Ghi chép tháng 6-2011: Quá nhiều chuyện lẻ, chỉ có thể liệt kê

Tháng có quá nhiều “sự kiện”, toàn sự kiện rời lẻ, nhiều món xu hướng lôi tâm hồn về phía tiêu cực. Lộn tùng phèo lên. Dẫu sao chúng cũng làm nên dấu vết cuộc đời. Chỉ có thể ghi như một cách thống kê để ghi nhớ.

– Biểu tình chống Trung Quốc về vụ Trường Sa – Hoàng Sa. Bốn Chủ nhật liên tục.

Quá nhiều bài phân tích, nhưng có lẽ phân tích của Aaron L. Friedberg: “Hegemony with Chinese Characteristics” đăng National Interest, ngày 21-6-2011 đi vào trọng tâm vấn đề hơn cả.

Throughout history, relations between dominant and rising states have been uneasy—and often violent. Established powers tend to regard themselves as the defenders of an international order that they helped to create and from which they continue to benefit; rising powers feel constrained, even cheated, by the status quo and struggle against it to take what they think is rightfully theirs. Indeed, this story line, with its Shakespearean overtones of youth and age, vigor and decline, is among the oldest in recorded history.

Năm 2007, tôi có viết bài thơ “Ở nơi ấy, hảo hảo hảo” đăng ở Tienve.org được Đài Á châu Tự do phỏng vấn, bình và đọc mất 30 phút.

– Qua Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn nghe Nhật Chiêu thuyết trình về hậu hiện đại. Phát biểu hỗ trợ bạn văn.  Tuần sau, TP có tổ chức tọa đàm về hậu hiện đại. Ở đó có nhà văn hỏi tại sao tọa đàm về hậu hiện đại mà thiếu Nhật Chiêu với Inrasara. Ban tổ chức bảo: – Quên.

– Hoàng Thu Thùy, Đài Tiếng nói Việt Nam phỏng vấn về Chăm, qua điện thoại. Sau khi đưa lên sóng mươi ngày, phóng viên dân tộc Tày này lại qua nhà phỏng vấn tiếp về văn hóa văn nghệ dân tộc thiểu số…

– John Thornton phone hẹn qua nhà làm cuộc phỏng vấn dài về đời sống Chăm cho tạp chí The Word Magazine. Hết buổi sáng đến quá ngọ, mời anh chàng nhà báo Anh cơm trưa. Nhà báo cùng tuổi với Jaka, trẻ, năng động. Dăm ngày sau thêm phóng viên ảnh của tạp chí người Mỹ qua yêu cầu Inrasara hết đứng lại ngồi làm mẫu cho chụp đến cả mấy chục pô. Tay này người Mỹ nhưng ngó bộ rành văn chương Nga và Pháp. Lướt qua mấy chục tác giả trong tủ sách tôi, hầu như anh chàng biết không sót ông bà nào.

– Phỏng vấn của Yên Thảo trên báo Pháp luật đưa ảnh chân dung Inrasara lên ngay trang nhất, bài phỏng vấn chiếm cả trang chính trong ruột. Thêm 2 cái ảnh nữa. Đây là lần thứ 21 tôi lên ngồi trang nhất báo chí. Đúng hệt dự báo đầy bỡn cợt của thơ tôi được viết hồi năm 1981: “Gõ lớn tuổi tên mình trên trang đầu tờ nhật báo“. Dự cảm bừa vậy mà linh, linh khá… buồn cười. Ghét của nào trời trao của nấy.

– Thầy Tỷ và Đôn qua nhà nói chuyện trên trời dưới đất hết cả buổi chiều.

– Tạp chí Văn nghệ Quân đội đặt bài Inrasara phê bình tiểu thuyết KÍN của Nguyễn Đình Tú. Đọc và viết suốt 2 ngày. Ừ, cũng khá. Vừa xong Kín, tôi bị rơi vào thế buộc, lại phải viết đính chính về 2 bài rất bá vơ. Quá cha là rầy rà. Ngu thế chứ!

– Bạn thơ Lê Hưng Tiến từ quê có chuyện vào Sài Gòn phone mời anh em lai rai. Anh chàng nổi hứng hú đến 7 mạng nữa nhập cuộc. Cũng vui. Nhưng cái món văn nghệ sĩ tụ tập đông người này, thì nhà văn nhà thơ mạnh ai nấy nói. Tôi thích đối thoại tay đôi hơn. Cuối cùng tôi cũng len lén ngắt nhỏ quý bạn văn dzọt trước.

–  William Noseworthy qua nhà nói chuyện. Anh chàng thạc sĩ văn chương này khá vui tính, hòa đồng nhanh. Đúng chất Mỹ. Làm quen với Jaka, cầm ghita lên và thoải mái hát…

– Gặp họa sĩ Nguyễn Khoa Nhy người Phan Rang vừa vào Sài Gòn sống hơn năm nay. Nói chuyện về hội họa là chính. Anh bảo Chăm xưa rất tuyệt, nhưng sau này có vài người nhiễm thói thị thành thoái hóa, tội quá. Cảm ơn anh đã nói thật.

Sau, ghé doanh trại Quân đội Nhân dân gặp nhà văn quân đội Nguyễn Quốc Trung, tặng anh Hàng mã kí ức, anh bảo đọc một hơi không thể bỏ sách xuống. Sara giỏi thế, anh nói. Dạ, cố cắn răng mà giỏi, ông anh à.

– Ông Đinh Trần Toán, nhà thơ đầy tính Thiền tìm được từ “thông hiển” để chỉ Inrasara. Khoái quá, ông phone nói chuyện. Tặng tôi tập thơ Nghiệm sinh 7, ông viết: “Inrasara nhà Chăm học, thông với Trời và Đất, hiển lên con chữ Thể tính Chăm, trước sóng xô xanh biển thẳm, đối diện với chính mình… nhàn tản rong chơi để cùng Thông Hiển”. – Mình đang viết một bài về Sara, – chỉ viết dành cho Sara thôi, chứ không đăng báo chí gì cả, ông nói.

– Đoan Nét, cháu ruột của Hani và là Kế toán trưởng Công ty, lấy chồng. Thì phải đi. Thu xếp hành lí đâu đấy, rồi lại cất… Một Đại học vừa mở Khoa Dân tộc học mời tôi qua góp ý chương trình và lên kế hoạch… dạy. Inrasara mà dạy nỗi gì chớ. Biết thế nên tôi đã chối mấy đại học rồi. Nhưng cũng nên ghé thăm cho biết. Tính về quê rồi bay ra ngoài luôn, kẹt – nên thôi. Đợi họ vào trao đổi luôn thể.

Bởi lỡ hẹn vài nhà văn Mỹ làm việc sáng thứ Tư, nhằm đúng ngày phải có mặt đám cưới cháu. Lỡ bột hư đường… Thôi thì đành có lỗi với cháu vậy.

– Tuyển và giới thiệu thơ Trần Nhã My cho báo Tiền Phong Chủ nhật. Cô nàng lên Pleiku dự khóa viết văn gì đó ở trên ấy.

– Vợ chồng anh Ngụy Văn Nhuận ghé thăm nhà. 42 năm xa quê hương, lần đầu tiên anh về. Lại là bạn chiến đấu với Hani thuở Ikan Krwak, nên xúc động khôn tả. Bao nhiêu chuyện để nói và xổ. Nhiều tin tức rất có ích. Với tôi, anh như thể một huyền thoại, từ bao nhiêu sương mù chuyện kể bao quanh. Anh là người cực lành, ấn tượng ban đầu là thế.

– Thêm cô (Hân thì phải) làm thạc sĩ về Chăm chạy qua tôi. Ông bạn giáo sư hướng dẫn bảo qua Inrasara là xong tất. Làm gì mà có tất nhỉ? Ngay sau đó Trần Can ghé nhà tặng gói cà phê Ban Mê. Mưa Sài Gòn, bạn ướt đầm, ngồi mươi phút, bạn đi. Hẹn gặp Tuyết Anh cà phê khi mưa vừa dứt. Cô nàng dân Quảng Nam vào Sài Gòn, làm kinh tế. Xinh và mê văn chương. Nghe lời ông thầy cũ môi giới, mới tìm đến ông Sara.

– Trưa 27-6, JaPrăng báo mẹ vợ mất. Không về được rồi. Hani cũng không về kịp. Tội!

– Jaka sửa sang phòng Trưng bày, hơn tháng qua vẫn dang dở. Đồ đạc ngổn ngang.

Mấy cháu từ quê vào Sài Gòn tạm trú nhà ôn thi Đại học. Chúng lớn nhanh quá, không kịp cho mình già nữa.

– Hai cuốn tiểu thuyết Italo Calvino: Nếu một đêm đông có người lữ kháchNam tước trên cây mới mua về đọc non tuần chưa xong. Thêm mấy tác phẩm của Derrida anh bạn từ Pháp gửi về cả tháng nay vẫn chưa rớ tới được. Chán thiệt.

 

Nỗi muốn “vươn ra ngoài Chăm” luôn ám ảnh tôi. Tôi phải tìm đủ mọi cách để nói một cách dễ hiểu nhất đến với bạn trẻ Chăm. Nhưng rồi cũng tạo ít nhiều ngộ nhận nho nhỏ. Câu “Chăm chưa vươn ra ngoài” khiến ông bạn kĩ sư hơi tự ái, hẹn hôm nào gặp Sara trao đổi nhé. Tôi: – Ừa. Bạn học kĩ sư hay tôi viết văn chỉ là cần câu cơm, tốt thôi – chẳng có gì đáng trách ở đó cả. Nhưng so với người đồng giới trong nước, ta đang đứng ở đâu? Bạn có ý hướng vượt lên để phát kiến điều mới lạ cho nhân loại không? Và tôi, tôi có nỗ lực khai mở một trào lưu văn chương cho Việt Nam và thế giới không? Hay tôi và bạn chỉ quẩn quanh với không gian Chăm, đề tài Chăm, tâm thế Chăm?

*

Làm sao có thể cắt đứt tất cả chuyện trên, với mấy chằng chịt nỗi đời này, để có thể trốn ở đâu đó mà viết tiểu thuyết nhỉ? Cho thiên hạ quên mình 5-6 năm đi. Được vậy thì sướng nhất trần đời.

 

 

 

2 thoughts on “Ghi chép tháng 6-2011: Quá nhiều chuyện lẻ, chỉ có thể liệt kê

  1. Bận bịu, mà vui đời đẹp đạo đó chớ, sao lại vọng bỏ đi đâu hỡi Phú tiên sanh. Tu tại gia lại nhớ “thõng tay vào chợ”.
    Mà, muốn thiên hạ quên mình, sao chưa tự quên mình trước.
    Mỗi lần nghe nhắc đến Chăm, lại mơ hồ như đang nợ Chăm một cái gì…
    Kính và nhớ!

  2. Hay lắm bạn văn à!
    Đứng ở bình diện nhị nguyên mà xét, “quên” như thế tại hại lắm. Cũng cần ích kỉ xíu mới được việc.
    Còn “quên” kiểu nhà Thiền, thì sara còn đang ở cuối chương trình học [… đòi].
    Dẫu sao, lời khuyên của đáng cũng đáng giá một chầu lai rai.
    Thân, S.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *