Nghĩ gì? – 03/1. Bạn có yêu palei bạn không?

Yêu cũng phải thực tiễn, tôi đã từng viết như vậy mươi năm trước.

Bạn có thực sự hiểu làng bạn không? Bởi, hiểu thì càng yêu hơn.

Vậy, bên cạnh mơ ước làm nên công trình to tát, bạn cũng cần bắt đầu từ cái nhỏ nhất đi.

Năm 2007 tôi  tạm phác họa bản vẽ Palei Caklaing trước 1975. Xong, tôi đưa cho 5 người thuộc nhiều lứa tuổi khác nhau góp ý: chú Chạy, chú Chữ, anh Đạm, anh Đường. Rồi cuối cùng là anh Ngọc. Họ đã giúp tôi rất nhiều. Thế là tôi đưa ra khoe với hàng xóm, và hứa khi hoàn chỉnh sẽ tặng cho làng.

– Ồ, làm sao Sara nhớ cực kì thế? – Không ít người hỏi.

 

Anh Ngọc kể vào mùa hè năm đó có đoàn nghiên cứu người Pháp đến Palei Thon nghiên cứu về hệ thống tưới tiêu cổ của Chăm. Họ nhờ lão nông tri điền hỗ trợ. Anh Ngọc cho biết hầu như các bác quên đến hơn phân nửa!

Không lạ, sau 75 là chia ruộng đất, hợp tác hóa nông nghiệp, giải thể hợp tác xã,… bao nhiêu con sông bị lấp, cả vạn đám ruộng bị chia cắt. Tách ra rồi gộp lại bốn, năm bận. Thương hải biến vi tang điền. Ai không theo dõi thì khó hình dung được, nói chi các bác đã luống tuổi.

 

Tôi có cái may mắn [hay rủi ro] bám quê làng ở 4 thời điểm khác nhau. Trước 75 là chăn trâu, câu cá, cày… khắp đồng cao ruộng thấp… như bao đứa trẻ Chăm khác, thì miễn nói rồi. Năm 1977 là nguyên một năm làm đời cày thuê. Rồi khi bắt đầu hợp tác hóa nông nghiệp 1978-79, Caklaing là một trong hai làng Chăm được chọn làm thí điểm; tôi lúc đó là kế toán trưởng nên bao nhiêu biến động sông, ruộng, vườn, gò… tôi nắm rất chắc. Cuối cùng, khi rời Ban Biên soạn về quê năm 1986 vào thời điểm giải thể hợp tác xã, tôi trở về Cakling lại sống đời làng thang khắp bãi bờ. Nên thuộc nằm lòng nó không là chuyện lạ.

 

Nhưng điều quan trọng tôi muốn nhấn ở bài Nghĩ gì? 03 này là: Có bạn nào trong Chăm vẽ làng mình chưa? Nếu chưa, bạn có ý định đó không? Cái làng yêu dấu của bạn trước 1975, vì chỉ thời điểm đó thôi, palei Chăm mới còn là palei nguyên sơ, chứ không phải sau đó.

Bạn thực sự yêu palei mình, sao không làm chuyện nhỏ đó đi! Nó làm cho bạn vui, và có ích cho thế hệ sau này nữa.

 

Đây là bản sơ thảo (với rất nhiều ghi chú – xin khất lại sau). Tôi tự hứa với lòng sẽ hoàn chỉnh sớm. May quá, mùa Ramưwan vừa rồi, tôi được vị cổ lai hi quý mến tặng cho tấm bản đồ Caklaing chụp không ảnh năm 1965! Vậy là có đủ điều kiện rồi…

 

One thought on “Nghĩ gì? – 03/1. Bạn có yêu palei bạn không?

  1. Các bạn Chăm mình hiểu sai ý đồ của Inra hết!!!
    Ja Kli sai, khi nghĩ Inra hạ thấp người khác, để nâng mình lên. Sai rất tệ.
    Vài bạn nghĩ Inra không biết anh em Chăm nào thạc sĩ khoa học tự nhiên, thì là sai ngây thơ. Inra biết (có thể không biết hết), nhưng anh viết cái gì đều có ý hết. Nhà văn này cao cơ lắm, các bạn à.
    Tôi kể chuyện này. Anh Lưu Văn Đảo bạn rất thân và rất hiểu Inra. Anh nói Sara “khôn” lắm. Thời còn làm nông, khi đó mới dưới 30 tuổi, ổng thường xuyên tổ chức bàn tròn trí thức Chăm. Cứ vài tháng là ổng mời các bạn, các bác trí thức, các cả sư thầy Paseh mỗi bận 10-12 người về nhà, nấu cơm đãi, gợi ý để họ nói về văn hóa Chăm. Do đó ông biết nhiều. Đó là anh Đảo kể.
    Còn tôi thấy Inra quen thân bà con Chăm rất nhiều giới khác nhau, anh làm chủ biên Tagalau nữa, nên anh nhận rất nhiều thông tin từ bà con Chăm. Nên có thể nói anh nắm rất vững xã hội Chăm từ chi tiết nhỏ. Đọc “Ghi chép” của anh, ai cũng thấy.
    Inra “giả bộ” không biết là để anh em “khai” ra hết. Đọc Inra thì phải thấy ra cái giọng “đùa dai” đó mới thú.
    Nhưng đó lại là cách tốt, bởi nhờ đó mà các bạn KHAI ra để mọi người cùng biết.

    Còn nói chung, ý của bài viết rất là hay và tốt. Hoan hô sáng kiến của Inra khi mở mục Nghĩ gì? này.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *