Nguyên Sa: Nga

Hôm nay Nga buồn như con chó ốm

Như con mèo ngái ngủ trên tay anh
Đôi mắt cá ươn như sắp sửa se mình
Để anh giận sao anh chả là nước biển.

Tại sao, Nga ơi, tại sao…
Đôi mắt em nghẹn như sát từng lần vỏ hến
Hơi thở trùng như sợi chỉ không căng
Bước chân không đều như chiếc thước kẻ ai làm cong
Ai dám để ở ngoài mưa ngoài nắng!

Nói cho anh đi, Nga ơi…
(em làm ơn chóng chóng)
Lại bên anh đi – bằng một lối rõ thật gần
Bằng một lối gần hơn con đường cong
Bằng một lối gần hơn con đường thẳng
Bằng đôi má hồng non, bằng mắt nhìn trinh trắng
Bằng những lời yêu mến tan trên đôi môi…

Và cười đi em ơi,
Cười như sáng hôm qua,
Như sáng hôm kia…
Cười đi em,
Cười như những chiều đi học về
Em đố anh Paris có bao nhiêu đèn xanh đèn đỏ
Mỗi ngày bao nhiêu lần anh hôn em?…

Cười đi em,
Cười thật nhiều đi em…
Rồi đố anh
Cho anh không kịp đếm
Cho anh tan trong niềm vui
Cho bao nhiêu ngọn đèn xanh đèn đỏ thi nhau cười
Vì hai bàn tay chúng mình sát lại
(tay anh và tay em)
Nhớ hai dãy phố chạm vào nhau
Hai dãy phố chúng mình vẫn đi về
Em nhớ không?…

Em nhớ không? Đã có một lần anh van em
Đã có một lần lâu hơn cả ngày xưa
Em sợ thời gian buồn như mọt nhấm từng câu thơ
Em sợ thời gian ác như lửa thiêu từng thanh củi
Mắt e ngại như từng con chỉ rối
Em sợ những ngày trời nắng như hôm nay
Em sợ những đường tàu vướng víu như chỉ tay
Không dám chọn lấy một ga hò hẹn
Em nhớ không? Anh đã van em
(và anh còn van em như ngày xưa…)
Em đừng buồn như những chiếc lá tre khô
Em đừng buồn như những nóc nhà thờ không có tuổi
Anh van em đừng nhìn anh và đừng cười gượng gạo
Em đừng cười như ngọn bấc gần hao
Những nụ cười vướng trên đôi gò má xanh xao
Những nụ cười vướng trên mắt nhìn trắng đục
Đừng để anh nhìn em rồi nghẹn ngào chớp mắt
Như hai vì sao le lói trong đêm sương mù
Đừng để thời gian dầy như trăm vạn lớp chấn song thưa
Về xen giữa hai bàn tay sầu tủi! …

Em nhớ không, anh đã van em đừng buồn
Anh đã van em đừng để những nụ cười chắp nối
Mắt anh sẽ mờ vì những vết kim khâu
Và anh buồn, rồi lấy ai mà dỗ nhau
Lấy ai mà dỗ hai con chó ốm!…

Em nhớ không cả một hôm trời mưa
Một hôm trời mưa tấm tức
Một hôm trời mưa không ướt cánh chuồn chuồn
Những hạt mưa không đan thành mắt áo len
Những hạt mưa không làm phai màu nước mắt
Em đã khóc, anh đã khóc, và chúng mình đã khóc
Bước chân lê trên những hè phố không quen
Chúng mình đã khóc vì không được gần nhau như hai con chim
Chúng mình đã khóc vì không có tiền làm lễ cưới lễ xin
Và em nhớ không, chúng mình đã hỏi nhau:
Tại sao phải làm lễ tơ hồng?
Tại sao phải nhờ người ta buộc chỉ vào chân?
Khi tay em đã vòng ra đằng sau lưng anh
Khi tay anh đã vòng ra đằng sau lưng em
Người ta làm thế nào cắt được
Bốn bàn tay chim khuyên!…

Người ta làm thế nào cấm được chúng mình yêu nhau
Nếu anh không có tiền mua nhẫn đeo tay
Anh sẽ hôn đền em
Và anh bảo em soi gương
Nhìn vết môi anh trên má
Môi anh tròn lắm cơ
Tròn hơn cả chữ O
Tròn hơn cả chiếc nhẫn
Tròn hơn cả hai chiếc nhẫn đeo tay!…

Chúng mình lấy nhau
Cần gì phải ai hỏi…
Cả anh cũng không cần phải hỏi anh
“Có bằng lòng lấy em?…”
Vì anh đã trả lời anh
Cũng như em trả lời em
Và cũng nghẹn ngào nước mắt!…

Và em sẽ cười phải không em
Em sẽ không buồn như một con chó ốm
Như con mèo ngái ngủ trên tay anh
Đôi mắt cá ươn như sắp sửa se mình
Để anh giận sao chả là nước biển!…

Em sẽ cười phải không em
Vì không ai cấm được chúng mình yêu nhau!…
Không ai cấm được anh làm những câu thơ anh thích
Không ai cấm được anh làm cả bài thơ
Với một chữ N
Với một chữ G
Và với một chữ A
Người ta có thể đọc một câu, hai câu, hay cả ba
Người ta có thể không thích
(thì người ta không thích một mình)
Nhưng người ta không cấm được anh yêu bài thơ của anh.

 

(trong Sổ tay thơ của Inrasara chép vào năm 1974)

 

___________

 

Lời bàn của Inrasara:

Trước 1975, thơ tình Nguyên Sa ra đời tạo nên một hiện tượng. Nó nói đúng tâm trạng của lứa tuổi đang yêu; hơn thế, ông đã tìm thấy giọng thơ khác, lối thơ khác thứ thơ thời của Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư. Người yêu không còn được ví như hoa hồng hay cái gì đó cao và đẹp tương tự, mà là “như con chó ốm”; đôi mắt thì hết còn “huyền” hay “xanh” mà đã trở thành “đôi mắt cá ươn”. Ghê thế chứ. Vậy mà nó cứ hay, cứ cuốn hút.

Trước hết, người đọc cứ thưởng thức “Nga” như một bài thơ tình hay, độc đáo và… “bình thường”; sau đó hãy thử đọc nó bằng tinh thần “niêm hoa vi tiếu” mà Bùi Giáng có một lần đề nghị!

Và anh buồn, rồi lấy ai mà dỗ nhau

Lấy ai mà dỗ hai con chó ốm!…

 

Coi bài thơ sẽ chuyển dịch theo hướng nào…

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *