Hình tượng cây cầu và con sông gợi sự cảm nhận hơn cả về lẽ biến dịch của đất trời, vô thường của cõi thế. Chảy trôi của con nước với đứng trơ trơ gỗ-đá của cây cầu, dễ gây cảm nhận từ trầm tư về vô thường và vĩnh cửu… Đã có nhiều thi sĩ viết về lẽ đó. Hôm nay, hình ảnh con sông hiện ra với Phan Trung Thành (đứa con xứ Huế, sinh năm 1973, hiện sống và làm việc tại Sài Gòn) đã khác, khác rất nhiều.
Ám ảnh sông không còn là một ám ảnh siêu hình mà là hiện thực đầy cực hình từ/ qua xô bồ của cuộc sống đô thị hiện đại. Không còn là dòng sông quê hương thời ấu thơ để anh về úp mặt tìm cảm giác ấm áp thiết thân, mà là dòng sông-đường phố, u ám và ngầu đục: “Mưa đã thành sông nhiều ngày trên đường”. Là loại “sông không dòng chảy không dòng trôi”. Còn tệ hơn cả sông chết: nó bóp nghẹt tất cả những gì thơ mộng còn lại trên trần đời.
Inrasara chọn thơ và giới thiệu.
*
NHỮNG NGÀY VẮNG SÔNG
Mưa đã thành sông nhiều ngày trên đường
tôi đi qua sông thở màu bùn non mềm chậm
tôi gặp sông chưa hở sông, lá hay thuyền vào
mắt em màu tóc chín
những ngày mắt em màu tóc chín
chở đầy thuyền kí ức tôi
dòng sông quê mang chuyện tình trôi mãi
sông ơi
người ấy đến rất lâu, không nói gì, từ bao giờ bến cũ
sông không dòng chảy sông không dòng trôi
chỉ có tôi hóa mùn bất tử
những ngày vắng sông
DÒNG NGHĨ ĐẦU NGÀY
Đêm qua mưa lớn trôi dấu chân về ngôi nhà cũ
người đàn ông chốt đèn
hành động thắp kiểu hào phóng vượt
đường phố
hàng rong kiến loạn màu, trại hòm gần lò mổ
nón bày vạt đầu rỗng, thức ăn sẵn sâu siêu mập cháo
tim cật…
xe dọn đường cứu thương còi lao…
lang thang
người đàn ông tạt vào quán bia khi bắt đầu trôi trong
cơn mưa khác
ý nghĩ đầu ngày khó nuốt
làm cái bóng trong thành phố hay
cây nấm mọc lùi
trôi cùng bụi mưa, mãi mãi bụi mưa hay cơn giông cuối
cùng sắp ngã
câu thơ sấp ngửa, náu mặt mình trên những hạt li ti