theo thống kê của nhà thơ Inrasara, trong 70 phản hồi, chỉ có:
“2 ý kiến kết án HTT toan “cướp” di sản dân tộc Chăm. 1 ý kiến cho là Inrasara “đồng lõa” với HTT khi ca tụng tác phẩm”
có đáng là bao!
Tôi cũng có liếc quan cái bài viết loại này, dù họ có tự nhận là nhà nghiên cứu, nhưng chúng tôi chẳng có quan tâm. Như anh YC từng nói.
Về cuốn sách của bạn, chúng tôi chỉ tiếp nhận phần tốt nhứt của nó thôi.
Chúc vui vẻ.
Tôi thấy ông HTT phản ứng chả khác gì mấy ông … Chỉ tội nhà thơ Inrasara không có lấy người xứng tầm để chiến cho đáng!!!! Nghỉ chơi vụ này cho khỏe thôi ông Sara ơi.
Hoan ho nha van Inrasara hay lam.
BBT
Các bạn lưu ý:
– Dù bất kì bài nào của tác giả nào, một lời khen động viên thì được.
– Riêng khi chê hay phê phán, cần có dẫn chứng cụ thể thì “phản hồi” mới được OK.
Thân mến.
Tôi nhận thấy vài bạn khen nhà văn Inrasara mà không nêu lên điểm chính. Khen như vậy thì không có ích gì cả. Nhà văn Inrasara đã viết:
* Đây là giải quyết có TÌNH:
“Kết luận một sự việc nào đó, kết án hay quy chụp ai đó thì không gì dễ hơn.
Ví dụ, về sự thể xung quanh bài viết của NTT, “Inrasara mới dài dòng, tôi chỉ cần một trang cũng đủ đánh gục” – như có người tuyên bố thế. Nhưng đánh gục để làm gì? Rồi vấn đề sẽ đi về đâu?
Hay về câu “kết” của HTT, “sai” và “mâu thuẫn” là điều cả thế giới đều thấy (như tôi thấy ngay khi đọc bản thảo), nhưng nếu tác phẩm ra đời mà tất cả đều xúm vào “đập” HTT, hỏi “chiến sự” sẽ chuyển hướng về đâu? Giúp HTT hiểu ra vấn đề không hay hơn sao?
Hoặc tuyên bố của Sakaya về nhà văn, nếu mọi người đều quy chụp anh nịnh bợ, hỏi anh còn có đường lùi không?”
* Còn đây là giải quyết có LÝ:
“Người hiểu biết hành xử kiểu khác: Giải minh để giúp nhau hiểu rõ vấn đề, từ đó, có thể tự họ suy nghĩ lại và thay đổi quan điểm sai lạc”.
Ý kiến tôi: Nếu bạn sai, bạn có muốn ai triệt hạ bạn không?
Lẽ nào cả đời bạn không có vài lần sai?
Nhà văn Inrasara giải quyết vấn đề có tính nhân bản là vậy đó.
Phản hồi cuối này hay lắm. Khen bạn phản hồi vậy đó. Đúng chất của một còm đó. Yêu anh TVS.
Xin lỗi, lâu quá tôi mới vào lại. Tôi vừa đọc Comment này của Tr. Minh Tâm, khoái quá, cho tôi xin chép lại:
“Tôi diễn nôm nhé:
– Có phải HTT đó không? Cậu em mới ra lò mà khá lắm (đọc bản thảo), đáng khen lắm nhé (viết giới thiệu). Nhưng ngón này chưa được nè (đoạn kết – “sai”, mâu thuẫn” – thư), hãy liều liệu. À, bướng không nghe à (sách in không sửa), muốn đấu à? Thì ông anh bố trí cho ra sân…
Thế là Sara kéo HTT ra sân (đăng Lời giới thiệu). HTT tưởng mình ăn là cái chắc, khi thấy ông anh (trọng tài) có vẻ về phe mình. Rồi vài đàn em còn giả vờ đá về lưới nhà nữa (các phản hồi khen ngợi). Rốt cục ông đã chết trên chấm phạt đền: phút 90 cộng thêm giờ, ông bị ghi bàn lúc nào không hay (“lủng củng” và “sửa”).
Thế mới cao tay. Bái phục Thanh Tú!”
Anh Inra cao cờ vậy đó. Mấy ông … Chăm mình còn lâu mới hiểu, chứ đừng nói chơi được cao tay ấn như vậy. Cho nên mới nói, càng phê phán anh Inra, thì càng chứng tỏ mình yếu ợt!!!
Xin lỗi lần nữa.
Thái độ đĩnh đạc của Inrasara đến các trí thức Việt cũng cần học tập. Tôi thấy nhà văn VN chưởi nhau dữ quá, có khi còn xâm phạm vào đời tư của nhau nữa. Inrasara vừa giải thích vừa tìm lối thoát cho người bị phê bình, đó mới là TRÍ TUỆ.