Tôi tin tưởng vào thiên tài.
Với tôi, Phạm Công Thiện là thiên tài.
Thiên tài không ở trí tuệ anh, không ở các sáng tác của anh, càng không phải thiên tài ở tư tưởng anh, mà chính là ở sức hút kinh hoàng của hơi thở ngôn ngữ Phạm Công Thiện. Dù hiểu hay không hiểu, ngôn ngữ kia vẫn ẩn chứa sức lôi cuốn ma quái khó cưỡng. Như chớp lửa thiêng sẵn sàng thiêu trụi mọi lưỡng lự, e dè, triển hạn ngáng đường những tâm hồn đồng thanh đồng khí ý hướng tìm đến nhau trong chân trời hủy phá và sáng tạo.
Nguyễn Tiến Văn báo qua tin nhắn lúc 16:50 ngày 10-3-2011:
PCT mat ngay 8-3. Ng emtrai la Phamtrungcang cho biet PCT chi dau binhthuong nhung tu truoc den nay nhatdinh kg chiu zung thuoc. Lannay nam 1 tuan kg an saudo mat luon. Sang Chunhat chua Jalam o SG se tochuc le causieu zo Tuesi chutri.
Phạm Công Thiện chết, tôi thừ người đi một lúc.
Ừ, ai cũng một lần phải chết, dù kẻ đó là thiên tài hay không là.
Tin Phạm Công Thiện chết ném tôi rớt trở về một thời xa xôi, mơ hồ. Mơ hồ, nhưng giây phút đầu tiên tôi giáp mặt với Phạm Công Thiện trụ lại trong tôi như một sát-na bất động, vĩnh cửu.
Ý thức mới trong văn nghệ và triết học do An Tiêm tái bản lần thứ ba với những ghi chú kiểu hậu hiện đại, không biết từ đâu rơi vào tay tôi. Lúc đó tôi đang vào tháng cuối của năm cuối Trung học Đệ nhất cấp Trường Trung học nội trú Pô-Klong tại thị xã Phan Rang. Sau giờ ngồi lớp, ngày qua ngày tôi lãng phí tuổi trẻ thơ mộng tôi qua những Việt Nam văn học sử yếu, Việt Nam văn học sử giản ước tân biên,… trong ý định làm bộ Văn học sử Chăm sau này, thì Phạm Công Thiện xuất hiện như bão tới. Đột ngột, bứng tôi khỏi giấc mộng cụ non khờ khạo kia.
Tôi đọc và đọc. Trời tối mịt vẫn đọc. Chuông bấm báo giờ ăn tối, vẫn cứ đọc. Quên trời, quên đất.
– Đọc loại sách đó không có lợi cho em đâu.
Tiếng ông giám thị sau lưng khiến tôi giật mình. Tôi gập sách, đút vội vào tủ gỗ cá nhân, đóng lại. Ở kí túc xá, các loại sách diễm tình lâu lâu gặp phải đợt tịch thu. Tôi là học sinh ưu tú, vốn là học trò ngoan nên được cho qua, có lẽ thế.
1. “Không có lợi”, nhưng tôi đã dính cứng vào Phạm Công Thiện mất rồi. Tôi biết, tôi bị lạc lõng với thế giới xung quanh, ngay từ giây phút định mệnh kia. Trước đó, tôi đã lạ biệt. Trong lúc bạn bè xung quanh tôi mải mê với Tề Thiên Đại thánh, hay cùng lắm là Tự lực Văn đoàn, Duyên Anh,… với suốt ngày ngâm ngợi Điêu tàn, Mấy vần thơ, Gửi hương cho gió, Tiếng thu… thì tôi đã mê mẩn Dostoievski, Camus, Faulkner, Gide, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên… lác đác trong Tủ sách nhà trường do ông thầy người Mỹ lập nên, hay tôi tự mày mò kiếm được. Vài bận, tôi thử dẫn vài bạn làm quen với các tên tuổi này, nhưng bất khả. Tôi biết, tôi quá khác lạ với mấy trăm bạn đồng môn, đồng tộc.
Khi cơn bão Phạm Công Thiện ập tới, tôi trở thành xa lạ vĩnh viễn. Xa lạ bất khả phục hồi. Chớp lửa thiêng Phạm Công Thiện chực đốt tâm hồn hỏa diệm sơn tôi bùng cháy lúc nào không biết, không lường trước được.
Những mùa hè lang thang các làng quê, tôi chép tay cả đống văn bản văn học Chăm, để rồi mỗi lần đụng đến Ý thức mới… là tôi vứt hết. Bao nhiêu công sức đổ sông đổ biển.
Tôi đang làm gì đời tôi? Câu hỏi kia cứ trở đi trở lại muốn thiêu cháy tâm hồn tôi.
Máy bay gieo sự chết, máy phát thanh gieo sự chết, súng máy gieo sự chết, đồ hộp gieo sự chết, trường học gieo sự chết, những luật pháp gieo sự chết, bộ ống thông hơi gieo sự chết, hình ảnh gieo sự chết, dao nĩa gieo sự chết, chính hơi thở của ta gieo sự chết, chính ngôn ngữ của ta, chính tư tưởng của ta, tiền của ta, tình yêu ta, lòng bác ái của ta, sự vệ sinh của ta, niềm vui của ta. Có hề gì đâu nếu ta là bạn hay là thù, có hề gì đâu nếu gọi ta là Nhật, Thổ, Nga, Pháp, Anh, Đức hay Mỹ, mỗi khi ta đi đâu, nơi nào mà in bóng, nơi nào ta thở thì ta đem đến thuốc độc và sự huỷ hoại… Hoan hô văn minh; hoan hô! Chúng tôi sẽ giết chết tất cả các anh, tất cả mọi người, ở khắp mọi nơi, ở khắp hoàn cầu. Hoan hô thần Chết! Hoan hô!
(Henry Miller, The Colossus of Maroussi, Phạm Công Thiện dịch)
Tôi có thực sự đang sống tận cùng tuổi trẻ của tôi không? Tại sao tôi phải gắn đời mình vào bao nhiêu thứ chết chóc kia? Văn minh, văn hóa, trách nhiệm, bổn phận… Tôi muốn la lên, hét lên. Tôi muốn điên lên.
Sưu tầm, góp nhặt, phân loại, ghi chú… rồi vứt đi. Ba, bốn lần như thế. Không thể như Phạm Công Thiện, chặt đứt cây cầu để không cơ hội trở lại nữa, tôi lưỡng lự tới lui, đi lại, lên xuống, buông bỏ rồi trì níu. Ngôn ngữ dân tộc bị phân rã tan loãng, văn học tổ tiên mãi mãi sẽ bị lãng quên cùng với nỗi vô tư đến vô tình của thế hệ xung quanh. Đã không có lấy một tuổi trẻ Chăm gàn dở chịu đánh giặc với đống tro tàn để níu kéo lại mảnh vụn của nền văn minh một thời huy hoàng của quá khứ ở lại trần đời, như thằng tôi. Đứa con trai Chăm của gia đình nông dân nghèo giữa làng quê nghèo ở một tỉnh nghèo trong đất nước nghèo đang bị chiến tranh tàn phá. Giằng co, chia xé suốt mười lăm năm như thế, mãi đến tuổi tam thập tôi mới vỡ ra rằng, tôi cần trả món nợ mơ hồ nào đó của lịch sử.
Xong, thoát khỏi mọi vướng bận, cắt đứt mọi liên lụy, tôi tự ban cho mình sự tự do để lao vào dòng sông sáng tạo đang chảy cuồn cuộn ngoài kia.
Tôi biết, cả khi làm bộ Văn học Chăm, soạn Từ điển Chăm, viết Tự học tiếng Chăm để dạy chữ và văn hóa dân tộc, chủ biên đặc san Tagalau cho cộng đồng, lên tiếng về mọi vấn đề xã hội Chăm… Mặc cho mình bị dồi tung giữa mênh mông nỗi đời như thế, nhưng tôi dường đã hết thuộc về chúng. Từ rất lâu rồi…
Dù làm gì đi nữa vẫn luôn luôn giữ phong thái của kẻ sắp lên đường, như chúng ta sống mà vẫn luôn luôn từ biệt…
(R.M. Rilke, Phạm Công Thiện dịch)
2. Mùa hè 1975. Thế hệ thanh niên mất phương hướng, hoang mang cực độ. Sinh viên, học sinh Trung học từ thành phố tràn về làng, ào lên núi, vượt biên, lấy vợ hay cày ruộng an phận. Tôi thì bình chân như vại. Chớp lửa thiêng Phạm Công Thiện có đó. Núi lửa tâm hồn tôi ngậm miệng cứ muốn đòi nổ tung. Mở xong khóa dạy tiếng Chăm cho non bảy mươi anh chị em, tôi lên thị xã Phan Rang vào lớp 12 Trường Trung học Nguyễn Trãi. Tại đây, ngay tháng đầu tiên, tôi và thằng bạn tên Du cãi ông thầy Bắc dạy văn giảng trật lất bài thơ “Hổ nhớ rừng” của Thế Lữ. Du vội vã chạy thoát thân qua lớp Ban D, tôi ở lại chịu đựng. Nhà trọ chúng tôi gồm năm anh em. Mỗi sáng thức giấc, trước giờ đến trường ngồi lớp chuẩn bị nghe giáo viên văn thuyết giảng về sự ưu việt, tinh thần tiến công cùng sức sống bất diệt của văn học cách mạng rồi quay sang mạt sát văn chương phản động của Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo, tiểu thuyết đồi trụy của Túy Hồng, Nhã Ca, thơ điên chữ của Bùi Giáng, Phạm Công Thiện…- trong lúc các bạn cắm cúi gò bài lấy điểm, tôi đi đi lại lại đọc to đoạn văn của Nietzsche, như thể một cách giải phóng tâm thức nổi loạn đang ứ đầy lồng ngực tôi lúc đó.
Các người đang trở nên bé nhỏ càng lúc càng trở nên bé nhỏ hỡi các người bé nhỏ kia. Các người đang sụp đổ tàn phế hỡi các người tự tại an nhàn kia. Rồi đây các người sẽ bị tiêu diệt do quá nhiều đức tính nhỏ bé của các người, do quá nhiều sự kiêng dè bé nhỏ của các người, do quá nhiều sự an mệnh bé nhỏ của các người…
(F. Nietzsche, Phạm Công Thiện dịch)
Tôi đọc diễn cảm không biết mấy trăm lần trước mỗi sớm mai hồng, đến nỗi các bạn chẳng biết Nietzsche là ông nào, cũng thuộc ở cửa miệng. Hỏa diệm sơn tâm hồn tôi đang âm ỉ cháy, tôi biết.
Đợt truy quét văn hóa phẩm đồi trụy và phản động, xã đoàn nhờ tôi kiểm kê sản phẩm vừa tịch thu. Ở đó tôi chôm được mấy cuốn sách dịch của Nietszche, Camus. Thêm Mặt trời không bao giờ có thực của Phạm Công Thiện. Tôi đóng cửa nằm nhà ôm chúng như ôm người yêu lạc về từ kiếp trước.
Ông thầy cũ ghé nhà tôi tại Caklaing thấy tôi đang ôm cuốn triết, chợt nhăn nhó:
– Trời đất! Thiên hạ đang chết đói mà mầy lại đi đọc triết! Mầy sống bằng không khí à?
Thế là ông thầy lên lớp tôi một hơi về phải học biết thế nào là thực tế, thực tiễn. Tôi im lặng chịu đựng, không một lời cãi lại. Đợi cho ông qua cơn thuyết giáo, tôi mới thủng thẳng hỏi:
– Thầy có biết mình đang sống dưới chế độ nào không?
– Chủ nghĩa xã hội, đương nhiên.
– Thế chế độ này do ai lập nên? Không phải Hồ Chí Minh sao?
– Thì đúng rồi!
– Mà Hồ Chí Minh là ai? Ông có phải học trò của Lenin, mà học thuyết Lenin chẳng phải xây dựng trên nền tảng triết học của Marx sao? Và Marx là ai chứ? Ông ta hẳn nhiên là đại triết gia rồi…
Ông thầy nín thinh, tôi tiếp: Con người là cây sậy suy tư… Chỉ cần một làn gió cũng đủ giết chết con người. Nhưng làn gió kia khi giết chết con người, nó không hiểu, còn con người thì hiểu. Pascal… chắc thầy chưa quên. Đây là chế độ đang tác động đến chính cuộc sống của em và mọi người xung quanh em, em là con người, em cần hiểu nó. Hiểu đến nơi đến chốn. Vậy thôi.
“Đồi trụy” như thế, vậy mà tôi vẫn vào được Đại học Sư phạm ban văn chương, mới lạ. Ngồi ghế giảng đường mới tuần thứ hai, tôi đụng ngay ông giáo sư dạy văn chuyên lạc đề quanh đi quẩn lại chửi rủa hết Khổng Tử đến Sác-tơ-rơ. Chán, tôi dự cuộc thi chuyển qua lớp Anh văn. Tưởng món này khách quan yên ổn, ai dè, giờ tập đặt câu: Bởi vì… cho nên… thay vì cứ như đám bạn mà ung dung làm tới: Bởi vì hôm qua trời mưa cho nên em đi học trễ, hay Bởi vì bị cảm lạnh cho nên em không thuộc bài vân vân…, tôi chơi trò cá tính tương ngay câu: Bởi vì đất nước ta mới trải qua cuộc chiến tranh cho nên ta còn hạn chế về tự do. Cô giáo tiếng Anh văn phạm bảo: – Em sai rồi. – Em đúng mà cô, tôi vô tư trả lời. Ngay tức khắc tôi nhận miếng thọc mạnh cây thước gỗ vào mạn sườn từ một thằng bạn ngồi bên đau muốn đứt hơi: – Sai là sai quan điểm, ngốc à!
3. Không thể thở nổi không khí giảng đường, tôi la cà khắp nẻo phố Sài Gòn. Một chiều định mệnh kia, cơn đói cồn cào dẫn tôi lạc vào đường Kí Con đầy tràn sách là sách. Thượng vàng hạ cám rẻ như cho không. Tôi bán hết tem phiếu, bán cả chục cân gạo mẹ vừa gởi vào từ quê. Ôm về nào Im lặng hố thẳm, Hố thẳm của Tư tưởng, Ý thức bùng vỡ, Bay đi những cơn mưa phùn… không sót bất kì miếng nào. Cả tiểu luận đăng lẻ, các bài viết trao đổi, lời giới thiệu tập thơ các bạn thơ của Phạm Công Thiện,… tôi cặm cụi chép ngày sang ngày đầy bốn cuốn Agenda.
Cơn lũ Phạm Công Thiện tràn tới đánh bật tôi khỏi mặt đất cuộn tôi ra bãi bờ xa tít tắp, đến tôi không cách nào trở lại bờ. Lần này, trọn vẹn hơn, quyết liệt hơn. Tôi biết, tôi không thể trở lại cuộc sống bình thường nữa. Rồi Nietszche, Heidegger, Vivekananda, Suzuki, Krishnamurti, Kinh Phật… Tôi lục tung Sài Gòn tìm tất cả tác phẩm dịch, sách tiếng Anh, tiếng Pháp của Heidegger có thể tìm được.
Thời gian tôi la cà đường Kí Con nhiều hơn ngồi giảng đường. Nhiều hơn, ngày càng đậm và dày hơn. Để cuối cùng, hỏa diệm sơn tôi phun trào: tôi bỏ học. Lang thang Ninh Chữ, Nha Trang, Phan Thiết, Đà Nẵng… Tôi như bóng ma dật dờ trôi vô định giữa dòng đời ngày càng vị lợi đến duy lợi, càng dối trá và hư ảo hơn.
… Nhìn tới nhìn lui, thấy toàn một vườn hồ đào trải dài suốt một đời người. Cụm tòng khuấy động những bóng thân mật của tuổi thơ; tuổi trẻ lóe lên như một nhát búa đập vào đá, như tiếng sấm chẻ đôi.
Trời tháng tư Việt Nam thổi nhẹ những luồng gió kín đáo, đã gần hai mươi chín tuổi. Vào tuổi này, Novalis đã chết rồi; Keats đã chết vào lúc hai mươi sáu tuổi. Và Sandor Petofi, và Raymond Radiguet và cả James Dean, thần tượng một thời, nạn nhân của thời trang nhưng chủ nhân của vĩnh cửu với cái chết vừa hai mươi bốn tuổi: ai còn nhớ điếu thuốc của James Dean một buổi chiều cháy ướt dưới mưa?
Khói thuốc kia đã bay vào phòng buổi sáng này. Nhìn tới nhìn lui, chỉ đầy chiêm bao mộng mị.
Đó là lời cuối in ở phần phụ lục dịch phẩm: Nietzsche, Ecce Homo Tôi là ai? do Phạm Hoàng xuất bản, năm 1969. Non nửa thế kỉ lướt qua mặt đất, từ buổi chiều khói thuốc kia đã bay vào phòng buổi sáng này, Phạm Công Thiện đã chết. Hôm nay tôi có thể đặt câu hỏi: Với tuổi trẻ tôi, Phạm Công Thiện là ai?
4. Phạm Công Thiện là nhà thơ? Nhà văn? Nhà tư tưởng hay thiền sư? Phạm Công Thiện là chủ nhân của vĩnh cửu hay nạn nhân của thời trang? Tác phẩm về văn chương và triết học mà tái bản ba lần trong thời gian ngắn thì hẳn là thời thượng rồi. Vào Sài Gòn, mênh mông huyền thoại được thêu dệt xung quanh tên tuổi Phạm Công Thiện, càng làm đậm nổi thời trang hiện tượng Phạm Công Thiện. Thế thệ thanh niên đô thị Sài Gòn cũ, không biết bao nhiêu người tôn Phạm Công Thiện làm thần tượng. Chẳng có gì lạ. Riêng với tôi, thì không.
Phạm Công Thiện không là hiện tượng hay thần tượng. Khác thế và còn hơn thế, anh là chớp lửa thiêng xẹt vào tuổi trẻ tôi. Chớp lửa duy nhất đã đốt cháy, nung chảy và xoay chuyển nó. Về phía nổi loạn và hủy phá. Cô đơn, tự do và sáng tạo.
“Sự chiến đấu của con người để tự giải phóng, nghĩa là để tự giải thoát khỏi nhà tù do chính mình tự tạo cho mình, đó là chủ đề tối thượng đối với tôi… Đó là lí do tại sao tôi rất ít kính trọng văn chương, rất ít để ý tới những tác giả có uy tín, rất ít chịu phục những kẻ làm cách mạng nhất thời. Đối với tôi, chỉ có những kẻ làm cách mạng thật sự đúng nghĩa là những kẻ gây nguồn cảm hứng cho cuộc sống và tác động, thôi thúc sinh khí cho đời sống…
Cái thước tôi dùng làm để đo lường chính là đời sống: nghĩa là thế đứng tư cách của họ đối với đời sống như thế nào, chứ không phải họ đã thành công như thế nào trong việc lật đổ một chính phủ, một trật tự xã hội, một hình thức tôn giáo, một qui phạm đạo đức, một hệ thống giáo dục, một sự độc quyền kinh tế. Không phải những thứ ấy, mà là: họ đã tác động đến đời sống như thế nào. Bởi vì điều làm nổi bật những người tôi nghĩ đến là, họ không bao giờ thị uy bắt ép người khác nghe theo uy quyền thế lực của họ, trái lại họ còn tìm cách phá hủy mọi uy quyền. Tiêu đích và mục đích của họ là khai mở đời sống, làm cho con người thèm khát đời sống, ca tụng đời sống… Họ kêu gọi con người trực nhận rằng tất cả mọi tự do có sẵn trong bản thân họ rồi, rằng con người không cần phải bận tâm lo lắng đến vận mệnh thế giới, vì đó không phải là vấn đề của hắn, mà chỉ lo giải quyết vấn đề riêng tư của chính mình, tức là vấn đề giải phóng, giải thoát, chứ không phải vấn đề nào khác cả”.
(Henry Miller, The Books in my Life, Phạm Công Thiện dịch)
Tuổi trẻ qua đi, tôi hết đọc Phạm Công Thiện. Cũng như tôi thôi đọc Nietszche, Krishnamurti, khi tôi bước sang tuổi ba mươi. Chỉ Heidegger và Phật giáo Đại thừa, tôi ở lại và luôn trở lại.
… Nhìn tới nhìn lui, thấy toàn một vườn hồ đào trải dài suốt một đời người.
Nhìn tới nhìn lui, có ai cháy cùng tuổi trẻ tôi không? – Không ai cả. Từ năm cuối Trung học sang năm đầu Đại học toàn Kinh hay giữa anh em bằng hữu Chăm. Tất cả như hối hả lao về phía vực thẳm của thực tế, thực tiễn, – thứ thực tiễn đầy thực dụng và ảo tưởng trong một xã hội “vật chất quyết định ý thức” buổi giao thời. Mọi người giành giật nhau từng miếng ăn, để được tồn tại.
Tiếng thét của Phạm Công Thiện không đến được với lỗ tai họ chăng? – Không biết được. Chớp lửa thiêng Phạm Công Thiện đã tắt rồi chăng? – Cũng không thể biết được.
Chỉ biết rằng, sau khi được nuôi nấng bởi tư tưởng nhận phận và yêu mệnh bao la của ông thánh bảo dưỡng Glơng Anak, được đánh thức trong cơn hồng thủy hủy phá và sáng tạo cuồng nộ của tinh thần Shiva, để sau rốt – bị đốt cháy tàn lụi qua hơi thở của thứ ngôn ngữ ma quái của thiên tài Phạm Công Thiện, tuổi trẻ tôi đã sống sót.
Bình an cho linh hồn Phạm Công Thiện.
Bình an cho tuổi trẻ Inrasara.
Sài Gòn, 13-3-2011
Bài viết hay quá, anh Sara.
Thanh niên ở các đô thị miền Nam ngày trước, không ít người say mê Phạm Công Thiện, nhưng hiếm ai có cách nhìn về PCT hay và lạ như anh.
“Đi cho hết một đêm hoang vu trên mặt đất
Để hiểu rằng mặt trời không bao giờ có thực…”
Cảm ơn anh về bài viết, gợi nhớ một thời hư vô tuổi trẻ…
Vân
Tôi có theo dõi hơn cả chục bài viết Tưởng niệm triết gia Phạm Công Thiện trên Tiền Vệ, tôi thấy bài của nhà thơ Inrasara vượt trội lên hắn. Không ngờ nhà thơ Chăm lại viết về triết gia Việt Nam hay đến thế.
Nhưng có đoạn này tôi không hiểu:
“Tôi biết, cả khi làm bộ Văn học Chăm, soạn Từ điển Chăm, viết Tự học tiếng Chăm để dạy chữ và văn hóa dân tộc, chủ biên đặc san Tagalau cho cộng đồng, lên tiếng về mọi vấn đề xã hội Chăm… Mặc cho mình bị dồi tung giữa mênh mông nỗi đời như thế, nhưng tôi dường đã hết thuộc về chúng. Từ rất lâu rồi…
Dù làm gì đi nữa vẫn luôn luôn giữ phong thái của kẻ sắp lên đường, như chúng ta sống mà vẫn luôn luôn từ biệt…”
Đừng so sánh, không nên và không cần so sánh hay so đo – Vân ạ.
Bày tỏ lòng mình ra như Minh thì được, nhưng tuyệt không so sánh.
Mỗi người đọc và hiểu PCT mỗi cách, bày tỏ tình yêu hay tình ghét mỗi cách.
Một mảnh đời đã qua. Vĩnh viễn qua đi trong vô cùng vũ trụ này.
Hãy nói lời bình an cho vong linh Phạm Công Thiện.
Hãy cầu bình an cho cả vạn cả triệu người dân Nhật đang điên đảo hôm nay.
Thuk siam cho tất cả sinh linh trên mặt đất này!
Inrasara
Xin lỗi bạn Vân, tôi quên chưa trả lời câu hỏi của bạn.
Khi viết “tôi dường đã hết thuộc về chúng” là tôi viết theo tinh thần dụng ngữ “OUTSIDER” của Krishnamurti ở đoạn văn sau:
“You are never alone because you are full of all the memories, all the conditioning, all the mutterings of yesterday; your mind is never clear of all the rubbish it has accumulated. To be alone you must die to the past. When you are alone, totally alone, not belonging to any family, any nation, any culture, any particular continent, there is that sense of being an outsider. The man who is completely alone in this way is innocent and it is this innocency that frees the mind from sorrow (Freedom from the Known).
Tôi dùng từ CÔ ĐƠN trong Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo cũng theo nghĩa đó: Cô đơn = Tự do = Sáng tạo. Nghĩa là cô đơn toàn phần totally alone, completely alone.
Outsider kẻ ngoài cuộc, nhưng không phải vô trách nhiệm. “Vô trước” và “chết trước”. Chính nó làm nên ý nghĩa của vô nghĩa của hiện sinh con người.
Nhà thơ Inrasara đứng ngoài cuộc xã hội Chăm để nhập vào cuộc văn chương VN à? Dù nhà thơ đã làm được rất nhiều cho xã hội Chăm, có thể nói nhiều nhất nữa. Nhưng nếu có quan điểm như vậy thì buồn quá!
Bạn ĐPR thân mến
Có 2 điều xin nói lại:
1. “nhiều nhất” – Không so sánh, bạn à. Chúng ta sắp làm hội thảo “Minh triết Chăm”. So sánh nhất nhì là hết… minh triết rồi!
2. Sara cư trú ở “đường biên” thì chính xác hơn bảo là “ngoài cuộc”, “ngoài lề”. Đường biên ở tất cả không gian – thời gian.
– Đường biên trong xã hội Chăm: làm và không làm.
– Đường biên nơi sinh hoạt văn chương VN. Đây là đoạn thơ làm đề từ cho tập thơ Chuyện 40 năm… Quan trọng mới làm đề từ chớ, phải không?
Không bên lề
không trung tâm
tôi trú trên đường biên
Không ngoài luồng
không chánh lưu
sống như thể không đường biên
Cũng chẳng có gì trầm trọng cả!
mỗi các ông cứ dựng chòi
mỗi các ông cứ có mặt như một biên giới.
– Đường biên giữa nghiên cứu và sáng tác, sáng tác và phê bình, tiếng Chăm và tiếng Việt, DT thiểu số và DT đa số, nông thôn và thành thị,…
– Cuối cùng là “đường biên” của thế giới này và thế giới khác.
Sống và sẵn sàng lên đường từ biệt. Một sinh thể chịu “cư trú gần bên nỗi Chết”, nói như Heidegger.
Bạn vui nhé. Thuk siam!
Bài viết hay quá!
Tuổi trẻ của em gặp buổi giao thời, mất phương hướng khi thầy cô không còn là thần tượng, sống không mục đích,.. Ngày ấy cũng đam mê Phạm Công Thiện nhưng không được đọc nhiều. mãi sau này khi có Internet mới đọc được thì tâm hồn này đã …gìa rồi.
Xin chia buồn cùng anh khi chớp lửa thiêng đã tắt nhưng tuổi trẻ của anh sẽ vẫn còn mãi.
Bạn Inrasara
Chớp lửa thiêng ấy không chỉ đốt cháy bạn, tôi và cả một thế hệ thanh niên miền Nam thời đó, nó còn đốt cháy chính con người đã bật lên ngọn lửa. Tôi hơn bạn vài ba tuổi, cũng cùng tâm trạng của thế hệ trẻ thời ấy, đang thao thức, trăn trở vì những điều phi lý, bạo tàn đang xảy chung quanh mình. Muốn tìm câu trả lời, nhưng biết tìm ở nơi đâu? Gia đình, học đường, xã hội ư ? Vô ích… “Tôi bán hết tem phiếu, bán cả chục cân gạo mẹ vừa gởi vào từ quê. Ôm về nào Im lặng hố thẳm, Hố thẳm của Tư tưởng, Ý thức bùng vỡ, Bay đi những cơn mưa phùn… không sót bất kì miếng nào. Cả tiểu luận đăng lẻ, các bài viết trao đổi, lời giới thiệu tập thơ các bạn thơ của Phạm Công Thiện,… tôi cặm cụi chép ngày sang ngày khác đầy bốn cuốn Agenda…”
Đọc những giòng trên của bạn, tôi thấy tôi cũng đang lang thang trên các vỉa hè sách Saigon, bươi móc trong đống tro tàn ấy, tha về mớ “quốc cấm” của Phạm Công Thiện, Bùi Giáng, Kim Định… mà đọc ngấu nghiến để tìm ra câu trả lời cho đời mình. “Ý thức bùng vỡ ” đã ở bên tôi trên đường bỏ trốn quê hương, nhưng quyển sách đã gặp nạn và chìm dưới biển sâu. Nếu bạn còn giữ cuốn này, tôi sẽ rất vui mừng khi thấy nó được post lên internet để văn chương ấy chớp giật, phừng phừng đốt cháy những giả trá và phù phiếm của chữ nghĩa. Ai chưa đọc văn chương có lửa của PCT thì chưa biết được sức nóng của nó, đây không phải là sách đọc giải trí.
jabtko@yahoo.com
Bạn Jabtko thân
Bạn có thể tìm đọc Ý thức mới… trên bản điện tử Talawas.org.
Cám ơn bạn đã chia sẻ.
Bình an cho tuổi trẻ chúng mình.
Sara
Em là người đang tìm hiểu và cảm nhận sức hút trong tư tưởng của tác giả Phạm Công Thiện. Hậu hiện đại để trở thành con người tự do thực sự (thay đổi toàn diện trong tâm thức) tất yếu phải đi đến “hố thẳm”, vượt qua để lên đến đỉnh cao (để đến được thiên đường phải đi qua địa ngục)?? – Tính và Việt. Phải chăng tiến trình tất yếu: trải nghiệm cô đơn –> độc lập (tư tưởng) –> thăng hoa –>tự do (thật sự)???
Từ tin Phạm Công Thiện đã ra đi, em mới thật sự biết anh Inrasara (trước đây nhiều năm chỉ nhớ có đọc qua báo thông tin sơ sài về anh). Hôm nay vào trang này cũng có một số điều nhờ anh giúp (nếu được) như sau:
Quê nội em ở cạnh Tây Sơn (Bình Định), sinh ra ở Quy Nhơn. Từ nhỏ mọi người đều nói mấy anh chị em giống người Ấn Độ. Cách đây 3 năm em có một giấc mơ ấn tượng, rõ ràng đầy màu sắc (còn nhớ mãi) với quang cảnh bản thân cùng một đoàn (4 hay 5 người)giống như học đạo và hành hương trong các ngôi đền mang kiến trúc Ba Tư. Từ đó đến nay em cứ boăn khoăn mãi về nguồn gốc dân tộc của mình??
Vẫn biết tự do là vô vi (Lão Tử) – là không phân biệt nhưng sao thực tâm vẫn muốn tìm hiểu cái gì là gần gũi mình nhất. Chính vì thế thời gian gần đây em hay tìm hiểu về lịch sử Champa.
Tamthuc thân
Việc tìm về cội nguồn là rất đáng quý. Không vấn đề gì cả.
Nó là phận sự “tam chúng” trong 4 cứu cánh của đạo sĩ Bà-la-môn. Chúng ta cần nó. Con người không thể chạy trốn nó. Sau đó là dấn mình vào phận sự cuối cùng: phong phanh giữa trời đất.
Mong vui