Khắc Dũng: Đi là trở về

(về Inrasara và Tagalau)

Trên thi đàn, cái tên Inrasara (hay Sara như anh thường tự gọi) đã trở nên quá quen thuộc, đặc biệt là sau sự kiện vừa mới đây – cuối tháng 10 -, anh đã bay sang Thái Lan nhận Giải thưởng Văn học khu vực Đông Nam Á với tập thơ Lễ tẩy trần tháng Tư. Cuối năm, anh vừa “ghé chơi” Đà Lạt, và tôi đã gặp anh – nhà thơ người dân tộc thiểu số đầu tiên của Việt Nam được trao giải thưởng này.

*
Lễ tẩy trần tháng Tư được in bằng hai thứ tiếng Việt và Anh. Cuốn sách khá trang nhã. Tôi lần giở những trang đầu cuốn sách anh ký tặng, và đọc:

Tôi,
đứa con của ngọn gió lang thang cánh đồng miền Trung nhỏ hẹp
đứa con của nắng lửa bốn mùa cát trắng hanh hao
đứa con của biển khơi trùng trùng bão thét
và của đôi mắt tháp Chàm mất ngủ xanh xao

(“Đứa con của đất”)
Hay nói rõ hơn, “đứa con của đất” ấy đã được sinh ra 48 năm trước ở miền nắng gió Phan Rang thuộc tỉnh Ninh Thuận.
Inrasara làm thơ từ năm 15 tuổi nhưng không gửi đăng ở bất kỳ tờ báo nào, mãi đến hơn 20 năm sau mới cho ra mắt tập thơ đầu tay: Tháp nắng. Và ngay lập tức, tác phẩm Tháp nắng của anh được Hội Nhà văn Việt Nam trao giải thưởng (1997). Rồi sau đó, liên tiếp những tập thơ của anh ra đời: Sinh nhật cây xương rồng (1997), Hành hương em (1999) .. đến Inrasara-Thơ (2003). Ở lĩnh vực nghiên cứu văn hóa Chăm, chỉ từ 1995 đến 2003, anh đã có 3 công trình tầm cỡ: Văn học Chăm – khái luận, văn tuyển (3 tập, 1995), Văn hóa – xã hội Chăm, nghiên cứu và đối thoại (2003), và Tự học tiếng Chăm (2003). Đó là chưa kể các công trình đã ra đời trong thời gian gần đây hoặc sắp ra đời (đã cơ bản hoàn thành bản thảo) như Tagalau (chủ biên), tuyển tập sáng tác – sưu tầm – nghiên cứu. Văn học Chăm (10 tập, khoảng 5.000 trang, sắp xuất bản)… Ấy thế mà khi nói về con đường học hành của mình, Inrasara chỉ khái quát cho tôi chỉ vài dòng ngắn gọn:
“Văn hóa 12/12. Năm 1977, sinh viên Đại học sư phạm Tp.HCM, nghỉ giữa chừng. Từ 1982-86 làm việc tại Ban Biên soạn sách chữ Chăm tỉnh Ninh Thuận. Từ 1992-98 làm công tác nghiên cứu tại Trường Đại học KHXH&NV Tp.HCM.

Mấy câu mở đầu tập Lễ tẩy trần tháng Tư thay cho lời bạt giống như một tuyên ngôn:

…Buổi sáng – rất sảng khoái, tôi ra sông Lu
gánh theo đầu kia 41 inư Cham KCT,
đầu này nhúm chữ cái Latinh ABC
nhận đầu chúng xuống nước bắt tắm gội từng đứa một
và tôi vui vẻ tắm với chúng
.

Anh kể: “Bố tôi là một người yêu văn chương Chăm cổ. Nhờ thế, khi còn rất nhỏ, tôi đã thuộc nằm lòng hàng trăm câu ariya nhờ những đêm trăng bố tôi thường ngồi trước nhà ngâm ngợi. Rồi bắt đầu tập ngâm ngợi Pauh Catwai, Glơng Anak… – những bài thơ cổ, những điệu hát cổ của người Chăm…”. Cái chữ người Chăm, văn hóa Chăm, văn chương Chăm, ngôn ngữ Chăm quyện trong Inrasara từ lúc còn trong bụng mẹ. Và anh yêu. Và để có một “Buổi sáng – rất sảng khoái…” như thế anh đến với thơ:

Câu thơ đầu đời tôi kẻ bằng que diêm lên vòm cát
cây xương rồng nói với tôi nỗi vô thường của dấu chân qua
nói với tôi về ký ức xanh đứa con đánh mất nơi phương xa
về vết cắt sâu đang làm mưng mủ
nói với tôi về một thời không quên dù không gợi nhớ
.
(Sinh nhật cây xương rồng)
Và cứ thế, thơ anh cất lên những ngọn nguồn Chăm: Đó là những “Tháp nắng”, “Tháp hoang”, “Tháp Chàm muôn mặt”, “Apsara – vũ nữ Chàm”, “Ngụ ngôn của Đất”, “Đêm Chàm”, “Dấu chân trầm”, “Tiếng trống Ginơng”, “Ẩn ngữ Pauh Catwai”… Chỉ riêng những cung bậc “tháp” trong thơ của Inrasara cũng đã nói lên rất nhiều điều:

Biết mấy trăm năm rồi tháp đứng
Biển bên kia và cát bên này
Biển mấy vạn đời rồi tháp nắng
Trên đồi hoang / như dấu lặng / phơi bày

(Tháp nắng)
Tháp hoang / như thình lình mọc lên từ đất
lông lá – âm u – dọa nạt
…Tháp hoang / người bỏ rơi – lịch sử bỏ quên
bước chân thời gian thì nhớ…

hoặc như:
Người không có học thấy tháp là tháp
người có học thấy tháp vẫn là tháp
thi sĩ thấy tháp là chim
Đôi khi tháp nhớ nàng Apsara
tháp mong thần Shiva thăm hỏi
họ phố cả rồi
tháp thì ở lại
.
(Lễ tẩy trần tháng Tư)
Trong những bài thơ khác, giai điệu “tháp” của Inrasara cũng rất lạ lẫm và đẹp u huyền:

Tôi đốt lên hàng đống chữ / dưới tàn tro / bươi lấy vài lời…
Ơi tháp!?hai mươi năm tha hương
bề sau trang thơ tôi vẫn còn lãng đãng / số phận người

Hoặc như: “Những kẻ vắt kiệt mình cho vang vang đời tháp / Ra đi mang theo niềm bí mật buồn…/ Những kẻ không lời ra đi còn ngoái lại trông / Gió thổi vào khoảng không họ bỏ lại…/ Gió cứ thổi vào khoảng vô danh u tối / Thổi vào miền lặng im ám cái nhìn ngoái lại hưa một lần chớp tự nghìn năm qua…” (“Cái nhìn ngoái lại”).

Và đến trường ca Lễ tẩy trần tháng Tư, Inrasara như mọc lên từ đất của “xứ sở” để ngợi ca bằng đôi cánh của chữ nghĩa: “…Bên kia, về phía bên kia nơi bờ sông quê hương / Tháng Tư đang lễ tẩy trần / Làm sao em song hành cùng tôi về đứng bờ sông đêm nay? / Trong đau hoan lạc / Hát vang bài tụng ca của nước…
Cũng ở trong trường ca này, Inrasara như đang đếm lòng mình: “…Bởi không thể sống mà không tạ ơn / Tạ ơn trang giấy trắng, tạ ơn dòng thơ cuối cùng chưa viết / Glơng Anak trăm câu – luận hai trăm năm chưa hết / Vẫn còn đứa con Chăm chăm sóc ngôn ngữ Chăm / Lá vàng biết rụng đi cho cây dậy mầm xanh / Tạ ơn không gian vô cùng, thời gian bất tuyệt / Dẫu không là cái đinh gì cả – tôi vẫn cần thiết có mặt / Vậy nhé – tôi xin tạ ơn TÔI”. Và đọc đến “Lễ tẩy trần tháng Tư” (tên bài thơ cũng là tên trường ca và tên của cả tập thơ), tôi nhận ra rằng “đứa con của đất” bên dòng sông Lu – Inrasara – dẫu có vài chục năm rồi bỏ ngôi làng của mình vì cuộc mưu sinh thì vẫn luôn chôn chặt đời mình bên bến nuớc xưa:

Nắng đã khởi động trên đồi tháng Tư/khởi động sớm hơn nhiều thế kỷ trước
khi biển còn chưa thức giấc
sớm hơn cả ký ức thầy chủ lễ già…
dựng lên kajang cuộc lễ
nắng vồ chụp cả khăn mưtham bà vũ nữ
bay qua 365 ngày tẩm nhiễm nỗi trần gian…
Lửa đã đỏ
đỏ hoa lựu mua ngoài chợ hôm qua đỏ hoa phượng vừa hái
đỏ nắng hạ
đỏ màu áo Ông đỏ
lửa đã đỏ vào mọi ngõ ngách mọi tâm hồn chờ đợi
nến được đốt lên nhiều ngọn nến cháy lên giữa trưa ngày
trước cửa kajang kia – lửa đã đỏ.
.

*
Và bất ngờ, mới đây tôi nhận cùng lúc 3 tác phẩm của Inrasara. Trong 3 tác phẩm này, tôi muốn nhấn mạnh đến Tagalau.
Tagalau là tuyển tập sáng tác – sưu tầm – nghiên cứu Chăm, ra đời được 8 số trong vòng 7 năm qua và được dư luận đánh gá khá cao. Trong “7 năm 8 tập ấy”, Tagalau đã huy động được 130 cây viết trên khắp đất nước. Bên cạnh một số trí thức Chăm như: Nguyễn Văn Tỷ, Trà Vigia, Sử Văn Ngọc, Thuận Văn Liêm, Trầm Ngọc Lan, Phutra Noroya,…Tagalau còn có sự góp mặt của nhiều tên tuổi sáng giá: Nông Quốc Chấn, Lò Ngân Sủn, Bùi Khánh Thế, Phan Đăng Nhật, Nguyễn Phạm Hùng, Linh Nga Niêkdam, …
Về tên gọi, Tagalau là cây bằng lăng hoa tím, mọc nhiều ở miền núi Ninh Thuận và Bình Thuận. Nhà thơ Inrasara cho biết: “Sở dĩ chúng tôi chọn tên này bởi nó biểu trưng cho tính dân dã, sức chịu đựng, sự khiêm tốn, và nhất là tinh thần cống hiến: nỗ lực nở hoa dù phải mọc trên mảnh đất nghèo cằn”. Số đầu tiên ra mắt vào mùa Katê năm 2000. Đây là đặc san duy nhất của riêng dân tộc thiểu số ở Việt Nam ra được 8 kì. Chủ trương của BBT là: “dành nửa phần cho sáng tác, nửa cho nghiên cứu – sưu tầm”. Ở mảng sáng tác, có đến 4/5 được viết bằng tiếng phổ thông (bởi người Chăm hôm nay tiếp nhận văn chương qua tiếng Việt là chính). Ở mảng sưu tầm, điểm nổi bật là mỗi số, Tagalau giới thiệu tới người đọc một Ariya Chăm hoặc một chùm ca dao nguyên tác và bản tiếng Việt, bên cạnh là bài nhận định. Về nghiên cứu mỗi số có một đến hai bài về vấn đề văn chương hay xã hội Chăm.
Theo chủ biên Inrasara, thì ở Tagalau các nét tiêu biểu của văn hóa dân tộc – cả truyền thống lẫn hiện đại – đều được giới thiệu. ví dụ qua 8 số, Tagalau đã in được nhiều tác phẩm có giá trị (bản tiếng Việt và nguyên tác tiếng Chăm) như: Ariya Bini – Cam, Ariya Xah Pakei, Ariya Nau Ikak, Ariya Muk Thruh Palei,…cùng các bài viết mang tính nghiên cứu: “Để hiểu văn chương Chăm” (Inrasara), “Bài học đầu tiên – cảm nhận về Muk Thruh Palei” (Guga),…Bên cạnh là những tiểu luận mang tính lí luận: “Nhập môn triết học Chăm”, “Dấu ấn thiền và sự khải ngộ trong thi ca Chăm” (Guga), “Làm thế nào nói tiếng Chăm?”, “Chăm Panduranga ở Tp.Hồ Chí Minh” (Inrasara), “Thực trạng xã hội Chăm – Một số giải pháp chính”, “Giáo dục – đào tạo và sự phát triển kinh tế – văn hoá – xã hội vùng dân tộc Chăm” (Nguyễn Văn Tỷ).
Ở tuyển tập mới nhất – Tagalau 8 – chúng ta vừa bắt gặp các khuôn mặt quen thuộc: Trà Vigia, Jaya Hamu Tanran, Bá Minh Trí, Jalau Anưk,… lẫn khuốn mặt văn thơ mới nhập làng Tagalau: Niê Thanh Mai, Chế Mĩ Lan, Châu Văn Đỉnh,…với các trang viết gái trị.
Sau 8 số, Tagalau đã tạo được sân chơi cho các thế hệ cầm bút và thực sự là chiếc cầu nối dành cho vòng tay bạn bè bốn phương. Đồng thời, cùng với việc phác thảo chân dung văn hóa dân tộc Chăm, Tagalau cũng đã phác hiện được nhiều gương mặt mới của văn chương Chăm với kì vọng những gương mặt ấy sẽ được bổ sung cho văn học Việt Nam trong tương lai.

*
Về con người khá đặc biệt này, hẳn còn nhiều cái để nói, để viết. Nhưng “chốt” lại là vấn đề, có thể nói như Sara nói về chính bản thân mình:

Con là Chăm ngay ban đầu vỡ tiếng khóc
(Và còn hơn thế: Chín tháng mười ngày trước khi vỡ tiếng khóc)
Khi con cắm rễ nơi đây
Hay khi con lang bạt đến tận cùng trời
Con cứ là Chăm, cả lúc con cháy lên cùng ngọn lửa cuối đời
.
(“Ngụ ngôn mới”)
Đó là một sự trở về – trở về trong lễ tẩy trần sau “365 ngày tẩm nhiễm nỗi trần gian” để được nhìn “Nắng đã khởi động trên đồi tháng Tư” và để được tinh tươm. Và như thế, Inrasara“đi” để mà “trở về”.

*
Báo Lâm Đồng, số Xuân 2006; Đặc san Đà Lạt trẻ, số04.2007

2 thoughts on “Khắc Dũng: Đi là trở về

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *