Kut Labbon còn gọi là Kut Danaw Aih, ở ngay Cổng Trước của làng Caklaing. Trước 1975, Kut được bao bọc bởi hàng rào xương rồng dày đặc, nằm sát cạnh ngọn đồi nhỏ là Labbon. Rìa Labbon có cái vũng tên Danw Aih (Ao [đi] Ỉa), tương truyền khi xưa bà Cakling dùng làm nơi rửa ráy Ja Kathaut tức vua Ppo Klaung Girai.
Nghĩa là xung quanh Kut bao bọc bởi nhiều huyền thoại. Huyền thoại trung tâm chính là huyền thoại về Kut. Về câu chuyện Ong Panrang Muk Kabum.
Vào cuối thế kỷ XIX, Ong Klơng Panrang (có người còn gọi là Ong Mưm) người làng Cakaing đi vào Phan Thiết tính sổ sách thuế má với quan Phủ trong đó. Qua bao đường núi hiểm trở, sông nước hoang vu. Một hôm khi đi ngang qua vùng biển Phan Rí, ông nghe có tiếng người con gái kêu cứu. Tiếng kêu đầy thương cảm, xa mà như gần, như ngay dưới chân ngựa mà lại hun hút. Ông dừng ngựa, bước xuống con suối. Đúng rồi, đây có đường ngầm thông vào biển. Tiếng người phát ra từ dưới đó. Nhưng tại sao?
Ông hú vang vài tiếng. Đột ngột tiếng kêu im bặt. Lát sau lại có tiếng kêu cứu, bi thiết và khẩn khoản hơn. Ông nhìn khắp xung quanh. Trời đang giữa trưa nắng, rừng núi mênh mông, biển mênh mông. Chính ông cũng thấy ớn lạnh. Nhưng ông không thể bỏ đi.
Ông theo lối đi hẹp dẫn vào đường ngầm. Đường ngầm tối om nhưng vẫn đủ sáng cho ông dòm sâu vào phía trong. Có mùi hôi thối bay tới hòa với mùi nước biển, rất lạ. Mùi xác người, ông hiểu. Ông lên tiếng hỏi:
– Ai đó? Lại im bặt.
– Ai kêu đó? – Ông lên tiếng lần nữa. Tôi đến giúp cháu đây.
– Cá sấu… cá sấu…Tiếng kêu hốt hoảng. Ông thoáng sợ, nắm vội lấy chuôi dao nơi thắt lưng, bước lùi lại. Lúc này ông đã nhìn rõ vào phía trong đường ngầm do ánh sáng chiếu hắt tới từ phía biển.
– Nhưng nó đi rồi… ông ạ. Ông cứu cháu…
Ông dọ dẫm từng bước đi vào. Ông nhìn thấy ngổn ngang xương người trắng chất đầy một góc hang. Bên kia là bóng người đang cựa quậy. Ông dấn sâu vào hang:
– Im nhé… tôi giúp cháu đây…
Ông xốc nách cô gái và bước nhanh ra khỏi đường ngầm.
Cô gái khoảng mười bốn mười lăm. Ông đặt cô lên lưng ngựa, thẳng hướng Phan Thiết. Tới nơi ông trình bày câu chuyện với quan Phủ và có ý định dâng cô gái lên quan Phủ. Nhưng ông quan không nhận, chỉ ban cho áo quần và tiền bạc:
– Ông đã có công cứu cô gái. Đây có thể là món quà trời cho ông. Ông hãy đưa cô gái về, nuôi khôn lớn và cưới nàng làm vợ.
Thế rồi sau đó vài năm, Ong Klơng Panrang cùng Muk Kabum (Bà [cá sấu] Ngậm) thành vợ chồng sinh con đẻ cái. Với Chăm, ông không thể cùng nằm chung Kut, ông Ikak Kut dựng Kut riêng cho vợ và mấy đứa con vợ, gọi là Kut Muk Biya Kabum, còn Kut kia là Kut Ong Mưm Panrang chung khu vực Kut Labbon, chỉ cách nhau bằng bờ thành.
Kut Labbon hiện này đã được sửa sang và xây tường thành đẹp đẽ. Đa phần người cúng kiếng là các họ làng Chung Mỹ Bal Caung.
Viết theo lời kể của Mưdwơn Hán Phải, sinh năm 1927,
người làng Caklaing lấy vợ Chung Mỹ, 25-10-2008.
*
Tagalau 10.