Là chương trình truyền hình giới thiệu khái quát về Chăm, do VTV2 thực hiện. Trung tâm Quốc học (thuộc Hội Nhà văn Việt nam) chủ trì. Những người tham gia:
– Mai Quốc Liên: giám đốc Trung tâm.
– Bùi Khánh Thế: phát biểu về văn hóa Chăm nói chung.
– Thành Phần: về vài lĩnh vực dân tộc học (mẫu hệ, nhà cửa,..)
– Bá Trung Phụ: về kiến trúc và điêu khắc.
– Phú Văn Hẳn: về ngôn ngữ và vài khía cạnh xã hội của Chăm Hồi giáo.
– Inrasara: về văn học.
– Thuận Thị Trụ: về dệt thổ cẩm.
* Thời lượng 30 phút, đã phát vào ngày 23, 24 & 26.04.2005.
Sau đây là phát biểu của Inrasara:
Văn học Chăm là nền văn học lớn. Cứ tưởng tượng sau gần 200 năm li tán, và sau ngần ấy mất mát, rồi dù công cuộc sưu tầm chưa xúc tiến mạnh, văn học Chăm vẫn còn tồn tại chừng đó cũng chứng tỏ nó lớn thế nào rồi. Tiếp nhận thành tựu của các nhà đi trước, tôi đã sưu tầm-dịch-ghi chú được bộ Văn học Chăm, khái luận-văn tuyển khoảng ngàn trang (tôi từng cho rằng chúng vẫn chưa thấm tháp vào đâu so với yêu cầu thực).
Tác phẩm được giải của CHCPI, tôi xem nó như quà tặng xứng đáng cho cả cộng đồng Chăm nói chung chứ không riêng cá nhân mình.
Nhưng lẽ nào sống cứ nhìn lui về quá khứ. Mãi sưu tầm-nghiên cứu chúng ta chỉ làm kẻ giữ kho của cha ông. Ông cha ta đã sáng tạo, và ta hôm nay cũng học sáng tạo cái mới. Thế là bốn tập thơ của tôi ra đời. Hai lần đọat ngay giải thưởng hàng năm của Hội Nhà văn, và một lần của Giải Văn học Dân tộc thiểu số.
Thích đấy chứ, nhưng nếu nhắc đến thơ văn Chăm mà mãi nhắc có mỗi Sara thì thiếu sót lớn. Bởi Chăm năng khiếu văn học nghệ thuật, sống giữa cộng đồng, tôi biết tiềm năng Chăm khá lớn. Vậy phải tạo ra đất để khám phá tài năng và để tài năng phát triển. Tagalau ra đời bởi lẽ đó. Thật lòng mà nói, nhìn thấy Tagalau ra đời tôi còn thích thú nhiều lần so với tác phẩm riêng. Bởi đây là nỗ lực chung của anh em trí thức Chăm. Nó là sản phẩm tập thể, bởi và cho tập thể. Nó quy tụ được các cây viết Chăm thuộc mọi lứa tuổi, mọi thành phần.
Văn học Chăm có nhiều đặc thù. Chỉ nêu vài điểm chính:
– Ví dụ lâu nay người Việt luôn hãnh diện lục bát là của riêng mình. Chưa hẳn đã vậy, bởi Chăm cũng có thể thơ giống lục bát Việt: thể Ariya/lục bát Chăm. Vì cấu trúc ngôn ngữ khác nhau nên nó mới phát triển khác nhau.
– Sử thi Chăm cũng khác với sử thi các dân tộc Tây Nguyên anh em. Trong khi Tây Nguyên vẫn còn “kể” thì Chăm đã văn bản hóa và truyện cũng được cô đúc hơn, thoát hắn dòng thi pháp của văn học truyền miệng.
– Các trường ca trữ tình của Chăm càng đặc biệt hơn nữa: nội dung khác hẳn Việt, hình thức mới, cách biểu hiện đầy sáng tạo.
– Và, quan trọng nhất văn chương Chăm đậm chất triết luận – thế sự: Glơng Anak, Pauh Catwai,… là các điển hình đẹp.
Các điểm son kia sẽ thất tán, nếu ta không có chương trình dài hạn và toàn diện để sưu tầm, nghiên cứu, dịch thuật và công bố cho các thế hệ sắp tới.
Tiếp nhận di sản quá khứ đúng chúng ta mới làm ra cái mới hay và nhất là: không vong bản!
Ghi chú: Tôi đã phát biểu gần như đầy đủ như vậy, nhưng bởi yêu cầu của Đài, nên vài đoạn bị cắt. Các vị khác cũng vậy. Tôi đùa: báo hay đài luôn hành xử như vậy, họ mang giầy tới, bảo mình xỏ chân thử và, họ cứ cắt chân cẳng mình sao cho khớp với giầy mới thôi!
Ít ai ngờ rằng cái tên Inrasara lại thu hút cánh báo chí đến vậy. Tôi nghĩ có lẽ bởi cái mác “Champa” mà tôi được cuốn hút (thơm) lây chăng? Bao nhiêu là cuộc phỏng vấn. Trong đó hơn một nửa về thơ hiện đại, còn lại về Chăm. Ngay tháng 04.2005 thôi, đã có bảy cuộc. Không khéo họ biến tôi thành ngôi sao nhạc rock mất! Trước, tôi khá ngạc nhiên; tiếp: rất khó chịu và tìm mọi cách để từ chối; nhưng rồi hai năm nay: thấy không cần thiết tránh né nữa, tôi trả lời tất! Vui vẻ và khoái hoạt… Chẳng có gì trầm trọng cả.
chào chú!
cháu tên THẢO, hiện đang là sinh viên. trong quá trình tìm hiểu chủ đề về ”những thành tựu nổi bật văn hóa Chăm” cháu đã may mắn đọc được bài viết của chú,và biết được chú rất am hiểu về văn hóa Chăm. Mong chú giúp đỡ cháu, có thể cho cháu gợi ý hướng làm bài, và để hoàn thành tốt bài thuyết trình cháu nên đi sâu vào nói những lĩnh vực nào?
cháu mong sẽ nhận được sự phản hồi và sự hướng dẫn của chú…
CẢM ƠN CHÚ RẤT NHIỀU Ạ!
Phone của Inrasara đây: 0913745764, bạn trẻ liên hệ nhé!
Mến
Inrasara