Hàng mã kí ức 09: Dương Thu Hằng

Dương Thu Hằng: ĐÔI ĐIỀU VỀ TIẾP NHẬN TIỂU THUYẾT CHĂM ĐƯƠNG ĐẠI

Nhân đọc Hàng mã kí ức của Inrasara

 

1. Như thế mà cũng là tiểu thuyết ư?

Không thể không đặt ra câu hỏi này khi đọc Hàng mã kí ức cũng như trước đó không lâu là Chân dung Cát của Inrasara. Tiểu thuyết dù là câu chuyện của anh ta hi[s-]story (history) thì người đọc cũng phải hiểu được đó là câu chuyện gì và rồi kể lại cho người khác nghe được chứ? Rồi, đó là câu chuyện của ai? Đâu là nhân vật chính? Qua nhân vật này nhà văn gửi gắm điều gì? Chả thấy thắt nút, mở nút ở đâu? Rồi không – thời gian nghệ thuật như thế nào? Ôi thôi, tất cả đều rối tung rối mù, từ nội dung tư tưởng đến thi pháp đều chả đâu vào đâu… Người đọc truyền thống nếu không bình tĩnh dễ vứt ngay cuốn sách và quên rằng mình đã có nó trong tay. Đó là chưa nói, người nóng tính có thể gạch luôn cả tên nhà thơ Inrasara vốn đã có ấn tượng tốt đẹp bấy nay…

Tình trạng đó cũng tương tự đối với phần lớn các nhà phê bình nghiên cứu văn học. Sẽ phải hiểu đây là [câu] chuyện hay truyện khi chính người sinh thành ra nó còn đắn đo ngay từ dòng Vào tr[ch]uyện… Tác phẩm gồm 12 chương, chương 1 được viết như hồi kí (“Cha, mẹ, anh chị em & Con sông quê hương”), chương 10 đích thị là tiểu luận (“Bốn cứu cánh của đạo sĩ Bà-la-môn & thơ”), còn chương 12 thì lại được viết như tùy bút (“Thơ như là con đường”)… Các nhà văn dân tộc thiểu số thường rất hay đưa vào văn chương những thổ cẩm, thắng cố, hoa xòe,… để giúp tác phẩm thêm đậm đà bản sắc dân tộc. Đằng này, Inrasara dường như muốn giễu nhại cả những điều thiêng liêng “Lịch sử như là mớ hổ lốn”, thậm chí gọi thẳng tên những thói tật Chăm không hề giảm tránh như “Tinh thần ‘tùy tiện’ Chăm…”. Giọng văn phi nghiêm cẩn ấy đã đi xuyên suốt tất cả các câu chuyện dù đó là chuyện tốt hay xấu, hay hoặc dở, buồn hay vui, khôi hài hay rất mực nghiêm túc…

 

2. Minh triết Chăm trong Hàng mã kí ức

Từ khi vương quốc Champa tan rã, sau bao biến động của xã hội, thời cuộc đổi thay…, dân tộc Chăm hòa vào đất nước Việt Nam thống nhất. Hơn hai thế kỷ sống xen cư và cộng cư với các dân tộc khác, cộng đồng Chăm vẫn giữ được truyền thống văn hóa đặc sắc cùng tinh thần cốt cách Chăm chẳng lẽ không phải là điều đáng tự hào? Để lưu giữ và sáng tạo, bảo tồn và phát triển, hơn ai hết các cây bút Chăm đã ngụp lặn thật sâu vào minh triết Chăm của dân tộc mình. Hàng mã kí ức cũng là một trường hợp như thế.

Tinh thần tùy tiện đã khiến nhà văn Chăm cho rằng việc lưu giữ ký ức dân tộc không phải công việc duy của sử gia hay nhà nghiên cứu mà chính là công việc của thi sĩ. Đương nhiên, thi sĩ – nghệ sĩ – nhà văn sẽ “lập biên bản” tinh thần dân tộc theo cách của kẻ sáng tạo! Mà trong sáng tạo có sự hủy phá, hay hủy phá để sáng tạo, hủy phá trong sáng tạo lại chính là tinh thần thoát thai từ tư tưởng Shiva. Song song tồn tại trong một sinh thể Chăm là tinh thần “tạm bợ” và “vĩnh cửu”, “an phận” và “phiêu lưu”, “nhát hèn” và “dũng cảm”, “ham chơi” và “chăm chỉ”, “nghiệt ngã” và “vô tư”… Ranh giới giữa các mặt đối lập ấy e chừng quá mong manh, khiến người đọc nhập nhòa khó nhận diện, không dám gọi tên. Chẳng hạn: ký ức vốn là cái có thật, là những chuyện có thật được chủ thể nhớ lại. Nhưng, đặt sau từ “hàng mã” thì ký ức đó lại không thể xem là chân thực được nữa. Như vậy, Hàng mã kí ức là câu chuyện thật thật hư hư. Làm cho người đọc nghi ngờ độ xác thực của những câu chuyện nghe có vẻ rất thật, rất nghiêm túc; ngược lại cũng như việc thấy những câu chuyện, những vấn đề mà tác giả hư cấu lại có lý, có cơ sở thực tế… chính là thành công đầu tiên của tiểu thuyết này, theo tinh thần Chăm.

Nếu minh triết Chăm quan niệm “học không phải để mưu lợi mà để biết” thì nhà văn Chăm đã vận dụng để đưa ra quan niệm viết: Viết không phải để lưu danh mà để vô danh! Cũng chính vì không cần lưu danh mà người viết tha hồ tưởng tượng và sáng tạo thỏa thích mà không lo phải đối diện, đối thoại với bất cứ yêu cầu hay khuôn khổ nào. Chẳng hạn, nói đến lịch sử là nói đến một loại văn bản lưu giữ sự thật về quá khứ, về những điều tương đối nghiêm cẩn, cần thiết đối với một cộng đồng. Nhưng với Hàng mã kí ức thì “Lịch sử như là mớ hổ lốn” không hơn! Tất nhiên, lịch sử đó “Ai biết được, nó thật đến mức độ nào!?” bởi chính tác giả tự sẻ chia “Thật mà chưa hẳn đúng thật” [tr.8]…

Hành trình văn học nhân loại nói chung, Việt Nam nói riêng đã từng trao gửi niềm tin vào các đại tự sự (grand narratives) hay tự sự chủ đạo (master narratives). Đó là những truyện kể (stories) mà một nền văn hóa hay một dân tộc tường thuật và tin vào. Và cũng chính nó cũng tạo nên tâm thức cộng đồng và duy trì sức mạnh của nền văn hóa hay dân tộc đó. Song, cùng với thời gian, đã có nhiều tấm màn bí mật về lịch sử, về quá khứ thần thiêng được vén lên, con người ngộ ra phần nào sự thật. Đó cũng chính là khi người ta dần bất tín với các đại tự sự. Họ tìm sự cứu chuộc ở các tiểu tự sự (small narratives) – những truyện kể mang tính cá nhân, địa phương, tạm bợ trong một hoàn cảnh cụ thể. Không thể đòi hỏi ở các tiểu tự sự những chân lí phổ quát, ổn định và mong muốn tất cả mọi người tin theo, thậm chí làm theo… như với các đại tự sự trước kia. Hàng mã kí ức, vì vậy đã tự do kể về “…cuộc đời tôi và mảnh đời của những người xung quanh thế giới tôi, sự kiện hay sự việc tôi biết, tôi trải nghiệm, cuốn sách tôi đọc…”. Và chính những câu chuyện vụn vặt như thế đã giúp người đọc nhận chân cuộc sống với mọi đúng – sai, buồn – vui, thấp hèn – cao cả, hạnh phúc – khổ đau, hời hợt – sâu lắng, trì trệ – tiến bộ,… Nó đúng với bản chất của mọi sự vật hiện tượng luôn chứa đầy mâu thuẫn, đều luôn vận động, phát triển trong thế giới bất toàn và biến động luôn luôn.

Và tất cả các thuộc tính Chăm khác dường như cũng đồng hiện trong Hàng mã kí ức như tinh thần thần tùy tiện, giải sân hận, nghệ sĩ tính, ham nghệ thuật, ham chơi, ngẫu hứng và bấp bênh, kiêu hãnh và tự ti…

 

3. Về “bản sắc Chăm” của Inrasara

Sinh ra tại làng Chăm Chakleng (tỉnh Ninh Thuận) và được nuôi dưỡng bởi nguồn dinh dưỡng Chăm với kho văn thơ khổng lồ, bất tận…, Inrasara đã thể hiện nguồn cảm hứng mãnh liệt về con người Chăm, số phận Chăm, văn hóa Chăm trong tất cả các hoạt động văn học và trước tác của mình, từ thơ, tiểu luận, nghiên cứu… và đến nay là tiểu thuyết.

Với ông, “tiểu thuyết, ngoài khám phá tâm hồn con người trong cách thế khác, còn là kho lưu trữ sinh hoạt một dân tộc trong thời đại đó, vừa đứng biệt lập vừa bổ sung cho thiếu hụt của lịch sử. Làm tốt chức năng đó, hình thức tiểu thuyết cũng cần được thay đổi/ trương nở để đáp ứng trúng nhịp thời đại mình đồng thời với mỗi đề tài mà nó nhắm tới”. Có lẽ, nhờ quan niệm này mà dù không phải là những người tiên phong của văn chương hậu hiện đại ở Việt Nam, nhưng rõ ràng tiểu thuyết của Inrasara đã trở nên rất mới, rất phức tạp khi thể hiện gần như tối đa cùng lúc mọi phương diện hậu hiện đại mà nó có thể: truyện không cốt truyện, truyện lồng truyện, thơ trong truyện và truyện trong thơ, giọng giễu nhại, chồng xếp, cái chết của thời gian – không gian, nhân vật và không nhân vật…

Phải chăng, cái mới đó xuất phát từ một chất Chăm đậm đặc của một người nghiên cứu dân tộc tính lâu dài như Inrasara? Là người say mê dân tộc mình, nhất là khi ông tin rằng: nền văn học viết của Chăm phải rất sáng giá bởi đây là dân tộc có chữ bản địa đầu tiên, có bia tiếng Sanscrit đầu tiên Đông Nam Á, trong khi đó chưa có một dòng nào trong lịch sử văn học đa dân tộc Việt Nam nhắc tới. Song, bản sắc dân tộc không phải chỉ nằm ở phần lưu giữ, bảo tồn mà còn là sáng tạo, phát triển. Với ông, “bản sắc không phải là cái gì tĩnh mà là một thực thể động. Con người hôm nay phải sáng tạo phần mình để đóng góp vào kho văn hóa dân tộc (…). Trong khi thách thức là rất lớn, với tốc độ phát triển của thời hiện đại, văn hóa Internet đã biến quả đất thành làng toàn cầu? …”. Tuy vậy, Inrasara đã bình tĩnh, chủ động từng bước một để thực thi công việc của một Chăm hữu trách với dân tộc: từ vai trò của người lưu giữ, bảo tồn với các cuốn Từ điển Chăm – Việt, Từ điển Việt – Chăm (viết chung), Tự học tiếng Chăm; dạy chữ Chăm ở quê; rồi dần dần soạn được bộ Văn học Chăm, khái luận – văn tuyển dày dặn; chủ biên tuyển tập Tagalau… và đến nay, ông đang thực hiện tiếp vai trò của người sáng tạo, phát triển văn hóa Chăm bằng tiểu thuyết sau khi đã thành công trong lĩnh vực thơ ca.

Đó chính là những lí do mà dù khó nhưng tiếp nhận tiểu thuyết đương đại Chăm từ Inrasara là việc không thể chối từ.

 

Thái Nguyên, ngày 17-5-2011

____________________

Tiến sĩ Dương Thu Hằng

Giảng viên khoa Ngữ Văn, trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên.

 

 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *