Cuộc khai quật do Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch Bình Định phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu khảo cổ thuộc Viện Phát triển bền vững vùng Nam Bộ tiến hành.
Ở tháp Dương Long, hàng ngàn khối sa thạch lớn nhỏ đã được sử dụng trong hệ thống điêu khắc trang trí nối tiếp nhau từ chân đến đỉnh tháp – từ bó chân tháp đến các cửa giả, cửa chính, diềm mái, ô khám bốn mặt các tầng mái, ngọn tháp hình hoa sen và chóp tháp. Tuy nhiên, phần lớn đá trang trí ấy không còn gắn trên tháp, chúng đã bị sụp đổ và chôn vùi trong lòng đất từ nhiều thế kỷ qua.
Nhóm tháp Dương Long được xây dựng trên khu gò đồi đá ong thuộc huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Đây là ngôi tháp gạch cao nhất Đông Nam Á (tháp Giữa 42m, tháp Nam 36m, tháp Bắc 34m). Tháp Dương Long nổi bật không chỉ bởi kích thước đồ sộ mà còn ở hình dáng đặc biệt của từng kiến trúc, các công trình điêu khắc tài hoa trên các khối sa thạch (có khối nặng từ 3 – 4 tấn). Năm 1909, học giả người Pháp H.Parmentier đã có những nghiên cứu đầu tiên về cụm tháp Dương Long và các tư liệu nghiên cứu của ông vẫn còn giá trị.
Kết quả khai quật khảo cổ lần này đã làm xuất lộ bó chân các tháp cao 2,3m với điêu khắc hình mặt Kala, rắn Naga, hình ngực phụ nữ; các lớp cánh sen tạo thành băng dài chạy quanh chân tháp, ở các góc tạc hình chim thần Garuda và nằm trên một bình diện chung. Hệ thống nền móng khá kiên cố, được kết cấu 7 lớp gạch và 4 lớp đá ong. Ở các hố thám sát khu vực trước và sau tháp tìm thấy nhiều chi tiết trang trí mái bằng đất nung, ngói lá và dấu vết xây bằng đá ong, gạch, nền đất nện của khu nhà dài và một số công trình kiến trúc phụ. Tất cả đã bị xáo trộn bởi những cuộc đào bới bao đời của những người đi tìm gạch và đá ong.
Đáng chú ý, ở hố khai quật mặt tây nhóm tháp phát hiện một nền móng kiến trúc gạch hình chữ nhật khá lớn, dài 7,82m, rộng 6,65m, cách chân tháp Giữa và tháp Nam 6,5m. Ba mặt nam, bắc và tây được xây cột ốp giật 2 cấp giữa thân tháp. Phần tường kiến trúc hiện còn cao 65 cm, tường dày 40 cm, tường cột ốp 80 cm. Trung tâm kiến trúc có bệ thờ xây bằng gạch, trên bệ đặt tượng Yoni hình vuông cạnh 82 cm, cao 53 cm, được điêu khắc khá sắc sảo. Yoni bị đổ nghiêng quay về phía đông. Đây là Yoni đầu tiên được tìm thấy ở Bình Định. Theo Ấn Độ giáo, Linga-Yoni vốn là biểu tượng của thần Siva trong tam vị nhất thể (Brahma, Visnu, Siva). Trong các nghệ thuật chịu ảnh hưởng Ấn Độ giáo, không ở đâu lại phổ biến hình tượng Linga-Yoni, biểu trưng của phồn thực sinh sôi nảy nở và được thờ phụng thành kính như trong nghệ thuật Chămpa. Việc phát hiện Yoni đã khẳng định tháp Dương Long là đền thờ thần Siva.
Hiếm có ngôi tháp Chămpa nào lại có nhiều tác phẩm điêu khắc đá như Dương Long. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy ở đây hàng ngàn tác phẩm điêu khắc bị chôn vùi trong lòng đất ở độ sâu từ 0,5 – 2,3m. Chủ đề trang trí điêu khắc phong phú với nhiều đề tài khác nhau: hình ảnh các vị thần trong nhiều tư thế, vũ điệu, hình ngực phụ nữ, các loại hoa lá, các loài thú như voi, khỉ, rắn, chim thần Garuda, Gajasimha, Kala, thủy quái Makara…, tiêu biểu nhất là phù điêu thần Brahma được khai quật trước tiền sảnh của tháp Bắc và bộ sưu tập tượng bán tròn nhiều kích thước khác nhau (từ 0,6 – 1,2m) thể hiện hình tu sĩ đứng trầm tư bất động, mắt nhìn thẳng, nét mặt thanh thản như đang hướng vào nội tâm, hai tay chắp nghiêm trang trước ngực. Tất cả đều được thể hiện sống động dưới nhát đục tài hoa của các nghệ sĩ điêu khắc Chăm.
Các tác phẩm tìm thấy ở Dương Long tạo thành một phong cách nhất quán dễ nhận thấy: Mọi chi tiết trên điêu khắc được tỉa tót tỉ mỉ, cầu kỳ. Nó vẫn tiếp nối cải biên những truyền thống trước về cách thể hiện loại hình nhân chủng, trang phục, trang sức. Điêu khắc Chămpa Bình Định mà điển hình là Dương Long là một lối rẽ khác của nghệ thuật điêu khắc Chămpa chịu ảnh hưởng của nghệ thuật Khmer thời Bayon – Angkor Wat.
Nếu như trước đây các nhà nghiên cứu khi bàn đến điêu khắc Chămpa Bình Định thường chỉ quy tụ vào phong cách tháp Mẫm, thì nay với những phát hiện mới tại tháp Dương Long, các nhà khảo cổ học sẽ giới thiệu một bức tranh toàn cảnh hơn về nghệ thuật điêu khắc Chămpa Bình Định. Đây là một đóng góp mới đáng trân trọng vào việc nghiên cứu nghệ thuật điêu khắc – kiến trúc Chămpa.
theo Nguyễn Thanh Quang – TNO