* Chân dung Thiên Sanh Sở, 2010 – Photo Inrajaya.
Từ tháng 1-2010, Inrasara.com giới thiệu đến bạn đọc các nghệ sĩ dân gian Chăm. Bắt đầu từ Mưdwơn Gru Hán Phải… Non 30 nhân vật sẽ tuần tự có mặt với bức chân dung vừa chân phương vừa sinh động. Qua đó, phần nào sinh hoạt xã hội Chăm tự lộ bày dưới nhiều khía cạnh.
Đây là các nghệ sĩ vô danh, sống và cống hiến cho nghệ thuật dưới nhiều hình thức khác nhau. Như vậy viết về họ, như là một hành động tạ ân, và như một cách gây hưng phấn cho các thành viên khác trong cộng đồng nỗ lực sáng tạo và đóng góp.
*
Gru adơm Thiên Sanh Sở, một nghệ sĩ dân gian toàn diện
Bài đã trích đăng báo Dân tộc và Phát triển, 8-2010.
Ấn tượng duy nhất và sâu đậm nhất của tuổi thơ tôi về ông có lẽ cái cái bóng dáng to cao của thủ môn đứng giữa khung thành của đôi tuyển bóng đá làng. Huyện An Phước tỉnh Ninh Thuận, những năm sáu mươi và sau đó, đội tuyển hai làng Văn Lâm và Mĩ Nghiệp luôn là mạnh nhất. Và bao giờ cũng vậy, khi cổ động viên yêu cầu mời đội tuyển Nha Trang hay Phan Thiết về đá trong các dịp lễ lớn như Katê hay Ramưwan, đội tuyển hai làng này nhập lại làm một. Và ông luôn là chọn lựa số một ở vị trí thủ môn.
Rồi bẵng đi nhiều năm dài, ông lấy vợ làng Palau quê ngoại tôi, ít khi về Chakleng, nơi nhà ông và nhà tôi như láng giềng chỉ cách nhau có một rào củi thấp. Dẫu thế, tôi ít khi gặp ông. Với tôi, ông tạo một khoảng cách khá lớn. Vai vế tôi kêu bằng “ông” đã đành, ông còn là công chức đi chiếc Suzuki lúc đó là thứ hiếm, cả làng chỉ có mươi chiếc; người ông lại trắng trẻo, cao to và khá đẹp trai.
Cho nên, khi hơn ba chục năm sau, nghe tin ông làm Gru Adơm – một bậc thầy dạy các cấp đồ đệ phục vụ ma chay, đứng sau cấp giáo sĩ Bà-la-môn -, tôi không ít ngạc nhiên. Tôi nghĩ một công chức trí thức sao lại đi hành nghề này, là nghề chỉ dành cho những người ít chữ nghĩa Tây học. Nhưng tôi đã lầm to.
* Gru Thiên Sanh Sở hướng dẫn Ginơng cho các Xeh, 2010 – Photo Inrajaya.
Bởi không bao lâu sau đó, chính ông về quê mẹ Chakleng mở Khóa dạy trống Ginơng cho 17 học viện thuộc đủ lứa tuổi, thành phần: trai trẻ, trung niên, có cả cán bộ, giáo viên đương chức hay đã về hưu. Khai giảng vào ngày 28-7-2008 và bế giảng năm tuần sau đó (5-10-2008).
Trống Ginơng là một trong bộ ba nhạc cụ (hai nhạc cụ kia là trống đơn Baranưng và kèn Xaranai) không thể thiếu trong các sinh hoạt cộng đồng dân tộc Chăm, đặc biệt là trong các dịp lễ hội lớn. Số người Chăm biết chơi trống Ginơng không nhiều, – chơi cho sành sõi đủ 74 điệu trống để phục phụ Rija praung Lễ Lớn, nhất là cánh trẻ thì càng ít hơn nữa. Nên việc mở lớp dạy đánh trống Ginơng là một việc làm vừa thiết thực cho cuộc sống hàng ngày bên cạnh đóng góp phần quan trọng vào bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc.
Với ba học viện đạt loại xuất sắc cùng bảy học viên đạt loại khá của lớp học đủ cho ông cho vào đời thực hành nghĩa vụ của những nghệ sĩ dân gian. Vừa phục vụ cho phong tục tập quán, vừa lên sân khấu biểu diễn trong các buổi văn nghệ địa phương. Cả đánh để giúp vui cho các khu vui chơi giải trí, kiếm thêm thu nhập nuôi gia đình nữa. Một công đôi ba đường. Đây là điều chưa từng xảy ra trong xã hội Chăm trước đó.
Chỉ có nghệ sĩ có óc tổ chức như ông Sở mới làm được. Và chỉ có nghệ sĩ bậc thầy như ông mới đủ uy tín thu phục các thành phần học viên ngồi lại hơn tháng ròng theo học.
Mùa hè năm 1985, tôi ghé thăm ông ở Palau. Lúc đó ông đang nghiên cứu Xakawi Lịch pháp Chăm. Ông ăn uống như một cư sĩ Bà-la-môn thực sự. Ông đãi tôi nải chuối hái ngoài rẫy với trà nhạt. Ông nói về Lịch pháp, về sự chuyển di của các loại sao, về Trường ca Ariya Glơng Anak,… bằng giọng trầm, chậm rãi và thoáng buồn.
Năm năm sau, tôi nghe tin ông về quê mẹ thành lập Ban Hát Adauh phục vụ đám tang Chăm, là chuyện cũng khá trọng đại.
Đám tang (đám thiêu) không thể thiếu ban này phục vụ, hát đưa tiễn linh hồn người chết về cõi trời. Những năm tám mươi gặp mùa đói khát, dân làng đi tản mác khắp nơi tìm sinh nhai, lấy đâu ban này để phục dịch chuyện ma chay. Thế là ông xắn tay áo vào cuộc. Với kinh nghiệm tổ chức từ thuở thanh niên sinh hoạt văn nghệ thể thao địa phương, ông đã thành công lớn. Sau hơn tuần thực tập, ông và Ban đã thu hơn mươi băng hát Adauh Đam Mưtai, là chuyện thiên nan vạn nan ở xã hội Chăm lúc đó. Khó, vì chuyện kĩ thuật và điều kiện tài chính đã đành, khó khăn lớn nhất vẫn là thành kiến. Đám tang thì phải hát “nhạc sống” chứ, ai lại đi thu và mở băng. Nhưng ông đã nghĩ khác, lối nghĩ “đi trước thời đại”! Thế hệ cũ rành nghề đã luống tuổi và dần mất đi, còn thế hệ mới thì chưa định hình, từ đó họ rất lúng túng trước thực tế yêu cầu, không tìm đâu ra ai là người biết dẫn lối cho kẻ tập sự. Băng hát kia chính là vị thầy cho ban nhạc “trẻ” hát theo.
Và đúng như vậy. Sau mươi năm, khi băng gốc hết hạn sử dụng, Ban Nhạc của Thiên Sanh Sở đã là một ban nhạc điêu luyện đầy uy tín.
Hôm nay ông đã là Gru bậc thầy. Không như thành kiến rằng cấp Gru này chỉ biết phục dịch chuyện ma chay, bản thân Thiên sanh Sở đã phá tan định kiến đó: ông có thể chơi đủ loại nhạc cụ truyền thống Chăm. Ngoài ra ông còn là bậc thầy của vài bậc thầy khác. Bởi ông biết khiêm cung làm Xeh trò. Như những năm tháng ông làm Xeh đồ đệ nhận ân sủng từ bậc thầy là Ông Taung Minh cao đạo khi xưa. Không phải là Gru Kalơng Thầy Ma, như dân gian thường gọi thế, mà là Gru Adơm Thầy Trần gian, có bổn phận tẩy rửa mọi uế bẩn mà sinh thể mang tên con người đi qua cuộc trần.
* Thiên Sanh Sở và Inrasara, 2010 – Photo Inrajaya.
Năm tôi tứ thập, đang là dân Sài Gòn văn minh tràn ánh sáng, mẹ kêu tôi về quê Buh kalih tuh ia Tẩy uế. Thân tôi đã gây, tâm hồn tôi nhuốm và mang bao nhiêu là tội lỗi, tôi biết. Tôi vui vẻ chấp hành, ngồi ngay ngắn cho ông Mục – một bậc sư như thế – hành lễ. Ngồi đó, tôi nghĩ về một nhà thơ đầy chất trí tuệ như thiện hạ cho là thế, triết gia tương lai của Chăm đang để mặc cho ông thầy Bà-la-môn ít học tẩy uế mấy vấy bẩn cuộc trần gian cho mình, mà ngấm ngầm cười. Nhưng không, tôi lắng nghe thành kính ông. Từ giọng đọc cho đến tiết điệu ngôn từ bài thần chú. Thằng Klu có thể bị mưnuk jruw asuw chait gà nhảy chó bước qua đầu, gauk panwơc gauk kadha tiếng nặng tiếng nhẹ của người đời,…
Peda thun peda bilan peda harei
Thun jhak bilan crih, thun bih bilan kơm, thun yuw bilan cauh
Peda di ciew đih anih padei, peda di lithei hwak ia mưnhum
Peda di mưnuk jruw asuw likau
Peda di xơp đom panwơc pwơc urang kurba yai yak patak parai
Peda di yang dơr kalan
Peda di jalan nau tappa kraung ribaung ia di tuk bak jala, jalan canah dwa canah kluw
Peda di kayuw dhwa ralo urang padei di krưh ppak pađiak
Peda di ia nhjak ia nhjơr di than ginuk di likuk yang dhwa di agha kayuw, patuw patih, abih gaun yang…
Tội lỗi năm tội lỗi tháng tội lỗi ngày
năm xung tháng hạn, năm độc tháng tang, năm chẳn tháng lẻ
tội lỗi cùng chiếu ngủ chỗ ngơi, tội lỗi ở cơm ăn nước uống
tội lỗi bởi gà nhảy qua chó bước lại
tội lỗi do lời ăn tiếng nói có kẻ kiện cáo buộc tội tại tòa án trần gian
tội lỗi ở khắp tháp thần
tội lỗi lối đi qua sông nước giữa trưa ngày, đường ngã hai ngã ba
tội lỗi dưới cây cao bóng cả người người nghỉ chân trưa bao la nắng
tội lỗi chốn nước hạn giếng khô, dưới tàn cây um tùm, sau bóng tháp hoang, bên gốc cổ thụ, nơi tảng đá trắng
tội lỗi với mọi mọi lệnh thần…
Bài thần chú quá hay. Rất đáo để.
Người Chăm mất không trúng ngày lành, chết bất đắc kì tử, các dạng chết “xấu” thì không được làm đám thiêu ngay, thì thành ma. Ma sống vật vờ trên dương gian, sẵn sàng quậy phá người sống. Tội cho cả người đi lẫn kẻ ở. Người bệnh lão nằm giường lâu ngày không chịu đi, Chăm có thể làm lễ Ikak dhaung Buộc dao. Cho người được về sớm, để kịp ngày lành tháng tốt làm đám thiêu. Có thể xem đó là một đồng dạng với chủ trương cái chết không đau đớn sau này. Đây là trường hợp cực hiếm. Nửa thế kỉ, Chakleng chỉ có mỗi ca duy nhất. May, ông cụ đi ngay vài giờ sau đó. Ít thầy nào chịu thực hiện lễ tục kia. Bởi, ví buộc dao mà người bệnh không chết, tội lỗi vô cùng.
Ít, nhưng không phải không có. Gặp một trong các hoàn cảnh éo le như thế, người ta phải vời đến Gru Adơm cao đạo, thật sự cao đạo.
Năm nay đã ngoài tám mươi, nhưng các dịp lễ lớn như Rija Nưgar năm nay ở quê, ông Sở chưa một lần vắng mặt. Dự, để xem các xeh của mình phục vụ lễ cộng đồng. Ông về trên chiếc xe máy tự lái, rất vững. Như tôi từng thấy ông vững chãi trên chiếc Suzuki màu đỏ năm xa xưa ấy…
Caklaing, Rija Nưgar, 4-2010.
Hôm nào Sara viết bài về nghệ nhân Saranai Trượng Tốn nhé. You Tube không có clip nào để xem và nghe cả. Mình rất muốn nghe tiếng kèn và tìm hiểu cuộc đời của nghệ nhân Trượng Tốn.
Cảm ơn Sara trước.
Mến.
Trần Can thân mến
Lâu quá bạn mới ghé lại.
Nhiều nghệ sĩ dân gian Chăm tạo cho mình ám ảnh kì lạ. Thạch Tìm, ông bác nghệ nhân trống Ginơng lấy vợ palei Cauk, ông Tho và Trượng Tốn ở Hữu Đức, anh Thổ ở Tuấn Tú,… Mình sẽ cố gắng thể hiện khuôn mặt và các ngón nghề của họ trên website này. Cố gắng vậy thôi, còn nó có sinh động và ăn khách không thì còn nhờ… Trời Phật phù hộ. Mình cũng đang nhờ cháu Jaya qua các làng chụp ảnh các nhân vật này.
Thân
Inrasara