Hàng mã kí ức 01: Jaya Bahasa

Từ hôm nay, Chuyên đề Hàng mã kí ức sẽ đăng liên tục các Cảm nhận, Tham luận, Phê bình về tiểu thuyết này – như là cách chuẩn bị cho Buổi Ra mắt Sách vào sáng 21-5-2011.

Các độc giả tham gia có thể viết Cảm nhận ngắn hay bài Phê bình, tùy thich gửi Inrasara.com.

Kinh Inrasara

*

ĐI TÌM BẢN TRƯỜNG CA BỎ HOANG

hay Những câu chuyện kể về Chăm qua cái nhìn của Inrasara & Hồ Trung Tú

Thời gian: 8:30 – 10:40 sáng 21-5-2011

Người tham gia dự kiến: 60 người

Thuyết trình: Inrasara & Trà Vigia, Jalau Anưk: 1 giờ.

Chương trình văn nghệ xen kẽ:

– Độc vũ của nghệ nhân Inrahani

– Dân ca Chăm của nghệ nhân Hồng Loan (Tuy Phong).

– Thưởng thức bánh Ginraung ya Chăm

Giao lưu: 1 giờ

+ Giao lưu độc giả

+ Các nhân vật trong tiểu thuyết phát biểu cảm tưởng

Thuyết trình xung quanh 7 đề mục về tinh thần văn hóa Chăm và tâm hồn con người Chăm :

– Chăm có mấy loại? Đang ở đâu?

– Ba lần sinh & Ý nghĩa của Kut

– Chữ hoang – Sách hoang – Tháp hoang

– Huyền sử, Văn chương & Lễ hội

– Bốn cứu cánh của đạo sĩ Bà-la-môn & Thơ

– Tinh thần tùy tiện Chăm & Giải sân hận

– Ý nghĩa của Sáng tạo & Huyền nghĩa của Tạ ơn

 

Bài 1. Jaya Bahasa

HÀNG MÃ KÍ ỨC NHƯ MỘT TÁC PHẨM LỊCH SỬ QUA LỜI KỂ

 

Ngày nay, trong nghiên cứu khoa học lịch sử không chỉ dựa trên văn bản thành văn, mà còn mở rộng thêm nhiều phương pháp mới. Trong đó, phương pháp nghiên cứu lịch sử qua lời kể đang trở nên hấp dẫn vì tính chất phong phú của thông tin. Ưu điểm của lời kể là không mang tính giai cấp, không ảnh hưởng hay bị tác động từ ý kiến người khác. Mà chủ yếu tường thuật các sự kiện, câu chuyện của bản thân từng chứng kiến-nhân chứng sống. Đôi khi, lời kể được tô son, bình luận, thậm chí biện minh theo thiên kiến cá nhân. Điều đó, càng làm cho vấn đề thêm sinh động.

Những kí ức của con người luôn gắn liền với cá nhân, tồn tại dưới dạng vô hình. Nếu không được ghi chép, kể lại cho người khác nghe thì kí ức đó sẽ mất đi vĩnh viễn cùng với người lưu trữ nó. Tác phẩm Hàng Mã Kí Ức của Inrasara là cách thức đưa kí ức ra bộ nhớ ngoài, đưa lịch sử trở về hiện tại, đưa không gian văn hoá Chăm vào làng Việt Nam bằng những câu chuyện kể. Hàng Mã Kí Ức được viết bằng ngòi bút giản dị, chân thật về những con người đời thường như cha, mẹ, anh, chị, em, người thầy, bạn bè và con sông quê hương. Hơn thế nữa, Hàng Mã Kí Ức còn chứa đựng cả một tuyến lịch sử từ tuổi ấu thơ của tác giả cho đến khi bước chân vào nghiên cứu văn hoá Chăm và sinh hoạt văn chương Việt Nam.

Qua 12 chủ đề tương ứng với 12 câu chuyện, Inrasara đã dẫn dắt người đọc đến với người Chăm hòa nhập vào đời sống palei Chăm còn xa lạ với nhiều người Việt. Những lời kể của Inrasara chứa đựng nhiều tri thức văn hoá dân tộc và thời đại. Bên cạnh đó, tác giả còn phác thảo bức tranh nông thôn Chăm trong thời kì bao cấp đầy gian truân từng bước chuyển mình phát triển cùng cả nước. Tác phẩm Hàng Mã Kí Ức viết như nói mà nói như kể, các nhân vật là có thật, nhưng cách xây dựng cốt truyện thì thật hư lẫn lộn. Để nắm bắt được thông điệp của tác giả, đòi hỏi người đọc cần có vốn hiểu biết về đời sống và con người Chăm.

Kí ức của Inrasara trong Hàng Mã Kí Ức là cả vốn sống của một dân tộc, nên tác giả đã khoả lắp nhiều khoản u buồn, mất mát cùng nỗi cơ hàn. Thay vào đó, tính hài, bi của một tác phẩm văn học luôn có mặt ở những câu chuyện nghiêm túc như Chuyện chữ đối với xã hội Chăm. Có thể nói, tác phẩm Hàng Mã Kí Ức là lịch sử phát triển tộc người Chăm trong thế kỉ XX. Mỗi nhân vật được xây dựng trong một bối cảnh lịch sử, phản ảnh hoạt động sống của một dân tộc đang trong quá trình hoà nhập vào xã hội Việt Nam./.

 

Jaya Bahasa là nghiên cứu sinh, hiện sống ở Ninh Thuận.

 

 

 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *