Như đã trình bày trong các bài viết trước của Lm. Nguyễn Trường Thăng, sự việc Cha có mặt và chứng kiến cuộc khai quật bất đắc dĩ một phần kinh thành Shimhapura của Champa xưa giống như một cơ duyên. Từ nhiều hiện vật thu thập được, cho đến rất nhiều những viên gạch đầu ngói ống, Cha Thăng đã hình dung ra một kinh đô cổ, với những đền Tháp, thành quách, nhà cửa mang lối kiến trúc ảnh hưởng cả Ấn Độ lẫn Trung Hoa nhưng vẫn đậm nét Chăm.
Nền văn minh cổ Champa đã làm Cha Thăng yêu thích, và Cha đã phác họa kinh thành Shimhapura theo trí tưởng tượng của mình như thế này:
* Lm. Nguyễn Trường Thăng bên bức họa kinh thành Shimhapura do chính Cha tưởng tượng vẽ ra năm 1985
Sau này, năm 1997 khi có dịp sang Pháp, Cha đã rất ngạc nhiên khi gặp trong bảo tàng một bản phác họa khác về kinh thành Shimhapura, được J.Y. Claeys vẽ khoảng năm 1930.
Sự hiểu biết về Champa của Cha Thăng cũng thật đáng khâm phục, khi Cha viết về kinh thành Shimhapura như sau:
“Trà Kiệu được coi là kinh đô Sinhapura hay “Kinh thành Sư Tử” của Vương quốc Champa từ khoảng thế kỉ 6 đến thế kỉ 7. Simhapura là kinh đô của tiểu quốc Avamarati một trong 5 tiểu quốc của vương quốc Champa. Theo văn bia cho biết, người đặt đô đầu tiên ở đây là vua thứ 9 Vikrantavacman II vào khoảng 686 – 731, thuộc dòng Gangaraja trị vì từ thế kỉ 3 đến giữa thế kỉ 8.
Sau chính biến năm 1470 giữa vương quốc Champa và Đại Việt, vua Lê Thánh Tông đã đặt mốc biên giới tại Thạch Bi sơn, và cùng với đó là làn sóng di cư của những người Việt vào Nam theo đà nam tiến. Vào năm 1623, Trà Kiệu đã được một số người tình nguyện di dân ở các vùng chung quanh chọn để tới khai hoang lập ấp.
Theo nhiều nhà nghiên cứu thì tên Trà Kiệu được xuất phát từ cách gọi Chùm Chà chỉ những người Chiêm Thành. Chữ Chà phía sau đọc trại thành Trà còn chữ Kiệu có thể hiểu rằng người ở nơi xa đến, ý chỉ những người đàng Ngoài vào lập nghiệp tại vùng đất này.
Vào năm 1927-1928, dưới sự chỉ đạo của J.Y.Claeys, Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp đã tiến hành cuộc khai quật ở Trà Kiệu. Theo miêu tả của Claeys, chu vi của toà thành vào khoảng 4000m. Ông còn tìm thấy một dãy những bức tường gạch được gọi là hoàng thành. Ông còn tìm thấy nhiều đền, tháp, các tác phẩm điêu khắc, văn bia có giá trị lớn ở 2 ngôi làng: Chiêm Sơn Đông và Chiêm Sơn Tây nằm kế cận kinh thành Trà Kiệu xưa.
Sau cuộc khai quật một phần kinh đô cổ Trà Kiệu của Claeys vào các năm 1927 – 1928, nhưng tầng văn hóa dưới lòng đất Trà Kiệu lại ngủ yên suốt hơn nửa thế kỷ. Từ thập niên 90 đến nay những nhát cuốc của các nhà khảo cổ đã rộn ràng đánh thức những di chỉ văn hóa ẩn chìm dưới lòng đất. Ngoài các di chỉ văn hóa Chăm, vùng đế đô xưa một thời vang bóng này còn chứa các di chỉ văn hóa Sa Huỳnh đầy lôi cuốn với những ai muốn soi rọi lại một phần quá khứ của hàng nghìn năm trước.
Vào những năm 1980, có nhiều những hiện vật nhỏ làm bằng vàng đã được khai quật. Chúng là những trang sức có hình mặt trăng, mặt trời, các vì sao, còn có cả những bức tượng thần rỗng ruột, tượng động vật và những cuốn sách thánh dày tạo bởi vàng lá dày 1cm khắc chữ Phạn và những miếng vàng hình tròn với những mẫu tự tiếng Ả Rập. Tổng sô vàng được tìm thấy lên đến vài kí. Điều này cho thấy sự giàu có, trù phú của thành Simhapura trong thời kì phát triển thịnh vượng nhất từ thế kỉ thứ 4 đến thế kỉ thứ 10.
Nét hấp dẫn:
Kinh đô Trà Kiệu là một tổng thể không thể thiếu được trong nền văn minh, văn hóa Á Đông nhất là văn minh Champa là: Kinh đô – Lăng Miếu, Thánh địa, Đền đài để thờ cúng các tiên vương, chư thần… Theo nghiên cứu của GS.TS Trần Quốc Tý, nếu du khách nhìn từ Cù Lao Chàm – nhà thờ Trà Kiệu – và thánh địa Mỹ Sơn là nằm trên một đường thẳng theo đường chim bay. Đây là một phát hiện vô cùng lí thú.
Cho đến nay, giới khảo cổ và sử học đã tìm thấy nhiều di tích đền, tượng, bệ thờ, tường thành, đồ gốm, bia kí và nhiều bức phù điêu tại Trà Kiệu, trong đó nổi tiếng nhất là bức chạm “Vũ nữ Trà Kiệu”. Tất cả những hiện vật này một phần được mang về Bảo tàng điêu khắc Chăm tại Đà Nẵng, số còn lại du khách có thể chiêm ngưỡng tại một cửa hàng đồ lưu niệm đặt trong khuôn viên Nhà thờ Trà Kiệu như ghi nhận những phồn thịnh và lưu giữ những hình ảnh đẹp kì lạ về dấu tích điêu khắc Chăm một thời tại Trà Kiệu.
Ngày nay tại Trà Kiệu, một nhà thờ thiên chúa giáo đã được xây dựng trên ngọn đồi Bửu Châu. Nó được xây dựng trên nền của một tháp Chăm. Đứng ở đây chúng ta sẽ có được một cái nhìn toàn cảnh thung lũng Trà Kiệu với những cánh đồng màu mỡ và một bức tường thành dài hơn 1000 m, một di tích bên trong cung điện đã được miêu tả như trong Thủy Kinh Chú của Trung Quốc. Từ đỉnh đồi chúng ta có thể thấy đỉnh núi Mỹ Sơn ở phía Tây và Cù Lao Chàm về phía Đông. Từ đây chúng còn thấy được địa hình thuận lợi và những phong cảnh đẹp mà người Chăm đã chọn để xây dựng thủ đô của mình.
Thực trạng khả năng khai thác, bảo tồn và phát triển du lịch:
– Hiện nay tại Trà Kiệu còn rất nhiều di tích vẫn chưa được tìm thấy. Trong tương lai cần phải có nhiều cuộc khai quật nữa mới có thể thấy được sự vĩ đại của thành Simhapura.
– Hiện bờ tường thành dài gần 1 km còn sót lại của di tích thành Trà Kiệu đang đứng trước nguy cơ biến mất do sự thiếu ý thức bảo vệ của cư dân địa phương và tác động của thời tiết. Do đó cần có sự quan tâm đúng mức trong công tác bảo vệ di tích kiến trúc này.
Lời cảm tạ của Trần Can:
Xin được gởi lời cảm ơn chân thành đến Lm. Nguyễn Trường Thăng, đã cho phép sử dụng những bài viết rất giá trị của Cha để giới thiệu qua trang web của nhà thơ Inrasara, phổ biến đến với nhiều bạn đọc. Qua đó, góp phần tìm hiểu thêm về văn hóa văn minh Champa.
Cảm ơn bạn đọc của Inrasara.com đã theo dõi những bài viết của Cha Thăng, Cha còn rất nhiều chuyện lý thú về kinh thành Trà Kiệu mà chưa kể hết, như Cha nói, và chúng ta mong một ngày đẹp trời nào đó, sẽ được nghe tiếp những câu chuyện rất hay và rất lạ của Cha.
Tất nhiên là về Chăm, với cái đẹp Chăm.
Và tình yêu Chăm nữa chứ….