Ngòi bút phê bình Inrasara bước đầu đi vào những biến chuyển của cảm hứng và lối viết trong sáng tác trong nước đương đại, với con mắt của người trong cuộc. Ông tập trung phân tích những kỹ thuật sáng tác hậu hiện đại, xem đó như phương tiện thích hợp biểu hiện cảm quan nghệ thuật trong sắc thái mới mẻ.
Trần Vũ, Giới thiệu Chân dung Cát.
*
Song thoại với cái mới đặt ra vấn đề “giải tần trung tâm văn học” – một vấn đề còn mới mẻ trên thế giới chứ không chỉ riêng trong nước.
Inrasara còn được dư luận quan tâm đến như một trong những nhà phê bình đương đại xuất sắc. Một nhà phê bình được xem là xuất sắc, theo chúng tôi, tác phẩm của anh ta phải kết hợp được ít nhất ba yếu tố: Nghiên cứu, lí luận và phê bình. Ngoài ra còn cần có một cảm quan tinh nhạy trước những hiện tượng, những vấn đề văn học. Các trang viết của Inrasara dường như đáp ứng đầy đủ những tiêu chí đó.
Inrasara đã thành công khi tạo được cho mình một phong cách phê bình riêng.
Điểm nổi bật của nhà phê bình Inrasara là tự tin, dũng cảm, trung thực, dám nói thẳng, nói thật những điều mình biết, những điều mình nghĩ mà không sợ mất lòng ai. Nhà thơ, nhà phê bình Inrasara thậm chí đấu tranh với chính mình. Ông tự chỉ ra những hạn chế của chính những sáng tác của mình. Tất cả vì mong muốn đóng góp một tiếng nói cho sự phát triển văn học.
Inrasara viết phê bình ít khi điềm tĩnh như bản tính của ông. Inrasara có giọng phê bình nồng nhiệt, riết róng, táo bạo, nhiều khi gay gắt nhưng lại rất nghiêm túc và công tâm. Một thứ phê bình giàu cảm xúc và trí tuệ của một nghệ sĩ tài hoa. Nhiều trang viết cho người đọc thấy tác giả là người đọc nhiều, thử nghiệm nhiều và trải nghiệm nhiều trên hành trình sáng tạo và nghiên cứu văn chương.
Khi viết về bất cứ một hiện tượng, một vấn đề văn học nào, Inrasara cũng đưa ra một hệ thống dẫn chứng đầy đủ, xác đáng, có sức thuyết phục, có địa chỉ rõ ràng. Phê bình văn học Inrasara vừa đậm chất lí luận vừa mang đậm chất thơ. Thưởng thức phê bình Inrasara, người đọc cũng bị hấp dẫn như đọc chính thơ ông vậy. Một chất lí luận vừa khúc triết vừa xúc cảm. Mỗi bài viết dù dài hay ngắn đều có bố cục chặt chẽ, mạch lạc với sự phân bố hợp lí các luận điểm, luận cứ, luận chứng.
Trần Hoài Nam, Inrasara, Từ quan niệm đến phong cách, Luận văn Thạc sĩ, Đại học Sư phạm Hà Nội, 2010.
*
Ấy thế cho nên Inrasara đã văng ra cái “văn tế thập loại… phê bình” (gồm: Phê bình bình và tán, không trên nền tảng mỹ học nào, chỉ bình tán đầy tính may rủi. Phê bình độn giai thoại, ở đó trong một bài viết, nhà phê bình tùy tiện độn vào cơ man giai thoại cũ và mới, rất nhảm. Phê bình chung chung, tránh né, vô thưởng vô phạt, là loại phê bình có thể áp dụng cho mọi nhà thơ, mọi tập thơ mà không sợ bị trật. Phê bình hũ nút, lấy mình làm thước đo văn chương người thiên hạ; cho dù văn chương thiên hạ rộng và cao tới đâu, cứ lấy chuẩn mình ra đo. Phê bình núp bóng, núp bóng và nhân danh; nhân danh đạo đức, chân lí, truyền thống, nhân danh tên tuổi lớn trong lịch sử văn học, lấy cả “phương Đông” ra mà nhân danh. Phê bình bè phái, thể hiện mình cả ở thái độ khen chê, bênh vực hay cáo giác. “Phê bình du kích“, để thỏa mãn tính thù vặt, nhân vụ này đá sang vụ khác đến đối tượng không lường trước, mà nếu có biết cũng khó chống đỡ. Phê bình quan phương, là thứ phê bình hãnh tiến của kẻ đang nắm chặt chân lí trong tay, bao giờ và ở đâu cũng ăn nói ở thế đúng, thế thắng. Phê bình hàng hai, nói theo vì đang kì ăn theo, nói theo để còn ăn theo lâu dài hơn. “Phê bình liếc nhìn“, vượt mặt phê bình hàng hai, nó còn biết đi rất nhiều hàng, nhưng chung quy nó thể hiện thói nịnh bợ, uốn ngòi bút để kiếm chác), mà Đỗ Lai Thúy lại chỉ chia thành hai loại: Phê bình báo chí & Phê bình học thuật.
Có thể thấy Inrasara trọng sử dụng phương pháp “diễn giải” còn Đỗ Lai Thúy thiên về “quy nạp” trong lô này. Hai cách đó dẫu là tuyệt chiêu “song kiếm hợp bích” trong nghiên cứu và lý luận, song phát huy đến đâu lại là ở tay kiếm khách. Ngoài ra, ta thấy Inrasara có các “thuật ngữ” thiên về thuần Việt, còn Đỗ Lai Thúy thì dùng các thuật ngữ Hán-Việt khi cần phải súc tích. Ta cũng thấy Inrasara thiên về “tác chiến” nên gần với phê bình báo chí, Đỗ Lai Thúy ngả về “tham mưu” nên hợp với phê bình học thuật, với lý thuyết hơn.
Đặng Thân, “đoàn tầu “thống nhất” (hay là “quân tử dĩ hậu đức tải vật”), Damau.org, 25-2-2011