CẦN THƠ – MỞ LÒNG NGƯỜI, MỞ CHÂN TRỜI
Ghi chép
Ngày 17.9.2002, tôi dự định bay ra thủ đô dự thính Hội thảo thơ tại Hà Nội “Những chuyển động trong thơ hôm nay”, luôn tiện “khoe” các bạn thơ tập thơ mới xuất bản: Lễ tẩy trần tháng Tư. Sau đó vào Thanh Hóa dự Hội nghị văn học miền Trung được tổ chức trong hai ngày 19-20.9.2002, theo như giấy mời. Nhưng tôi đã không làm thế. Mà làm cuộc hành phương Nam: Cần Thơ. Tôi đã có một chọn lựa: so với Cần Thơ, đi dự Hội nghị tôi sẽ phát nhiều hơn thu, trong khi lúc này nhu cầu “đầu vào” của tôi là rất lớn.
Cần Thơ gạo trắng nước trong
Ai đi đến đó thì không muốn về
Đất Tây Đô lôi cuốn tôi không chỉ ở gạo trắng nước trong, mà chính ở chương trình thực tế – giao lưu – sáng tác của Hội nhà văn và Hội âm nhạc TP Hồ Chí Minh trong suốt tuần lễ ở Cần Thơ. Vùng sâu, xa của miền sông nước.
Đúng bảy giờ sáng Đoàn khởi hành từ 81 Trần Quốc Thảo. Nhạc sĩ Trần Long Ẩn làm trưởng Đoàn cùng ba mươi văn nghệ sĩ, gồm nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ đang sống và sáng tác tại Thành phố
Chiều và tối, Đoàn tạm nghỉ tại khách sạn Cửu Long, là dịp tốt cho các vị lãnh đạo Tỉnh làm quen với văn nghệ sĩ TP Hồ Chí Minh. Đồng thời để anh chị em chúng tôi kết thân với các bạn đồng nghiệp địa phương.
Ngay hôm sau, chúng tôi phân thành bốn nhóm, mỗi nhóm có vài đồng nghiệp thổ địa theo cùng túa đi các địa phương. Tôi tình nguyện sung vào nhóm ba, nhóm đi thực tế vùng sâu, xa nhất.
Nhóm chúng tôi gồm sáu anh chị em: thơ có Trần Khuyến và tôi, nhạc là Đình Khiêm, Lê Quốc Thắng và Thanh Nga, và nhà văn Điệp Thi. Tô Hoàng Vũ, Ánh Hồng là nhiếp ảnh gia địa phương – hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam; Châu Văn Dự, chuyên viên Sở Văn hóa – Thông tin Tỉnh. Và cuối cùng nhân vật trẻ nhất nhóm: Cao Dương, phóng viên báo Cần Thơ. Tôi nói Cao Dương trẻ nhất, bởi nhóm chúng tôi ngoài Điệp Thi vừa sang thất thập, tất cả đều ở độ tuổi U45.
Con người
Trẻ trung, sôi nổi, hứng khởi.
Hứng khởi cùng với tinh thần bà con đón tiếp anh em chúng tôi tại mọi nơi chốn Đoàn dừng chân. Đâu đâu cũng trương lên tấm băng crôn đỏ chói: “Nhiệt liệt đón mừng đoàn Văn ngệ sĩ TP Hồ Chí Minh”. Từ thị xã Vị Thanh, Ủy ban nhân dân xã Vị Tân, rồi Hỏa Lựu, Hỏa Tiến, Vĩnh Tường, Vĩnh Thuận Tây… cho đến UBND huyện Vị Thủy. Dễ dàng nhận thấy đấy là chỉ đạo nhất quán từ trên. Nhưng chỉ có thế thì không khí sẽ doãng nếu không xuất phát từ “thật lòng” của anh em cán bộ địa phương và tấm lòng đồng bào Nam bộ
Cái thật lòng của con người miền sông nước này thì không thể chê vào đâu được. Những cánh cửa rộng mở, bàn tay rộng mở, đôi mắt rộng mở trước ghé thăm của bước chân những người khách lạ. Phút chốc hóa lạ thành quen, quen làm thân, thân trở nên thắm thiết. Từ li rượu chuối hột cho đến miếng cá rô kho tộ đặc sản, từ thâm tình vỗ vai đến lời giải thích dông dài về một địa danh, một phương ngữ: Nàng Mau, Kênh xáng Xà No, bo bo, lung Chín Tỵ, cái chẹt… Chính thật lòng này đã níu chân chúng tôi nán lại Vĩnh Thuận Tây hơn cả tiếng đồng hồ để anh chị em xã Vị Thủy – điểm dừng tiếp đó của nhóm – hơi phiền lòng. Phiền nhưng không ủ.
Bởi ngay sau đó, chúng tôi được anh em mở lòng cho đi đò dọc hai giờ liền thăm chùa Miên (để Inrasara có bài thơ “Rêu”), trại nuôi ba ba, vườn trầu vàng (ca khúc “Trầu vàng” của Trần Khuyến ra đời ngay tối hôm đó).
Nhớ: ngày thứ hai ở thị xã Vị Thanh, anh em chúng tôi được cho đi bo bo (thuyền máy có dáng như Canô) suốt sông Cái Lớn xuống tận ngã ba giáp ranh ba tỉnh Kiên Giang – Bạc Liêu – Long Mỹ (Cần Thơ). Vòng đi và về hơn trăm rưỡi cây số đường sông. Mà bo bo uống hết lít xăng/cây số. Dân Sài Gòn làm phép tính: có tốn kém lắm không các anh? Một nhạc sĩ trong nhóm hỏi thế. Anh thấy xót, nhưng đã chưa hiểu một trong ba phương ngữ thâm hậu nhất nêu bật khí chất của dân Nam bộ là: chả ngán.
Chả ngán hy sinh gian lao miễn giành được chiến thắng cuối cùng. Chả ngán mất giờ miễn là được cuộc vui. Chả ngán tốn kém miễn sao văn nghệ sĩ có được tác phẩm hay.
Mà có được thiệt!
Tuổi trẻ dễ hòa đồng, nhanh nhậy nắm bắt cái mới, lạ. Nữ nhạc sĩ trẻ Thanh Nga có bốn ca khúc, trong đó một được sáng tác và phục vụ ngay tại Trại giam Kênh Năm. Sáng tác nói lên được cái chất của Trại: cắt cái hậu tố của “con người tội phạm” trở lại thành con người. Ca khúc nóng hổi này được Giám thị Thượng tá Huỳnh Tấn Sự tự Út Sự và các cán bộ Trại đánh giá tốt, đầy tính nhân bản. Sơ kết: nhà thơ – nhạc sĩ Trần Khuyến bốn bài thơ, năm bài hát. Inrasara cứng đầu vậy vẫn để được bốn bài thơ. Rồi còn bao nhiêu dự định được ấp ủ trong những ngày sắp tới nữa.
Sáng tác này đã kịp thời phục vụ đồng bào trong các đêm giao lưu. Dù giao lưu đại trà (với hơn 1500 bà con tham dự) hay giao lưu bỏ túi (chỉ các vị lãnh đạo và văn nghệ sĩ địa phương), những câu thơ, dòng nhạc, lời tâm tình của “khách lạ” mang lại không khí đầm ấm, vui trẻ, trong cái say mê của sáng tạo.
Có thấy Trần Khuyến chối từ buổi đi thực tế, Thanh Nga hai buổi bỏ cơm để tập các ca sĩ địa phương hát; có thấy Tô Hoàng Vũ nhịn đói để viết báo cáo cho kịp giờ… mới hiểu rằng nhà văn, nhạc sĩ không phải là thứ đồ nghệ sĩ lề mề, lười nhác, ăn hại như lâu nay thiên hạ từng ngộ nhận. Đó là biện chứng của vay/trả. Vay tấm lòng Vị Thủy, Vị Thanh chúng tôi trả lại bằng thành phẩm từ tâm hồn. Mà cái nghiệp của văn nghệ sĩ là gì nếu không phải vắt kiệt hồn mình để mang đến cho đời tác phẩm thẳm sâu nhất, lay động lòng người nhất?
Đất/nước
Đến Cần Thơ, cái ấn tượng đầu tiên là cái tên. Tên đất, tên sông, tên gò: Cái Răng, Cái Tắc, Cái Khế, Cái Vồn… rồi đến Cái Nhum, Cái Sình, Cái Su, Cái Tư, Cái Nhúc… Bao nhiêu là cái. Một nhà ngữ học bảo rằng cái là cái từ Việt nhất trong các từ Việt. Bỏ tất cả đi, chúng ta vẫn còn cái. Cái vừa bao dung vừa dân dã, vừa ấm áp vừa đậm bản sắc dân tộc.
Vị Thủy, Vị Thanh là cái nôi của bao nhiêu là cái . Hay nói khác đi: cái cưu mang đùm bọc đất / nước / con người nơi đây. Không phải vô cớ mà chế độ Ngô Đình Diệm đã chọn đất này làm khu trù mật điển hình đầu tiên miền Nam: Khu Trù mật Vị Thanh – Hỏa Lựu (khởi công xây dựng vào ngày 12.9.1959). Một người dân ở đây bảo đấy đích thị là “khu trào mật”. Điều rất đáng nói nữa đây chính là nơi sư đoàn của chế độ cũ đã tử thủ nên được giải phóng muộn nhất: chín giờ sáng 1.5.1975.
Bao nhiêu xương máu đã đổ nơi đây. Đứa con quê hương đã ngã xuống ngày đầu tiên đến tận ngày cuối cùng trong cuộc chiến tranh thống nhất đất nước. Trốn quân dịch. Đày ải. Bỏ tù. Bắt bớ. Trói tay chân. Chôn sống. Máy chém. “Cọp rằn”. Giết lầm hơn tha lầm. Rải bom phát quang. Nạn nhân chất độc màu da cam… Hơn mươi hố chôn tập thể (một hố từ 20-60 thi thể) tìm thấy xung quanh khu vực cầu Kinh Hậu, vùng chợ Nàng Mau cũng đủ thấy cái tàn bạo của chế độ độc tài. Dân ở đây đã dựng lên tấm bia gọi là Bia căm thù.
Ngôn từ
Bia căm thù ư ?
sao lại là bia căm thù?
Chiến tranh qua rồi
cuộc bạo tàn cũng đã xa
Lòng mẹ rộng, mẹ sẵn sàng tha thứ
Chỉ còn bao oan hồn đòi mãi một tấm bia.
Có những điều lớn lao thời gian không thể xóa
Dù trong mắt mẹ hôm nay niềm đau đã lặn sâu, lặn xa
Nên rất muốn tìm từ nào nhẹ hơn để thay thế
Nhân dân không bao giờ chịu đâu
cứ đúng tên mà gọi: Bia căm thù
(thơ Inrasara)
Tại sao phải dựng bia căm thù? Tôi không hiểu! Cần phải dựng bia căm thù. Để không quên. Không quên nhưng sẵn lòng tha thứ.
Lòng người Nam bộ thẳng/thật là vậy. Như con kênh, rạch dẫu chằng chịt nhưng thẳng băng, đâu ra đấy. Lợi đấy mà hại đấy. Lợi ở dễ gần mà hại ở hay bị lợi dụng. Lợi ở mái chèo dọc ngang thơ mộng nhưng hại ở như thể cách ngăn với thế giới bên ngoài. Nhất là vùng sâu, xa. Xã Vĩnh Thuận Tây chỉ độc nhất đường thủy đi các tỉnh miệt dưới. Cầu khỉ, cầu tre vẫn cứ có mặt hầu hết các kênh, rạch như một thách thức.
Anh em chúng tôi dù dân miền Nam chính hiệu, và dù vài người xuất thân nông dân nhưng có thể nói đây là lần đầu tiên thực tế sâu/sát miền sông nước. Người hiền, cảnh đẹp. Đất/nước Cần Thơ đang bày ra trước mắt bao nhiêu cái mới, lạ. Choáng ngợp từ cảm giác này sang cảm giác khác. Nhiều, rất nhiều bất ngờ, thú vị. Từ thú vị này sang thú vị khác, bất ngờ này sang bất ngờ khác.
Nhưng cạnh đó, với cái nhậy cảm của tâm hồn nghệ sĩ, vẫn còn bao nhức nhói. Nông thôn ta vẫn còn nghèo khổ quá. Những mái chùa rách, dột. Bao em bé bụng ỏng. Vườn khóm héo lá. Bệnh bọ dừa. Ruộng ngập nước. Giá nông sản bấp bênh. Lối vào vài ấp còn lầy lội.
Lãnh đạo
Có phải thế chăng mà – bên cạnh bản tính hiếu khách vốn có của dân Nam bộ (“Nhịn miệng đãi khách” là thành ngữ đầu môi của đồng bào) – các vị lãnh đạo cấp cao nhất của địa phương đã đón tiếp anh em chúng tôi như đón tiếp “người của Trung ương” mong mang về chút ánh sáng cho xã, ấp vùng sâu, xa? Có vị còn nói đùa rằng: nếu sau 1945, Việt Nam có tên trên bản đồ thế giới như một Quốc gia độc lập, thì sau chuyến giao lưu này Vị Thanh, Vị Thủy thực sự “có tên” trên bản đồ đất nước Việt Nam.
Cường điệu lắm không!?
Có phải thế chăng mà ngay buổi gặp mặt đầu tiên, anh Võ Minh Tâm – phó Bí thư thường trực Thị ủy Vị Thanh luôn nhắc đến cái lao đao của khóm (cây thơm), và mong muốn chúng tôi giúp góp tiếng nói vào việc phục hồi vườn khóm đang tàn tạ của mấy ngàn hộ nông dân?
Trong đời viết văn chưa lấy gì làm dài lắm của tôi, với hơn mươi chuyến đi thực tế – sáng tác tôi chưa bao giờ thấy lãnh đạo nào “đau lòng” đến cuộc sống nhân dân đến thế, quan tâm đặc biệt đến văn nghệ sĩ đến thế, mời gọi anh em viết về địa phương mình khẩn thiết đến thế. Buổi tối cuối cùng, các vị lãnh đạo cấp cao nhất của huyện đã hơn nửa giờ chờ văn nghệ sĩ đến giao lưu. Dù lý do có chính đáng đến đâu, tôi nghĩ ít có vị lãnh đạo nào hôm nay “dũng cảm” làm vậy.
Có phải thế chăng mà anh Châu Văn Dự, hơn một lần lên tiếng sẵn sàng đưa rước anh em mọi chuyến trở về, dù với tính cách cá nhân hay tập thể, ngắn hạn hay dài ngày. Khi có nhu cầu tìm hiểu và sáng tác về đất – nước – con người miền này? Có phải thế chăng mà ông Sáu Thanh Hùng, Bí thư huyện Vị Thủy đã “trì hoãn” mãi việc bắt tay anh chị em chúng tôi trong buổi sáng lên xe trở về, đến nỗi nữ nhạc sĩ Thanh Nga phải thốt lên:
– Anh trì hoãn như thế này mãi, tụi em sẽ khóc mất.
Nhưng rồi ông cũng đã vẫy từ biệt chúng tôi.
Xe lăn bánh bỏ lại sau lưng Vị Thủy, Vị Thanh thân yêu. Tôi đã không dám ngoái lại. E rằng mình phải nhìn thấy một người nào đó đã khóc thật.
Sài Gòn, cuối 2002.
Bai viet hay qua!Lam toi nho ve mot chuyen di…