Người đàn bà nào dắt đứa nhỏ đi theo đường kia?
Khuôn mặt trẻ đẹp chìm vào những miền xa nào…
Đứa trẻ đang muốn lẫm chẫm chạy lên, hai chân nó cứ ném về phía trước, bàn tay hoa hoa một điệu múa kỳ lạ.
Và cái miệng nhỏ líu lo không thành lời, hát một bài hát chưa từng có.
Ai biết đâu, đứa bé bước còn chưa vững lại chính là nơi tựa cho người đàn bà kia sống.
Người chiến sĩ nào đỡ bà cụ đi trên đường kia?
Đôi mắt anh có ánh riêng của đôi mắt đã nhiều lần nhìn vào cái chết.
Bà cụ lưng còng tựa trên cánh tay anh, bước từng bước run rẩy.
Trên khuôn mặt già nua, không biết bao nhiêu nếp nhăn đan vào nhau, mỗi nếp nhăn chứa đựng bao nỗi cực nhọc gắng gỏi một đời.
Ai biết đâu, bà cụ bước không còn vững lại chính là nơi dựa cho người chiến sĩ kia đi qua những thử thách.
Lời bình
Đơn giản đến tinh ròng, sáng rỡ mà cực sâu sắc, bỏ qua những suy luận rối rắm để đi thẳng vào tâm hồn người đọc – đó là nghệ thuật thơ của Nương tựa. Một điểm sáng khác của thi pháp Nguyễn Đình Thi, thứ thi pháp hơn một lần toan bị vùi dập oan uổng. Hôm nay nhìn lại, ta phải nhận rằng, chỉ có kẻ đã thủ đắc một kĩ thuật thơ cao đẳng mới có thể đi đến tận cùng thứ thi pháp ấy.
Anh Sara có khả năng bình thơ thuộc loại “thiên bẩm”.
Tâm hồn anh quá mẫn cảm với chữ nên có thể nhìn và nhận ra nhiều điều mà người đọc bình thường không dễ cảm nhận.
Nghịch lý ???
Đứa bé bước còn chưa vững lại chính là nơi tựa cho người đàn bà kia (trẻ đẹp) – sống.
Bà cụ bước không còn vững lại chính là nơi dựa cho người chiến sĩ kia(đôi mắt đã nhiều lần nhìn vào cái chết) – đi qua những thử thách.
Đứa bé hát một bài hát chưa từng có và bà cụ với bao nỗi cực nhọc gắng gỏi một đời.Ai biết và ai được/bị biết??.
Hình ảnh bốn nhân vật khác biệt, riêng chung hòa lẫn vào nhau trong bối cảnh với vài nét chấm phá đơn giản mà cô đọng đi sâu vào tâm hồn người đọc buột suy ngẫm để rồi bao liên tưởng tự nhiên hình thành trong tâm trí có thể dựng thành một cuốn phim dài với bao mảng đời từ những gì là chân của giá trị cuộc sống.