1. Kể tiếp câu chuyện của Đặng Thái Minh
Gặp lại Minh, vui hết biết.
* 2 sinh viên của tôi thuở Trung tâm.
Tôi rất ngại gặp mặt đồng môn cũ. Họp mặt lớp gì gì đó, tôi tìm cách né. Chả biết nói gì ở đó cả. Ôn lại kỉ niệm xưa thì sến. Ca ngợi một ai đó thành đạt, thì khối kẻ còn lại tủi thân. Quanh đi quẩn lại tán chuyện, cuối cùng là… đường ai nấy đi. Năm sau lại họp mặt.
Riêng Minh thì không.
Tôi hay theo dõi và nể trọng người trẻ tuổi hơn mình. Tôi đã từng khoái Bùi Chát, Lý đợi mươi năm trước ở Sài Gòn. Hà Nội, tôi nể Lê Anh Hoài. Xưa ở Đại học, dù anh em ít trao đổi, tôi rất “ngán” Minh. Như hơn tháng nay, tôi rất chịu Vũ Lập Nhật. Tất cả đều nhỏ tuổi hơn tôi. Nể, khi tài năng họ vừa mới nhú. Nhưng tôi nhìn thấy tiềm năng ở họ.
Ngược về thời chưa xa. Tôi luôn bị ám ảnh và luôn ở tư thế sẵn sàng bay khỏi Caklaing, để vùng vẫy.
Lúc đó ở quê, mới 32 tuổi đầu, tôi đã “giữ ghế” thư kí Hội Bảo thọ. Chú ý: đó là hội dành cho các cụ cao niên. Thầy Hồng hiệu trưởng tôi thuở Tiểu học chức phó, ông Mỗ thứ trưởng Bộ Phát triển Sắc tộc chế độ cũ là Hội trưởng. Chúng tôi chơi thân như bạn vong niên. Ông Mỗ nói: Trạm vào làm đi, hùn với chú cải cách vài hủ tục Chăm. Thế là tôi nghe theo. May, chúng tôi cũng làm được mấy món ra hồn.
Mùa hè năm 1992, tôi bàn giao hồ sơ sổ sách. Đi! Không biết đi đâu, miễn là phải đi. Tôi cũng làm kiểm kê bàn giao quán Càphê Haly cho bà xã. Đùng cái, Thành Phần mang thư thầy Tỷ mời tôi vào Sài Gòn soạn Từ điển. Một tháng. Vụ này tôi có kể trong Hàng mã kí ức, xin miễn nhắc. Đến năm 1996 thì xong Từ điển Chăm – Việt.
Lúc đó Cẩn vào Đại học học Cao học. Thầy Thế mới bày ra chương trình soạn Từ điển Việt – Chăm do thầy chủ biên. Cẩn phụ tôi. Đến mùa hè 1996, tôi ra Hà Nội dự Trại sáng tác Đải Lải một tháng. Về, thì Từ điển đã in xong. Trung tâm bố trí tôi dạy tiếng và văn hóa Chăm cho sinh viên được 2 khóa. Sang 1997 thì… hết việc. Trong khi đợi dự án khác, – thầy Thế nói, Trạm làm hồ sơ Từ điển Aymonier đi. Thế là tôi bắt đầu dịch và cắt dán, ở nhà.
Làm một buổi, lương tháng 500 ngàn nhận đều.
Lúc đó, Trần Khuê mời tôi qua Trung tâm Đông Nam Á ông mới thành lập, trụ sở tại Bảo tàng Mĩ thuật thành phố. Tôi đứng chân phó giám đốc, đồng hạng với chị Thanh Xuân. 3 người, và không ai khác. Tôi ậm ừ. Hôm ra mắt Trung tâm, trước hàng trăm bá quan văn võ Sài Gòn, ông hô tên tôi đứng lên, giới thiệu thật oách. Tôi đứng đó khoảng nửa phút – như trời trồng, chả biết cục cựa thế nào cho ổn! 3-4 bận qua lại “cơ quan”, tôi xin thôi chức.
Lại ông khác, trụ trì Chùa Ấn Độ tại góc đường Pasteur – Lê Lợi, không hiểu do đâu, ông mời ông bà tôi qua hợp tác. Anh Inrasara (lúc này tôi đã đeo bút danh này) cứ ngồi đây làm việc, từa tựa chức phó trụ trì. Chỗ ngồi làm việc và dạo chơi thì mênh mông, tiện cho đọc sách và soạn từ điển. Nhưng về phía chùa, tôi vô công. Lại thôi chức.
Cù cưa vậy mãi sang năm 1998, Trung tâm Việt Nam – ĐNA rục rịch thay đổi nhiều thứ. Tôi thôi nhận lương. Thầy Thế cũng không hỏi thăm tôi làm tới đâu nữa.
Thêm: 6 năm ở Trung tâm, không ai biết tôi làm thơ hay nghiên cứu gì gì cả. Mỗi ngày đều đều tôi đi và đến, như bóng ma. Rồi đột ngột, tôi in thơ. Đột ngột tôi cho ra bộ Văn học Chăm khái luận – văn tuyển. Đùng cái Tháp nắng đoạt Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam. Như Ma Hời từ bóng tối thình lình hiện hồn vậy. 4 năm làm việc ở Ban Biên soạn sách chữ Chăm, 6 năm tại Đại học, tôi không có bằng khen nào cả. Thầy Thế gợi ý: Trạm làm Cử nhân đi, để có kỉ niệm nào đó với Trung tâm. Tôi bảo: miễn đi thầy ạ. Kỉ niệm 20 năm BBSSCChăm, mọi người mới cũ từng qua cửa cơ quan này ai cũng có bằng, riêng tôi – không. Cả trước đó lẫn sau này, cũng không. Thầy Tỷ nói: đúng thôi, tầm của Trạm là ở cấp Trung Ương với quốc tế.
Cận Tết 1998, Trung tâm VN-ĐNA tổ chức tiệc tất niên đính kèm mừng Giải thưởng Hội Nhà văn. Có thể coi đó là dấu mốc chấm hết đời quan trường của tôi.
Tôi trở thành nhà văn tự do.
* Alec tài năng và đầy chất nghệ sĩ.
2. Chuyện Chăm và linh tinh
Mưdwơn Hán Phải mất hồi cuối tháng 7 rồi. “Ghi chép tháng 7-2011” chưa kịp đưa tin. Là ông chú, và yêu thương tôi như… cháu. Chiều, nằm liệt giường hơn tháng nay, ông chuẩn bị đi, thì tôi ghé. Tôi hỏi chuyện ông. Tôi nói vừa đưa ảnh và bài về chú lên trang nhất tờ báo, ông giơ bàn tay yếu lên xoa đầu tôi. Sáng mai sớm thì ông mất. Chăm mất đi một nghệ sĩ ưu hạng.
Jaka bay qua Thái Lan 3-8-2011, sang Bali 6-8, về 13-8-2011. Nhiều chuyện hay và vui, Jaka nói. Không khác gì Chăm Pandurangga. Ừa, nghe kể thôi cũng đủ khoái rồi.
Chế Linh sắp về Việt Nam, anh báo cho biết vậy. Nhưng mãi giờ này rồi vẫn chưa brei harei “cho ngày” cụ thể.
Xã hội bé nhỏ Chăm lại lùm xùm thêm sự cố “nịnh bợ” khác. Tôi ở thế buộc, đành nhập cuộc… giải thích. Xét chung tâm lí con người, tùy hoàn cảnh xã hội, thái độ và hành vi nịnh bợ có nhiều biến tướng khác nhau, nhưng đó là thứ tâm lí rất dễ nhận ra và lí giải. Khi ta thiếu tự tin, ta cần một thế lực nào đó hỗ trợ, nhất là về tinh thần. Có thể cá nhân hay một tổ chức. Hỗ trợ để đạt mục đích nào đó. Và thường là mục đích thấp hèn.
Đại học ở miền Tây dự trù mời tôi nói chuỵện. Dễ lắm, thường thì tôi kéo theo Nhật Chiêu. Hạp nhau cả về tính khí lẫn mĩ học. Nhưng kì này họ đòi nữ, mà phải là văn xuôi, đi cùng. Gặp Vũ Lập Nhật. Nhà văn trẻ này viết truyện ngắn cực kì. Thôi, em còn trẻ, chưa nắm được vấn đề. Và chưa quen. À, có nhà văn Dạ Ngân đây rồi. Họ đồng ý ngay.
Alec Schahcmer – giảng viên hợp đồng dạy văn học nước ngoài ở Đại học KHXH & NV TP Hồ Chí Minh – ghé nhà nói chuyện về Chăm và văn chương Việt Nam đương đại. Thông minh, hiểu biết và đầy nghệ sĩ tính.