Ghi chép tháng 12-2008

1.
Cả vùng chạy dài từ phía Bắc Cà Ná sang tận núi Chà Bang và làng Sơn Hải đang gấp rút lên kế hoạch cho ba công trình tầm cỡ quốc gia: Ruộng muối công nghiệp lớn nhất Việt Nam thì khỏi nói rồi; bên cạnh là Nhà máy thép lớn hơn cả Nhà máy thép Thái Nguyên, nghe nói thế và Lò điện hạt nhân đầu tiên của quốc gia.
Nghĩa là Ninh Thuận sẽ có thay đổi lớn. Quần chúng thì xôn xao bàn tán, lo lắng hay đầy hi vọng tùy góc nhìn và tùy nhận thức. Tương lai bà con sẽ thế nào, cuộc sống có khấm khá hơn, văn hóa dân tộc sẽ biến chuyển ra sao? Bao nhiêu câu hỏi. Và chờ tương lai trả lời…

2.
Anh bạn Sara rất đau lòng về và cho thân phận đá ở khu vực quanh núi Chà Bang. Rất nhiều tảng đá to cồ bị xẻ thành khối lớn bằng phương tiện hiện đại, chất lên chiếc xe to đùng, chở đi đâu không biết. Rồi số phận Cabbang sẽ ra sao? Cảnh quang và tài sản tỉnh nhà? Di sản văn hóa và bao nhiêu kỉ niệm…
Sáng mở mắt ra thấy núi đã khác, cảnh đã khác và lòng người chắc chắn sẽ khác đi.

3.
Vài khách thăm Katê Chăm khá ngạc nhiên: năm nào quanh đi quẩn lại cũng chừng đó ca khúc cũ hát lại. Vài bài dân ca, vài bài Đàng Năng Quạ và nhất là đâu đâu cũng Amư Nhân. Không có ai khác nữa ư? Không có giai điệu nào khác sao? Chán quá đi mất.
Dân ca Chăm thì đặc sắc rồi. Nhưng sau đó? Đàng Năng Quạ xuất hiện là một hiện tượng lạ! Mười năm thế hệ chúng tôi hát nhạc ông (chỉ lời Chăm) mãi đến khi… giải phóng. Dĩ nhiên cạnh thầy Quạ,Chăm vẫn có vài khuôn mặt khác, ca khúc khác. Rồi thôi. May, thời mở cửa, Amư Nhân tiếp nối, Chăm có ca khúc (lời Chăm và Việt) để mà hát.
Nhưng nếu kéo dài 10 năm thôi thì hay hay biết bao, đằng này bởi không có khuôn mặt nào khác nổi bật xuất hiện, A Nhân đành phải tiếp tục kéo lê cái cũ thôi. Nên mới có chuyện. 25 năm rồi còn gì!
Trên Tây Nguyên, sau Nguyễn Cường, không có nhạc sĩ nào sáng tác về Tây Nguyên nữa. Tội vậy đó. Văn học nghệ thuật cần thay đổi. Giai điệu, nội dung, ca từ,… Chỉ như vậy chúng mới phát triển và tồn tại.
Ai sẽ sáng tác ca khúc cho Chăm hát, hôm nay? Sáng tác tầm bình dân và tầm cao? Có bạn trẻ nào đặt câu hỏi đó cho mình chưa nhỉ?
Lại hi vọng ở thế hệ tiếp nối thôi.

4.
Tác giả Ariya Ppo Parơng vào cuối thế kỉ XIX đã từng than thở khá ngây thơ nhưng đầy… văn hóa và rất nhân bản.
Tanưh riya bha ka nhu pajơ habơr kalan bimong nhu o palieng
Đất nước về phần họ rồi, sao tháp thần họ không thờ phụng
Nhiều người Kinh hôm nay đã biết yêu văn hóa Chăm, lo lắng cho nó, nỗ lực bảo vệ và tôn tạo nó. Đó là điều đáng mừng.
Trà Vigia nói: đâu là Chăm đâu là Kinh. Dòng máu anh bao nhiêu phần trăm Kinh, bao nhiêu bách phân Chăm, trời mà biết. Chế Lan Viên lấy họ Chăm đặt bút danh (anh bạn Sara bảo chính Chế Lan Viên ghé nhà anh và tự nhận mình đích thị Chăm), nhà thơ Thanh Thảo nhận mình Chăm đến 80%, Nguyễn Huy Thiệp cũng đã nhận gốc Chăm của mình. Họ vô tư, không ý đồ gì cả! Họ to là thế mà đã thế, ai còn dám đi chối Chăm!?
Trà Vigia nói tiếp: khi ta nhận ta Chăm thì ta là Chăm. Khi ta là Chăm thì ta kiêu hãnh về Chăm, bảo tồn và phát huy văn hóa Chăm.
OK!

5.
Võ Thị Hạnh Thủy đã bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ: Thế giới nghệ thuật thơ Inrasara, hạng xuất sắc. Nhưng lạ, nhắn gởi cho Sara lưu kỉ niệm, cô nàng bảo: còn yếu lắm anh ạ, em không gởi đâu, hi vọng sẽ có người khác làm hay hơn về thơ anh!
Đã có 10 luận văn sinh viên ra trường chọn thơ Inrasara làm đề tài, người hướng dẫn cho biết đa phần đạt điểm 10, vậy mà chẳng ai gởi cho mình cả, nói chi mời dự buổi bảo vệ. Trong khi bạn thơ Sara, được 1 lần thôi nhưng có đầy đủ món: tặng hoa, mời gia đình, rồi cả màn phát biểu cảm tưởng của nhà thơ nữa! Hay các sĩ tử ngại cái ông phê bình Sara?
May vẫn có một thạc sĩ chả ngán: cứ gởi tất tần tật…

6.
Einstein đùa cợt rằng: Dân tộc tính là gì? – Nếu thuyết tương đối của tôi được chứng minh, thì người Đức bảo tôi là người Đức, còn dân Pháp nói tôi là công dân thế giới. Còn nếu thuyết tương đối của tôi không thể chứng minh, người Pháp kêu tôi là dân Đức, còn người Đức thì nhất định tôi là Do Thái.
Trầm Ngọc Lan có lối nói vui: Muốn học kinh nghiệm làm ăn thì hãy học người Tàu, đánh giặc thì học người Việt, còn kinh nghiệm làm đám [không có chút đồng nào mà có thể làm đủ loại đám] thì học ở người Chăm.
Tôi có nhìn nhận vui khác: Dân Đức (Freud chẳng hạn) nằm mơ thì đem giấc mơ ra phân tích – tổng hợp để dựng lên lâu đài triết học, người Việt nằm mơ thì giải giấc mơ rồi chạy ra chợ mua số đề, còn người Chăm mình thì ppadah lipei suy diễn giấc mơ cho việc làm đám.
(Dĩ nhiên khi nói như vậy, tôi cũng hơi đánh tráo đối tượng và có chút ăn gian: trí thức (Freud) và bình dân. Nhưng được cái là nó đúng. Ai không chịu thì giơ tay lên!).

7. Cháu L. ở Mỹ Nghiệp, cao và đẹp trai, tốt nghiệp Đại học và đã có công việc ổn định. Bất ngờ cháu được bác sĩ cho biết cháu bị hư cả hai cái thận. Gia đình bán cả ruộng đất để cứu mạng con. Vẫn không tới đâu. Bởi phải cần số tiền khá lớn để cứu chữa, với gia đình nông dân Chăm. Tưởng tuyệt vọng, nhưng may, cháu Đ đăng tin trên báo Pháp Luật và may mắn có một Việt kiều ở Mỹ hứa giúp cho đến cháu lành bệnh, chi phi tất cả khoảng 10.000 USD.
Xin cám ơn chị Việt kiều khiêm tốn muốn ẩn danh đó.
Cháu Thiện, đang học lớp Năm ở Caklaing, bị bệnh suy tủy, nếu không cứu chữa kịp thì chắc chắn sẽ đi theo ông bà. Cháu khóc: mẹ hãy cứu con, sau con giúp cha mẹ. Nhà nghèo, lại phải bán phần ruộng cấp phát. Nhưng bác sĩ Chợ Rẫy yêu cầu ít nhất phải 50 triệu mới chữa lành bé. Đi đi về về tốn kém, cháu vẫn không bỏ học. Tội, xinh và ngoan là vậy. Jaya có kêu gọi bạn học, nhưng sinh viên có bao tiền đâu. Gom lại cũng chỉ vài triệu. Có chị cùng phòng bệnh giúp ít nhiều. Một cô bé Chăm ở Mỹ giúp được 100 USD. Nhưng không thấm vào đâu cả.
Ai thương bé Thiện không?

Sài Gòn, 20-12-2008.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *