Quan điểm của Inrasara

Tôi không có ý định trao đổi về học thuật với bất kì tác giả Chăm nào, từ mấy năm qua.

Từ khi nhập cuộc chịu chơi với Chamyouth.com, đến cuối năm 2004, khi lộc của trang web này sắp hết, tôi rất ít đọc sách, báo về Chăm hay trang mạng của Chăm và văn hóa Chăm. Ngay cả bài viết có nhắc đến cá nhân tôi – dù ca tụng hay phê bình, tôi cũng không chú ý. Nói thế, vài người cho rằng tôi làm dáng hay giả vờ.

Không phải. Mục đích đọc của tôi là để làm việc.

+ “Tôi còn rất nhiều câu chuyện kể với bạn về tinh thần văn hóa Chăm và tâm hồn con người Chăm” – Photo Thanh Lê.

Mấy năm qua tôi tập trung đọc lí thuyết mới về văn học và phê bình văn học cũng như triết học, để làm phê bình, mà rất ít quan tâm đến lĩnh vực khác. Bởi nếu đọc các bài về dân tộc mình, thấy điều gì đó không phải, tôi sanh tâm viết trao đổi hoặc đính chính gì đó, vừa mất thời giờ vừa phân tán tư tưởng. Cho nên, ngoài bài vở cho Tagalau hay website Inrasara.com, tôi phải đọc, còn lại dù nhận được rất nhiều sách, các files từ thư điện tử do bạn bè gửi, tôi cất để dành hay save mà không hề động đến.

Nhận bài trao đổi của Đồng Chuông Tử với Sakaya gửi đến Inrasara.com, để duyệt đăng – tôi buộc phải đọc. Để tránh trao đổi qua lại, tôi  khéo thoái thác qua bài viết ngắn. Ngỡ vậy là yên, ai dè, BBT website nhận được bao nhiêu là phản hồi từ độc giả.

Để tránh hiểu lầm không đáng có, tôi xin giải minh 2 điểm ngoài lề. Và đề nghị chúng ta kết thúc ở đây.

 

1. Về Đảng đào tạo nhà văn, nhà thơ.Chăm

Tôi không biết người viết có ý “nịnh bợ” hay không, chỉ xin giải thích như sau:

Nhà văn, nhà thơ Chăm trong nước được dư luận biết tới (theo trật tự tuổi tác) là: Trà Vigia, Inrasara, Jalau Anưk, Đồng Chuông Tử và Tuệ Nguyên. Cả 5 người này, Đảng không đào tạo họ, dù đào tạo được hiểu theo bất kì nghĩa nào.

– Họ không theo học trường lớp (Trường Viết văn Nguyễn Du chẳng hạn); 5 người không có ai học khoa văn chương để thành nhà văn, nhà thơ.

– Inrasara 3 lần dự Trại sáng tác (2 lần là trại viên, 1 lần là trại trưởng), Trà Vigia 3 lần, Đồng Chuông Tử và Tuệ Nguyên 1 lần, Jalau Anưk còn chưa lần nào. Họ được mời đi khi họ đã mang danh vị “nhà thơ”. Hơn nữa ở đó, không có thầy nào cầm tay chỉ việc họ cả.

– Ngay các tác phẩm (thơ, văn) của họ, ngoài tập truyện ngắn Chăm H’ri của Trà Vigia được nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc tài trợ in, tất cả đều do Cty Sách tư nhân hay tác giả tự bỏ tiền túi ra in và tự phát hành.

– Cá nhân tôi, là Phó Chủ tịch Hội đồng Thơ của Hội Nhà văn Việt Nam, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Văn học – Nghệ thuật các Dân tộc Thiểu số Việt Nam đồng thời là Trưởng Ban Lí luận Phê bình của Hội này,… muốn xuất bản tập thơ và tiểu thuyết, tôi cũng phải bỏ tiền ra mua giấy phép, tự in và phát hành.

Tạm nêu mấy điểm trên để bà con Chăm ở ngoài sinh hoạt văn học được tỏ tường.

 

2. Về danh vị nhà thơ, nghiên cứu văn hóa Chăm.

Có “phản hồi” cho là khi bàn về văn hóa mà định danh Inrasara là nhà thơ, là có ý định “hạ thấp” nhà nghiên cứu Inrasara. Bạn đọc còn cho rằng “hạ thấp” như thế với ý tranh nhau “uy tín” thì thật thê thảm.

 

Về chuyện danh vị, xin kể chuyện làng văn nghệ vui. Nhà thơ nọ mang tâm lí phức cảm khá lạ: Khi viết giới thiệu cho một bạn thơ thì kí ở dưới tên mình: Tiến sĩ triết học, cho oai. Đến lúc ngồi họp hành với các giảng viên triết thì xưng là Nhà thơ, cho sang. Sang và oai đó đã trở thành trò đàm tiếu trong văn giới.

Sống với giới chữ nghĩa Việt Nam đúng 20 năm, thật lòng tôi không hiểu giữa mấy danh vị nhà văn, tiến sĩ, nhà thơ, giáo sư, học giả, nhà nghiên cứu,… cái nào sang hay oai hơn cái nào. Không thể biết. Khối người nhốn nháo cả lên, tôi thì như Lo langoh ông ba Tàu điếc!

 

Riêng cái danh vị của Inrasara thì xảy ra vô vàn rối rắm buồn cười. Xin kê khai hầu bà con góp vui chương trình:

Sử gia Tạ Chí Đại Trường gọi tôi là “con người đa năng”.

Nhà báo Thu Ba định danh tôi Inrasara – tháp Chàm bốn mặt. Một nhà khác thì kêu Inrasara – hiện tượng đa dạng.

Phan Quốc Anh khi giới thiệu tôi ở một hội nghị (tôi không nhớ) đã bảo “khó giới thiệu Inrasara là nhà gì, bởi anh kiêm rất nhiều nhà, thôi thì cứ tạm gọi Inrasara vậy”.

Lafont trước kia và sau này là Hội đồng Khoa học Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh khi trao giải nghiên cứu [duy nhất] cho tôi thì định danh Inrasara – Nhà nghiên cứu văn học và ngôn ngữ Chăm.

Giới nghiên cứu và khoa bảng là: nhà nghiên cứu văn hóa Chăm Inrasara, dù họ có biết ông này cũng có thơ in đâu đó.

Cánh văn chương thì Inrasara – nhà thơ, nhà phê bình hay Inrasara – nhà văn, nhà phê bình. Hiếm khi tôi được biết với danh nghĩa là nhà nghiên cứu.

Có người tỏ ra sành điệu hơn xíu lại khá dài dòng: nhà văn, nhà phê bình, nhà nghiên cứu văn hóa Chăm Inrasara.

Vân vân…

Nghe mà cứ như người ta bàn về ai kia chứ không phải mình!

 

Khổ vậy đó. Tôi thì cứ thích mọi người gọi Inrasara. Hay đơn giản: Sara. Cho khỏe!

Tinh thần đồng hóa của loài người với danh vị, học vị học hàm hay tài sản gì gì đó, tôi chống lại và hay đưa lời bỡn cợt. Nhưng dù sao, trong danh thiếp, tôi vẫn ghi Inrasara – writer, Cham culture researcher. Còn ở địa chỉ liên hệ thì ghi Nhà thơ Inrasara.

Ghi vậy chỉ với mục đích cho tiện việc thư từ. Bởi đã không ít lần nhân viên bưu chính không biết Inrasara là cái gì!!! Gây rối cho mấy anh đưa thư như thế thì rất tội.

 

Có lẽ ở mấy kiếp trước tôi mắc tội gì đó, nên bà Trời đày xuống làm con dân Chăm để trở thành nhà nghiên cứu văn hóa Chăm Inrasara. Và chắc hẳn tội này nặng lắm lắm nên mới hành tiếp phải sống kiếp làm thơ để thành nhà thơ Inrasara. Trong khi tôi chỉ mê có 2 món: triết học và bóng đá.

 

Dù sao tôi vẫn còn rất nhiều câu chuyện kể với các bạn về tâm hồn con người Chăm và tinh thần văn hóa Chăm.

Vài dòng quan điểm thưa cùng bạn đọc như thế.

Chúc tất cả vui vẻ.

5 thoughts on “Quan điểm của Inrasara

  1. Ông Inrasara hôm nay có vẻ dũng cảm phê bình dt Chăm mình hơn. Nhưng chỉ dũng cảm vừa phải thôi. Ông vẫn biết khôn khéo nói tránh. VM nịnh bợ rành rành đó:
    – “Đảng ta cũng đã đào tạo ra nhiều nhà văn, nhà thơ…”
    – “Đảng còn khuếch trương nhiều nhà nghiên cứu cả người Chăm và người Việt…”
    ĐCT trẻ người vậy mà rành mạch hơn.
    Nịnh mà nịnh sai cũng tội nghiệp chớ!!!

  2. “Dù sao tôi vẫn còn rất nhiều câu chuyện kể với các bạn về tâm hồn con người Chăm và tinh thần văn hóa Chăm”.
    Câu này hay lắm, anh Inrasara ạ.
    Theo tôi, cỡ như anh mà đi trao đổi hay đôi co với ai đó, thì không ổn lắm.
    Hãy tập trung vào phê bình văn học, anh sẽ vĩ đại thật sự.
    Sau đó là kể câu chuyện kể về dân tộc Chăm của anh.
    Thân chúc anh thành công và an khang.

  3. Đồng Chuông Tử
    Ông này nhỏ nhưng võ công cũng được lắm.
    Ông trích: Ở trang 14, phần Lời nói đầu, có đoạn anh (Sakaya) viết “Đảng ta cũng đã đào tạo ra đội ngũ trí thức Chăm hoạt động trên nhiều lĩnh vực, trong đó có nhiều tiến sĩ, nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, đạo diễn, biên đạo múa và họa sĩ…Chính sách đúng đắn của Đảng còn khuếch trương nhiều nhà nghiên cứu cả người Chăm và người Việt (Kinh) nghiên cứu, sưu tầm về văn hóa Chăm và kết quả đã xuất bản được hàng trăm cuốn sách báo viết về văn hóa Chăm được giới thiệu rộng rãi trong nước và quốc tế. Kết quả này đã chứng minh được rằng: chỉ có Đảng Cộng Sản Việt Nam, chỉ có Bác Hồ muôn vàn kính yêu mới bảo đảm được cho người Chăm có cuộc sống ấm no, hạnh phúc và bảo tồn, phát huy được di sản văn hóa quý giá của dân tộc”.

    Thật hết biết.

  4. Hay. Anh Inrasara giải quyết vấn đề rất đáo để. Nếu có nêu vấn đề là để sửa chữa, chứ đừng có triệt tiêu ai đó. Anh cho đăng lời KHEN TẶNG này rồi cho qua là vừa. Cảm ơn anh.

  5. Bạn đọc thân mến
    Về mục phản hồi trao đổi, BBT đã nêu một số quy ước. Dù không quá nghiêm ngặt, nhưng vẫn là quy ước: cuộc chơi theo quy ước.
    Nhìn chung, 2 tháng qua, các phản hồi đêu theo đúng tinh thần quy ước trên. Đó là điều đáng mừng cho trang mạng này. Tuy vậy, vẫn có vài bạn đã hơi “vượt biên”.
    Tạm nêu bạn Trần Sáng ở đây. Dù bạn có nhiều ý rất độc, cần thiết được đăng tải, thế nhưng bên cạnh đó, ngôn từ bạn dùng đôi khi hơi quá. Bạn cần xem kĩ về lời lẽ hơn. Vừa qua, một bạn đọc (LTT) bởi quá hưng phấn phê bình, chúng tôi có biên tập. 2-3 lần như vậy, bạn ấy đã “thề” sẽ không đọc web này nữa. Đó là điều đáng tiếc.
    Rút kinh nghiệm, để Inrasara.com tồn tại lâu dài và có ích chung, mong các bạn lưu ý cho.
    Đwa karun – Thuk siam
    BBT

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *