Hàng mã kí ức 18. Đối thoại xung quanh Hậu – HÀNG MÃ KÍ ỨC

[Hỏi & trả lời xung quanh vấn đề Chăm và văn hóa Chăm]

* Đối thoại Hàng mã kí ức, ảnh Inrajaya.

Cũng như các cuộc trò chuyện của tôi về văn học, có không ít câu hỏi tồn đọng khi đã hết giờ. Thêm các câu hỏi gửi tới trong những ngày sau đó. Buổi Giao lưu với nhà văn Inrasara & Ra mắt tiểu thuyết “Hàng mã kí ức” do Công ty Sách Phương Nam tổ chức tại TP Hồ Chí Minh ngày 21-5-2011 không là ngoại lệ. Theo cùng cách với sinh viên Khoa Sáng tác và Lí luận – Phê bình Văn học thuộc trường Đại học Văn hóa – Hà Nội trong “Đối thoại hậu hiện đại” (Tienve.org, 2008), “Đối thoại hậu Hàng mã kí ức” là một trả nghĩa các bạn trẻ Chăm đã nhiệt tình với tiểu thuyết Hàng mã kí ức và vấn đề cộng đồng. Các câu hỏi có thể lạc đề trong buổi giao lưu, nhưng ở đây chúng sẽ được phục hồi và tháo gỡ qua trả lời ngắn gọn nhất có thể.

Cảm ơn các bạn Jaya Bahasa, Văn Bẩy, Kaka, Jayang, Luucheraza, Lưu Văn, Yên Thảo… Lưu ý thêm, các câu hỏi lẻ, rời rạc được biên tập và hệ thống lại; cạnh đó tôi cũng cho ẩn danh các nhân vật được bạn đọc nhắc đến mà không tiện nêu tên ở đây.

Inrasara

 

Hầu hết sự việc, địa danh, nhân vật… trong Hàng mã kí ức đều là người thật việc thật, tại sao gọi là tiểu thuyết mà không là hồi kí? Nếu là tiểu thuyết, sao không thay tên đổi họ nhân vật?

Inrasara: Với Chân dung Cát, tôi đi sâu vào chẩn bệnh những thói tật của Chăm thì qua Hàng mã kí ức, chủ yếu tôi muốn làm bật lên tinh thần văn hóa Chăm, tâm hồn con người Chăm. Gọi Hàng mã kí ức là tiểu thuyết, đơn giản bởi đây là chuyện kể nhiều tình tiết với các “nhân vật” phát triển với tính cách như là… tiểu thuyết. Nhân vật chính là “tôi” tương giao với các nhân vật phụ khác là: cha mẹ, anh chị em tôi, người thân và kẻ lạ, làng Caklaing nơi tôi sinh ra và lớn lên, trường tôi học, các tác phẩm văn chương Chăm, ngôn ngữ Chăm, tháp Chàm với Ma Hời, triết lí cùng lối viết sử kiểu Chăm,… Chừng ấy cũng quá đủ cho tôi xây dựng các tiểu thuyết tiếp theo mà không cần đến hư cấu.

 

Tại sao anh lại chọn một cấu trúc tiểu thuyết phức tạp, vừa hòa trộn các thể loại, giọng văn, vừa có ấm hưởng giễu nhại?

Inrasara: Hàng mã kí ức không cố ý làm phức tạp vấn đề. Để sự việc diễn ra giản đơn nhất có thể, nên trật tự thời gian được tuân thủ khá chặt chẽ, giữa các chương hay trong mỗi chương. Sự hòa trộn thể loại là điều rất khó tránh trong việc phơi bày bản chất sự việc hay tính cách con người. Có chương viết như hồi kí, chương như tiểu luận hay tùy bút. Các thể loại khác nhau xuất hiện đầy ngẫu hứng, qua giọng kể xuyên suốt là giọng phi nghiêm cẩn. Tôi ngày càng nhận ra rằng rất khó có thể kể chuyện nghiêm túc được. Dù là chuyện tốt hay xấu, hay hoặc dở, buồn hay vui, khôi hài hay rất mực nghiêm túc thế nào chăng nữa, cũng vậy.

 

Thế nào là hàng mã? Tại sao không là hàng giả mà là hàng mã kí ức?

Inrasara: “Giả” là thứ không phải thật, mà nó được làm ra với vẻ bề ngoài giống thật để mang giá trị như đồ thật với mục đích đánh lừa một phía quần chúng có thể không biết. Trong khi “mã” cũng là “đồ giả” ai cũng biết là giả, nhưng vẫn chấp nhận nó, ở cả hai phía: người sản xuất và người tiêu thụ. Ở Hàng mã kí ức, tôi biết kí ức được thể hiện qua con chữ của tôi chỉ là đồ giả, tôi nhìn nhận nó giả, và tôi không ý định đánh lừa người đọc – với tư cách kẻ tiêu thụ – rằng nó là đồ thật.

 

Các tinh thần tùy tiện, giải sân hận, nghệ sĩ tính, ham nghệ thuật ham chơi,… có phải là đặc tính chính của Chăm? Cạnh đó còn có cái gì khác?

Inrasara: Thi sĩ để làm gì, nếu không tự ban cho mình nhiệm vụ lưu giữ kí ức dân tộc? Không phải lưu giữ như sử gia hay nhà nghiên cứu, mà là như thi sĩ. Tôi gọi đó là “lập biên bản” tinh thần dân tộc. Chăm là dân tộc ham chơi, làm chơi, làm để chơi. Hãy tưởng tượng một dân tộc sống trên dải đất miền Trung khắc nghiệt, cằn cỗi với hết hạn hán đến lũ lụt, giao thông hiểm trở, nhưng họ đã dựng nên bạt ngàn tháp với nhiều phong cách khác nhau, sáng tác bao nhiêu là văn thơ.

Người Champa đã đến đất này

đào mương trồng lúa, đốt rừng làm rẫy

yêu nhau, sinh con đẻ cái

làm thơ rồi ra đi

gi Mĩ Sơn ở lại.

 

Về tâm hồn Chăm, nhà văn đề cập tinh thần giải sân hận, xin hỏi có phải Chăm không biết căm thù? Trong thế giới hiện đại, sự căm thù đang tràn lan, tinh thần giải sân hận có giải quyết được gì không?

Inrasara: Tôi không nói cả cộng đồng Chăm hôm nay hay trước kia, mà là tinh thần ấy thể hiện trong văn chương Chăm. Rõ nhất ở Ariya Glơng Anak. Tôi không tìm thấy tác phẩm nào trong kho tàng văn học Chăm biểu hiện sự căm thù hay kêu gọi trả thù. Hoàn toàn vắng mặt. Drei tacei wơk ka drei mình trỏ thẳng vào mình. Một ngón tay bạn trỏ về phía người thì có đến ít nhất ba ngón trỏ thẳng vào bạn, đó là lối nói đầy hình ảnh của Glơng Anak. Hiểu, im lặng và làm việc của mình. Còn giải sân hận có giải quyết được vấn đề của nhân loại không là chuyện khác.

 

Cả chữ “nhẫn” nữa, nhà văn hiểu chữ nhẫn thế nào? Lẽ nào sống mà cứ nhẫn nhục?

Inrasara: Dơh tanan ưn ka… Ngưng nơi đó nhịn đã… Nhẫn – ưn, là từ đinh trong Ariya Glơng Anak. Ưn – dân tộc Chăm đã tồn tại qua bão tố thời cuộc ở quá khứ. Ưn – ta nỗ lực hơn để mở hướng đi cho tương lai. Nhẫn không đồng nghĩa với hèn. Nhẫn là một trong mười hạnh của đạo Phật. Đức Phật xem nhẫn nhục “là kiên trì chịu đựng sự căm ghét hay phỉ báng của người khác, chịu sự khổ ải mà không mất đạo tâm tinh tấn.”.

 

Có phải vì chữ nhẫn chăng mà nhà văn không phản ứng lại các phê phán của người anh em, các phê phán nhiều khi rất bất công và vô lí?

Inrasara: Lâu lắm rồi, tôi nhớ vài lần, và tôi có phản ứng chút đỉnh, sau đó là im lặng. Tôi cho rằng nó còn giúp tôi tôi luyện nhẫn nữa. Còn phê bình ư, sao lại không? Viết ra cái gì cũng đúng cả, thì có lẽ ta không cần viết nữa. Thánh rồi còn gì. Giá mà các phê phán kia có tầm thì hay biết bao, tôi sẽ học được nhiều ở đó. Tiếc thay, sự thể đã không được như vậy. Và tôi không đọc nữa, mấy năm qua…

 

Không đọc những gì người ta phê phán mình?

Inrasara: Đúng, bởi tôi thiếu tính tò mò. Ngay cả các bài ca ngợi mình tôi cũng chỉ lướt qua. Về xã hội Chăm hay về lĩnh vực nào bất kì. “Không khen không chê, mà hãy định tính, định danh và phân tích để thuyết phục người nghe” là một trong ba quy ước tôi đặt ra cho Bàn tròn Văn chương. Cảm tính bốc đồng của cá nhân nào đó, có nên phí thời giờ cho nó không? Kẻ sáng tạo lại càng không để bị thao túng bởi hỉ nộ ái ố ngoài lề của cuộc người…

 

Vừa qua nhà văn có đính chính lại bài viết của Sakaya trên tạp chí Văn hóa Dân gian?

Inrasara: Vâng. Tôi có đọc gặp nó ở tạp chí Văn hóa Dân gian, và quên đi. Lần nữa bài kia được in thành sách, tôi biết, nhưng cho qua. Chỉ khi nó đăng lại tở Tổng tập Văn học dân gian các Dân tộc thiểu số Việt Nam, bộ sách tôi có tên trong Ủy viên Hội đồng biên tập, tôi mới thấy cần nói lại. Và không mặn mà lắm. Tôi từ chối đưa nó lên Inrasara.com, bởi tôi muốn dừng ở đó, không kéo dài nhì nhằng. Thật sự với Chăm, tôi không chút hào hứng tranh luận.

Trước đó, năm 2004, lần đầu tiên và duy nhất tôi “Đính chính với Dharma về Ariya Glơng Anak” đăng ở Chamyouth.com, khi ông viết quá sai về tôi. Từ đó, tôi im lặng, dù tạp san Champaka do ông chủ biên liên tục có lời tiếng xuyên tạc tôi. Mãi đầu năm 2007, khi được Bộ Giáo dục & Đào tạo mời về Phan Rang góp ý về ngôn ngữ – chữ viết Chăm, tôi mới có tham luận để giải minh vấn đề. Nói là nói giúp, nói cho… Bài viết được chỉnh sửa thành “Đính chính Champaka” đăng trên Inrasara.com. Sau đó tôi hoàn toàn từ chối mọi trao đổi.

Viết, có nghĩa là đối thoại (trao đổi học thuật để truy tìm lẽ phải), song thoại (không bị vấy bẩn bởi tinh thần bè phái) và tương thoại (giúp đỡ nhau khai mở vấn đề). Nói, khi còn có thể nghe nhau. Một khi cuộc tranh luận có mùi, tôi lánh xa. Tôi không nhắc đến vài nhân vật Chăm khác có ý định ngoài lề, là vì thế.

 

Nhưng nhà văn đã rất hăng hái tranh luận về văn chương…

Inrasara: Đúng, nhưng không phải tất cả.

Ví dụ tạp chí Hồn Việt (số 6, 2007) do GS-TS Mai Quốc Liên làm tổng biên tập, Vũ Hồng Ngự (?) – sau khi mang bài thơ “Lỗ thủng lịch sử” của Nguyễn Hữu Hồng Minh ra “đánh” – đã tố cáo “Inrasara, người luôn cổ vũ, tuyên truyền cho các dòng thơ phá phách “hậu hiện đại” này… thì là phi lịch sử và nhất là ẩn đằng sau những lời lẽ cổ vũ ấy là những hàm ý sâu xa hơn, thách thức hơn, kích động hơn, không khó nhận thấy.” Trong khi tôi chưa hề có ý kiến nào ở bất kì đâu về bài thơ trên cả!

Kẹt thế, biết đàng nào mà trao đổi chứ?

 

Hỏi thật Inrasara, khi nghe ai đó phản bác, “nói xấu” mình, anh có “căm thù” không?

Inrasara: Câu trả lời của tôi là: Không. Yêu thương nữa là khác. Buồn, nhưng tràn đầy cảm thông. Hiểu, nên đôi khi tôi đưa lời bỡn cợt chút đỉnh, cho nguôi ngoai. Đoạn thơ viết năm 2002 (Lễ Tẩy trần tháng Tư):

Tôi còn buồn là tôi còn sống

Tôi còn viết là tôi còn yêu

Tôi hết yêu là tôi đã chết

 

– Trong Hàng mã kí ức, có nhiều nhân vật “hoạt động xã hội” còn khá xa lạ với cộng đồng Chăm, Inrasara tái dựng lại diện mạo của họ bằng ngôn từ bao dung. Có phải nhà văn muốn nói lời cảm tạ đến những sinh phận đã bị lịch sử lãng quên?

Inrasara: Còn khá xa lạ, nghĩa là không “nổi tiếng” dù là trong xã hội bé con như xã hội Chăm. Theo tôi, chính vì trong xã hội bé con mà đóng góp của sinh thể vô danh kia đáng được ghi nhận. Haniim ayuh jang oh hai, nưm angan jang o hu Phúc thọ chẳng thấy đâu, tuổi tên càng không được truyền lạiAriya Glơng Anak đã thấy trước như thế. Thật lòng, mỗi lần đọc đến câu này là mỗi lần tôi khựng lại. Đứng trước những sinh phận yếu đuối kia, có trí thức Chăm tự trọng nào còn dám vỗ ngực về cái biết của mình không? Riêng tôi, tôi xem chức phận tối thượng của thi sĩ là lưu giữ kí ức về họ, dù chính kí ức ấy ngày mai rồi sẽ phôi pha đi.

 

Trong khi nhiều nhân vật Chăm khá nổi bật không thấy xuất hiện. Có vướng mắc gì không?

Inrasara: Không gì cả. Do họ chưa có duyên nợ với tôi. Cũng như nhiều thành tố khác của văn hóa Chăm vắng mặt trong Hàng mã kí ức, chỉ bởi chúng ít tác động tới tôi. Còn lại, nhiều sự kiện và con người, tôi muốn để dành cho cuốn sau.

 

Trong Hàng mã kí ức, có một chương đề cập đến “Bốn cứu cánh của đạo sĩ Bà-la-môn”. Mấy tháng qua, vài người lạ từ Campuchia xuất hiện ở làng Chăm Bà-la-môn truyền đạo, và cũng đã có mươi người theo. Nhà văn có thấy hiện tượng này nguy hại đến văn hóa dân tộc không? Làm sao ngăn lại?

Inrasara: Chính trị và tôn giáo là hai thứ mạnh ai nấy đúng, hãy để cho họ đúng. Dẫu sao tôi tin sâu xa sức mạnh văn hóa dân tộc Chăm. Gần nửa thế kỉ dọ dẫm, chưa có Chăm nào chịu làm con chiên cho cha xứ chăn dắt. Tin Lành mạnh dạn hơn, nhưng Chăm vào rồi ra rồi vào rồi rủ nhau ra. Như đùa vậy. Ý này tôi đã đề cập trong Chân dung Cát. Độ “lỳ” của Bà-la-môn Chăm đã qua nhiều cuộc thử lửa, nó không mất đâu. Nếu có, nó mất theo kiểu khác. Nhưng dại gì tôi nói cho người ngoài biết, phải không?

 

Nhắc đến chuyện dại khôn hay thông minh, trên website của mình, Inrasara có nêu câu hỏi vừa tế nhị vừa rất nhạy cảm: “Người Chăm có thông minh không?”. Nhà văn không ngại bị phản pháo sao?

Inrasara: Tại sao lại phản pháo? Đó chỉ là một câu hỏi bình thường như bao câu hỏi khác. Đây không là câu hỏi đặt ra để trả lời mà là để mở hướng cho suy tư chiều sâu, hỏi – buộc các đối tượng thường trực ưu tư về nó, mở rộng chiều kích tư duy. Để tìm câu trả lời thỏa đáng nhất cho chính mình. Còn phán Chăm có thông minh hay không, sự thể chẳng tiến triển gì thêm.

 

Bỏ qua phần đóng góp của tác phẩm Có 500 năm như thế của Hồ Trung Tú, với một kết luận “sai lệch” về văn hóa – lịch sử như thế mà Inrasara viết giới thiệu, anh không ngại ảnh hưởng đến uy tín của mình sao?

Inrasara: Ý hướng của Hồ Trung Tú là tốt. Bên cạnh thiếu sót nhất định – phần triển khai khoa học cũng tốt; duy có đoạn kết luận thì hơi lấn cấn. Tôi thấy điều đó và chỉ ra. Đầu tiên tác giả không chấp nhận. Tôi giới thiệu để mọi người đọc, qua đó không ít người nêu ý kiến tương tự, sau đó là các ý kiến phản biện trên Inrasara.com. Cuối cùng Hồ Trung Tú cũng nhận ra mình “lủng củng” và hứa sửa chữa. Sự thể phát triển theo chiều hướng tích cực như thế, không là tốt sao? Uy tín của Inrasara không tăng thì thôi, làm gì bị ảnh hưởng.

Uy tín cá nhân, nếu có suy giảm chút đỉnh mà làm được việc có ích, không đáng ư? Theo tôi, biết sai, chịu nhận lỗi và chấp nhận sửa sai là đức tính đáng quý, nhất là đối với người mới bước chân vào lĩnh vực nhiêu khê này.

 

Ba mươi năm qua thế hệ trẻ Chăm học và viết chữ Chăm theo lối Ban Biên soạn sách chữ Chăm. Mười năm trở lại đây có nhóm đang dạy theo lối Từ điển Moussay. Một xã hội nhỏ bé như xã hội Chăm mà tồn tại hai hệ thống chữ viết là một hiện tượng đáng buồn. Làm thế nào có thể giải quyết được tình trạng này? Hàng mã kí ức nêu ra vấn đề rồi bỏ đấy. Xin nhà văn cho biết thêm ý kiến.

Inrasara: Sự thể liên quan đến sự “cứng đầu” của tinh thần văn hóa Chăm, tính “tùy tiện” của tâm hồn con người Chăm. Tôi để hai từ này trong ngoặc kép bởi nó rất đặc trưng. Chăm tồn tại hay tiêu vong cũng bởi đó. Tại sao phải giải quyết chứ? Văn hóa Chăm chưa qua kĩ thuật in ấn, nên xưa cha ông viết rất tùy tiện (cứ lật Từ điển Aymonier mà xem: khối từ viết bất nhất), nhưng tôi chưa hề thấy một ông Chăm nào mù chữ. Đó không là tuyệt diệu ư?! Hiện tại chỉ có hai “hệ thống”, nếu có nhiều hơn, akhar thrah cũng không chết! Bạn tin tôi đi. Đó là huyền bí của định mệnh Chăm.

 

Được biết trong tác phẩm của mình – ngoài Từ điển Việt – Chăm dùng trong nhà trường – nhà văn đều viết theo “kiểu” cũ, còn đặc san Tagalau thì viết cả hai dạng, nhưng Inrasara được cho là ủng hộ Ban Biên soạn. Có mâu thuẫn không?

Inrasara: Tôi không ủng hộ, mà là chấp nhận. Với trẻ con, có cơ quan thống nhất dạy và học một kiểu, là điều tốt. Còn sau này tung tăng ngoài đời, bạn cứ tùy ý. Đọc được cả thôi, đừng lo. Không đọc được là do bạn “kém” chứ không phải lỗi ở ông bà. Ý này tôi nói từ hơn mươi năm trước rồi. Giả dụ ngay giờ này, ta hè nhau bỏ “hệ thống” của Ban Biên soạn đi, thế nào rồi sẽ có quý ông nổi hứng làm khác cho mà xem. Rồi cũng lôi kéo khối môn đồ đi theo.

Đó mới đích thị Chăm: sáng tạo. Có khi không có gì đáng sáng tạo, ta cũng bày cách sáng tạo. Nhìn xakawi lịch xưa và nay thì đủ biết: – Xakawi bak nưgar Xakawi khắp xứ là vậy.

 

Đành thả nổi ư?

Inrasara: Bạn còn chưa nắm được tinh thần triết lí Chăm rồi. No problem! Làm cho nó trầm trọng lên, mới phiền. Cho rằng chữ Chăm hiện nay có hai “hệ thống” cũng là cách nói to. Rất ít khác biệt ở đó. Ngàn năm trước, mấy sứ Tàu qua Champa tính đưa Chăm vào trường quy, Chăm có chịu vâng dạ đâu, vẫn cứ truyền thống mà dạy nhau. Tôi ủng hộ tinh thần cá biệt đó. Điều quan yếu và mang tính sống còn là làm sao truyền lưu và tập cho thế hệ trẻ biết chia động từ SÁNG TẠO đúng nghĩa sáng tạo, ở thì tương lai.

 

Nhắc đến tương lai, xin Inrasara cho biết dự án của mình, bởi tôi nghe nói anh đang sắp từ bỏ nhiều thứ.

Inrasara: Tôi sẽ giao Tagalau cho cánh trẻ, cho ngưng hay chuyển giao website Inrasara.com, quyết toán dự án Tủ sách Văn học Chăm (chưa xong cũng nghỉ) và những gì liên quan đến văn hóa Chăm, rời bỏ Sài Gòn về quê, có lẽ. Tôi có sào rẫy cạnh Hầm Mỹ, cách Nhà máy Điện Hạt nhân khoảng mươi cây số đường chim bay. Tôi sẽ đến đó ở, khi nhà máy bắt đầu vận hành. Nghe đồn Inrasara không ý kiến do gia đình ông đang an cư Sài Gòn, thoát rồi. Oan cho tôi. Tôi có ỉ ôi than vãn đây đó. Tôi đã đọc cả trăm bài báo của chuyên gia Việt Nam lẫn nước ngoài về nó. Và tôi không thể nói gì thêm, làm gì hơn. Về, tôi sẽ trụ tại Caklaing, tái khám phá đời sống Chăm lần nữa.

 

Và để viết tiểu thuyết

Inrasara: Chục cuốn cả thảy. Trước hết là Hầm Mỹ. Bạn biết, mỗi lần về quê là mỗi lần tôi dzọt lên với Hầm Mỹ. Tôi còn dẫn các bạn văn lên đó. Đa số nghĩ tôi đùa, bởi chẳng có gì đáng xem cả. Họ thì vậy, với tôi – hấp dẫn kì lạ. Tôi nhìn thấy ở đó bao biến chuyển thời cuộc, dâu bể lòng người. Sau Hầm MỹBà Kâu. Một bà già mù nhà cực nghèo ở cạnh nhà tôi. Bà có cô con gái chơi với tôi thời xà lỏn – không chồng, thất học. Sau 75, hình ảnh bà nằm ngoài kí ức tôi. Mãi khi mẹ bệnh nặng, bà chống gậy qua thăm, tôi bàng hoàng. Trong sát-na, tôi thấy toàn bộ nỗi đau khổ của con người hiện ra ở bà. Thiền nói cả thế giới ở trong một hạt bụi, quả không sai. Sau hai tác phẩm này, tôi tiếp tục Tiểu thuyết của Khan (hay Con đường vô tận) viết dang dở từ thời điểm tôi mở quán cà phê ở quê năm 1991.

 

Tại sao anh quyết bỏ dở dang sự nghiệp [nghiên cứu, sáng tác thơ và phê bình]? Đang ở trên “đỉnh”, sao lại tính vứt đi tất cả thế kia? Sẽ có người nghĩ nhà văn giận lẫy do các phê phán?

Inrasara: Giận lẫy ư? Thử liên hệ vui, mỗi ngày ông Obama bị cả ngàn bài phê phán nặng có nhẹ có. Không ít người đòi truất phế ông nữa. Có bao giờ ông tổng thống Mỹ nhõng nhẹo kêu em chả em chả? Với tôi, “giai đoạn chủ hộ grhastha với gánh nặng trách nhiệm gia đình và xã hội đã kết thúc, bạn dũng mãnh bước vào giai đoạn thứ ba: đi vào rừng vanaprastha” (Hàng mã kí ức). Ngôn ngữ và văn chương Chăm, thơ với phê bình… như thể thời kì quá độ một đạo sĩ phải bước qua. Là đạo sĩ Bà-la-môn, tôi lên đường đi vào rừng, chấp nhận thử thách mới, cam go ngàn lần hơn.

 

Hết nợ nần với cộng đồng?

Inrasara: Vào rừng, nhưng vẫn còn ngoái lại. Nghĩa là, nợ theo kiểu khác.

 

Không tộc người thiểu số nào có lực lượng nghiên cứu đông đảo như Chăm, nhưng ngoài hai cuốn Văn hóa ChămpaVăn hóa Chăm do các tác giả người Kinh viết, tôi chưa thấy tác giả Chăm nào viết về văn hóa đại cương của dân tộc mình.

Inrasara: Tục ngữ Chăm nói rất hình tượng: Đom dahluw asuw bboh Nói trước [để con] chó [nó] thấy. Tôi đã xong tác phẩm kiểu đó rồi. Mỏng thôi, khoảng 200 trang, nhấn vào cốt lõi: Tinh hoa văn hóa Chăm. Họa sĩ xong phần minh họa, khoảng 70-80 tranh ảnh, là đẩy nó ra mưa gió cuộc đời. Cạnh đó, Minh triết Chăm là cách nhìn văn hóa Chăm từ chiều kích khác. 

 

– Hi vọng độc giả sẽ sớm đọc được tác phẩm kia. Xin hỏi thêm: Trong số đông đảo nhà nghiên cứu Chăm, tôi chưa thấy ai là chuyên gia về Champa học có tiếng nói giúp Nhà nước đề ra chính sách và biện pháp để giải quyết các vấn đề liên quan đến cộng đồng Chăm, nhà văn nghĩ thế nào về khía cạnh này?

Inrasara: Đây là câu hỏi thiết thực, nhưng nó rộng đến khó bao quát. Về chính trị, Chăm có Đại biểu Quốc hội. Còn nếu như Đại biểu kia chưa đại diện được cho tiếng nói cộng đồng thì đành chịu. Về lĩnh vực giáo dục, Chăm có nhà giáo dục nào tầm cỡ chưa? Nếu có, sẽ tác động tới đâu?

Không muốn to tát chuyện đại sự, tạm nêu bộ phận nhỏ thôi, – lĩnh vực tôi biết rõ hơn cả: văn học. Với tư cách nhà văn và người nghiên cứu văn học dân tộc, từ năm 1994, tôi đã cho ra mắt Văn học Chăm, khái luận – văn tuyển 3 tập; sau đó thêm mấy cuốn trong bộ Tủ sách Văn học Chăm nữa. Các công trình kia được các hội chuyên nghiệp, cơ quan Trung ương đóng dấu xác nhận qua các loại giải thưởng. Cạnh đó, non trăm lần tôi lên tiếng bằng nhiều cách thức khác nhau trên các diễn đàn khác nhau, nhưng có cơ quan hữu trách “nghe” để đề ra chính sách về đóng góp ấy chưa? Nếu chưa, thì trục trặc ở đâu?

 

Quá trình hiện đại hóa nông thôn sẽ làm biến đổi văn hóa truyền thống là điều khó tránh khỏi. Người Chăm đã chuẩn bị gì để ứng xử với các giá trị văn hóa mới?

Inrasara: Chưa chuẩn bị gì cả! Tôi đã triển khai khá cụ thể và bao quát về vấn đề này trong bài “Xã hội Chăm hôm nay và tương lai cộng đồng” (Văn hóa – xã hội Chăm, nghiên cứu & đối thoại (NXB Văn học, 2008), xin miễn lặp lại.

 

Văn hóa Chăm như một ốc đảo, đứng vững chãi và đơn độc giống các đền tháp Chàm. Nếu không có một hệ tư tưởng thống nhất để gắn kết các cụm tháp Chàm lại, trong tương lai người Chăm khó theo kịp nhịp phát triển của khu vực và thế giới. Vậy, đâu là tư tưởng của người Chăm? Nhà văn có dự định làm một ngọn đuốc tư tưởng để định hướng con đường đi cho dân tộc Chăm không?

Inrasara: Nhìn một cách tích cực, chế độ mẫu hệ Chăm vừa cố kết mang tính tập thể vừa phát tán mang tính cá nhân. Cố kết trong việc bảo lưu bản sắc, nhưng rất phát tán trong thúc đẩy người nam vượt thoát ra thế giới bên ngoài. Tôi hoan nghênh tinh thần cá nhân chủ nghĩa tự do đó. Miễn sao người nam Chăm biết vượt bỏ vùng trũng ao làng, để dấn thân vào lĩnh vực xa lạ, cạnh tranh trực tiếp với thế giới xa lạ.

Còn “làm một ngọn đuốc tư tưởng để định hướng con đường đi cho dân tộc Chăm”, tôi chưa và sẽ không bao giờ mơ đến. Sau Tinh hoa văn hóa Chăm là một kiểm kho gạn đục khơi trong gia tài quá khứ, và Minh triết Chăm như cách đúc kết “trí khôn sáng” của ông bà tổ tiên, tôi đi vào rừng. Malraux nói đại ý: Không phải chín tháng mười ngày để làm nên một con người, mà phải mất đến sáu mươi năm. Nhưng tốt hơn cả, hắn nên chết đi. Tôi không chết đi, mà là trở về nguồn cội để một lần và muôn ngàn lần nữa “sống, nhớ và kể lại”. Niềm tin của tôi và câu chuyện của tôi…

 

Nhà văn không mặn mà cãi nhau về quá khứ, nhưng tôi biết không ít người riết róng bám vào quá khứ, tranh luận về quá khứ, họ không là Chăm sao?…

Inrasara: Họ vẫn là Chăm, nhưng họ bị con rồng liếm trúng ở bề lưng, hay liếm hụt, có lẽ. Một sinh thể Chăm đúng nghĩa không vun quén làm của riêng mà là dũng mãnh lên đường khai phá, đúng theo tinh thần triết học Shiva: Sáng tạo và phá hủy đồng thời và, phá hủy để sáng tạo.

Như dòng sông cho và đi

Cho và đi mất về biển xa…

(“Tặng phẩm của dòng sông”, 1982)

Được và buông bỏ, được để buông bỏ. Cứ thế… Mấy tác phẩm kia chỉ là dấu vết những mảnh đời đã qua, tôi quyết trút bỏ lại sau lưng. Hiện tôi đang có trong tay hơn hai mươi bản thảo chưa in. Thơ, truyện ngắn, phê bình, khảo luận, tạp bút… Từ đây đến đó (năm, sáu năm), nếu cuốn nào điều kiện chào đời được thì cho ra, còn thì, hãy phó mặc tất cả cho duyên phận…

 

Chăm thì phải phiêu lưu sáng tạo. Và phiêu lưu sáng tạo, để khẳng định Chăm?…

Inrasara: Khai phá vùng đất mới, dấn mình vào con đường chông gai của sáng tạo, chỉ làm được vậy thôi, Chăm mới khẳng định vị thế và tên tuổi mình với thế giới bên ngoài. Có ai trong Chăm nuôi ước vọng trở thành một đạo diễn lớn, một triết gia tầm cỡ hay một nhà văn ảnh hưởng toàn cầu? Thà thất bại với tham vọng bất khả lượng đạt như thế, còn hơn là mãi kèn cựa và níu nhau chết chùm Ia bblung dung gơp trong vũng lầy của xakawi cùng pauh gak với vụ crauh audar sa. Trích đoạn bài thơ “Con đường” viết năm 1981 khi tôi mới hai mươi bốn tuổi (in trong Tháp nắng):

… Ơi người anh em rớt lại nơi bờ quan san

Ơi những bàn chân còn dọ dẫm con đường

Với cây đuốc

Mang trái chán chường – bỏ cuộc

Lê về trên đôi guốc cũ của viện bảo tàng!

 

Ơi người thi sĩ có màu mắt rất đen và mái tóc rất đen

Mãi ngủ giấc lành dưới mốc bụi của hành lang thư viện

Cẩn trọng bơi trong dòng hiện sinh

Mắc cạn bên này bờ cuộc chiến

 

Bao giờ?

Chúng ta trút gánh nặng xuống – lên đường

Con đường băng qua buổi chiều những thời đại

Gặp gỡ người tình nhân: cô đơn

Con đường vượt lên Đông phương, Tây phương

Giáp mặt với chiều sâu – bóng tối…

 

Theo tôi nhận biết, gần như toàn bộ hệ tư tưởng Inrasara đã hình thành và chín đầy ở khoảng 20-30 tuổi. Có vẻ Inrasara đã coi nhẹ “quá khứ” ngay từ thuở đó. Nhưng chính Inrasara lại sống đời sống bảo tàng và với sách vở nhiều hơn cả. Mới năm ngoái thôi, nhà văn còn khai trương Nhà Trưng bày Văn hóa Chăm Inrahani Thư viện Inra ở quê. Có quá mâu thuẫn không?

Inrasara: Ngôn ngữ đời thường chỉ nhiếp dẫn chúng ta đến điểm này thôi. Ở đây, tôi đành phải viện đến tư tưởng biện chứng của nhà Phật: Phật thuyết Bát nhã ba-la-mật tức phi Bát nhã ba-la-mật thị danh Bát nhã ba-la-mật. Chỉ khi nào hiểu được thế bất nhị phi bất nhị này, kẻ thiện tri thức mới vượt qua được chủ nghĩa hư vô Nihilism đang thao túng toàn thể lịch sử nhân loại hiện đại.

 

Dù nhà văn từ chối “làm ngọn đuốc”, nhưng dẫu sao đi nữa Inrasara vẫn được coi là con người hoạt động đa lãnh vực, nhân vật sáng giá trong xã hội Chăm hiện đại ít nhiều ảnh hưởng ra “ngoài thế giới Chăm”, nên không ít người muốn biết quan điểm cụ thể của Inrasara. Nhà văn có thể nói một cách dễ hiểu nhất con đường đi của Chăm hôm nay

Inrasara: 25 năm suy nghĩ và viết, ẩn mình trong bóng tối vô danh, làm ngọn cỏ cúi rạp mình trước giông bão thời cuộc. Ngay từ tuổi hai mươi, khi có đôi chút hiểu biết, tôi có một niềm tin – và từng bước cụ thể hóa niềm tin ấy. Tạm gọi đó là câu chuyện của tôi, tự sự narrative của tôi, – nói như hậu hiện đại. Ai muốn tin hay không tùy, chứ tôi không làm ngọn đuốc cho bất kì ai cả.

Với Chăm hôm nay, thứ nhất, hiểu bản sắc văn hóa dân tộc, hiểu khái quát cũng được, hiểu sai chút đỉnh cũng không sao. Thứ hai, với quá khứ, giải sân hận và giải quá khứ. Giải quá khứ không phải là từ bỏ hay quay lưng lại quá khứ mà là, hiểu và buông xả. Với hiện tại: hành NHẪN. Thứ ba, phiêu lưu và sáng tạo. Dấn mình vào các lĩnh vực ngoài Chăm, sáng tạo cái mới, cạnh tranh với thế giới bên ngoài. Cuối cùng, dù sống bất kì đâu, không chối bỏ Chăm, khẳng định Chăm với Việt Nam và thế giới.

 

Sài Gòn, 11-6-2011

 

2 thoughts on “Hàng mã kí ức 18. Đối thoại xung quanh Hậu – HÀNG MÃ KÍ ỨC

  1. Đoạn này hay quá!

    Cả chữ “nhẫn” nữa, nhà văn hiểu chữ nhẫn thế nào? Lẽ nào sống mà cứ nhẫn nhục?
    Inrasara: Dơh tanan ưn ka… Ngưng nơi đó nhịn đã… Nhẫn – ưn, là từ đinh trong Ariya Glơng Anak. Ưn – dân tộc Chăm đã tồn tại qua bão tố thời cuộc ở quá khứ. Ưn – ta nỗ lực hơn để mở hướng đi cho tương lai. Nhẫn không đồng nghĩa với hèn. Nhẫn là một trong mười hạnh của đạo Phật. Đức Phật xem nhẫn nhục “là kiên trì chịu đựng sự căm ghét hay phỉ báng của người khác, chịu sự khổ ải mà không mất đạo tâm tinh tấn.”.

  2. Ví dụ tạp chí Hồn Việt (số 6, 2007) do GS-TS Mai Quốc Liên làm tổng biên tập, Vũ Hồng Ngự (?) – sau khi mang bài thơ “Lỗ thủng lịch sử” của Nguyễn Hữu Hồng Minh ra “đánh” – đã tố cáo “Inrasara, người luôn cổ vũ, tuyên truyền cho các dòng thơ phá phách “hậu hiện đại” này… thì là phi lịch sử và nhất là ẩn đằng sau những lời lẽ cổ vũ ấy là những hàm ý sâu xa hơn, thách thức hơn, kích động hơn, không khó nhận thấy.” Trong khi tôi chưa hề có ý kiến nào ở bất kì đâu về bài thơ trên cả!

    Kẹt thế, biết đàng nào mà trao đổi chứ?

    Hoan hô Inrasara! Thế mới đích thực Inrasara!
    Ở đời, bạn thành công là bạn bị thù ghét. Không phải riêng người Chăm đâu, mà cả các ông bự như ông này.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *