Viết ngắn19: Thơ và chất liệu ngôn ngữ

Có lẽ cái đáng ghi nhận nhất của thơ ca Cách mạng giai đoạn 1954-1975, bên cạnh đề tài hay giọng điệu, là đưa được chất liệu ngôn ngữ đời thường (ở đây là cuộc chiến tranh thống nhất đất nước và xây dựng xã hội chủ nghĩa) vào thơ. Những vót chông, tải đạn, xe không kính, bụi Trường Sơn, nông trường… đã thực sự tham gia vào cuộc cách mạng thơ, đưa thơ Việt sang một chiều kích mới.
Có thể nói thơ Việt giai đoạn này đã làm cuộc ly thân hẳn ngữ liệu cũ, ước lệ xưa. Không còn những bến cô liêu, mái tây, bâng khuâng,… ở đây. Nếu có, chúng mang hồn vía khác, hàm nghĩa khác hẳn. Như “nôn nao ngồi dậy nhớ lưng đèo” (Phạm Tiến Duật) chẳng hạn. Cũng có cỏ, suối, chim én, nai, chiếc nôi…, nhưng với Chế Lan Viên chúng đã khác:

Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ
Cỏ đón giêng, hai, chim én gặp mùa
Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa
Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa
.
(Chế Lan viên)

Chính nó, cùng với đề tài đương đại, đưa thơ đến thẳng với công chúng. Khiến mỗi bài/tập thơ thành công giai đoạn qua, tạo được một xúc động dây chuyền, có khi rất lớn.

Thời đại khác, chất liệu ngôn ngữ thơ cũng phải khác.
Không nên so sánh thời kì thơ của thế hệ nhà thơ tuổi 30-40 hôm nay với giai đoạn vừa qua. Không còn đồng nhất về tư tưởng, hành động, xã hội chúng ta đang ngày càng phân mảnh, với lối nghĩ, lối sống khác nhau, ước mơ hay hoài bão khác nhau, quan điểm thẩm mĩ khác, thậm chí đối chọi nhau. Nhưng không phải vì thế mà kẻ làm thơ cho phép các ước lệ cũ có mặt trở lại.
Văn chương tiếng Việt cổ điển – ngoài đại bộ phận ca dao và vài cá nhân độc sáng ở một vài tác phẩm độc đáo – đa phần là các sáng tác mang nặng ước lệ vay mượn. Từ ngôn từ, điển tích, cốt truyện cho đến thể thơ, cách nhìn, cách thể hiện. Chỉ khi các tài năng thơ lớn như Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương… xuất hiện, các ước lệ vay mượn (từ Trung Quốc) mới được dần dần từ bỏ, sau đó bị phong trào Thơ Mới loại bỏ gần hết.
Rồi Thơ Mới lại sáng tạo ra một ước lệ khác. Và…
Muốn có thơ về mùa thu, chúng ta đã sẵn ước lệ: cảnh vật là gió heo may, trời se lạnh, mây mù, lá vàng rơi…, tâm trạng là nỗi (lại nỗi) cô đơn, buồn tàn thu, nhớ nhung xa vắng…(1). Ước lệ của tháp Chàm, nếu không cô độc, đồi hoang, gạch rụng, gầy mòn vì mong đợi, khóc thương thời liệt oanh… thì là kiêu hãnh dân tộc, sừng sững tâm linh, sáng ngời, đậm đà bản sắc… Thơ về Mỹ nhân, ước lệ luôn giăng ra cái bẫy: má hồng, phận bạc, liễu yếu đào tơ, tóc thề, màu mắt em xanh, tà áo dài tha thướt, gót sen
Tất cả đều ở cạnh tay, kẻ làm thơ cứ việc ráp vào, thay đổi chút ít là xong… bài thơ. Một bài thơ đã được lập trình trước từ sương mù quá khứ, được vô thức cộng đồng chấp nhận, không có gì mới nên chẳng thể lay động ở tầng sâu thẳm tâm hồn người đọc. Và dĩ nhiên – chúng rất ít sáng tạo.

Ví dụ gần nhất: trang thơ báo Văn nghệ trẻ số 351 của hai bạn thơ còn rất trẻ (xin nhấn mạnh – rất), chỉ ở các lớp cuối Phổ thông Trung học, về mùa thu – bỏ qua thể thơ 8/7 chữ được sử dụng – đầy dẫy hình ảnh, ước lệ cũ: lá rơi vàng trước ngõ, mùa thu giăng lối, mây trắng, nắng vàng, nỗi buồn, hương cốm, dệt bông hoa cúc… Với chất liệu ngôn ngữ như thế, bài thơ không thể khá lên được, chứ đừng nói đến hi vọng rung động con tim, khối óc của đám đông công chúng. Thẩm mĩ thơ cũ đã quy định lối nghĩ của các em!
Đừng tưởng đề tài cũ không thể không tạo ra được một bài thơ “mới”. Hãy nghĩ đến Cézanne: trái núi quê ông quen thuộc đến cũ mèm, nhưng với cái nhìn mới, bằng thủ pháp nghệ thuật mới, ông đã biến chúng thành kiệt tác, đủ mở ra một chân trời sáng tạo cho các thế hệ sau ông.
Chưa vội nói đến cái nhìn mới, ở đây yêu cầu trước tiên là học cách rũ bỏ cái cũ. Thế thôi, chúng ta vẫn chưa!
Hằng ngày ngóng tin người tình từ máy điện thoại hay computer, nhưng khi làm thơ ta vô tư viết đại loại như “trông chờ tin nhạn”! (ý của Trần Tiến Dũng). Tiếng reo của điện thoại di động bên hông hay dòng chữ khô khốc xuất hiện trong Inbox trước mắt, không làm ta xúc động hơn bóng nhạn mơ hồ nào tận nước Trung Hoa xa xôi cách ta đến cả chục thế kỉ ư? Thơ chúng ta giả là thế, một sự giả rất thành thực, hình thành từ thuở còn ngồi ghế trung học, và dường như vẫn chưa có dấu hiệu nào hứa hẹn ta sẽ đứng lên để rời khỏi chiếc ghế ấy. Từ cái giả của sáng tác lây sang cái giả của cảm thụ, và chúng ta cứ thư thả gọi đó là thơ, một thứ thơ “đích thực”! Mặc thiên hạ đi tới đâu thì tới.

Và mặc cho một vài người trong chúng ta đã dũng mãnh bước tới, từ mấy năm qua. Có thể kiệm chữ như một Trúc Thông hay rậm lời như Nguyễn Quang Thiều; từ những ý nghĩ – hình ảnh thơ đan xen táo bạo nhiều bất trắc đến lối suy tư tuyến tính lớn tiếng, từ thơ truyền thống đến thơ xu hướng hậu hiện đại, ngôn ngữ thơ hôm nay đã khác, khác rất nhiều. Ở đây chưa vội bàn cái hay/dở, mà tôi chỉ muốn nhấn mạnh ở nỗ lực đi tìm tiếng nói thực, ngôn ngữ sống của các nhà thơ hôm nay trong cuộc sống của hôm nay.
*
Thật khó yêu cầu sự độc sáng ở một nghệ sĩ thời hiện đại. Mỗi sáng tạo là một tiếp nhận – ý thức hay vô thức – cái đã qua. Nhưng khi cái đã qua quá thăm thẳm thì chúng sẽ lạc nhịp hay mất hút với hơi thở người cùng thời. Các điển tích chẳng hạn. Không phải đợi đến thời văn chương (của sự) cạn kiệt (the literature of exhaustion – chữ dùng của John Barth), ta mới biết đến văn bản sáng tác chỉ như một “tấm khảm của những trích dẫn” (mosaic of quotations); thực ra ông cha ta đã quen thuộc với nó từ rất lâu rồi, dù ý thức có khác nhau. Việc sử dụng điển cố là một minh chứng. Để tạo độ nén của từ và nhất là, tính hàm súc của câu/bài thơ.
Nhưng thời đại hôm nay đã khác rồi. Chúng ta không thể và không được quyền tiếp tục quay lưng sống lùi để mà dùng lại chất liệu ngôn ngữ của thế hệ trước, trong một thời đại thơ xa lơ xa lắc, dẫu nó có lớn hay mang vẻ “vĩnh cửu” đến đâu. Trống Tràng Thành với núi Thái Sơn, vó ngựa biên thùy hoặc thậm chí cả nón lá nghiêng che, những cánh cò, tà huy, vô thường … cũng thế. Chúng xa lạ và đang rất lạc lõng với dòng sống sôi động hôm nay nên, khó có thể chuyên chở nổi tẻo teo cảm xúc của đại chúng rộng lớn. Do đó, chúng ở ngoài tầm mong đợi (horizon of expectations) của người đọc thời hiện đại. Trong lúc một đường bóng của Maradona, cái chết của công nương Diana, Chế độ Taliban, SARS, Sự kiện 11.9 … mới chính là cái làm chao đảo thế giới chúng ta đang sống, tác động lên tâm hồn chúng ta, trực tiếp hay gián tiếp, quy định lối nghĩ của đại bộ phận nhân loại. Chúng xứng đáng/và chắc chắn sẽ là những “điển cố” mới, tạo nên ước lệ mới cho thi ca hôm nay.
Và cả ngày mai, có lẽ.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *