Quan điểm của Inrasara 04: Nhà văn và Tự do

Một nhà văn đích thực là kẻ yêu chuộng tự do, xiển dương tự do, phê phán tinh thần, thái độ và hành vi làm trì trệ tự do, phi tự do/ phản tự do. Tùy thế đứng, môi trường xã hội mà họ thể hiện cách khác nhau, nhưng chung quy là – tự do.

* Photo Inrajaya.

Tôi như nhà văn, không là ngoại lệ. Tự do đầu tiên và cuối cùng the first and last freedom. Tư tưởng tự do nảy nở ngay thuở tôi tập tành cầm đến cây bút, lớn dậy ở khởi đầu tuổi tìm học và trụ vững khi bước sang tam thập. Tự do khỏi mọi định kiến, mọi hình thái tham sân si với bao hệ lụy, mọi công thức và “truyền thống”, khỏi mọi ý hệ với nền “văn hóa”,… Chắc chắn tôi chưa vươn tới vùng trời đó, nhưng ít ra – đó là ý hướng của tôi.

Thể hiện tinh thần, thái độ, hành động tự do trong xã hội hiện tại là điều vô cùng khó khăn. Nhất là với nhà văn, lại là nhà văn Chăm. Để tránh tối đa hoàn cảnh cảnh bất khả kháng, tôi đã phải chiến đấu hàng ngày, cắt đứt mọi buộc ràng khả thể, để tự do.

– Không tôn giáo, để không phải vâng lời đấng giáo chủ nào bất kì

– Không đảng phái, để không phải bị chỉ đạo hay họp hành kiểm điểm

– Dù là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam hay hội gì gì nữa, tôi quyết không ăn lương để có thể thoát ra bất cứ lúc nào mình muốn

– Không chức vụ, không ghế, không dưới không trên… để không phải “trách nhiệm”

– Tập cho mình rất ít nhu cầu để không phải đi bằng lưng…

Tinh thần tự do có mặt bàng bạc trong thơ văn tôi, biểu hiện rõ hơn trong các phê bình tiểu luận của tôi. Ngày càng đậm nổi, lồ lộ… Bởi tôi là nhà văn, nên sự thể được thể hiện qua ngòi bút mà đối tượng phê bình nhắm đến chính là văn giới và sinh hoạt xung quanh văn học.

Sau đây là vài trích đoạn tiêu biểu.

Inrasara  

 

1. Inrasara và Tinh thần tự do

Ơi người anh em rớt lại nơi bờ quan san

Ơi những bàn chân còn dọ dẫm con đường

Với cây đuốc

Mang trái tim chán chường – bỏ cuộc

Lê về trên đôi guốc cũ của viện bảo tàng!

 

Ơi người thi sĩ có màu mắt rất đen và mái tóc rất đen

Mãi ngủ giấc lành dưới mốc bụi của hành lang thư viện

Cẩn trọng bơi trong dòng hiện sinh

Mắc cạn bên này bờ cuộc chiến

 

Bao giờ?

Chúng ta trút gánh nặng xuống – lên đường

Con đường băng qua buổi chiều những thời đại

Gặp gỡ người tình nhân: cô đơn

Con đường vượt lên Đông phương, Tây phương

(“Con đường” – bài thơ viết năm 1981, in trong Tháp nắng, 1996. Đoạn thơ khá “sến”, đọc lại thấy buồn cười, nhưng nó thể hiện chính xác tinh thần tôi khi ấy)

*

Chúng ta không có tự do, chưa sẵn sàng cho tự do, sợ tự do, thậm chí nói như E. Fromm – chúng ta chạy trốn tự do escape from freedom. Không tự do, bởi ta muôn đời lệ thuộc vào quyền lực đủ loại, đủ dạng. Từ ý thức hệ tôn giáo hay chính trị đến nền giáo dục ta thụ hưởng, từ truyền thống văn hóa đến nề nếp gia đình nơi ta sinh và lớn lên, từ uy tín của đạo sư hay lãnh tụ đến cuốn sách ta đọc, vân vân. Khi còn lệ thuộc vào một quyền lực nào bất kì là ta còn quy thuộc vào trung tâm. Còn trung tâm là ta còn chưa thể sẵn sàng cho hậu hiện đại.

(“Đối thoại hậu hiện đại”, Tienve.org, 5-3-2009)

*

Con người sinh ra để sống, chứ không phải cúi đầu làm theo một điều gì đó, nhân danh một ý thức hệ nào đó, một tín điều hay chủ thuyết nào đó. Con người sinh ra để sống cuộc sống của mình, chứ không phải để nghe theo mệnh lệnh của bất kì đấng nào, lãnh tụ hay nhà cách mạng nào, dù ông/ bà ta có vĩ đại tới đâu đi nữa!

Sinh chỉ một lần và sống chỉ một lần đời sống của chính mình.

(“Tinh thần triết học và vấn đề xã hội Chăm”, đặc san Tagalau 10, 2009)

2. Inrasara phê bình nhà văn Việt Nam

Được khen – khi ta cúi rạp mình trước quyền lực các loại, im lặng khuất nhục trước bất công xảy ra khắp xung quanh, hèn nhát không dám lên tiếng cho bao nhiêu thiệt thòi của các thân phận dưới đáy xã hội… Được khen, khi ta quyết đứng ngoài cuộc với bàn tay sạch của thứ văn nghệ xa-lông. Được khen, có khi chỉ vì ta không tỏ thái độ.

(“Làm nhà văn có nghĩa là bị đẩy xuống tàu”, tạp chí Tia sáng, 5-9-2010)

*

Bỏ cuộc chữ nghĩa là đầu hàng đã đành, ngay cả khi họ lao vào viết báo kiếm sống, viết truyện diễm tình éo le, viết kịch bản phim để trở thành nhà văn ăn khách, hay khi họ “quyết đui điếc trước thời cuộc, chui vào vỏ sò cô độc, viết vọng ra” cũng là cách đầu hàng. Đầu hàng, khi “nhà văn chạy thoát thân, như đám chuột vội vã rời bỏ con tàu sắp đắm” thì miễn rồi, cả khi họ đã giật được vài giải thưởng con con, được ném cho cái ghế quan văn nho nhỏ để từ đó đăng đàn phát ngôn khệnh khạng, là thứ đầu hàng trá hình khác. Đầu hàng, khi nhà văn tình nguyện làm thứ nô bộc viết theo chỉ thị của mọi loại quyền lực hay viết phục vụ thị hiếu đám đông; và sau rốt, đây là kiểu đầu hàng nguy hiểm hơn cả, khi đầu hàng khoác lên mình đủ màu áo cấp tiến – cấp tiến trong tôn vinh giá trị ảo, tụng ca cách tân giả, cách mạng dối lừa.

(“Khủng hoảng, phản kháng & dối lừa”, Tienve.org, 27-2-2011)

*

Thêm: bao nhiêu là nỗi sợ hãi vây bủa nhà văn. Dưới hay trên, ngoài và trong, xa và gần! Sợ bị soi mói, bị chụp mũ, sợ tác phẩm không được in hay bị thu hồi sau khi phát hành. Sợ cho mình, sợ cho nhau và sợ nhau, nên ta rất sợ mình không giống ai… Ta vừa viết vừa liếc nhìn người bên cạnh, người đi trước, đàn anh chị hay bạn đồng hành cùng trang lứa. Ta sợ đi một mình.  Là nỗi chưa đủ cô đơn cho sáng tạo.

(“Giải Nobel cho Văn chương Việt Nam, tại sao chưa?”, Vietnamnet, 10-10-2008)

3. Inrasara phê bình nền văn học Việt Nam

Nhìn nhận nhà văn Việt Nam hôm nay “sống và viết hoàn toàn tự do,” – dù phát ngôn xuất phát từ kẻ sáng tác hay người làm phê bình, nếu không phải là hoang tưởng ngu ngốc thì chắc chắn là thứ tự dối lừa, không hơn không kém.

Một nền văn học tự do phải là nền văn học trong đó mọi người học tự do, viết tự do, in ấn và phát hành tự do, tiếp nhận tự do, phê bình và thảo luận tự do. Văn học Việt Nam đã nhận được đủ đầy nỗi ấy chưa? – Chưa, hoàn toàn chưa.

(“Khủng hoảng, phản kháng & dối lừa”, Tienve.org, 27-2-2011)

*

Ta đã từng nhân danh cái quen thuộc, cái đã biết để chèn ép cái chưa biết, cái xa lạ; ẩn náu trong lô cốt truyền thống để bắn phá các nỗ lực sáng tạo [có thể thành truyền thống ở thì tương lai]; ta đã từng núp dưới bóng đàn anh, bóng đại văn hào quá khứ mà rẻ rúng sự liều lĩnh khám phá cái mới của tuổi trẻ; dựa hơi tập thể để miệt thị cá tính sáng tạo đầy lạ biệt…

Chỉ khi nào ta từ bỏ mọi nỗi ấy, cái mới mới có cơ may nảy nở và lớn dậy. Còn không thì mấy “tiếp thu tinh hoa thế giới” hay “sáng tạo trên nền tảng tiếp nhận truyền thống” chỉ thuần là khẩu hiệu trống rỗng, vô nghĩa.

(“Cái mới ở đâu?”, tạp chí Sông Hương, số 6, 2011)

*

Việt Nam thì sao? Không kể thế hệ tràn “niềm tin và hi vọng” sản sinh nền “văn học phải đạo”, một nền văn học đáng “đọc lời ai điếu”; không kể cả khối khổng lồ cây bút hì hục viết với mục tiêu phấn đấu vào Hội Nhà văn Việt Nam, rồi nghỉ, chuyển sang làm việc khác; không kể các nhà văn viết trong cõi mù mờ hay cày sâu cuốc bẫm nơi đám ruộng truyền thống; cũng không kể bộ phận nhà văn có chân đứng trong xã hội, an phận chấp nhận tiện nghi bé nhỏ, an ninh bé nhỏ, tự do bé nhỏ rồi câm lặng khiếp nhược trước bất công xung quanh; càng không kể vài nhà văn đầy tài năng và ý thức sáng tạo, nhưng khi có chút tiếng tăm, vội về hưu non, quay sang viết sách ba xu nhảm nhí…

(“Khủng hoảng, phản kháng & dối lừa”, Tienve.org, 27-2-2011)

 4. Inrasara phê bình nền phê bình Việt Nam

Nhưng phê bình hiện đại TP Hồ Chí Minh ở đâu?

Nó vừa thiếu vừa yếu – còn đỡ! Nó không có, nó là con số không – còn may! Ở đây, nó là con số âm bợt bạt. Không kể lớp phê bình thuộc thế hệ trước gần như làm xong sứ mệnh lịch sử, đã không ít lần các “nhà” phê bình trẻ khi phát ngôn, có những biểu hiện khá lạc hậu, phản [chuyển] động, gây trở ngại không nhỏ cho sự phát triển của văn chương Thành phố.

Nhưng sau thời hậu đổi mới, Sài Gòn không đẻ nổi cây viết phê bình, một phê bình dám nhập cuộc vào dòng chảy của văn chương đang xảy ra. Phê bình mà phải cứ khép nép trong căn chòi khuôn phép, không dám xông pha khai phá [và dũng cảm đánh giá] các hiện tượng văn học đương thời, cứ mải ru nhau ngủ dưới vài hệ thẩm mĩ đã được lưu kho từ thế kỉ trước, thì làm sao có nền phê bình đúng nghĩa?

Và làm sao văn chương Sài thành có cơ hội vươn vai lớn dậy?

(“Văn chương trẻ Sài Gòn ở đâu?”, báo Văn nghệ trẻ, số 45,11-11-2007)

*

Thời đại toàn cầu hóa, nhưng văn học Việt Namvẫn đóng, hoặc có mở nhưng chỉ he hé. Sáng tạo văn chương đã mở với trào lưu sáng tác hậu hiện đại, nhưng lối tiếp cận và lối đọc văn chương ta vẫn cứ đóng. Đóng, cả ở phía phê bình. Phê bình nhìn tác phẩm văn chương như là một sản phẩm chết đã đành, nó còn ý đồ loại bỏ thứ văn chương không hợp khẩu vị, khác với hệ mĩ học truyền thống, đi chệch khỏi quan điểm sáng tác của mình ra khỏi đời sống văn học. Hầu hết sáng tác hậu hiện đại Việt cùng với hàng trăm tác phẩm xuất bản không chính thống chưa được hân hạnh có mặt trong đời sống phê bình văn học thời gian qua, xuất phát từ tinh thần chối bỏ hẹp hòi ấy. Phê bình lập biên bản có mặt để giải quyết vấn đề khúc mắc đó.

(“Thơ Việt sau hậu hiện đại & Phê bình mở”, tạp chí Tia sáng, 20-11-2009)

*

Sinh hoạt phê bình Việt Nammấy chục năm qua đầy tràn các căn bệnh như thế với nhiều biến thái và biến tướng. Các bài viết kia cuối cùng được tập hợp lại trong một cuốn sách dày trên dưới 300 trang, rồi kêu đó là “tập lí luận – phê bình”: Cảm nhận, Cảm luận, Tản mạn… gì gì đó. Đọc suốt tác phẩm, độc giả không thấy đâu là tư tưởng nền tảng của nhà phê bình, mà chỉ nghe bao nhiêu giai thoại nhảm nhí, trích đoạn tùy tiện, nhận định vu vơ vô bằng, cùng muôn ngàn ý kiến nói theo từng xuất hiện nhan nhản trên đủ loại báo phổ thông.

(“Khởi động một chiều hướng mới cho phe bình văn học”, báo Người Hà Nội, 2-9-2011)

5. Inrasara phê bình cơ chế Đại học và Hội Nhà văn Việt Nam

Học, cơ chế Đại học ta muôn năm đóng cửa với cái mới. Sinh viên Việt Nam mơ hồ về các trào lưu văn học tiên tiến trên thế giới hiện tại. Cả với sinh viên khoa văn chương. Ta tiêu phí hết thời thanh xuân cho những thứ cũ kĩ, học vẹt và nhai lại mấy thứ cũ nát để trả bài cho thầy, để bước qua khóa luận. Ví có chút đầu óc khám phá cái mới, ít tinh thần phản biện, sinh viên Việt Nam hiếm khi được giáo sư ủng hộ, khuyến khích. Ngược lại là khác. Cho nên, chỉ cần một nhắc nhở, nửa trừng mắt cảnh cáo, tất cả đều trở lại nề nếp khuôn phép, vâng lời thầy ngay. Không biết thiên hạ đi tới những đâu, thì làm gì có chuyện “tiếp thu tinh hoa thế giới”?

(“Khủng hoảng, phản kháng & dối lừa”, Tienve.org, 27-2-2011)

*

Chưa nói đến cộng đồng làng xã với văn hóa làng xã luôn dị ứng với cái mới, cái khác mình, sẵn sàng tư thế miệt thị, áp chế tư tưởng vượt qua tầm hiểu của mình; ngay một tổ chức xã hội đầy quyền năng chuyên môn như Hội Nhà văn Việt Nam, cũng chưa có cái nhìn thoáng mở, chưa thực sự dũng cảm ủng hộ điều trái ngược. Phần thưởng dành cho sự độc đáo, sáng tạo càng hiếm hơn nữa. Ngoảnh lại sự cố lùm xùm xung quanh Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam dành cho Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, mà hỡi ơi cho văn hóa làng xã ấy. Hành trạng công nhận trao giải – tố cáo chụp mũ – phủi tay chối bỏ lá phiếu của chính mình nơi vài thành viên Ban Chấp hành – nói lên đầy đủ nỗi sợ hãi của tầng lớp [vốn được xem/ tự cho] là ưu tú nhất của xã hội này. Thì làm gì mong mỏi từ giữa lòng xã hội ấy nảy ra cá nhân xuất chúng!

(“Giải Nobel cho Văn chương Việt Nam, tại sao chưa?”, Vietnamnet, 10-10-2008)

*

Chưa được trang bị tri thức triết học, ta không học cách truy vấn tận cùng sự thể. Ta nhìn hiện thực theo cảm tính, quán tính. Tất cả đều diễn ra trên lối mòn quen thuộc. Triết học được biết tới trong nhà trường hiện tại là triết học dạy nói theo, làm theo để tạo sinh hàng loạt thứ theo-ists, chứ không phải huấn luyện thế hệ tương lai tinh thần độc lập để có thể suy tư độc lập, khám phá hiện thực khác với thói thường. Ta không dám thử đi những bước mới, lạ. Cuối cùng, ta nhìn hiện thực một chiều, phiến diện, hời hợt, méo mó,…

Xét ở thượng tầng là vậy. Ngay cả [do đó] ở hạ tầng là chuyện thời sự chính trị xã hội trực tiếp, văn chương Việt Nam vẫn chưa thể đi tới tận cùng của sự thể. Các mệnh đề “văn học xa rời hiện thực”, “không bám vào hiện thực cuộc sống”, “né tránh hiện thực”… được nhai lại đến thành bão hòa trên sách báo bấy lâu, là điều thật. Nhất là với văn chương dòng chính hôm nay.

(“Văn chương né tránh hiện thực, tại sao”, báo Thể thao & Văn hóa cuối tuần, 22-7-2011)

*

Kết

Nhưng dẫu thế nào, con người vẫn sống “trong” một hoàn cảnh. Tôi cảm tạ hoàn cảnh từ đó và bởi đó tôi lớn lên, một hoàn cảnh “một lần và chỉ một lần trên mặt đất này” ban tặng cho tôi cơ hội phê bình…

*

Khi tôi nhận biết ra tôi là Chăm sinh ra tại Caklaing trong đất nước Việt Nam sống bập bênh giữa hai thế kỉ hai mươi và thế kỉ hai mốt, tôi chấp nhận định phận tôi, từ đó tôi dự phóng và hành động trong chân trời khả thể. Tôi nghiên cứu văn chương và ngôn ngữ Chăm, sáng tác thơ tiếng Việt và tiếng Chăm, phê bình trong nỗ lực khai mở vùng đất cho nhiều trào lưu thơ ca cùng tồn tại, phát triển công bằng và lành mạnh. Dù vô nghĩa, và vô ích – trong vô cùng tháng năm giữa mênh mông vũ trụ này. Thức nhận như thế, tôi vẫn nỗ lực hết mình. Nỗ lực và hết mình mà không để cho bị cầm tù trong thế giới vây quanh. Nói cùng thể cách: Hành động trong chân trời khả thể thì cách biệt cả vực thẳm với “hoạt động trong điều kiện và hoàn cảnh cho phép”. Nghĩa là tự do khỏi mọi giới hạn. Là thi sĩ có nghĩa là không Chăm không Việt Nam, không là Việt Nam cũng không là thế giới; hắn không là nhà thơ sáng tạo ngạo nghễ trên ngó xuống đầy khinh miệt nhóm làm vần với bộ phận tiếp hiện. Hắn khiêm cung trong định phận ‘canh giữ’ của mình, cư trú tại nhà nhưng hắn có cả thế giới trong mình.

Sau hơn nửa đời hư, dù trong tay tôi lưng vốn công trình, nhưng…

Đầy tràn công danh sự nghiệp

nhưng con người cư lưu đầy thơ mộng trên mặt đất này

Full of merit,

yet poetically, man dwells on this earth.

(Hoelderlin)

Một ngày kia tôi hốt nhiên quay lại nhìn mớ sách vở đứng chình ình nơi phòng trưng bày: Chúng có phải công trình của tôi, hay đó chỉ là thứ văn bản được chắp vá nên bởi vô vàn tiền văn bản để chính chúng trở thành tiền văn bản mới, trùng trùng duyên khởi sẵn sàng tạo tác thành các văn bản khác, như thể tuồng ảo hóa vô tận của phận chữ và kiếp người? Tôi là ai? Tôi biết gì? Tôi làm được gì? Không gì cả! Nhưng tôi vẫn phải hành động trong chân trời khả thể của định mệnh vô nghĩa mình xẹt qua lâu dài thời gian, nơi vùng đất tôi sinh ra và sống.

Tôi thường trực tự thức sự thể. Tự thức, tôi hết bám vào các công trình hay sự nghiệp, học vị hay chức vị, quốc gia hay quốc tế, ý thức hệ tôn giáo hay chính trị, ranh giới địa lí hay biên giới tinh thần, thôi còn đồng hóa tôi với chúng. Đồng hóa không mục đích gì hơn làm trương nở tối đa cái tôi với tính cách là chủ thể tính. Cái tôi này xung đột với [những] cái tôi khác gây bạo động và đau khổ. Tự thức, tôi hành động và tự do như là một cư lưu đầy thơ mộng.

Hành động trong chân trời khả thể và tự do chính là cư lưu thơ mộng. Một cư lưu đầy trách nhiệm nhưng vẫn sẵn sàng lên đường đi mất. Khi cư lưu đầy thơ mộng, tôi mới có thể nói đến chuyện làm thơ.

(“Hóa giải và hòa giải ba loại nhà thơ hôm nay”, tạp chí Sông Hương, 6-2010.

 

2 thoughts on “Quan điểm của Inrasara 04: Nhà văn và Tự do

  1. Nhà thơ Inrasara là người trong cuộc, anh phê bình về chính lĩnh vực anh hoạt động là văn học, nên rất đáng tin. Giọng văn mạnh mẽ, nhệt tình, riết róng. Tôi nói đáng tin vì các bài phê bình nhiệt tâm ấy được đăng tải trên báo và tạp chí chuyên ngành văn học: Tia sáng, Văn nghệ, Sông Hương, Vietnamnet,….
    Nói là phê bình cơ chế Đại học, anh cũng chỉ khung lại trong phạm vi văn học chứ không lan ra ngoài.
    Phê bình đúng không phải là chống đối, mà là thẳng thắn chỉ ra điểm yếu để cùng sửa sai.

    Còn nếu ta khen mà khen sai thì thành ra nịnh bợ. Nhất là khi sự khen hay chê đó lại không thuộc lĩnh vực ta biết, nên không đáng tin cậy. Vụ vừa qua là ví dụ. Tiếc là tôi chưa comment thì BBT đã đóng cửa.

    Tôi không đồng ý với P. là chỉ “thích Phú Trạm nhà nghiên cứu hoặc học giả hơn nhà văn”. Đó là tùy người đọc. Riêng tôi thấy Inrasara có lối phê bình đầy chất trí tuệ và rất độc đáo.

  2. Nhiều đoạn trích rất thâm sâu uyên áo, đúng chất phê bình của Inrasara.
    Trong lãnh vực phê bình, Inrasara không còn là người của sắc tộc Chăm nữa, mà đích thực người Việt Nam. Hay hơn nữa, là một nhà văn hay có thể nói, đó là một con người. Đoạn văn này thì tuyệt vời:
    “Con người sinh ra để sống, chứ không phải cúi đầu làm theo một điều gì đó, nhân danh một ý thức hệ nào đó, một tín điều hay chủ thuyết nào đó. Con người sinh ra để sống cuộc sống của mình, chứ không phải để nghe theo mệnh lệnh của bất kì đấng nào, lãnh tụ hay nhà cách mạng nào, dù ông/ bà ta có vĩ đại tới đâu đi nữa!
    Sinh chỉ một lần và sống chỉ một lần đời sống của chính mình.”

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *