Không ít người than phiền đạo của người Chăm nói chung không có kinh sách, các bậc giáo sĩ không hiểu kinh kệ, tín đồ thì chẳng biết tí ti giáo luật tôn giáo mình theo. Cho nên không ít “nhà nghiên cứu” Chăm khẳng định dân tộc Chăm không có tôn giáo mà chỉ có phong tục tập quán.
Đúng lắm, nhìn bề ngoài thì vậy, không thể cãi. Nhưng đó là một lối nói hơi vội vã. Có thật người Chăm không có tôn giáo không? Từ đó cho rằng Chăm không có nền giáo dục dân tộc không?
Tạm nêu trường hợp Cam Ahier (Chăm Bà-la-môn) ra phân tích
.
Một tôn giáo luôn dựa trên ba trụ cột: Kinh, Luận và Luật.
– Kinh Bà-la-môn có Veda, các Brahmana và Upanishad.
– Luận thì mênh mông luận sư nổi tiếng, cả cổ điển lẫn hiện đại. Kể sơ sơ vài nhân vật lớn thời nay: Ramakrishna, Ramana Maharshi, Vivekananda, Krishnamurti, Chandra…
– Dĩ nhiên luật, là điều phải có.
(Kinh và luận Bà-la-môn, các bạn có thể tìm đọc dễ dàng qua dịch phẩm Việt ngữ hay bằng tiếng Anh)
Thường sinh hoạt một tôn giáo chính quy cần có: Giáo đường – Giáo chủ – Giáo lí.
Chăm Bàni còn có giáo đường (Sang Mưgik) nhưng giới tu sĩ chỉ sinh hoạt vào tháng Ramưwan và các ngày Xuk Yơng, chứ Chăm Bà-la-môn thì không. Tháp là nơi cúng tế chứ không là giáo đường.
Thiên Chúa giáo thì có Đức Giáo hoàng, chứ Chăm Bàni Ninh Thuận có đến 7 Ppo Gru, còn Chăm Bà-la-môn có 3 Ppo Dhya. Đòi hỏi thống nhất giáo luật thật nghiêm ngặt là điều bất khả. Do đó, tùy tiện là điều không thể tránh khỏi trong sinh hoạt tôn giáo Chăm.
Còn giáo lí, Chăm không chủ trương truyền dạy giáo lí (như Islam hay đạo Chúa) mà dạy mang tính cha truyền cho con, thầy dạy cho trò; có khi như thể bí truyền. “Truyền đạo” như thế, nếu tín đồ Bàni và Bà-la-môn hiểu biết giáo lí hay giáo luật mới là chuyện lạ.
Hạn chế tự thân là vậy. Hơn nữa nước mất, rất nhiều tri thức và sách vở bị thất lạc. Đòi hỏi sự thống nhất hay điều gì đó thật “khoa học” trong tôn giáo Chăm là lối suy nghĩ thiếu chín chắn. Bởi ngay cả nền giáo dục truyền thống dân tộc cũng bị thất tán rất nhiều. Sứ mệnh của giáo chủ, của chức sắc tôn giáo đã hết. Việc dạy dỗ thế hệ đi sau đổ trách nhiệm cho gia đình. Cha mẹ hay ông bà truyền giảng cho con cháu Ariya Patauw Adat Kamei, Kabbon Muk Thruh Palei hay Ariya Patauw Adat Likei… như một cách gỡ gạc. Thế nhưng từ nửa thế kỉ nay, giáo dục truyền thống đó cũng đứt mạch. Gia đình Chăm không còn dạy con cái theo truyền thống nữa. Con em Chăm đều bị phó mặc cho giáo dục nhà trường.
Hỏi đâu còn gì nữa truyền thống ông bà xưa?
Các bạn nghĩ gì?
One thought on “Nghĩ gì 04: Nền giáo dục Chăm đang ở đâu?”