Người Chăm có thông minh không? Chuẩn bị cho thảo luận: Thế nào là thông minh 1

III
Người Chăm có thông minh không?
Chuẩn bị cho thảo luận: Thế nào là thông minh 1.


Người Chăm có thông minh không?
Câu hỏi đặt ra đã nhận được nhiều phản hồi. Có phản hồi rất thông minh, có phản hồi thông minh vừa vừa, cũng có phản hồi có vẻ chưa thông minh, nhưng cần thiết. Rồi phản hồi đáp ứng lại phản hồi trước đó. Inrasara.com cám ơn bạn đọc về những phản hồi nhanh nhạy và nhiệt tình trên.

 
Người Chăm có thông minh không?
Câu hỏi chung chung như thế dễ đưa người đọc rơi vào cái bẫy. Nếu ta khẳng định Chăm không thông minh, sẽ có người bảo không thông minh làm sao xây dựng được bao nhiêu ngọn tháp kì vĩ kia? Còn nếu bảo thông minh, chắc chắn có kẻ vặn lại: thông minh thì tại sao để cho mất nước?

Thôi thì ta hãy dẹp sang bên chuyện quá vãng. Sự thể dễ dắt ta đến vô cùng, và không cần thiết. Bởi cũng đã có nhà khoa học xác quyết: Xây tháp hay mất nước là do ta tiếp nhận văn hóa Ấn Độ yếu nhược về tính chiến đấu mà lo làm nghệ thuật với suy tưởng siêu hình. Vân vân… Mà hãy nhìn vào hiện tại?

 
Người Chăm có thông minh không?
Trả lời câu hỏi đó, ta tìm chỉ số IQ thì cần nhưng chưa đủ. Truy vấn về di truyền, về giáo dục, về môi trường xã hội, vân vân… cũng chỉ là những triển khai mang tính bổ sung. Thông minh để tranh giành phần được về mình cũng chưa đúng nghĩa thông minh. Người Chăm có thông minh không? – Câu hỏi chung chung này muốn gợi mở cho người đọc tự mình suy tư để bước thẳng vào tâm điểm của vấn đề, và nhìn cách toàn cục:

 
THÔNG MINH LÀ KHẢ NĂNG TỒN TẠI – SÁNG TẠO – YÊU THƯƠNG.

 
Người Chăm có thông minh không?
Ở phần 1, tôi đã thử 3 lần Đặt vấn đề về các yếu tố SÁNG TẠO, như là một cách gợi mở, chứ chưa muốn trả lời thẳng câu hỏi.

Ở phần 2, chúng ta đã dấn thêm được một bước: Gợi mở vấn đề.

Ta đã tạm dẫn dân tộc Do Thái ra so sánh. Bởi chỉ có dân tộc này mới đạt được 3 tiêu chuẩn trên: tồn tại – sáng tạo – bản sắc (phần cuối tôi sẽ bàn về yêu thương). Do đó mới có 3 câu hỏi cấp thiết đặt ra:

– Về 1. Chăm có tinh thần quật khởi, để TỒN TẠI  không?

– Về 2. Chăm có “thông minh”, để SÁNG TẠO không?

– Về 3. Chăm có thực sự yêu dân tộc, để lưu giữ BẢN SẮC không?

 
Tìm giải đáp
– Nếu KHÔNG, thì tại sao?
– Nếu CÓ, thì thế nào?
Thêm cho hôm nay và trong hoàn cảnh lịch sử xã hội hiện tại: LÀM THẾ NÀO ĐỂ TA THỦ ĐẮC ĐƯỢC 3 YẾU TỐ CĂN BẢN ĐÓ?

 

3 thoughts on “Người Chăm có thông minh không? Chuẩn bị cho thảo luận: Thế nào là thông minh 1

  1. Lưu Trung S

    Kính gởi nhà thơ Inrasara
    Qua mấy tiêu chuẩn phân loại của nhà thơ gồm có tồn tại – sáng tạo – bản sắc, theo chủ quan của tôi, hiện đại xã hội Chăm duy nhất chỉ có Inrasara xứng danh là SÁNG TẠO. Tầm vóc của nhà thơ vượt qua phạm vi dân tộc, vượt ngoài phạm vi địa lý VN, là điều ai cũng công nhận.
    Phần thứ ba nói về BẢN SẮC, tôi xin lấy ví dụ cụ thể ông Abdul Karim tuyên bố là vì bảo vệ bản sắc mà đã phê phán không nương tay ai làm sai, viết sai phản bản sắc Chăm trên Harak Champaka khiến Chăm mất đoàn kết.

    Vì nhà thơ đã đặt ra vấn đề Chăm có thông minh không? Nên tôi xin hỏi thẳng và đề nghị nhà thơ cần trả lời thẳng mà không tránh né (tôi thấy nhà thơ có vài lần tránh né) với tôi và bạn đọc là: ông Abdul làm như thế có thông minh không? Chúng tôi cần biết quan điểm rõ ràng của nhà thơ.

    Yêu cầu nhà thơ và BBT đừng xóa comment này, cũng đừng viết tắt tên người. Cám ơn!

  2. LTS thân

    Bạn khen tôi thì tôi vui vẻ nhận.
    Nhưng câu trước bạn khen tôi mà ngay câu sau thôi bạn yêu cầu tôi nhận định về người khác, thì hơi bị khó đấy.
    Có mấy điều cần trao đổi như sau:
    – Tôi chỉ đọc HC 2 số đầu, sau đó tôi không đọc nữa, nên tôi không có cơ sở nhận định, bạn à. Không thoái thác đâu, và cũng không có gì phải sợ cả.
    – Dăm năm trước, tôi có khoảng mươi bài trao đổi phê bình (cả Kinh lẫn Chăm, văn chương lẫn văn hóa), dù tôi cố tránh sự nặng lời vô ích, nhưng mức độ nào đó tôi vẫn gây cho đối tượng tổn thương. Tôi đã nghĩ lại, và tôi hành động kiểu khác. Ngay cả các bài phê phán tôi, tôi cũng bỏ qua.

    Liên quan đến khía cạnh này, thông minh cần được nhìn nhận ở góc độ khác. Trong sinh hoạt đời sống hay hoạt động trí thức, Tư duy phản biện Critical thinking là cần, nhưng cách làm thông minh tới đâu thì ta có thể xếp theo cấp bậc sau:

    1. Tấn công cá nhân để hạ bệ đối tượng.
    2. Có định kiến sẵn, sau đó trích đoạn mang tính cắt xén để phục vụ luận điểm của mình.
    Hai bậc này bị xem là kém thông minh nhất, vì nó không chỉ đụng đến chuyên môn mà nó lộ bày tâm địa của người phê bình.

    3. Chỉ nêu ra các điểm sai để tấn công, mà không cần đến những cái đúng cái hay của đối tượng. Những người trẻ hay dùng ngón này: dễ nổi và để thỏa mãn tính tự cao, tỏ ra ta xuất chúng hơn người. Điều này không khó, bởi một công trình khoa học luôn bất toàn.
    Bậc ba được coi là trung bình. Người thông minh không dùng đến nó.

    4. Nêu ra cái hay, các đóng góp của đối tượng, sau đó thẳng thắn chỉ ra mấy sai sót, thiếu khuyết.
    Đây là cách được dùng nhiều hơn cả. Và dễ được chấp nhận.

    5. Nhẹ nhàng nêu ra vài khuyết điểm của người đi trước, sau đó triển khai quan điểm của mình bằng luận cứ rõ hơn, thuyết phục cho người sau học.
    Là cách thông minh nhất.

    Cuối cùng, không cần nêu cái sơ xuất của ai nữa, mà chỉ nỗ lực sáng tạo cái khác hay hơn, có tầm hơn.
    Là phương thức của đạt nhân xuất chúng, bậc trải nghiệm nỗi đời và nỗi người “hiểu thấu ba cõi nhân gian”.

Leave a Reply to Lưu Trung S Cancel reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *