Tôi trở lại Chakleng vào trung tuần tháng bảy. Chakleng với tôi như là quê hương thứ hai, nên lần trở về, lòng tôi rộn lên cái nôn nao kì lạ. Ở Sài Gòn, anh bạn thi sĩ người Chăm của tôi nhắc tôi viết bài cho số báo sắp tới.
Không chút chằn chừ, hôm sau, tôi làm cuộc trở về. Như đứa con trở về sau ngày tháng lang thang. Về với lòng mẹ ngày xưa từng đùm bọc, yêu thương tôi.
Mười năm không là dài nhưng cảnh quan đã thay đổi quá nhiều. Rừng thưa xứ Phan Rang tràn nắng như biến đâu mất để nổi lên những ngọn đồi chỏng chơ, buồn tẻ. May, mới qua mùa mưa, đám cỏ còn cho ngọn đồi màu xanh làm dịu mắt du khách trong chiều tháng bảy. Lấm tấm khóm bằng lăng gượng nở hoa tim tím cũng tạo được ít sinh khí cho núi đồi. Chỉ có hàng xương rồng muôn đời tươi xanh, vững chải với gió, nắng. Thay vào đó, Chakleng mọc lên những giàn nho. Cả một rừng nho suốt hai bên đường đắp đất chạy từ đường quốc lộ số một thẳng xuống, bên dưới những trụ điện vươn mình kiêu hãnh. Kiêu hãnh với tấm bảng hiểu “Làng văn hóa thanh niên Mỹ Nghiệp” bằng hai thứ tiếng được dựng ngay cổng vào plây. Không tin vào mắt mình, bởi có quá nhiều thay đổi. Tôi đã từng nghe, từng thấy qua đài, báo, tivi đưa tin về Chakleng – một Chakleng với sản phẩm dệt thổ cẩm nổi tiếng của mình. Nhưng hôm nay tôi mới chạm mặt với những đổi thay thực sự: điện đã về nông thôn Chăm, làng văn hóa được xây dựng, cơ sở dệt thổ cẩm ra đời… với những màu áo mới hơn, khuôn mặt tươi hơn, nụ cười xinh hơn…
Và Chakleng đã đón tôi với vòng tay rộng mở, ấm áp. Nằm cách thị xã Phan Rang 9 km về phía nam và thị trấn Phước Dân 1 km về phía đông, Chakleng nằm trên một mô đất hơi cao với trước mặt là núi Chà Bang và sau lưng là dòng sông Lu uốn khúc. Quả là một vị trí lí tưởng đối với một plây Chăm:
Cơk mưraung birak
Núi hướng nam, sông hướng bắc
Theo quan niệm dân gian, đây là đất linh sinh anh kiệt. Tương truyền rằng, Chakleng là nơi chôn nhau cắt rốn của Po Klaung Girai, vị vua anh minh nhất của vương quốc Champa cổ, trị vị từ năm 1150 – 1205. Chakleng (còn được viết là Chakling, âm Việt: Nha Tranh, (đập) Nha Trinh, tên mới là Mỹ Nghiệp) là tên làng duy nhất hiện nay của người Chăm có mặt trên bia kí Champa cổ. Truyền thuyết kể rằng, ông bà Chakling đã già nhưng không có con. Một hôm ông bà đi xuống biển mò ốc thì chợt nghe tiếng trẻ thơ khóc giữa bọt nước. Chạy đến, ông bà thấy một bé gái, mừng rỡ khôn xiết. Ông bà bế cháu về nhà nuôi, hết lòng nâng niu chiều chuộng. Lớn lên cô gái theo ông lên rừng chặt rào, vô tình uống phải mạch nước thần trong hốc đá thiêng rồi mang thai và sinh ra Ja Kataul.
Ja Kataul sáng trí nhưng suốt thời niên thiếu đã phải mang ghẻ lác đầy mình. Trưa nọ, qua một chuyến đi buôn trầu mệt mỏi, đang ngủ say dưới gốc cây, một con rồng đến liếm sạch ghẻ lác khắp châu thân biến chàng trai thành một thanh niên khôi ngô, tuấn tú. Sau đó là các chiến tích lẫy lừng của chàng với các quần thần trong triều hay sứ thần Trung Quốc. Dân chúng tôn ngài lên ngôi vua. Tên tuổi của ngài luôn gắn liền với các công trình to lớn: đập Nha Trinh, mương Cái, tháp Po Klaung Girai… cùng hàng trăm giai thoại hay truyền thuyết được thêu dệt xung quang sự nghiệp và tính cách vĩ đại của ngài.
Người Chakleng hãnh diện được sống trên mảnh đất văn vật. Song không hiểu vì sao ở đây lại truyền miệng một quan niệm dai dẳng rằng đất này không thể ăn nên làm ra được. Dù Mỹ Nghiệp rất ít đất rẫy, còn đất ruộng bình quân dưới 500m2 đầu người nhưng dẫu sao làng còn có nghề thủ công hay thâm canh cây nho. Tôi đem chuyện này hỏi ông Lâm Gia Tịnh – một trí thức đồng thời là già làng – và được ông giải thích khá mơ hồ rằng có lẽ nó chỉ dành ưu tiên phát triển về mặt trí tuệ chăng.
Quả thế, ở lĩnh vực này, có thể Chakleng đứng hàng đầu. Với 80 người qua đại học và Trung học chuyên nghiệp trên 4000 dân chiếm vị trí đầu bảng trong các plây Chăm. Vả lại, mặt bằng trí thức ở đây cũng rất đồng đều, tỷ lệ người biết chữ khá cao: 40%, còn người mù chữ (phổ thông) rất thấp: 3%. Thế hệ này tiếp nối thế hệ kia, chiến sĩ văn hóa luôn xuất hiện, trong đó thầy Quãng Đại Hồng được tôn vinh như một gru với một tâm huyết hiếm có. Có thể nói, hầu hết trí thức Chakleng đều qua lớp của thầy từ khi trường được thành lập năm 1960 với vỏn vẹn 2 lớp.
Khi tôi đến Chakleng, thầy đã mất hơn 4 năm – thầy mất như một chiến sĩ ngã xuống trên mặt trận văn hóa. 62 tuổi, có sức khỏe của một thanh niên, 10 giờ tối, thầy vừa xong lớp dạy xóa tái mù để về căn lều nằm trong khu đất cách đó một cây số. Thắp đèn cầy tính tiếp tục soạn bài, vô ý (thầy vốn là người rất cẩn thận) thầy đánh ngã đèn để lửa bốc cháy bình xăng. Thầy bị phỏng nặng và mất hai ngày sau đó ở bệnh viện.
Anh Dương Tấn Ngọc, giám đốc thủy nông Ninh Phước, thuộc thế hệ học trò đầu tiên của thầy – kể với tôi rằng đám tang thầy tất cả học trò của thầy từ các plây thuộc mọi lứa tuổi cùng đến tham dự. Họ ngâm đọc các bài thơ do thầy sáng tác, kể các giai thoại về thầy… Đám tang không rình rang nhưng diễn ra trong không khí thâm tình, ấm áp. Đó là điều hiếm có, anh Ngọc nói vậy.
Buổi tối, không khí nông thôn sớm trở lại yên tĩnh dù xóm plây đã có điện. Chỉ còn tiếng dao dệt lách cách vang lên từ những căn nhà. Chị em chúng tôi làm việc tận mười giờ tối, và bốn giờ sáng cũng đã có người thức dậy tranh thủ dệt – bà Phú Thị Mở cho tôi biết. Bà giới thiệu tôi tìm đến những bàn tay vàng trong plây: Vạn Thị Thạng, Thị An, Thị Đảnh, Thị Đỡ… Tôi và cháu bé dẫn đường đi dưới bầu trời đầy sao. Cái nắng oi bức của buổi chiều đã tan nhanh nhường chỗ cho cái mát dịu của làn gió nhẹ từ biển thổi tới.
Sự hiếu khách của người Chăm thì không chê vào đâu được.
Twai tamư paga yơu ba mưda tamư sang
Khách bước qua rào như mang cái giàu vô nha.
Và người Chăm quan niệm cái giàu không chỉ ở của cải, lúa gạo, mà còn giàu về tình nghĩa, giàu phúc đức.
Các mẹ nay mắt đã mờ, không nhận ra tôi. Mãi tôi bập bẹ vài câu tiếng Chăm học lỏm ngày xưa, mé mới à ra một tiếng: Đúng thằng Khang rồi, cái giọng con thì làm sao mé có thể quên. Thế là bánh trái được mang ra – mé làm như tôi có mười cái miệng không bằng! Dẫu sao tôi cũng tranh thủ ăn, tranh thủ biếu cụ ông gói trà. Để kịp tìm đến người tôi cần nhất – chị Thuận Thị Trụ, chủ Cơ sở dệt thổ cẩm Inrahani đang có trong tay 150 công nhân.
Về người dệt truyền thống của người Chăm và Cơ sở dệt này, thông tin đại chúng trong nước đã đưa tin khá nhiều. Riêng chị Thuận thị Trụ tôi cũng đã có dịp phỏng vấn trong buổi biểu diễn thời trang thổ cẩm của Minh Hạnh vào tháng mười một năm ngoái. Hôm nay, tôi muốn tìm hiểu phương thức tổ chức sản xuất – kinh doanh của một phụ nữ người Chăm có một cuộc đời khá sôi động này. Được biết rằng, xưa kia chỉ là một cô gái nhà quê thất học, khá xinh đẹp và giọng hát hay. Một thời chị đã theo Fulrro, từng lưu lạc 5 năm ở Campuchia, Pháp rồi trở về công tác trong ngành giáo dục suốt 15 năm. Năm 1992 từ bàn tay trắng, chị đã gây dựng được một Cơ sở dệt thổ cẩm duy nhất có giấy phép sản xuất – kinh doanh do Ủy ban nhân dân Huyện cấp. Chị đã tạo công ăn việc làm cho hàng trăm chị em nghèo đồng bào dân tộc. Từ Cơ sở Inrahani, hàng dệt thổ cẩm Chakleng tỏa đi khắp mọi miền đất nước, trong đó không ít đã được xuất đi nước ngoài. Khi tôi hỏi đâu là bí quyết thành công của mình, chị khiêm tốn trả lời rằng thật ra chẳng có bí quyết gì đâu. Hầu hết chị em Chăm ở Mỹ Nghiệp biết dệt, là nguồn lao động rất lớn. Đất nước mở cửa tạo cơ hôi cho người nước ngoài vào Việt Nam, đó cũng là một yếu tố quan trọng. Yêu cầu lúc này cần một người giỏi tổ chức, và em thấy mình có khả năng đó – chị nói và mỉm cười.
Rồi từ 5 thợ, lên 10 thợ, Inrahani phát triển liên tục. Với 36 hoa văn nền, trong đó có những hoa văn yêu cầu kĩ thuật cao như: tuk pataih, tuk kamang, mankam… chị cách điệu ra hơn 50 hoa văn mới. Hoa văn thổ cẩm Chăm đặc sắc và phong phú, nhưng tựu trung chúng dựa trên hai lối cấu tạo chính: hoa văn kỉ hà và bắt chước hình động , thực vật. Các tên gọi của chúng: tuk kachak (thằn lằn) tamul (mặt võng), tuk kamang (bông hạt nổ)… đủ nói lên đặc tính ấy. Nhưng ở đây người Chăm không còn sao chép thiên nhiên đơn thuần mà đã tinh chế chúng nhuần nhị đầy sáng tạo. Có thể nói, họ đã vượt qua giai đoạn tượng hình để vươn lên giai đoạn tượng nghĩa. Vị vậy, qua trang phục của các vị chức sắc trong các dịp lễ hội, bạn có thể phân biệt được tập cấp hay địa vị tôn giáo của người đó.
Chị Trụ đưa tôi xem tập Album của Cơ sở. Chị nói: xưa nay người Chakleng sản xuất mang tính cách gia đình. Hàng dệt chỉ đem bán cho đồng bào ở Tây Nguyên, số còn lại dùng cho phong tập tập quán. Riêng chị, từ các sản phẩm thô, chị chế biến thành hàng trăm mẫu mã các loại, thích hợp với thị hiếu khách hàng đủ thành phần, đủ quốc tịch.
Có trực tiếp với nghệ nhân, thợ dệt, mới thấy hết phương thức tổ chức đa dạng của chị. Từ làm việc trực tiếp tại xưởng đến nhận nguyên liệu về nhà gia công, từ việc làm tính công nhật đến khoán sản phẩm hay mua thành sản xuất ở ngoài, tất cả đều được đưa vào quy củ, nề nếp.
Khung dệt của người Chăm có hai loại: danưng aban dệt các dạng tấm và danưng dalah dệt dạng dây. Tùy kích cỡ hay hoa văn, một tấm có thể được dệt từ một đến bốn ngày. Thợ dệt phải chịu đựng các thế ngồi không được thoải mái cho lắm, nhất là khung aban. Nên việc cải tiến khung dệt để tăng năng xuất lao động cũng nằm trong phương án của Cơ sở. Chị Trụ đi nhiều, từng nghiên cứu các khung dệt của các dân tộc anh em ở Tây Nguyên hay phía Bắc. Biết đâu với lối nghĩ và lối làm táo bạo của mình, chị Trụ có thể thay đổi khuôn mặt nghề thổ cẩm đồng thời cả sinh hoạt của chị em Chakleng. Hy vọng lắm thay!
Và trong thực tế, cuộc sống của bà con Chakleng đang đổi thay. Đời sống không còn lệ thuộc vào cái ruộng nương, cái nắng hạn, cái lũ lụt. Nếu đàn ông bám chặt vào giàn nho thì phụ nữ bám chặt vào khung cửi. Rồi từ thành quả lao động họ chắt chiu nuôi con ăn học thành tài. Từ đó nhân tài Chakleng chi viện cho các làng plây khác.
Hôm nay plây Chakleng đang mọc lên những mái ngói mới, những giàn ăng–ten mới, đang tiếp nhận những luồng ánh sáng mới; song không vì thế mà Chakleng sa ngã vào thứ văn hóa tốc độ chủ vật chất của ngày hôm nay. Ở đây tuyệt đối không có hiện tượng ăn xin, cướp giật, hối lộ, đĩ điếm.
Không đáng kiêu hãnh ư?
Khi plây Chakleng mang đậm đà bản sắc dân tộc với những phong tục truyền thống, chữ nghĩa sách vở cổ nhân với nếp sinh hoạt gần như là thủ cựu (có một trí thức ở đây nói đùa là dân Chakleng khá nhát gan nên chẳng có ai dám làm sĩ quan để có thể đi HO, không có mống nào dám vượt biên để có thể làm Chàm kiều!); nhưng không vì thế mà Chakleng mang đầu óc dân tộc hẹp hòi. Biết Chakleng từ 30 năm nay, tôi chưa một lần nghe xảy ra xung đột Chăm – Việt dù là xung đột mang tính cá thể, trên mảnh đất văn vật này.
Mặt trời ở Phan Rang dậy thật sớm. Ở Chakleng như càng sớm hơn. Sinh hoạt một ngày mới đã bắt đầu. Tôi giã từ Chakleng với những vòng tay ôm, bàn tay bắt, lời hẹn tái ngộ chân thành tha thiết.
Núi Xám, cuối 7.1996