Văn xuôi 13: Cần Thơ, từ Chùa Việt Đến Chùa Miên

CẦN THƠ: MỞ LÒNG NGƯỜI , MỞ CHÂN TRỜI
Bài 2: Từ Chùa Việt Đến Chùa Miên.

Xế chiều ngày 18 tháng Chín, xe đưa chúng tôi đến chùa Phổ Minh – xã Vị Tân, huyện Vị Thủy. Đường đi dọc theo những con kênh, hẹp nhưng được cái là đã tráng nhựa nên không bị dính lầy. Ngay cả mấy chiếc cầu nằm vắt chông chênh qua con rạch cũng rất hẹp, chỉ vừa đủ lọt lòng chiếc xe mười hai chỗ ngồi. Lối dẫn vào chùa dài đến hơn trăm mét cũng được “bê tông hóa”, đã không gây khó dễ cho những người khách lạ đô thị.
Ngôi chùa được xây từ năm 1910, lại nằm lọt thỏm giữa chằng chịt kênh rạch với những vòm cây cả cũ lẫn mới um tùm, nên trông khá cổ kính.
Thầy trụ trì đi vắng. Tiếp chúng tôi chỉ có “chú tiểu” Trần Văn Hải tự Út Hải trốn quân dịch, vào chùa “tu” năm 1972, sau giải phóng đã hoàn tục. Giữa đạo và đời ở chùa miền Nam có một sự gần gũi khắng khít đến không thể phân cách. Chuyện kể ấn tượng sâu đậm nhất ở chùa này là sự kiện xảy ra vào năm 1973: bốn giờ khuya, khoảng 500 lính cộng hòa ốp chùa, bắt trói dẫn đi cả đoàn hơn trăm “chú tiểu” vào tiểu khu (Thị ủy Thị xã Vị Thanh ngày nay) mãi bốn giờ chiều mới thả về. Thượng tọa Thích Huệ Giác trụ trì chùa lúc bấy giờ đã mách nước các “chú tiểu” giấu đi tất cả giấy tờ khiến các sĩ quan chế độ cũ không biết đường nào mà lần. Một nhà tu cũng đã có cái khôn lanh rất đời!

Nhưng có lẽ ít đâu nhà sư lại “đời” hơn Thích Huệ Ngọc trụ trì chùa Phước Long – xã Vĩnh Tường, năm nay đã gần bát thập. Dáng dong dỏng cao, miệng cười hóm với đôi mắt sáng là những gì ở cụ lôi cuốn tôi đặc biệt. Cụ nói:
– Đạo Phật là đạo của dân, bảo vệ tính mạng sinh linh Phật tử là bổn phận của kẻ hành đạo trong hoàn cảnh và điều kiện cho phép. Chính vì thế ngài đã tập hợp được hơn sáu trăm gia đình Phật tử đến cư trú quanh chùa. Vừa bảo vệ chùa đồng thời để được nhà chùa bảo vệ.
Đó là một thành tích lớn, rất lớn. Bởi đến tận hôm nay, muốn vào thăm chùa, chúng tôi đã phải đi bằng vỏ lãi (thuyền nhỏ có gắn động cơ). Hầu như ghe, thuyền là phương tiện giao thông duy nhất ở vùng này. Vậy mà xung quanh chùa có đến bảy đồn lính túc trực. Bên kia: chặt cây phát quang, rải bom, bắt lính, càn quét… Bên này: chống đốn cây, phản đối đánh bom vào chùa, can thiệp cho hơn trăm thanh niên không đi lính (“Thanh niên là củi, phải nhanh chóng rút củi ra khỏi lửa” – là phương châm của chùa lúc bấy giờ), giăng cờ phướn ngăn xe GMC tiến vào chùa, đào hai mươi lăm hầm và hơn mười lu cho tăng ni, Phật tử tránh càn; đòi hỏi chính quyền Nguyễn Văn Thiệu bồi thường thiệt hại cho 607 gia đình cách mạng, đặc biệt hơn nữa, nhà chùa đã đấu tranh buộc địch phải bồi thường thương tích cho em bé mười ba tuổi đang làm cỏ bị lính bắn gãy tay, buộc họ phải nhận tội trước đông đảo đồng bào.
Trong một lần đối chất với sĩ quan Cộng hòa – bằng nụ cười rất hóm, cụ kể cụ đã trả lời: không theo quốc gia, không theo Mỹ, cũng chẳng theo Việt cộng. Bổn phận của tôi là bảo vệ đạo pháp và đồng bào. Còn mấy ông nói chế độ các ông muôn năm thì nó không thể muôn năm được. Hãy xem ngay Đinh, Lê, Trần, Lý vĩ đại là thế mà có bao giờ muôn năm đâu!
Đúng là lập luận của một nhà tu-nông dân! Nếu muốn kể thêm thành tích, cũng có thể nêu thêm: nhà Chùa đã có mở hai lớp học cho 250 em học sinh từ lớp Một đến lớp Năm, đạt kết quả tốt ngay trong thời kì ác liệt nhất của chiến tranh. Bên cạnh Chùa còn quyên góp tiền, gạo giúp đồng bào lũ lụt miền Trung năm 1966-1967.
Đạo Phật Tiểu thừa với lí tưởng Arhat quả vị đầu luôn lánh đời, rời bỏ xã hội; nhưng đến Đại thừa, vị Bồ tát có tư tưởng nhập thế, dám xông vào xã hội gánh lấy trách nhiệm với ý thức cứu vớt sinh linh ra khỏi bể khổ. Còn hơn thế, vị Bồ tát Chùa Phước Long này đã thực sự nhập cuộc. Rất bản lĩnh, ngài đã không mặn mà với việc viếng lăng Bác. Ngài nói không cần thiết lắm, bởi Bác Hồ với ngài đã là một Phật sống rồi.
Gian khổ là thế, anh dũng là vậy, nhưng hôm nay chùa Phước Long đang nằm cô quạnh giữa miền sông nước ít kẻ viếng thăm. Kể cả những đứa con mà nhà Chùa đã từng nuôi nấng, che giấu, nay đã bay cao bay xa. Đó là sự thực. Nhưng không thấy một lời trách oán từ sư cụ. Cụ chấp nhận mọi nỗi đời với tinh thần bao dung của đạo Phật. Như đã từng cưu mang những con người hôm nay đã mở mặt mở mày ngoài xã hội, ngài tiếp tục cưu mang các sinh linh không may mắn còn ở lại với chùa. Như “cậu” đang làm việc vặt trong chùa kia: Hai mươi tuổi đầu mà vẫn con nít, nghễnh ngãng bởi ảnh hưởng chất độc màu da cam. Chính “cậu” đã kể với tôi rằng đúng rằm tháng Bảy hằng năm, hai con quy lớn màu vàng từ đâu bò vào chùa, bò lên cả chánh điện. Có lẽ đấy là một ngón nghề cậu hay mang ra khoe khách viếng Chùa.
Khách khứa, họa hoằn lắm! Nên cả Chùa hân hạnh ra đón khách. Vui nhất có lẽ là sư cụ. Cụ vui vẻ đón chúng tôi, vui vẻ mở đôi mắt đọc cho đoàn chúng tôi nghe Tiểu sử chùa, và vui vẻ tiễn chân chúng tôi với lời hẹn tái ngộ.
Bao giờ mới tái ngộ Thầy Huệ Ngọc, hỡi thầy? Bao giờ bước chân khách lạ chúng tôi mới quay trở lại ngôi chùa, mấy lần bị đổ nát đang xuống cấp nghiêm trọng nằm nép mìmh khiêm cung giữa miền sông nước Vị Thanh này?

Xuống cấp! Nhưng vẫn chưa đến nỗi tiều tụy như Chùa Miên ở Sóc Bà Mai – thuộc xã Vị Thủy đoàn chúng tôi tới viếng hai ngày sau đó.
Buổi chiều. Mưa lất phất rơi làm cho sân chùa nhão bùn. Đồng bào Khmer, già trẻ lớn bé chạy ùa đến xem kẻ lạ. Những đôi mắt ngơ ngác, những giọng nói lạ lẫm.
Nghèo! Đó là ấn tượng đầu tiên của tôi về chùa và đồng bào dân tộc anh em sống quanh khu vực chùa. Nông dân Việt Nam sống ở vùng sâu, vùng xa còn rất nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số càng nghèo hơn. Vừa nghèo vừa cực. Mà ở huyện Vị Thủy, đồng bào Khmer chiếm tỉ lệ thấp, thấp rất nhiều so với người đồng tộc tại Trà Vinh, Sóc Trăng… Cả số đầu ngôi chùa cũng thế. Dường như đây là ngôi chùa duy nhất đáng kể. Cũng bằng phương tiện đường thủy, chúng tôi đến chùa. Chùa tại vị trong một khoảng đất rộng, có hai ngôi chính. Ngôi trước để hành lễ, ngôi sau dùng cho sinh hoạt chùa. Chếch về phía bên phải đã từng hiện hữu một ngôi nữa nhưng nay đã đổ nát hoàn toàn. Chỉ còn vài tường vạch đứng trơ trọi giữa trời chiều không nắng. Chính cái hoang phế này đã gợi hứng cho tôi ứng tác bài “Rêu” ngay tối hôm ấy.

Lũ rêu xanh ký sinh chiều nay ta thấy
giữa miền sông nước
miệt mài đeo bám chùa Miên
ở nắng gió miền Trung
vẫn lũ rêu ấy
đồng lõa với thời gian đục ruỗng tháp Chàm

Phải đâu cần tội ác lớn lao
mới có thể hủy phá công trình lớn lao
(dù khi lịch sử điểm danh nó chưa bao giờ vắng mặt)
chỉ một bàn tay đen như loài rêu độc
cũng đủ xô vạn công sức loài người vào hố tiêu vong
.
(thơ Inrasara)

Trong cuộc ghé thăm ngắn ngủi, tôi thử vận dụng tiếng Khmer học lỏm bỏm cách đây mấy năm để phỏng vấn vài “nhân vật” đồng bào dân tộc. Rất ít người có trình độ trung học, còn tiếng dân tộc thì chưa được dạy trong nhà trường. Cả trong chùa cũng vậy. Như thế làm sao có thể nói đến bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc!
Nghèo! Vẫn ấn tượng đó đeo bám tôi khi chuẩn bị lên đường trở về thị xã. Nghèo và cực. Nhưng vui, luôn vui vẻ. Dấu ấn đậm nhất của người ngoại quốc khi đến thăm nông thôn Việt Nam là niềm lạc quan trong đời sống của người nông dân. Tiếng cười luôn có mặt, có mặt cả những nơi tưởng nó không hề tồn tại, không thể tồn tại. Hôm nay, với tôi, cũng vậy. Những ánh mắt và nụ cười của các em, các chị, các mẹ khi chúng tôi rủ chụp chung ảnh kỉ niệm, cũng như nụ cười của sư cụ trụ trì khi tôi kỉnh lại Chùa món quà mà thị xã Vị Thanh tặng tôi hôm từ giã. Nụ cười hồn nhiên và tin tưởng – nụ cười đã làm nên tâm hồn và sức sống của con người Việt Nam.
Nụ cười ấy đã theo tôi về tận thành phố Cần Thơ, lên tới Sài Gòn…

Sài Gòn, 3.10.2002

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *