Nhà nghiên cứu Inrasara đọc Có 500 Năm Như Thế: Những gợi ý từ ngoại vi lịch sử

Nguyễn Vinh thực hiện
đã đăng Sài Gòn tiếp thị, 16-2-2011

Nguyên văn:
Là một nhà nghiên cứu người Chăm, hẳn, ông sẽ rất hứng thú khi đọc cuốn sách này?
Inrasara: Vâng. Nhận được bản thảo, tôi đã đọc một mạch, rồi còn gởi cho vài trí thức Chăm nữa. Họ cũng đã rất hứng thú. Nên, dù ít khi tôi viết cái gì đó về một tác phẩm chưa in, nhưng với bản thảo về đề tài mang tính đột phá này – khi tác giả đề nghị, tôi đã viết ngay Lời tựa. Tiếc là hai trang giới thiệu kia chỉ còn được giữ lại một đoạn ngắn ở bìa bốn, như anh thấy.

Chọn phương pháp nghiên cứu phân kỳ lịch sử để soi tỏ lại mối quan hệ Chăm – Việt trong cái “cột mốc hòa nhập khó diễn tả” kéo dài 500 năm (từ 1306 với sự kiện đám cưới công chúa Huyền Trân với vua Champa Chế Mân cho đến cái mốc 1802 với bức tranh “Một nhóm người Đàng Trong” của John Barrow) để ghi nhận sự hình thành bản sắc Quảng Nam nói riêng và Đàng Trong nói chung. Khảo sát lịch sử chính trị trong chính sử giai đoạn này, chúng ta luôn hình dung đến sự khốc liệt, phũ phàng và đậm màu sắc thôn tính, đến độ, bị coi là nhạy cảm, phải dè dặt, thế nhưng cuốn sách lại nhìn nhận khoảng giao thoa lịch sử ấy khá “dễ chịu”, ví dụ: Khi người Việt đến thì người Chăm vẫn ở lại, sống chung, mang họ Việt và qua thời gian, đã quên dần gốc gác; việc Phật hoàng Trần Nhân Tông gả Huyền Trân công chúa không phải là một mưu đồ thôn tính mà xuất phát từ sự “cảm tình” dành cho vua Chế Mân, sau đó kéo theo một quá trình “sát nhập”; sự sống chung, tiếp biến, hỗn hòa văn hóa Chăm – Việt mạnh mẽ khiến tác giả đi đến kết luận “chúng ta là Chăm đang nói tiếng Việt bằng giọng Chàm”… Ông tiên đoán thế nào về “số phận” của những giả định khoa học đầy mạnh dạn đó?
Inrasara: Lịch sử một đất nước, một vùng đất cần phải được nhìn từ nhiều chiều, và nên hướng về phía nhân văn hơn. Viết lịch sử cứ gì phải đăm đắm vào vụ đánh giết nhau tranh giành quyền lực giữa các vua chúa cùng hay khác chủng tộc. Buôn bán, thương mại đã chẳng làm nên lịch sử của nhiều nước sao? Không thể vận dụng duy một hệ thống sử để viết lịch sử các nước. Lịch sử Champa cổ nhìn qua các phong cách kiến trúc thì vẫn có thể đạt được chiều kích nhất định.
Đất nước Việt Nam hình thành từ ba vương quốc cổ, là chuyện ai cũng biết rồi. Nhưng đứng về phía nhân dân, phía ngoại vi – huyền sử hay lịch sử truyền miệng oral history, nếu có thể nói thế – để nhìn lại giai đoạn lịch sử 500 ấy thì có lẽ đây là “gợi ý” đầu tiên. Và cần thiết. Cách làm này mức độ nào đó hóa giải được các nan đề do lịch sử để lại. Không chỉ cho hôm nay, mà cả ở ngày mai. Tôi gọi đó là cách nhìn lịch sử mang tính giải trung tâm của hậu hiện đại. Tôi ủng hộ nó.

Nhìn từ góc độ một công trình nghiên cứu độc lập có đụng chạm đến nhiều vấn đề thuộc chuyên môn văn hóa Chăm như ngôn ngữ, văn hóa phong tục…, ông có nghĩ rằng, sự khảo cứu tư liệu trước tác Chăm ở tác phẩm này có hơi mỏng?
Inrasara: Mỏng, hẳn rồi. Tác giả chưa làm chủ được ngôn ngữ Chăm để có thể tiếp cận kho tư liệu phong phú về ngôn ngữ và văn học, phong tục tập quán Chăm từ đó có thể làm cuộc đối sánh. Cạnh đó, không ít công trình mới nhất về văn hóa dân tộc này – cả tác giả Chăm lẫn ngoài Chăm viết, in trong nước hay nước ngoài – rất thiết yếu cho đề tài đã bị bỏ sót. Nên ta thấy có vài chỗ bị hẫng, vài luận chứng chưa thật thuyết phục. Hơi đáng tiếc là vậy. Hi vọng khi tái bản cuốn sách, tác giả sẽ có những bổ khuyết cần thiết: Dẫn luận phong phú hơn, truy nguyên tận cội rễ văn bản, và tiếp cận được các thành tựu mới hơn, ngoài ra cần thêm nhiều hình ảnh sinh động hơn nữa.

Tác giả là một nhà văn, nhà báo. Đây là công trình nghiên cứu quan trọng đầu tiên. Ông đánh giá thế nào về thái độ, phẩm chất nghiên cứu của tác giả thể hiện qua công trình này?
Inrasara: Tôi nói đáng tiếc, là do đòi hỏi sự toàn bích dành cho công trình khoa học đạt chuẩn cao. Nhưng nếu coi khảo cứu này như là một gợi ý khởi đầu, thì Có 500 năm như thế rất đáng ghi nhận. Ghi nhận ở đề tài lẫn thái độ làm việc, ở tinh thần tiếp cận vấn đề cũng như sức gợi mở khá lớn của nó.
Nó gợi mở về nghiên cứu đối sánh giữa Chăm Hroi (ở Bình Định, Phú Yên) và Chăm Panduranga (Ninh Thuận và Bình Thuận), Chăm Churu với Chăm Kinh (Kinh Cựu hay Kanh Cụ là Chăm lai Kinh ở Bình Thuận)… Đối sánh để tìm lại kí ức lịch sử bị đứt quãng và bị bỏ quên. Đó là cách làm đầy tính nhân văn.
Qua Có 500 năm như thế, cộng đồng Chăm biết mình không cư trú cô độc hiu hắt ở vài vùng hẻo lánh, mà đang hiện diện khắp nơi trên mảnh đất hình chữ S này.

Là một người đã đọc trước bản thảo và đọc lại khi sách đã được in, ông có ghi chú nào với bạn đọc phổ thông?
Inrasara: Hãy cẩn trọng với các vấn đề do lịch sử đặt ra. Với đất nước Việt Nam đa dân tộc nhiều biến động qua các giai đoạn lịch sử thì càng. Ai biết được tỉ trọng trong dòng máu mình bao nhiêu Chăm, bao nhiêu Kinh? Đùa vậy thôi, mọi phân biệt đối xử mang tính chủng tộc đều vừa phi nhân và cả phi lí.

Xin cám ơn ông.

4 thoughts on “Nhà nghiên cứu Inrasara đọc Có 500 Năm Như Thế: Những gợi ý từ ngoại vi lịch sử

  1. Sara bao giờ cũng rất cao thủ trong các cuộc phỏng vấn:

    “mọi phân biệt đối xử mang tính chủng tộc đều vừa phi nhân và cả phi lí.”
    Mình thích câu này!

  2. Lịch sử mơ hồ-lịch sử lãng mạn… Chúng ta chưa thể có những trang sử tin cậy được. Các khoảng mơ hồ của lịch sử VN chỉ có thể đáng tin với những người không hiểu lịch sử là gì, bởi họ chưa có cái nhìn đầy đủ từ ngoại vi để khám phá ra nhiều cái thực còn ẩn giấu. Hồ Trung Tú có một lối giải trung tâm rất hậu hiện đại. Cám ơn Nguyễn Vinh và Sara đã cho mọi người 1 góc nhìn mới rất nhân văn.

  3. Anh Inra nói năng hôm nay sao sao ấy, không hoạt lắm. Tôi đã mấy lần nghe anh trả lời phỏng vấn ở đài nước ngoài, rất tự tin và hay. Còn hôm nay thì không được như thế. Dĩ nhiên nội dung thì lúc nào cũng ngon rồi. Trả lời giấy thì hay hơn nhiều.

Leave a Reply to truong thanh giang Cancel reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *