Câu chuyện thứ tư của L.m Nguyễn Trường Thăng 01

NHỮNG ĐẦU NGÓI ỐNG CHAMPA Ở SIMHAPURA SƯ TỬ THÀNH TRÀ KIỆU.
01. DỊP MAY HIẾM CÓ


*
Mùa hè 1979, giáo xứ Trà Kiệu, xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng nam- Đà Nẵng đi vào giai đoạn mới : phong trào Hợp tác hóa nông thôn theo mô hình Miền Bắc Xã Hội Chủ nghĩa, Trung Quốc và Liên Xô. Khắp nơi là những biểu ngữ hừng hực khí thế…
…. Tại các cánh đồng trong giáo xứ Đồng Cả, Đồng Eo, Đồng Bảy mẫu, Đạt Ngựa, Hè Chùa, Đồng Quảng, Đồng Trại, Hoàng Châu… từng lớp người cuốc xẻng, xà beng, “ cúp”… với ngọn cờ đỏ dẫn đường quyết tâm hoàn thành việc san lấp mặt bằng, chia bờ vùng, bờ thửa theo tiêu chuẩn mới.
…. Ba ngày sau việc cải tạo mặt bằng tại cánh đồng Hoàng Châu, một tin bất ngờ đến “ Cha ơi, khi cuốc đất, gánh đất ở cánh đồng Hoàng Châu, chúng con thấy người ta đập bỏ rất nhiều mặt quỷ”. “ Mặt quỷ là cái gì?”. Chiều hôm đó, tôi xách cái bị lát, chờ người lao động về hết, lang thang xuống hiện trường. Trước mắt tôi ngổn ngang đất đống lẫn những mảnh vỡ đất nung với những hình chạm khắc rất lạ nhưng thấy cũng quen quen. Lạ vì hình tượng trên chất liệu đất nung nhưng quen là hình nhe răng của các con rồng nước (makara) hoặc sư tử thuộc hệ thống văn hóa Champa… Rất tiếc, tất cả đều sứt bể hòa trộn trong đất sét khô rốc. Mấy người thôn Hoàng Châu không công giáo còn nán lại nói với nhau : “Ông cha nhà thờ xách bị đi tìm vàng !”. Họ cười , không có gì là ác ý hoặc châm biếm nhưng có lẽ thầm nghĩ: ”tội nghiệp cho ông cha đạo… hơi điên điên!”.
Hôm đó tôi xách về một đống gốm nặng. Đó là chuyến đi mở đầu. Nhưng ngày kế tiếp, tôi thuyết phục nhóm giáo dân làm việc tại đây và sau đó những anh chị em không công giáo là khi gặp những vật gì lạ, hãy cố gắng đừng đập bể, nếu nguyên vẹn, tôi sẽ biếu chút tiền. Nhưng nói gì thì nói, chỉ tiêu một ngày một hay hai khối đất trên đã giao, hơi đâu mà chậm trễ. Nhưng rồi tôi cũng được vài vật hình tròn còn nguyên vẹn. Tôi biếu chút tiền. Từ đó, họ dần dần có kinh nghiệm hơn. Nhận thấy nếu đem để ngoài nắng cho đến khi khô đất, đất nung sẽ cứng lại, khó sứt bể hơn. Hàng ngàn năm nằm dưới đất ẩm, làm sao chịu nổi những nhát cuốc “ vố” và những cú nện “xà beng” tóe lửa.
“Kho tàng” của tôi nhiều thêm và tiền túi của tôi cũng vơi đi. Tôi quá hạnh phúc vì không có đối thủ nào cạnh tranh cả. Mọi người bắt đầu thông cảm cho cái ông cha hơi “man man” nầy. Tặng cha một miếng đất sét mà ổng cho quý hơn nải chuối “ lùn” to nặng, kể cũng lạ! Nhóm già nhắc nhóm trẻ cố gắng giữ cho cha khi tụi nó gặp một món đồ gì đó. Tuy nhiên nhiều em cũng nóng lòng thấy vàng, nên chỉ một cái “trở cán cuốc” là món đồ gốm vỡ tan. Chỉ biết khuyên thêm, nếu có bể mà ráp lại được cũng cố giữ cho cha.




Tôi bắt đầu phân loại theo kích thước và loại hình trang trí. Ngoài ra tìm tài liệu nghiên cứu liên hệ đến những vật thể nầy.
Thời gian trôi mau, vài năm sau, khi những ồn ào về phát triển kinh tế qua đi. Người ta bắt đầu quan tâm đến chuyện văn hóa, những hiện vật vô tri kia bỗng tỏa sáng khác thường.
Các nhà khảo cổ, lịch sử, nhà văn, nhà báo, các đoàn khách tham quan thường ghé thăm Hợp tác xã Duy Sơn 2, nơi có giáo xứ cổ kính Trà Kiệu và họ muốn tìm hiểu về Kinh thành Simhapura (Sư tử thành) mà họ bắt gặp đây đó trên sách vở hoặc qua các bài báo.
Những hiện vật sưu tập bỗng nhiên được đánh giá “có giá trị văn hóa”.
Phần tôi cũng cố gắng tìm hiểu thêm về nền văn hóa nầy. Khốn nỗi, tài liệu về Champa ở vùng Quảng Nam, Đà Nẵng rất hiếm, dù có nhiều đền tháp và cả một bảo tàng Parmentier giá trị. Tài liệu đa số chỉ bàn về kiến trúc tháp, nghệ thuật điêu khắc hoặc tôn giáo Chăm. Các thông tin về gốm rất ít hoặc quá sơ lược. Các nhà nghiên cứu miền Bắc xã hội chủ nghĩa chỉ biết về gốm Liên Xô hoặc gốm miền đồng bằng phía Bắc bộ.
Cuối cùng phải nhờ các người bạn tâm đắc ra Huế mới sao lục được môt số bài trong đó có bài viết của Jean Yves Claeys “Note au sujet des abouts de tuiles chinoises” (Ghi chú về những đầu ngói Trung Hoa) đăng trên B.E.F.E.O số XXIX năm 1929, trong các trang 345-346. Nên biết J.Y. Claeys là người chủ trì việc khai quật di tích cổ thành Simhapura trong những năm 1927, 1928. Ông viết nhiều bài quan trọng và thu thập rất nhiều hiện vật. Bài viết trên chỉ là một note (ghi chú) rất sơ lược. Ông cho biết trong khi khai quật, công nhân tìm thấy nhiều mảnh gốm tròn có mang những hoa văn kỳ lạ. Đối chiếu với bài của Tiến sĩ W. Perceval Yetts nghiên cứu về ngói Trung Hoa có nhiều điểm tương đồng, chỉ khác về hoa văn. Ông có nói qua và cũng có một hình minh họa nhưng kỹ thuật photocopie và giấy in quá xấu, tôi chỉ thấy lờ mờ. Xem ra ông không có nhiều hiện vật lắm. Dầu sao phải ghi nhận chính J.Y. Claeys là người đã phát hiện và xác định đây là những đầu ngói trang trí nhà cửa dân tộc Chăm mà ông gọi là Trung Hoa.
Sau nầy tôi có những thông tin: người ta tìm được những đầu ngói ống tương tự ở nhiều nước Á Châu khác như Ấn Độ, Corea… và cả bên Italia nữa. Khi ra Hoa Lư hoặc xem hình ảnh khai quật hoàng thành Thăng Long, tôi thấy trưng bày những hiện vật tương tự.
Chuyện quá lớn rồi, tôi theo không xuể.
Nhà khảo cổ J.Y. Claeys cho biết hiện vật lớn nhất có đường kính 15 cm nhưng tại Trà Kiệu sau đó, tôi đã tìm thấy những đầu ngói trên 20 và cả gần đến trên 30 cm.
Năm tháng qua đi và không ngờ những mảnh đất nung vô tri kia lại là những chứng tích cần thiết để thế hệ hiện nay tìm về quá khứ, hình dung lại nếp sống của cả một dân tộc, của một đế đô.
Kể từ năm 1985, qua các cuộc “ điền dã khảo cổ “tại Trà Kiệu, nhóm sinh viên khoa sử Đại học Tổng hợp Hà Nội dưới sự hướng dẫn của Giáo sư Trần Quốc Vượng đã cho công bố những thông tin đầu tiên về những đồ dất nung nầy. Tôi còn nhớ mãi nhóm sinh viên dễ thương đó, trong nhóm có hai cô gái Lào xinh xắn và mấy chàng trai Hà Nội “thở vắn than dài” vì xa người yêu. Ngày chia tay Trà Kiệu, không ngờ trời có “mưa rải rác”. Thật cảm động khi thấy các cô gái Lào ôm thắm thiết các thiếu nữ công giáo Trà Kiệu vừa quen biết, nước mắt lưng tròng. Hóa ra các cô gái Lào cũng thuộc loại tình cảm “mít ướt” như các cô nông thôn Quảng Nam. Ba người trong số đó đã cho ra đời những luận văn đầu tiên sau chiến tranh về gốm Chăm đó là Trần Văn Bảo, Hồ Bách Khoa và Nang Thoong My Phanuvong. Tôi đoán các sinh viên vô tư ngày ấy nay đang giữ những chức vụ quan trọng. Rất mong được gặp lại. Các giáo sư hướng dẫn như Trần Quốc Vượng, Hoàng Văn Khoán, Nguyễn Chiểu cũng đưa ra nhiều nhận định chuyên nghiệp. Giáo sư họ Trần rất dễ thương nay đã đi xa… rất xa!
Vào những năm đó, bộ “sưu tập” khiêm tốn nhà thờ cũng được cuốn sách du lịch của nhà xuất bản Lonely Planet đề cập đến để rồi không ít bạn trẻ thế giới “tây ba lô” tìm đến, trong số đó tôi biết một người là nghiên cứu sinh Southworth, đệ tử của giáo sư khảo cổ Anh quốc Jan Glover. Tìm hiểu trên Internet nếu tôi không nhầm thì nay William. Southworth là tiến sĩ và là giáo sư Đại học Bonn, nước Đức. Cuối năm 1989, tôi rời giáo xứ Trà Kiệu để ra làm việc tại giáo xứ chính tòa Đà Nẵng, đã hơn 10 năm không có cha sở chính thức. Tôi phân vân không biết nên chuyển “ kho tàng” hay để lại. Và tôi quyết định để lại tất cả những gì mình đã tốn nhiều công sức gom góp , chỉ với một điều kiện là phải gìn giữ cẩn thận.
Linh mục kế nhiệm Phaolô Mai Văn Tôn tiếp tục đón nhiều nhóm sinh viên khoa sử. Năm 1995, ông Nguyển Chiểu , cán bộ giảng dạy khoa sử Đại học Tổng hợp Hà Nội đã hướng dẫn sinh viên Hoàng thị Nhung hoàn thành có hệ thống luận văn “ Một số định hình đồ gốm Chàm cổ ở Trà Kiệu. Huyện Duy Xuyên – Quảng Nam – Đà Nẵng.”. Theo tôi biết có lẽ đây là bài viết phân tích công phu nhất về gốm Chăm Trà Kiệu, với trên 100 trang (50 trang viết và 50 trang tài liệu, hình ảnh).
Thời gian kế tiếp là những cuộc khai quật một vài địa điểm ở Trà Kiệu và vùng lân cận có sự góp mặt của tiến sĩ Jan Glover. Tiến sĩ có gửi cho tôi một bản phúc trình công bố ra thế giới những khám phá mới về khu vực Trà Kiệu, trong đó ông gọi các hiện vật ở nhà thờ Trà Kiệu là “Trakieu church collection” (Bộ sưu tập nhà thờ Trà Kiệu).
Kể lại vài câu chuyện đời mình để các bạn trẻ khi làm việc ở bất cứ nơi nào cũng có thể tìm thấy niềm vui trong nghiên cứu văn hóa địa phương và biết đâu mai ngày cũng đóng góp những kiến thức quý báu cho hậu thế như trường hợp cha Léopold Michel Cadiere ở Quảng Bình, Quảng Trị và Huế.
(còn tiếp)

2 thoughts on “Câu chuyện thứ tư của L.m Nguyễn Trường Thăng 01

  1. Tuyệt vời Đức Cha Thăng!!!
    Cám ơn Cha nhiều, thật nhiều. Tôi không biết nói gì thêm. Chỉ mong Cha “man man” nhiều hơn nữa để có nhiều phát kiến mới trên web của Inrasara.

  2. Cha Antoine Nguyễn Trường Thăng có đoạn viết “… Sau nầy tôi có những thông tin: người ta tìm được những đầu ngói ống tương tự ở nhiều nước Á Châu khác như Ấn Độ, Corea… và cả bên Italia nữa. Khi ra Hoa Lư hoặc xem hình ảnh khai quật hoàng thành Thăng Long, tôi thấy trưng bày những hiện vật tương tự.
    Chuyện quá lớn rồi, tôi theo không xuể.”

    Cám ơn Cha Antoine Nguyễn Trường Thăng!
    Nhờ Cha mà ngày nay người Chăm chúng con có thêm chứng tích là ông bà Chăm xưa ngoài đời sống tâm linh cao, họ còn rất yêu chuộng nghệ thuật, trân trọng văn hóa, và từ đó ta có thể đoán ra được cách sống và bản tánh của người Chăm xưa mà hậu thế thường hay gắn ghép cho cái tiếng oan là “hiếu chiến và hung hãn”.

    Và cũng trong bài viết nầy, cha đã vô tình gợi mở cho một đề tài mà nhiều Sử Gia VN và cả các nhà khảo cổ thế giới chưa để mắt đến. Đó là chuyện hơn 50 ngàn tù nhân Chăm, gồm những nghệ nhân, hàng tu sĩ, và hoàng thân quốc thích trong triều đình Chăm bị các vua Lý bắt dem về Bắc năm ở nhưng năm 1044 và 1069. Số phận họ ra sao? Họ đã ảnh hưởng như thế nào vào văn hóa và đời sống người Viêt? Tại sao gốm Chăm lại tìm thấy ở cổ thành Thăng Long? Có phải nghệ nhân Chăm đã bị đày xây thành hay ko? Tại sao miền bắc VN lại có nhiều đền thờ cho nữ thần ở một nơi mà từ dân cho đến vua đều theo Phật Giáo? Có phải những đền nầy là do tù binh Chăm xây để thờ cúng thần linh của họ hay ko?

    Xin mời quí vị đọc 1 bài viết của Trần Thị Vỉnh Tường đăng ở website “www.khoahoc.net” ngay 1/1/2009 có nhắc đến chuyện tù binh Chăm bị bắt. Đó là bài “Ai Về Chiêm Quốc Hộ Huyền Trân” ở link dưới đây:
    “http://www.khoahoc.net/baivo/tranvinhtuong/010109-aivechiemquoc.htm”

    Vài hàng tản mạn.
    Ysa Cosiem

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *