Amư Jaklu: Chăm rất thông minh!

(Truyện cổ Chăm ủng hộ chuyên đề: Người Chăm có thông minh không?)


* Những ánh mắt ngây thơ và rất sáng, Photo Inrasara.

Đã có 5 bạn trẻ thế hệ sau tôi viết ủng hộ đề tài rất hay và hấp dẫn này. Tôi không có gì đóng góp, nay xin mạn phép Inrasara.com và nhà thơ Inrasara cho đăng lại để ủng hộ chuyên đề. Jaya Bahasa có kể truyện cổ Con Thỏ ý chứng to người Chăm thông minh. Theo tôi đó chỉ là khôn vặt. Tôi có đọc truyện cổ khác của Chăm do nhà thơ Inrasara sưu tầm và bàn. Đây mới thật là thông minh siêu đẳng tuyệt vời. Tôi không nghĩ là người Chăm lại có truyện cổ độc đáo như vậy. Lời bàn của nhà thơ Inrasara càng độc đáo hơn nữa. Anh muốn chứng tỏ người Chăm rất… thông minh!.

Đi tìm học bán vợ (hay NGƯỜI CHĂM HỌC NHƯ THẾ NÀO?)

Một người nông dân hiền lành, có vợ và đứa con trai mười hai tuổi. Đang sống rất yên ổn và hạnh phúc, bỗng một hôm ông nẩy ý định đi tu. Ý tưởng nung nấu mãi để một năm sau ông quyết định tìm đến một guru Bà-la-môn nổi tiếng nhất vùng để học đạo. Vị sư nói:
– Dạy ngươi kinh sách thì ta lại phải học thêm gấp hai lần ngươi. Ta đã già, không có của cải gì cả.
Không chần chừ, người nông dân bảo:
– Nhà con có một mẫu ruộng, con xin hiến cho guru.
– Ta không có trâu để cày.
– Con có cặp trâu đã thuần.
– Ta cũng không có người chăn trâu.
– Con có đứa con trai khỏe mạnh, người nông dân nói sau giây lát ngập ngừng.
– Ta sống cô đơn, không có ai lo cơm nước.
– Con nguyện lo cho guru.
– Không, ta và ngươi dành tất cả thời gian cho học tập và tu luyện.
– Nhà ngươi có vợ chứ? Vị sư hỏi sau một hồi im lặng.
Người nông dân lưỡng lự giây lát, cuối cùng ông nói dạ một tiếng vừa đủ cho người đối diện nghe.
Hôm sau, người nông dân đi qua nhà vị sư Bà-la-môn cùng với tất cả tài sản và hai người thân yêu của mình.
Một, hai rồi ba tháng, người học trò chỉ được phân công chép một bản kinh duy nhất. Lần một, lần hai, ba… vị sư Bà-la-môn đều lắc đầu và bảo chép lại. Đến lần thứ bảy, guru nói:
– Được rồi, lòng con không còn bợn bụi trần. Ta có thể truyền dạy cho con tinh hoa của giáo lý Bà-la-môn.
Ba năm trôi qua. Sau một buổi thiền định, vị sư nói với đồ đệ:
– Vụ gieo cuối cùng đã mãn, con có thể cho cháu dắt trâu về.
Nửa năm sau, vị sư nói:
– Vụ gặt cuối cùng đã xong, bây giờ phần mẫu ruộng lại thuộc về con.
Rồi sáu tháng sau, guru lại bảo:
– Bữa tiệc cuối cùng đã tàn, người vợ của con có thể về nhà. Và cả con nữa, bài học cuối cùng đã dứt, con không phải cần đến ta nữa.
– Thưa thầy, con xin ở lại suốt đời phụng sự thầy.
– Không, con phải tự đi một mình. Để sau này con còn phải làm thầy. Cả ta, ta cũng không cần đến con nữa.
Vị sư già nói xong, quay lưng bước nhanh về phía núi.

Lời bàn của Inrasara
Thử xem xét vài ý nghĩa/ cách hiểu của Chăm về việc học ngày xưa.
Người học sẵn sàng trả giá đắt nhất cho việc học của mình. Để sở hữu tri thức, người học dám hi sinh, cả hi sinh điều không thể hi sinh: vợ con,… Trong lịch sử Thiền học, nhiều thiền sư còn phải trả giá bằng tính mạng của mình nữa!
Học, không phải để mưu lợi mà là học để biết. Đây là tinh thần thiện tri thức đúng nghĩa: tình yêu tri thức, tình yêu sự minh triết. Chỉ học như vậy, chúng ta mới đạt đến minh triết thực sự. Ví dụ: nếu ta yêu tiếng Chăm, ta học nó; chứ không học vì nó có hứa hẹn cho ta có cái gì bỏ vào nồi không / buh tamư gauk lisei. Không khác mấy tinh thần Kinh Hoa Nghiêm.
Thầy, không buộc trò phải làm nô lệ mình: nô lệ vật chất nhất là, nô lệ tinh thần. Khi trò đã khôn lớn, hãy bỏ thầy mà đi. Hãy đi một mình, và Thầy phải đuổi đi, trò để trò dám và biết đi một mình. Như một Thiền sư: “Gậy mình mình vác, đường mình mình đi, giữa đồi núi trập trùng!”
Hay chính Đức Phật: Con hãy rời bỏ ta, đừng tin tưởng vào sách vở, vào kinh Phật, cũng đừng tin tưởng vào cả ta nữa,… và hãy tin tưởng những gì mi từng trải, kinh nghiệm và cho là đúng mà thôi”.
Chăm xưa có lối tư duy cao đại đấy chứ!

5 thoughts on “Amư Jaklu: Chăm rất thông minh!

  1. Mỗi con người, mỗi dân tộc trên thế giới đều được ban cho chỉ số thông minh nhất định để sống, tồn tại và phát triển. Không dân tộc nào chiếm tỉ lệ dân số chiếm tỉ lệ dân số có chỉ số thông minh tuyệt đối. Thông minh được hình thành và phát triển từ các yếu tố sau: Nguồn gốc nhân chủng, môi trường vă hoá giáo dục, và yếu tố quyết định hơn cả là từ quá trình rèn luyện, phấn đấu, khát vọng, hoài bảo,… Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn. Nguời Do Thái họ luôn có những cá nhân xuất sắc ở nhiều lĩnh vực là do họ luôn ý thức về thân phân của họ – hai ngàn năm mất nước, họ quyết tâm thay đổi thân phận của họ – đi đâu, ở đâu họ cũng bị phân biệt đối xử, bằng cách làm việc miệt mài, làm nhiều và làm tốt hơn người khác để vươn lên vị trí cao nhất- còn Chăm mình thì qúa lười biếng, ỷ lại, thời gian dành cho nhậu nhẹt, ngak Yang quá nhiều – bwơl karang, yang pabblwak, họ có tư tưởng Chăm mình chỉ đến thế thôi.
    Người Nhật, Hàn Quốc xây dựng đất được hùng cường, phồn thịnh như hôm nay là do họ có tinh thần kỷ luật, làm việc miệt mài – Họ làm nhiều và cần cù hơn Chăm nhiều lắm, họ luôn có ý thức xây dựng cộng đồng,gìn giữ bản sắc văn hoá, vun đắp cho thế con cháu – Sống như là tạ ơn và để được tạ ơn. Còn Chăm mình sao? Câu trả lời nghiêm túc nhất là hai yều tố sau Chăm làm chưa tốt.
    Hãy nhìn lại quá khứ người Chăm xưa đã đạt được nhiều thành tựu văn hoá, văn minh rực rỡ sánh ngang với năm châu ở nhiều lĩnh vực như kiến trúc điêu khắc, khai thác và chế tác đồ kim hoàn, ngôn ngữ chữ viết, nông lâm ngư nghiệp, thủ công mỹ nghệ, âm nhạc, đóng tàu, công trình thuỷ lợi, … “Nuớc Chămpa tuy nhỏ nhưng nhân tài không bao giờ thiếu”
    Từ những nhận định trên theo tôi nên đặt câu hỏi tại sao người Chăm xưa thông minh hơn người Chăm đương đại?

  2. Nhà thơ Inrasara đặt tên bài là “Người Chăm có thông minh không?” Nhà thơ xác định là chớ trả lời có hay không mà là tìm hiểu. Toại bảo người Chăm xưa thông minh hơn bây giờ. Chưa chắc tôi đã đồng ý nhưng tôi thấy Toại nên triển khai thành một bài cho độc giả như tôi học hỏi là hay nhất.
    Thân mến

  3. Những độc giả nói như thế là không đúng rồi, một số người như thế thôi chứ thật ra còn rất nhiều nhân tài Chăm ngày nay mà người ta không lên tiếng mà thôi, các độc giả hãy chờ đọc tham luận trong tháng tư này sẽ biết được người Chăm có giỏi hay không, giữa người Chăm xưa và người Chăm nay có sự khác nhau hoàn toàn, không lâu nữa người Chăm ngày nay cũng sẽ làm được thôi, hãy chờ thế hệ trẻ sau này, mong quý độc giả chớ lo. Còn người Chăm của chúng ta rất thông minh đó là điều dĩ nhiên, một số truyện cổ tích Chăm cũng ghi chép như thế.

  4. Lời bàn của Inrasara
    “Thử xem xét vài ý nghĩa/ cách hiểu của Chăm về việc học ngày xưa.
    Người học sẵn sàng trả giá đắt nhất cho việc học của mình. Để sở hữu tri thức, người học dám hi sinh, cả hi sinh điều không thể hi sinh: vợ con,… Trong lịch sử Thiền học, nhiều thiền sư còn phải trả giá bằng tính mạng của mình nữa!
    Học, không phải để mưu lợi mà là học để biết. Đây là tinh thần thiện tri thức đúng nghĩa: tình yêu tri thức, tình yêu sự minh triết. Chỉ học như vậy, chúng ta mới đạt đến minh triết thực sự. Ví dụ: nếu ta yêu tiếng Chăm, ta học nó; chứ không học vì nó có hứa hẹn cho ta có cái gì bỏ vào nồi không / buh tamư gauk lisei. Không khác mấy tinh thần Kinh Hoa Nghiêm”.
    …………………………………………

    Phần trên là nhấn mạnh Ý NGHĨA/CÁCH HIỂU (tinh thần học) của người Chăm xưa.

    Tôi bổ xung thêm TINH THẦN HỌC (đạo) của người xưa nói chung:
    “Ở trong khoảng Trời Đất này, con người muốn làm việc vẻ vang nhất, thì có cái gì bằng đọc sách. Còn ở trong hạng người đọc sách, mà muốn nên một bậc cao thượng thì có gì bằng học Đạo.

    Chu Tử nói rằng : Đọc sách là để cầu Đạo, chẳng vậy thì đọc làm gì ? Chứ học mà thi cử là việc ngoài phận sự, rất tiếc cho sự học ấy làm hư biết bao nhiêu người!.

    Đọc sách nghiên cứu là để nâng cao Trí tuệ, từ đó phát triển Tinh thần, có mấy ai hiểu không, có mấy ai làm được không, than ôi đáng buồn thay !

    Tài là món người ta hay dùng mà ít khi được mãi, Đức là món đồ để trau mình mà hữu danh. Còn Đạo thì vô danh nên dùng được hoài. Cho nên người quân tử chỉ lo học Đạo, công danh phú quí đều coi như phù vân, mặc nó đi đi, lại lại, trong lòng vẫn không chút nào động cả.” (trích Đạo học bình chú)

    Tất nhiên trong cuộc đời ta phải học không chỉ đọc sách mà còn trải nghiệm trong cuộc sống (đi một đàng học một sàng khôn). Điều quan trọng là khâm phục người xưa (Chăm), xuất phát từ cách hiểu/ý nghĩa có chiều sâu nên họ có tình yêu TRI THỨC, MINH TRIẾT và sẵn sàng trả giá/hy sinh cho sự học của mình.

  5. Nói theo Inra, Tamthuc là thông minh.
    Hiểu nghĩa học của Chăm và mở rộng thêm. Thanks!

Leave a Reply to kaka Cancel reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *