Jalau Anưk: Khủng hoảng giao tiếp trong xã hội Chăm đương đại – kì cuối

Lời BBT Inrasara.com:
Bài viết “Khủng hoảng giao tiếp trong xã hội Chăm đương đại” của Jalau Anưk đến nay đã là kì cuối. Dù không là đại diện, nhưng đây là tiếng nói chính thống của người viết thuộc thế hệ trẻ. Thế hệ đi trước, bên cạnh các cống hiến đáng kể – một số vị thuộc thế hệ đó đã làm vẩn đục không khí xã hội. Thế hệ trẻ có quyền nói lên tiếng nói của mình. Bài viết của Jalau Anưk nghiêm túc, thích đáng và đầy trách nhiệm. Còn nhìn nhận nó ra sao, tùy góc độ và quan điểm của người đọc. Inrasara.com rất hân hạnh đón nhận mọi ý kiến phản hồi.
Inrasara.

Phần cuối – Một số chủ đề đang được bàn tán sôi nổi trên diễn đàn – quan niệm và nhận định

* Jalau Anưk tại Bàn tròn Văn chương – Hội Nhà văn VN, Vũng tàu 2007.

Ông mình, ba vợ Trà Vigia mỗi lần có dịp về quê, mình hay ghé thăm, chào hỏi. Có một lần đến chào, không có Trà Vigia ở nhà, mình thấy ông đang đọc báo. Đọc một hồi, ông buông xuống bảo là “chán quá, cậu Tư mày da bọc xương, không biết đá banh đá bóng gì cả mà cứ toàn mua báo Bóng Đá”. Mình mỉm cười, ông cũng mỉm cười (rất duyên). Không biết đá bóng không có nghĩa là không được yêu bóng đá, không được nhận xét bóng đá, không được chê ai hay ai dở, đội nào mạnh đội nào yếu và càng không có nghĩa là không được đọc báo Bóng Đá và không hiểu gì về Bóng Đá …

Chăm mình càng ngày càng có nhiều tài năng, càng có nhiều anh chị em chịu khó nỗ lực học hành, đạt được những học hàm, học vị khá cao. Một dấu hiệu hội nhập tích cực cần được nhân rộng. Tuy nhiên, một số anh chị em cứ coi mình là duy nhất, lĩnh vực của mình thì mình là người duy nhất, chỉ có mình nói là đáng tin, chỉ có những gì mình nói là đáng nghe, trái ý thì sẽ phật lòng. Chủ nghĩa duy nhất trong nhận thức của một bộ phận anh chị em là biểu hiện của tính bảo thủ, duy ý chí, là dấu hiệu của sự trì trệ, tâm lý tự mãn. Tính cách này cũng đã và đang góp phần không nhỏ vào sự khủng hoảng giao tiếp trong lòng xã hội Chăm đương đại, là ngòi nổ cho nhiều bất hòa trong xã hội, gây ô nhiễm không gian giao tiếp, làm cản trở những cái chìa tay thân thiện và ấm áp về phía nhau. Hãy biết lắng nghe và nhìn về mảng sáng nhất của cuộc đời.

Chủ đề thứ nhất: Hội Nghị Quốc Tế Về Ngôn Ngữ Chăm tại Kuala Lumpur – Malaysia
Một ý tưởng tuyệt vời, một cách làm mới, một cách tiếp cận vấn đề rất hiện đại (đối với Chăm) nhưng nó đã không mang lại kết quả như cái tên gọi của nó. Không những thế, nó còn làm chia rẽ cộng đồng, làm nổ ra những cuộc tranh cãi kể cả trong bóng tối lẫn ánh sáng, kể cả trên các diễn đàn đến các phương tiện giao tiếp cá nhân, nặc danh và cả hiện danh, ngổn ngang và bế tắc. Tất cả đều là hệ lụy từ giao tiếp mà ra. Các vị nói với nhau nặng lời thế, nói như để triệt hạ nhau, nói như muốn thể hiện rằng mình đang nổ lực ném một ai đó ra khỏi trái đất để không bao giờ còn nhìn thấy nữa. Như thế có còn nhìn được mặt nhau nữa hay không? Lối giao tiếp như muốn đóng sập cánh cửa lại, từ chối nhau. Hay vì “lời nói không mất tiền mua”cho nên các vị không cần dè xẻn, không cần đắn đo, không cần tiếc nuối, không cần sợ lãng phí khi để nó nhảy ra từ họng mình? Vậy đó, từ những người bạn tâm giao, những thân hữu, những đồng chí, những anh em, những đồng nghiệp, đồng hương, những số phận tha hương với nhau…. Nghiễm nhiên, sau một đêm thức dậy, các mối quan hệ này thay đổi hoàn toàn. Có mất mát không? Có đấy, mất mát lớn lắm! Lớn hơn cả cái Hội Nghị này nhiều lắm. Giá như các vị đừng đi (Mình có ông bác ruột, làm việc nhà nước hơn 25 năm, về hưu, mỗi tháng lãnh lương hưu ngót nghét 2,5 triệu. Sau đó được một người bạn thân, là doanh nhân thành đạt mời về làm quản lý, vừa là để tạo điều kiện cho ông bác này có thêm thu nhập vừa để có người có kinh nghiêm, đáng tin để hỗ trợ. Được chưa đầy hai tháng mình nghe bác bảo “Bác nghỉ rồi”, mình hỏi “Tại sao?”. Bác nói “Bác nghỉ để bác không mất đi một người bạn”). Có khi bạn có một người bạn tốt nhưng không phải hễ một người bạn tốt sẽ cũng là một đồng nghiệp tốt) hoặc đừng ký vào biên bản, giá như các vị đừng vì thế mà bảo người khác hèn mạt kèm theo những lời lẽ thô tục, khó nghe. Có khi, chúng ta chỉ lấy mình, điều kiện của mình, hệ sinh thái của mình, khả năng của mình… làm một khuôn mẫu trong hành xử và giao tiếp, mỗi vấn đề không là mọi vấn đề. Giá như các vị ôn tồn tìm hiểu, trao đổi với nhau, hỏi han xem ai đang có những khó khăn gì trong việc thực thi những nội dung đã thống nhất, khó khăn chổ nào, thiện chí xốc vai vào để cũng nhau tháo gỡ, không làm được một lần thì hai lần, ba lần, 4 lần… n lần. Không những không làm như thế mà còn quay lưng, thậm chí chửi mắng nhau. Giao tiếp với nhau như thế thì các vị mong muốn sẽ mang lại kết quả như thế nào? Sẽ không bao giờ có kết quả mà chỉ là hậu quả.

Chủ đề thứ hai: Quan niệm vễ Lễ Hội Katê của CML
Năm 2004 mình bỏ dạy học ở Nha Trang, khăn gói vào Sài Gòn. Thời điểm đó, Đồng hương Chăm ở Sài Gòn đã nát bét. Anh Cửu Chi Tơ nghe đâu đã về Bình Thuận sinh sống. Khởi đầu từ những anh em ở chung trong một cái nhà trỏ ọp ẹp: Bá Minh Trí, Lưu Hoàng Phương, Quảng Đức Toại, Hán Dương Phú và mình, ý tưởng hình thành nhóm Hamu Tanran được triển khai và nhận được sự ủng hộ của rất nhiều người, nhất là các bạn trẻ, sinh viên, thanh niên… Sức lực có hạn, anh em chỉ gặp nhau, đi đá bóng vào những ngày Chủ nhật, tổ chức các trò chơi tập thể, số lượng anh em tham gia giao lưu, gặp gỡ lên đến cả trăm người. Vui và đoàn kết lắm.
Cứ thế, anh em mình gặp nhau, hỏi han, làm quen, giải trí… Tiếng lành đồn xa, các Palei khác cũng đến, rất bình thường, không phân biệt. Để các anh chị em không nghĩ sân chơi này chỉ là Hamu Tanran, bọn mình quyết định không bó hẹp nữa. Lưu Quang Tuấn Huy và nhiều anh em khác tham gia, Ths. Đàng Năng Hòa từ Philipin về cũng xắn tay áo vào cùng, nhiều Palei, hễ là Chăm hoặc bạn bè của Chăm, yêu thích hay cảm thông được với Chăm là có thể góp mặt.
Cái nồi nhỏ không chứa hết những củ khoai to. Bọn mình quyết định mời các vị lớn tuổi, có uy tín. Trong đó có cả Inrasara, Phú Văn Hẳn, Bá Trung Phụ, Thành Phần, Dương Khánh, Quảng Đại Hội… gặp nhau để bàn bạc một cách thiện chí, tìm giải pháp tại café Văn Khoa và đi đến quyết định cuối cùng là cần phải có một tổ chức đứng ra bảo trợ để khỏi nảy sinh các vấn đề không lường trước. Vậy là giao về cho Hội Dân Tộc Học TP. HCM và thành lập Chi Hội Chăm, TS. Thành Phần là người đảm nhiệm chính. Tiền thân của Đồng Hương Chăm bây giờ do Hội Dân Tộc chủ quản là vậy. Mình không còn tham gia điều hành kể từ ngày đó.

Trở lại chủ đề về quan niệm Lễ Hội Katê của CML, khi đọc được trên các diễn đàn, thật sự là mình sửng sốt. Chẳng lẽ Chăm mình hễ hở ra là cãi nhau, là cố chấp, là bảo thủ như thế sao. Mọi chuyện sẽ rất giản đơn nếu các vị nói chuyện với CML như vai trò của một anh cả, của những người anh, những ông chú, những bà bác …. Như thế, nếu quả thật CML sai (bình thường thôi, các tư liệu về văn hóa, xã hội Chăm bây giờ nó tản mác, thậm chí có thể gọi là chưa đủ luận cứ để có thể khiến một ai đó dễ dàng chấp nhận. Việt Nam đã trưng ra bao nhiêu tài liệu, mộc bản về Hoàng Sa, Trường Sa…. Tàu có nghe đâu, họ vẫn ở đây thôi, vẫn bảo là của họ) chắc chắn CML sẽ dễ dàng nhận ra hơn là các vị phải đăng đàn phê phán nặng lời. Sẽ bắt đầu bằng phản ứng tự vệ rồi dần dần chuyển sang phản kháng, đối kháng sẽ tất yếu xảy ra theo cách giao tiếp như thế.
Lịch sử văn hóa của một dân tộc liệu có bất biến? Mình khẳng định là không. Nếu quả thực cần thiết để chúng khả biến theo chiều hướng tốt hơn thì hãy nên. Ý tưởng của CML là tốt, muốn Katê không phải của riêng tôn giáo nào. Nó là của Chăm. Không cần cường điệu gì thêm ngoài ý tưởng xây dựng một cộng đồng đoàn kết thông qua một lễ hội thì tốt biết mấy! Đáng mừng hơn đáng trách. Chấp nhận điều đó được hay không nếu Chăm mình muốn thế? Lịch sử văn hóa xã hội hay các sự kiện văn hóa, nếu cần thiết thì hãy viết lại, đóng lại trang cũ để truy cập, bảo tồn, đối chiếu; mở ra một trang mới để phát triển và để lịch sử đương đại ghi nhận nó. Thái độ không biết lắng nghe, kỹ năng làm việc với nhiều người, thiện chí chấp nhận nhiều người khác mình kém, duy ý chí, đánh giá và xử lý giao tiếp không khéo nên sẽ đẩy sự việc đi rất xa, ngoài tầm với.

Một chiều ngồi lai rai anh em Chăm ở quán nhậu bình dân sát với chân cầu Thị Nghè, đề cập đến trình độ của các vị chức sắc, ai cũng thấy cần phải thay đổi. Chăm sẽ hội nhập với thế giới bên ngoài như thế nào khi đội ngũ chức sắc, lãnh đạo tinh thần đa số (đương nhiên không phải chữ Chăm rồi) trình độ học vấn còn hạn chế, kỹ năng tiếp xúc, nhận định, truyền bá văn hóa… còn nhiều bất cập. Một anh mới học nước ngoài về nói vui: “Mình sẽ làm Paseh, Dhia sau khi làm xong luận án Tiến Sỹ”. Hoan hô. Chưa nói đến chuyện sau này (vì nhiều lý do), anh ấy làm hay không làm nhưng đó là một ý tưởng có trách nhiệm. Ba anh em mới nói thêm: “vậy chắc phải thay đổi, khi đi giảng ở đại học, Paseh, Dhia có thể mặt veston, cravat. Còn khi thực hiện cách nghi thức tôn giáo thì phải mặc sắc phục truyền thống”. Tại sao không? Hay chúng ta lại bảo không được, vì nó mất đi bản sắc vốn dĩ lâu nay của mình? Nó đã như vậy thì phải là như vậy đời đời kiếp kiếp?

Có những cái sai (nếu có) rất dễ thương và đáng yêu như quan niệm về Lễ hội Katê của CML, ‘danh sách của CL” … Chỉ cần vài giọt độ lượng (từ của Inrasara), chúng ta đã hành xử, giao tiếp khác. Chăm sẽ vui hơn. Chúng ta sẽ ngủ ngon giấc hơn, thậm chí còn có thể mỉm cười trong cơn ngủ. Hãy nhìn vào nhau bằng những đôi mắt long lanh hơn là những hằn học triền miên.

Vừa viết xong bài này, mở hộp thư, nhận được một cái spam từ Chế Linh với tựa đề “THƯ KÊU GỌI TÌM GIẢI PHÁP”. Yêu quá đi chứ! Cùng làm đi Chăm mình nhé! Gul ppataum!

Ginaung oh abih ginaung di hatai
Ginaung oh abih adei di xa-ai

Bỗng dưng thèm nghe hai câu hát này của Trà Vigia!
Thuk siam!

9 thoughts on “Jalau Anưk: Khủng hoảng giao tiếp trong xã hội Chăm đương đại – kì cuối

  1. Vẫn là mô-tuyp cũ. Đứng về một phía mà nhận xét về một phía. Ngán quá!
    Hy vọng sau kỳ cuối này sẽ ko còn thấy xuất hiện thêm “Khủng hoảng giao tiếp” phần 2, 3 nữa.
    Salam!

  2. Bài cuối này Jalau Anưk viết chững chạc hẳn đi. Bài 2 và 3 hơi tối. Nhìn nhận vấn đề công bằng và vô tư. Người lớn mà để thế hệ con cháu “dạy” như vậy thì đúng là đau thật. Nhưng phải chấp nhận thôi.
    Đòi hỏi từ thế hệ trẻ rất đơn giản: Các bậc cha chú hãy ăn nói lịch sự với nhau, hãy đối xử với nhau như những người Chăm có văn hóa.

  3. Mình không phải người Chăm nhưng thích trang web này nên hay vào. Cá nhân mình, mình thấy loạt bài này của JA rất đáng đọc. Cũng có lẽ JA không có chủ trương gây gắt mà chủ yếu là để cộng đồng nhìn thấy vấn đề ở góc độ hòa giải chứ không muốn tiếp tục tình trạng phê phán thẳng thừng nhau chăng? Vì mình thấy, khi phản ánh những khía cạnh khiếm khuyết thì JA thường dẫn chứng tên mà chỉ viết tắt. Ngược lại, khi phản ánh những khía cạnh sáng hơn thì JA thường dẫn tên đầy đủ. Mình cho rằng như vậy JA có chủ ý. Cá nhân mình, mình đánh giá tốt loạt bài này, nó mang những thông điệp có ích hơn là nhằm vào phê phán. Kết thúc thế này ổn lắm! Mình nghĩ nên đứng ở quan niệm đó để viết thì tốt hơn là tiếp tục gây gắt, phê phán lẫn nhau.

  4. La Thanh nien Cham minh rat tam dac ve bai viet cua JA, bai viet da giai toa duoc bao nhieu bang khuang cua tat ca sinh vien, thanh nien Cham hien nay. Vi hien nay sinh vien – thanh nien va tri thuc Cham da nhan thuc mot cach sau sac ve van de cua dan toc minh. Nhung bai viet dang tren dien dan cac trang Wed Cham gan day da gay chia re, dan ap cac ca nhan trong cong dong dan toc Cham. La thanh nien doi khi toi tu hoi khi nao cham dut hien tuong nhu hien nay. Vi nhung nguoi di truoc khong lam guong cho the he di sau, ho tu nang cai toi cua minh ma gay chia re cong dong (co khi dua chuyen tu nguoi khac len dien dan). Co tri thuc Cham hoi toi rang “Yut thay trang Wed CPK nhu the nao”, toi tra loi rang ve khia canh lich su CPK viet rat tot “nen doc”, nhung ve khia canh khac cua CPK “chi nhin tua thoi dung doc”. Day la cai ma hien nay tri thuc, sinh vien, thanh nien Cham dang dat cau hoi? “Lieu Cham se di den dau neu hien tuong nay cu ton tai”.
    JA dang noi len nhung cai ma hien nay cac the he muon bay to. Dwa karun xaai
    Hien nay cac phong trao sinh vien, thanh nien Cham khap nuoc rat phat trien do la nho tinh doan ket, co tinh cong dong cao cua cua the he di sau. Ho nghi rang “van hoa Cham ton tai thi nguoi Cham ton tai” va ho cang phan dau de giu dieu do cu the: tai TP.HCM ho tap hop nhung nguoi yeu dung Cu dan giang Cham tap luyen, cac Yut truyen dat cho nhau, keu goi hoc lop chu Cham, tham gia moi phong trao do chi hoi dan toc Cham trien khai… ho nghi rang ho se khong di theo con duong mon ma the he truoc dang… nhu hien nay.
    Cac ban a, doan ket la suc manh, sao Cham minh it roi cac ban con chia re. Toi mong rang sau bai viet cua JA nhung nguoi lon hay thuc tinh giac ngu ngon cua minh. The he sau se cho ho thuc. Dung de khi hap hoi roi moi nhan ra…
    Chuc mixva Cham doan ket.

  5. Cứ như ý của tại hại, thì nhà thơ Inrasara không nên cho các bạn đọc nhắc đến tạp chí Champaka và vài trang web không lành mạnh ở đây nữa, dù có viết tắt. Nó không đáng. Chẳng ai đọc đâu, nhắc tới làm gì cho mệt.
    Web inrasara.com nhiều đề tài phong phú, nhiều bài viết hay và cập nhật đều đặn từ 3 năm nay, tại hạ đây học hỏi được nhiều. Còn những người ưa cãi chày cãi cối hay thích dèm pha và bới móc nhau thì kệ họ. Nói như ai đó, họ chửi thì họ nghe.
    Sau bài nhận định của JA, nên ngưng hẳn nhắc đến đề tài này.
    Đa tạ và bái phục.

  6. Tất nhiên, nếu chúng tôi phan hồi lại bài viết của Jalau Anưk thì vô tình chung tôi lập lại những sai lầm của những lần trước. THÔI… Đành vậy!

  7. Jalau Anưk thân!

    Tôi ủng hộ tư duy và quan điểm của bạn trong loạt bài viết này tuy trong đó còn một chút yếu tố chủ quan mang tính cá nhân (nhưng không sao, đó là điều đương nhiên), vì:

    1. Đây cũng là điều tôi đang trăn trở nhưng ngại tham gia do sợ bị liên lụy, không muốn bị lôi lên diễn đàn (đây chính là tính ích kỉ và thiếu trách nhiệm hoặc thiếu tự tin như bạn đã nêu). Tôi nghĩ rằng, đây chính là tiếng nói: nói lên quan điểm của giới trẻ chúng ta (tôi và bạn hay có thể nhiều hơn nữa…) gởi đến các bậc cha chú sau những gì đã và đang xảy ra trong cộng đồng Chăm với ước muốn: Mong các bậc tiền bối hãy quan tâm hơn đến suy nghĩ của thế hệ kế tiếp trước khi đưa ra các quyết định mang tính lịch sử.
    Cảm ơn bạn đã can đảm và dũng cảm!

    2. Những dẫn dụ bạn đưa ra để minh chứng và lý luận, nếu chúng ta cùng làm một nghiên cứu xã hội học nghiêm túc, có cơ sở khoa học và phổ biến trong giới trẻ thì nó sẽ là một tiêu điểm cho vấn đề của xã hội Chăm đương đại. Nó sẽ giúp ích rất nhiều trong định hướng tư duy cho thế hệ trẻ trong tương lai, ví như người Nhật sau chiến tranh thế giới lần thứ II đã có tư duy vượt qua chính mình để trở thành một cường quốc kinh tế thế giới (tôi giới hạn ở phạm vi tộc người).
    Bạn hãy ước mơ và biến ước mơ thành hiện thực!

    3. Trách nhiệm của mỗi cá nhân, đặc biệt là của người viết đã được thể hiện bằng “chữ tâm” và tình yêu (trong đó có sự vị tha). Vì lẽ đó tôi mong rằng, các tác giả, khi đã có những ý tưởng thì hãy quyết liệt tới cùng bằng trách nhiệm và lương tâm của mình; và những đọc giả khi đã cảm nhận được (dù ủng hộ hoặc phản đối) thì cũng hãy vận dụng hoặc phối hợp vận dụng vào thực tế cuộc sống để ít nhất mang đến một chút gì mới, tích cực hơn cho xã hội. (Và đương nhiên, nếu bạn tinh tế thêm nữa thì bài viết này sẽ rất hấp dẫn cho mọi giới).
    Tôi rất thích cái thực tế và tinh tế của bạn!

    Sau cùng, chúc Jalau Anưk có thêm nhiều dũng khí cho tương lai!

    Thân mến,

  8. “Ginaung oh abih ginaung di hatai
    Ginaung oh abih adei di xa-ai”
    Bỗng dưng thèm nghe hai câu hát này của Trà Vigia!

    Tuyệt!!!

  9. Rồi…, “vẫn là bạn, là anh em, …của nhau”? Chắc thế. Hãy khẳng chắc rằng tư tưởng, giao tiếp, văn hoá luôn phát triển song hành với xã hội.Đừng ngứa nghề mà phàn đòn vì chúng ta không phải là con nhà võ. Hãy tư duy nghiêm túc để suy gẫm:”Không ai có thể hát thay chúng ta” và “câu trả lời đơn giản nhất là hành động”. Aurevoir!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *