Thư cho bạn trẻ 16: Câu hỏi không đăng

CÁC CÂU HỎI/TRẢ LỜI KHÔNG ĐĂNG

Sài Gòn cuối năm 2005.
Các bạn thân mến!
Các bạn trách tôi tránh né vấn đề nóng. Không, bạn ạ! Nhà văn cần thâm nhập sâu vào xã hội, cộng đồng, sống với người cùng thời và vấn đề thời đại hắn đang sống nên, không đề tài gì mà hắn không dám đụng, không thể đụng tới. Nhưng, vẫn có vài ranh giới nào đó mà xã hội đặt ra cho hắn, vượt khỏi tầm của hắn. Ví dụ nhé:
Có nhiều câu hỏi/trả lời, đôi lúc rất khúc mắc, đụng đến vấn đề thiên hạ cho là nhạy cảm!Thử trích vài câu điển hình, bạn đọc vui nhé.

Nhiều người nhận định Giải thưởng Văn học Đông Nam Á trong nhiều năm qua được trao cho Việt Nam là ở tính cách hữu nghị, chỉ riêng năm này là bắt đầu trao đúng tác giả. Anh nghĩ sao về nhận định này?
Inrasara: Đó là “nhiều người” nhận định (theo nhà báo nói), chứ không phải tôi. Tôi không nghĩ gì về vấn đề này cả đâu! Giải thưởng Nobel lớn là thế mà còn bao lời qua tiếng lại nữa là!

Xin lỗi, xin hỏi anh một câu không tế nhị lắm: nhà thơ có nghĩ là có vấn đề ưu ái dân tộc thiểu số trong đợt xét Giải không?
Inrasara: Bạn hỏi đúng, đúng nhưng thiếu. Vấn đề dân tộc (nhà văn dân tộc thiểu số đầu tiên), vấn đề thâm niên tuổi tác (nhà văn thế hệ đổi mới đầu tiên), yếu tố vùng miền (nếu trừ Nguyễn Khải mới dời vào SàiGòn, vài chục năm qua, thì đây là nhà văn các tỉnh phía Nam đầu tiên). Câu trả lời của tôi là: Có! Còn nó chiếm 0,2% hay 7% thì tôi không biết được.
Yếu tố ngoài văn chương luôn có vai trò nào đó trong việc xét giải, bất kì giải nào. Nhưng dù gì thì gì, 10 năm qua, tập thơ Tháp nắngLễ tẩy trần tháng Tư được các nhà phê bình và dư luận văn giới bàn khá là rôm rả. Bàn nghiêm túc. Bàn với tư cách một tác phẩm chứ không phải yếu tố nào khác (dù là tác giả dân tộc). Vài năm qua, có tập thơ đoạt giải Hội Nhà văn hẳn hoi, nhưng hầu như vắng lặng lời bình. Ở đây, tôi xin miễn bàn chuyện hay/dở.

Người ta cho rằng Giải Văn học ĐNÁ chỉ mang tính hữu nghị, anh không sợ Giải này làm giảm giá trị tác phẩm của anh ư?
Inrasara: Tôi chưa bao giờ suy nghĩ về vấn đề này. Mỗi tác giả hãy cố gắng làm việc một cách chuyên nghiệp đi. Hãy vứt bỏ sợ hãi hay mặc cảm ở sau lưng. Tất cả sẽ đến sau đó. Còn nếu không có, chúng ta vẫn có thể tự trấn an rằng: Danh sách Giải Nobel văn chương thế kỉ XX đã không có tên L. Tolstoi, B. Brecht hay R. M. Rilke!
Không ai làm khoa học hay sáng tạo nghệ thuật để trông chờ giải thưởng. Cứ nỗ lực, rồi cái gì đến hãy để nó tự nhiên đến. Có giải thì vui, nhưng đừng để nó ảnh hưởng hay thao túng mình. Giải thưởng, dù to, bé thế nào chỉ có thể nên xem như thứ píttông đẩy tác phẩm đến với người đọc nhanh, nhiều hơn thôi, chứ nó không làm tăng hay bớt “giá trị” tác phẩm.
(Chú ý: câu trả lời thì được in cả 2 báo, nhưng câu hỏi lại bị cắt bỏ)

Là nhà văn dân tộc thiểu số, tại sao anh lại chọn Giải thưởng này? (câu hỏi của phóng viên Thổ Nhĩ Kì)
Inrasara: Tôi không chọn giải thưởng (dù bất kì giải nào) mà Giải thưởng chọn tôi. Câu này càng hóc búa hơn nữa (với báo điện tử trong nước):

Nhiều người bảo: 10 năm nữa, Chăm có thể đào tạo 10 tiến sĩ, nhưng 50 năm sau chưa chắc Chăm đã sinh được nhà văn đoạt Giải của Hội Nhà văn Việt Nam, chứ đừng nói đoạt 2 lần, với cả Giải Đông Nam Á nữa, nhà thơ nghĩ thế nào?
Inrasara: Tại sao anh không dám nhận anh hỏi câu đó mà phải chuyển khẩu sang “nhiều người”. Nhưng “người ta” đó chủ quan rồi: Chăm rất năng khiếu văn nghệ. Mà văn chương nó có cái gì đó như là trời cho, sau đó người ấy mới phát triển lên.
Có thể “nhiều người” đó đã nghĩ đúng; nhưng biết đâu 30 năm sau có nhà văn Chăm thuộc thế hệ mới đoạt Nobel văn chương. Biết đâu cuộc đời, biết đâu cuộc văn chương?! Nước Ailen nhỏ bé vậy mà là quán quân thế giới về văn học. Ai dám nghĩ cách đây 10 năm, một tay nông dân vô danh tiểu tốt như Sara đang thui thủi mày mò viết lách ở quê Chăm nghèo mà….!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *