Văn xuôi 09: Cha, mẹ & Câu chuyện ma

Website xin ngày cuối để tang mẹ.

Cha, mẹ & Câu chuyện ma
(Trích đoạn NHỮNG MẢNH ĐỜI CHẮP VÁ)

Mẹ và cha – hai dòng sông đau khổ đổ vào bể khổ của cuộc đời. Mẹ, cha cơ khổ mọi bề. Cả từ phía con cái. Nên khi đã phần nào hiểu được nỗi đời, tôi tìm cách làm vợi bớt nỗi khổ kia và rán tránh làm phiền lòng cha mẹ. Bởi, thời thanh niên, dù không cố ý, thứ tính khí đột hứng của tôi đã gây cho song thân bao buồn rầu. Đang làm việc ngon lành, nổi máu phiêu giạt là tôi bỏ làng đi lang thang. Chẳng một lời thưa với cha mẹ.
Đi và đi và đi…
Biệt như mây thuở chưa kì hẹn sông

Có khi cả tháng trời mới lò mò về. Nhất là từ tuổi hai mươi. Năm 1978 tôi cạo trọc đầu vào tu chùa tại Nha Trang được non tháng, sau đó là ba tháng lang thang biển Ninh Chữ ở nhờ nhà người quen (người Kinh) với nổi hứng học đòi làm đồ đệ Oshawa. Thế là mỗi mươi ngày mẹ đội gạo lứt muối mè xuống “thăm nuôi” tôi. Trong lúc tôi mơ màng suy tư về Tính thể và Thời gian hay làm thơ đuổi còng. Tôi còn mang ý định lên núi Chà Bang sống đời tu hành nữa. Hãy tưởng tượng, đó là vào năm 1978 – 1979, nạn rầy nâu làm cho cả khu vực đồng lúa miền Trung mấy vụ mất trắng.
Tôi nhớ lần đầu tiên mẹ mở to mắt nhìn như ma nhập vào cái đầu cạo trụi lụi của tôi! Tôi không bao giờ quên ánh mắt đó: Chăm có ai làm như thế đâu, trừ phi hắn mắc chứng tróc vảy da đầu hay bị… khùng.
Nhưng sau đó, từ tuổi ba mươi, tôi không một lần hành xử dại dột như thế nữa.

Trước khi gặp nhau, cha đã có một đời vợ. Nghe kể chuyện cha đau lòng như không có chuyện nào đau hơn, với một người đàn ông. Mẹ khổ theo kiểu khác. Với chồng trước, mẹ sinh ba đứa con đều yểu. Nên chia tay. Mẹ ở vậy, cho đến khi hai người gặp nhau. Cha hơn mẹ mười tuổi. Sinh hai đứa đầu cũng yểu nốt. Bà con bày xin chị cả về nuôi (phải thật xấu mới thọ), từ đó anh em tôi được có mặt trên đời. Chị vừa xấu gái vừa thiểu năng trí tuệ nên học không vô, nhưng được cái lòng biết yêu thương đùm bọc lũ chúng tôi.
Vậy đó, anh em tôi đã “sống theo” chị. Chị, rồi anh Đạm, rồi tôi, tới em gái sau đó là hai em trai. Bài thơ về Anh Đạm:
Có người thơ tấp tểnh đi buôn
lận lưng ít nắng quê làm vốn
đi, cứ đi phiêu giạt đất trần
chân sạn, buồn đầy, hai tay trắng

Hai mươi năm trở lại xóm thôn
cũ tiếng bò trưa, vầng trăng muộn
mới điệu cười, lạ nhịp sống

Hốt nhiên
chàng úp mặt
khóc oà
.
Sau em trai áp út, tôi còn có bé gái nữa. Trắng trẻo và xinh lắm, sau này mẹ nói thế. Hè năm 1970, bé ra đời được ba ngày tuổi thì mất. Lúc đó vào khoảng 8 giờ sáng, mẹ bảo anh Đạm chạy đi kêu cha đang cày dưới đồng Gam Dei. Tôi như kẻ ngoài cuộc, không được phân công làm gì cả. Dường như người lớn muốn giấu tôi. Bé chưa là thành viên trong gia đình nên họ không muốn cho trẻ con biết nhiều về nó. Chú Chương em rể mẹ đang làm vài nghi thức khá bí mật ở phòng trong. Non nửa giờ sau cha mới về tới. Rồi cha đi trước, chú Chương ôm một bọc nhỏ theo sau, cuối rốt là anh Đạm cắp mủng đựng chai rượu, trứng. Vội vã. Bé được chôn ở Prauk Kamar. Lên rẫy, đi ngang đó mấy lần, rất muốn hỏi anh xem đâu là nấm mồ của bé, nhưng tôi cứ sờ sợ. Từ đó, tôi mất hẳn dấu vết về em gái út của mình.

Như vậy mẹ sinh chẵn chục mười hai, cúng cho trời đất đến hơn phân nửa, chừa lại năm anh em tôi! Tôi ở giữa, được ưu tiên chuyện học hành, trong lúc dù khá thông minh nhưng anh Đạm, vì mắc chăn trâu phải học năm đực năm cái, do đó đến năm lớp Nhất, hai anh em tôi ngồi chung lớp. Sau đó là Đệ Thất, mãi đến Đệ Nhị thì xảy ra sự kiện lịch sử Mười sáu tháng Tư. Út Lành – dạy cấp hai, liên tục là giáo viên giỏi Tỉnh. Có thể nói, anh em tôi đều được học hành bằng chị bằng em. Đó là niềm hãnh diện đồng thời là nguyên do bao nỗi cơ cực của cha mẹ, vốn nông dân vô sản toàn phần.
Cha mất vào đầu mùa hè 1998, thọ 82 tuổi, mẹ thì cuối thu năm 2007, được 81. Khá thọ. Cha đi, sau khi đã nhìn thấy đứa con cuối cùng có đôi có bạn. Còn mẹ thì đã có tới 13 đứa chắt! Với Chăm, thế là đủ an tâm vĩnh viễn “về nhà”.

Cha “đi” khá nhanh, chỉ sau một tuần ngã bệnh, vừa kịp tôi lên xe đò Sài Gòn về đến nhà trước hai tiếng đồng hồ. Sạch sẽ và nhẹ nhõm. Năm trước đó, mỗi chiều cha còn xách cuốc ra thăm ruộng. Sau một lần vấp bờ, anh em tôi nói quá, cha mới chịu ngồi nhà quanh quẩn với mấy cháu. Cha tắt thở, tôi hôn lên trán cha, nhưng tôi không khóc. Mẹ – mấy bận, tôi đã không ngăn được nước mắt. Có lẽ bởi mẹ “chết khó” hơn. 41 ngày “nhớ quê nằm bỏ cơm”, hai lần tôi bỏ việc Sài Gòn nhảy xe về. Vẫn sạch sẽ, vẫn nhẹ nhàng, nhưng mẹ phải qua ba lần ppok trun.

Cha cực lắm. Làm ruộng rẽ (chia hai) xa nhà gần mươi cây số. Đời nông dân một cảnh hai quê. Quê ngoại: Hiếu Thiện, quê nội: Mỹ Nghiệp. Tôi nhớ ông anh hay bệnh vặt, có chuyện là mẹ cho người chạy ra ruộng kêu cha. Lại phải bỏ cày về. Xoong cơm treo lên cây (là mồi ngon cho lũ kiến) hay cất giữa ruộng nước (không ít lần chó tha). Lắm lúc, xong buổi cày chiều, cha dắt tay anh Đạm, còn tôi lúc đó chừng hai tuổi bám trên lưng, lội bộ về Mỹ Nghiệp. Tới nơi thì trời đã tối mò, cha kêu lính canh mở cổng ấp chiến lược.
– Cei Pviet nhu lơy, cei Pviet! Chú Viết nó ơi, chú Viết!
– Thei nan? Ai đó?
– Drei ni, Phauk Thảo ni! Mình đây, Phó Thảo đây mà!
Tới hôm nay tôi vẫn nghe giọng cha mồn một. Con chó Mực mừng phải biết, nhẩy chồm lên hết người này đến người nọ.
Kéo dài mãi vậy cho đến năm tôi vào lớp Năm, gia đình mới định cư hẳn ở Chakleng.
Tôi được cái thông minh. Hôm đầu tiên, các bạn đến trường đều được vào lớp, riêng tôi thì không. Thầy Sâm kêu “nó còn bé lắm”. Tôi chạy về khóc lăn lộn, mẹ phải dắt tay qua năn nỉ thầy cho hắn ngồi tạm vài hôm để hắn đỡ nhớ đám bạn chơi, sau đó hắn thôi cũng được. Rồi thì tôi đọc làu làu tất cả bài học (ông thầy không biết tôi đã thuộc sách lớp Tư của ông anh), thế là tôi được ngồi tiếp.

Hiếm gia đình nào jum taum như gia đình tôi. Trước là nhờ anh Đạm hiền và sau đó, tôi luôn biết điều. Nên, anh chị em ví có giận nhau chút đỉnh cũng làm hòa nhanh. Đạo đức là nền tảng. Hưởng cả đức cha lẫn mẹ. Mẹ hay giúp người, một tay gánh vác cả chuyện của chi họ, từ khi bà nội mất. Cha thì đến con kiến có cắn cha chỉ đưa tay phủi nhẹ chứ không sát. Trưa hôm ấy, mưa, trên đám ruộng ải, rắn nước ơi là rắn nước. Đến vài chục con bò ra khỏi hang tìm mồi trong một đám ruộng. Có con to bằng bắp tay. Tôi với anh Đạm chơi trò đuổi đá chúng. Thấy vậy cha bảo tụi bây tha cho chúng đi, chúng có cắn ai đâu!
Cha lành là vậy, nhưng không hiểu sao từ khi cha mất, lâu lâu tôi vẫn nằm mãi mơ thấy cảnh mai táng cha, cả khi cha đã được làm lễ hỏa thiêu hay hai năm sau đó – vào kut. Lạ, riêng mẹ thì chưa. Dù mấy ngày nằm ở quê, tôi rất thèm mơ thấy mẹ hiện về. Ngày thứ năm sau khi chôn cất, tôi với em Ngòi lên thăm mộ mẹ. Tối, tôi nằm mơ thấy dì Mơi xé miếng thịt đưa cho Jaka trong bữa cơm gia đình. Jaka không chịu ăn miếng thịt. Vậy thôi, giấc mơ chấm dứt ở đó. Sáng ra tôi thử “nhiệm lí” sự việc. Hay mẹ lwak ywơn thành dì Mơi, và Jaka là hình ảnh của tôi thuở bé? Bởi nó hệt cách hành xử của tôi khi trước, không chạy vào đâu được. Ngay thời còn bập bẹ, tôi rất sự dơ. Bất kì ai đụng tay vào món ăn là dứt khoát tôi bỏ ngay miếng đó. Mẹ la: tay tao dính cứt à?

*
Mộ mẹ ở đầu bên kia nghĩa trang làng, ngay lối vào đám rẫy ngày xưa của gia đình. Nghĩa trang nằm trên mô đất cát cao, cách làng non cây số. Từ dưới chân mô đất đi lên cổng rẫy hơn trăm thước. Xưa, cây cối um tùm, lối đi chỉ vừa đủ thân người lách qua. Muốn vào rẫy, tôi và anh Đạm phải đi qua ít nhất ba, bốn nấm mộ mới. Canh đám két ăn bắp vừa ra hạt thì lên vào tảng sáng hay khi mặt trời gác núi, còn canh loài dông ăn chồi dưa non lại phải đúng trưa nắng. Nghĩa là toàn giấc vắng người! Ma hù hay vãi cát thì sợ hết biết. Vậy mà lắm lúc tôi phải lên rẫy một mình. Cứ đóng xong cửa rẫy là tôi nhắm mắt nhắm mũi mà té chạy.
Mẹ cũng có gien nhát ma, nên hay dẫn tôi đi theo mỗi khi lên rẫy. Sáng nọ, giận mẹ sao ấy, trên đường về, tôi lủi vào đám trâm bầu trốn tịt khiến mẹ huy động anh em họ đi tìm, réo ơi hỡi tôi mới chịu bò ra. Họ bảo tôi bị ma “giấu”. Mẹ một phen hú hồn.

Lại chuyện nhát ma.
Thuở tôi đang lớp Đệ Lục trường Pô-Klong ở thị xã Phan Rang.
Thứ Bảy về quê. Đã sáu rưỡi tối, cha đi theo nước ruộng vẫn chưa thấy về. Không hiểu sao nhà vắng tanh, cả ông anh cũng không có nhà. Mẹ sai tôi xách cơm ra ruộng tìm cha. Không thì cha mầy đói – mẹ nói.
Trời đất! Tôi chúa sợ ma, mà cánh đồng tối om om kia cách làng đến hơn cây số. Vài khúc sông phải lội qua, bao lùm cây, mấy lối quanh ngả quẹo,… Ngán nhất là đồi đá xương rồng Danaw Aih âm âm u u nằm ngay mé ngoài cổng ấp chiến lược. Từ đồi đá đó, sáu giờ tối là bắt đầu dậy lên mùi thối kì lạ mà mẹ bảo “mùi canh ma”, sau tôi mới hiểu đó là hương loài hoa độc nở về đêm. Đi đâu về tối, tôi đã cắm đầu chạy thục mạng vượt mấy chục bước dài qua cái đồi đá chết tiệt ấy. Còn hôm nay, tôi phải đi một mình. Đi, chứ không phải về….

Tôi đã hai lần “gặp” ma. Lần đầu, năm 1979, ngủ một mình trong ngôi nhà cổ mấy năm bỏ hoang, nửa đêm thức dậy đi ngoài. Tôi đứng bờ rào, tiểu. Bỗng trong bếp nhà đối diện có ánh sáng như ai đang đun nấu. Chưa hiểu thế nào thì một cầu lửa cỡ hột vịt từ bếp kia bay ra, thẳng hướng hàng rào tôi đang đứng. Tôi chết lặng người. Khi cách bờ rào khoáng vài bước, hột vịt lửa ấy đột ngột quẹo qua một căn nhà bỏ hoang khác rồi phụt tắt. Tôi lao nhanh vào nhà, nằm run lên bần bật, mắt mở thao láo cho tới sáng.
Lần khác, năm 1988, lại một căn nhà cổ từng bỏ hoang ở cuối làng Chakleng. Căn nhà rách nát gia đình tôi tha hương trở về ở tạm chưa đầy năm. Hani sinh Jaya được một tuần. Tôi ngủ mép ngoài giường canh bé, Hani nằm phía trong. Nửa đêm, tôi mơ hồ nhìn thấy hai bàn tay đen thui nắm hai chân mình, kéo. Lúc đó hai mắt tôi vẫn còn mở, mơ mơ màng màng. Tôi không kêu Hani dậy, hai tay nắm lấy thanh gỗ giường, cố dùng hai bàn chân đạp vào bức tường đối diện để khỏi rớt xuống. Nửa mình tôi chơi vơi như thế khá lâu. Sự gắng sức quá mức khiến tôi vùng thức giấc. Tôi ngồi dậy, quan sát xung quanh: không gì cả. Hai bàn tay kia biến đâu mất. Tôi ngủ tiếp. Lại nó xuất hiện lần nữa với hành vi tương tự. Tôi cố định tâm theo dõi nó. Tôi nhớ đã đọc đâu đó rằng âm khí (nhà cổ cộng với khí của phụ nữ mới sinh) dễ nhiễm “độc” môi trường. Chỉ có loài sắt mới trị nó. Tôi tìm lấy cây thuổng đặt ngay dưới gối nằm. Mãi lúc đó nó mới chịu yên.

Lúc này cha đang theo nước ngoài kia. Dẫu sợ cách mấy, tôi không chối được.
Đến đồng Hamu Luk thì trời đã tối mò. Không thấy cha đâu cả. Tôi kêu to vài tiếng: không một âm vọng. Tôi vừa chạy vừa kêu, cha ơi cha. Vắng ngắt. Tôi hoảng lên, và khóc như con nít. Thế là nhắm mắt nhắm mũi chạy ngược về. Lúc này mới hãi nhất. Bởi, sau lưng không còn ai cả. Sông nước, gai nhọn, lầy lội,… Bất kể, tôi chạy và chạy. Tôi đụng ngay cha đang gấp gáp bước ra cửa ngõ nhà tính đi tìm con.
Cha ôm lấy tôi, thật chặt.

Tôi thành công nhiều lãnh vực. Làm bất kì chuyện lớn nhỏ nào cũng thành công. Mở quán cà phê – tạp hóa, vẫn chỗ ấy, trước bao nhiêu người thuê đều thất bại, tôi làm: thành công lớn (15 tháng lãi ròng hai mươi cây vàng, mua nguyên khu đất đó, rồi đốt sổ nợ giá trị khoản mươi cây nữa), kế toán Hợp tác xã thành công, chích heo thành công, trồng rau muống thành công, câu cá thành công, làm thơ, nghiên cứu,… cũng vậy.
Biết cha có hãnh diện về thành công của tôi không nữa. Tôi không mang mấy cuốn sách hay thành tích ra khoe cha. Tôi chưa rước cha vào thăm nhà tôi mới tậu ở Sài Gòn cạnh đó để cha biết qua sinh hoạt của dân thành phố. Cha cũng không có vẻ thích các món ấy. Nhưng điều tôi biết chắc là cha rất vui khi biết tôi có công trình về các ariya Chăm, về Ariya Glơng Anak.
Chính cha là người vỡ lòng tôi những con chữ cái đầu tiên…

Mùa xuân 2006 – 2007.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *