Mỗi kì một chân dung 03: Trần Tuấn


Sinh năm 1967 tại Hà Nội, hiện sống ở miền Trung
Tập thơ đầu tay Cầm gió in 1998, mãi 10 năm sau với Ma thuật ngón, Trần Tuấn mới tìm thấy giọng điệu riêng. Giú mình trong bóng tối như thế, là điều khó. Không phải sợ người đời quên mà là, sợ mất hút mục tiêu sáng tạo. Nhưng thay vì bám vào ảo tưởng để vuốt ve tâm huyễn hoặc cứ tiếp tục cho ra mắt các sáng tác èo uột của mình, anh đã đứng hắn lại. Nó ghi nhận một bản lĩnh của nhà thơ.
Một quan sát tinh tế: “Những người đàn bà suốt đời mải miết đi giật lùi”. “Người đàn bà xứ Nắng”, “hơi thở gốm tròn kiếp luân hồi”. Họ đi giật lùi đến đâu? Về cội nguồn hay về tận cõi miền huyền thoại? Một gợi nhớ mảnh đời tưởng đã chìm quên: “hạt lúa chiêm, cuộc hành trình tảo tần lam lũ chớp mắt ngàn năm”. Hạt mầm “sơ sinh trong tiếng hát trầm buồn” nhưng sẽ còn mãi đến vạn đại thiên thu.
Đàn bà gốm và hạt lúa Chiêm. Ngôn ngữ và nhịp điệu. “Trầm tích nắng” không chút điệu đà hay óng mượt của ngôn ngữ thơ. Nhịp thơ chắc nịch, dứt khoát. Thi ảnh gần gụi tưởng nặng trần thế nhưng vẫn phiêu lãng thoát tục.
Inrasara chọn thơ và giới thiệu.

Trầm tích nắng

Gốm

Những người đàn bà đi giật lùi, suốt đời mải miết giật lùi từ tuổi thanh xuân. Dưới đôi tay thô ráp, hơi thở gốm tròn kiếp luân hồi. Eo gốm thon thả, thân gốm thuôn dài, đáy gốm – bàn chân Thời gian đặt trên mặt đất.

Hiện dưới đôi tay chai nắng hoa văn vỏ sò, sóng nước, dấu móng tay găm đường kỷ hà vô định, dấu vết sững sờ di chỉ ngàn năm. Dấu móng tay mật ngữ của Vô cùng – bi ký kể về đời người đàn bà xứ Nắng.

“Người trầm tư” ngồi xa xăm, bầu vú tràn trề, đôi môi dầy, cánh mũi nở, đuôi mắt kéo dài như dòng kraung praung. Chiếc bình gốm đựng tro than ngày tháng trên tay, sắc lửa cháy lan đường cong cơ thể.

Người đàn bà – thỏi đất không tuổi tên. Ngân rung sáng …

Hạt lúa

Padai bidiên – hạt lúa chiêm, cuộc hành trình tảo tần lam lũ chớp mắt ngàn năm. Ơi cái hạt mầm nhỏ xíu nổi nênh trong xứ nắng nôi mẫu hệ này thế nào, từ khi thần Mẹ Po Inư Nưgar ban phát xuống trần gian, rồi dạy cấy dạy cày, gieo vào mỗi đời người một linh hồn yang sri của lúa ?

Hạt giống gieo dầm mình trong lửa, sơ sinh trong tiếng hát trầm buồn của thầy Kadhar già kéo đàn Rabap, thầy Mưduôn vỗ trống Baranưng, thầy Kain cầm roi nhảy múa gọi mưa về …

Lúa sắc cứa mắt nhìn người lâu ngày quên trở lại

Người xếp củi

Củi chụm giàn nung đất cát thành gốm tượng, bình, gương mặt, đôi bầu vú
củi xếp giàn thiêu xác thân đưa trở về đất cát

Người xếp củi một đời xếp củi xếp những khối vuông luân hồi cháy ràn dọc lối palei. Bên hàng rào gai, con đường cát, khói người già ảo chìm vào nắng.

Người xếp củi gầy một cọng khô

Cọng gai khô trầm buồn cất lên bài ca thật dài và mềm quấn vòng eo người đàn bà đội nước

Gieo vào xứ Nắng một nỗi gì chậm chậm, tựa cát bay

4 thoughts on “Mỗi kì một chân dung 03: Trần Tuấn

  1. Trần Tuấn có một khả năng quai búa rất cao và rất mạnh. Biên độ của niềm tin và cả những ảo tưởng luôn đánh lừa con người về hiện trạng thật của nó, nếu chúng ta không có can đảm bỏ đi trục thời gian trên hệ quy chiếu của mình. Đọc Trần Tuấn, nghe âm hưởng gió từ một hốc đá Tây Tạng. Áo quần khác, nhưng he hé Bùi Giáng thở qua sa mạc. Thì, trần truồng cũng là một cách ngụy trang mà.
    Cảm ơn và kính chào !

  2. Anh/chị TS. nổ to quá xá! Cứ nổ bừa bộn vậy thôi, chẳng có chứng minh cho người đọc thấy “quai búa rất cao và rất mạnh” đâu cả. Rồi “hốc đá Tây Tạng”, “Bùi Giáng thở qua sa mạc” nữa. Làm ơn chỉ giùm cho tui và bạn đọc thấy đi. Mau lên hén!
    Rồi đóng thùng thắt cà vạt “trân trọng và kính chào” sau cũng được.

  3. Với cách comment con nít như vậy, rõ ràng Anh Thy đã không hiểu biết gì về Thơ cả. TS tôi thà là lên núi tìm đá nói chuyện còn hay hơn.
    Xin lỗi đã làm phiền nhà thơ Inrasara !

  4. TS. chê tui con nít là oan quá đi thôi. Tui có nói chi mô, chi nhờ TS. dẫn chứng thơ Trần Tuấn ra để chứng minh vụ “quai búa rất cao và rất mạnh” kia thôi mà. Nếu TS. đã dẫn ra mà tui không hiểu nổi thì hẳn lúc đó chê sao tui cũng chịu. Đằng này TS. chưa đưa câu nào ra cả mà chỉ ca tụng thôi thì khó thuyết phục bà con nghe lời. Vậy ông (hay) bà nhé.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *