Câu chuyện thứ tư của L.m Nguyễn Trường Thăng 02

NHỮNG ĐẦU NGÓI ỐNG CHAMPA Ở SIMHAPURA SƯ TỬ THÀNH TRÀ KIỆU.
2. PHÂN TÍCH KÍCH THƯỚC- KIỂU DÁNG- LẮP ĐẶT

Khi số đầu ngói đã bắt đầu được thu gom tương đối nhiều. Tôi bắt đầu phân loại từ nhỏ nhất lên lớn nhất và rất ngạc nhiên về kích thước khá chênh lệch giữa các tiêu bản.
Bài viết nầy tôi căn cứ vào luận văn tốt nghiệp ngành khảo cổ học khóa 31, 1986-1991 của cô Hoàng Thị Nhung “Một số hình đồ gốm Chàm cổ ở Trà Kiệu. (Huyện Duy Xuyên- Quảng Nam -Đà Nẵng và được ông Nguyễn Chiểu cán bộ giảng dạy khoa sử Đại học Tổng hợp Hà Nội biếu cho linh mục Chánh xứ Trà Kiệu năm 1995.
Cô Hoàng Thị Nhung đã bỏ nhiều công sức nghiên cứu đo đạc tỉ mỉ và đếm kỹ các hiện vật. Trong chương một cô cũng có ghi “tác giả đã lấy nguồn tài liệu chủ yếu từ hai hố thám sát ở Gò Mĩ và bộ sưu tập gốm được cất giữ trong nhà thờ của linh mục Antôn Nguyễn Trường Thăng, làm cơ sở cho việc phân định một số loại hình đồ gốm của mình”(Sđd, trang 4).
Về nhóm đầu ngói, cô cho biết đường kính cái nhỏ nhất là 12cm và lớn nhất là 30cm. Cô cũng có mô tả một số tiêu bản về kích thước , độ dày, gờ và hình dạng cùng con số tiêu bản tại Trà Kiệu là 74. Giáo sư Jan Glover trong bảng tường trình khai quật tại Trà Kiệu cho biết sưu tập đầu ngói tại nhà thờ Trà Kiệu phong phú nhất vì có đến con số hàng trăm hiện vật nguyên vẹn hay bể sứt. Xin cọng thêm kể thêm những tiêu bản tìm thấy sau khi tôi đã rời Trà Kiệu cuối năm 1989. Trong số hiện vật sau nầy của tôi có một tiêu bản tuy bị bể ra nhiều mảnh nhưng cũng hình dung độ lớn của đầu ngói trên 30cm Thời gian sau, không hiểu vì lý do nào, không còn thông tin nói ai tìm thấy thêm những mẫu đầu ngói nầy nữa.
Tôi cũng không rõ vào thời vương quốc Champa, dân tộc nầy áp dụng đơn vị đo lường nào so với quy tắc Âu Châu sau nầy.
Vào thời điểm thu thập nhưng tiêu bản, căn cứ vào hình dáng trang trí tôi tạm phân chia thành ba nhóm
– nhóm makara hoặc kala, với gương mắt đe dọa, nhe nanh vuốt.
– nhóm mặt người đi từ hơi dữ đến hiền hòa.
– nhóm hoa thị.
Hoàng thị Nhung sau nầy chia làm hai kiểu: Kiểu trang trí “hình mặt hề, có 69 tiêu bản chiếm 93,2%. Cô lại chi thành hai dạng: “một dạng mang nét hiền từ; một dạng mang nét mặt dữ tợn, gồ ghề” (Sđd trang 33).
Kiểu 2 theo cô Nhung “trang trí hình hoa, có 5 tiêu bản, còn nguyên vẹn”. . Theo hai cô gái Lào Nang Thoong My và Pha- nu-vong cho hoa thị Chăm chỉ có 7 cánh…nhưng do thời điểm đó loại hoa văn nầy chỉ có ít nhưng đến thời cô Nhung thì có nhiều loại hơn, 10 cánh, 14, 18 cánh.
Thật ra tôi cũng chẳng có thời giờ để đếm, để đo cẩn thận như các cô sinh viên nầy. Nhưng xem ra các “ý lớn”cũng gặp nhau.
Xin cám ơn các cô gái khoa sử và khảo cổ học.
Nếu quý độc giả muốn tìm hiểu sâu, tốt nhất là nên tìm xem bài luận văn tốt nghiệp của các cô. Bài viết nầy chỉ cung cấp thêm một số hình ảnh trực quan có tính cách thông tin.
Bên cạnh những đầu ngói nầy, chúng tôi cũng sưu tập được một số viên ngói âm dương Champa. So sánh các đầu ngói và các viên ngói chúng ta hình dung ra ngay đây là những vật thể trang trí diềm mái các dinh thự hoặc nhà ở của dân Chăm như thấy trong hình các công trình kiến trúc Trung Quốc. Cô Nhung cũng đồng quan điểm khi nhận xét “Toàn bộ số đầu ngói được mô tả ở trên dùng để lợp trang trí diềm mái các công trình kiến trúc đền tháp của Người Chàm cổ ở Trà Kiệu” (Sđd, trang 37). Cách chế tác theo Yves Claeys thì bằng khuôn. Theo Trần Quốc Vượng và Hoàng Văn Khoán thì người Chăm làm bằng tay. Căn cứ vào các tiêu bản, ý kiến thứ hai xem ra khó thuyết phục.




Quan sát những diềm mái Trung Hoa, tôi thấy đa số trang trí bằng một từ như Hán chữ thọ chẳng hạn.
Còn các diềm mái Champa xen ra quá đa dạng vì sự phong phú hình tượng trang trí.
Trước khi nói về đầu ngói ống thiết tưởng phải nói đến loại ngói của Champa tại Simhapura. Theo hiện vật tìm thấy cho đến lúc nầy chúng ta thấy có hai loại chính: ngói âm dương và ngói móc.

1. Ngói móc cũng có loại cỡ nhỏ và cỡ lớn. “ngói móc có mũi nhọn (hoặc vòng cung) thân phẳng và mỏng; một đầu kia uốn lại tạo với thân một góc vuông (gọi là móc ngắn). Ngói kiểu nầy dài 20-50cm, rộng 7-8cm đến 15cm, dày 1-1,5cm, móc ngắn cao 1-2cm) (Theo Hoàng Thị Nhung, Sđd, trang 32)

2. “Ngói ống (còn gọi là ngói hình lòng máng, ngói âm dương, hoặc ngói uyên ương). Phần ngói dương (tức phần ngói ống có hình ống tre hay ông nứa bổ đôi). Phần ngói âm (ngói bản) hình lòng máng. Khi lợp phần ngói ống úp xuống khớp với phần ngói bản lợp ngửa. Kiền ngói nầy còn có phần phụ chỉ xuất hiện ở hàng ngói lớp hiên: là đầu ngói hình tròn dùng đề trang trí. “(Hoàng Thị Nhung, Sđd, tr. 32).
Ngoài ra hình như cũng có loại âm dương dạng bẹt hơn như loại âm dương hiện nay tại Huế và phố cổ Hội An.
Từ những hiện vật trên chúng ta có thể hình dung mái nhà Chăm cổ ở kinh thành Simhapura không khác mấy với các cung điện Tử Cấm Thánh Bắc Kinh hoặc kinh thành Huế hiện nay. Khác là thay vì sứ tráng men, ở dây người Chăm dùng đất nung.
Ta có thể tưởng tượng hình dạng lớp ngói như sau, còn nhà cửa mang dáng dấp những nhà rường hiện nay.
Không là nhà chuyên môn, tôi không dám “múa rìu qua mắt thợ”mà chỉ mong cung cấp một số thông tin cho những ai quan tâm đến văn hóa Chăm và hội đủ điều kiện nghiên cứu đưa ra nhiều bài giải thích giá trị hơn.

Hội An, ngày 05 tháng 10 năm 2010.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *