Văn xuôi 07: Ấn tượng Ramưwan

Văn Lâm (tên là Rơm: gò) là một làng Chăm thuộc tỉnh Ninh Thuận, nằm cạnh đường quốc lộ số Một, cách thị xã Phan Rang 10 km về hướng Nam. Đây là làng gồm toàn người Chăm sống xen cư và hòa đồng với các làng người Việt từ gần 200 năm nay.
Xưa kia vào thời Tây Sơn, Văn Lâm tọa lạc ở miền duyên hải cách chỗ ở hiện tại khoảng 20 km đường chim bay. Nơi đây còn lưu lại một ghur yaw (nghĩa trang cổ) mà đến bây giờ người Chăm theo tín ngưỡng này vẫn còn thờ phụng.
Lẽ ra Ramưwan (Ramadan: tháng 9 Hồi lịch, thường được xem là Tết Chăm Bàni – Cam Awal) năm nay trùng hợp với Tết nguyên đán. Nhưng vì âm lịch nhuận nên phải tới ngày mãn chay, nghĩa là một tháng sau mới nhằm vào ngày 30 tết (18.2.1996). Đây là sự kiện phải 36 năm mới lặp lại một lần.
Để chuẩn bị cho Ramưwan, người Chăm Bàni làm lễ tảo mộ trước ngày chính thức từ hai đến năm ngày, tùy nghĩa trang xa hay gần.

Ghur Rơm thuộc bốn họ lớn, ngày xưa nằm gỏn lọn trong một khoảng rừng thưa, một bên là núi Chà Bang, bên kia là biển với bãi cát vàng trải dài. Xưa kia không còn ai nhớ là bao giờ, khu nghĩa trang nằm xích về phía biển hơn, cạnh làng Sơn Hải là một làng của người Việt hiện nay. Khi người Việt qua định cư, dân Văn Lâm phải dời ghur lên, để giữ sự thiêng liêng cần thiết với một chốn như thế này.

Khi chúng tôi – năm người gồm cả sinh viên Việt Nam lẫn nước ngoài – đến nơi thì mặt trời đã lên cao. Lác đác có vài nhóm người đi lên rồi đi xuống. Nghĩa trang Bàni chỉ là mặt đất phẳng với ba hòn đá trơn cho mỗi mộ phần. Chúng nằm san sát nhau và chiếm một khoảng không gian rất hẹp. Khu mộ dòng họ này chỉ cách dòng họ kia từ năm đến mười bước. Nên một sào đất có thể chứa được cả ngàn mộ phần. Hãy dành đất cho người sống! Có phải thế chăng mà tổ tiên Chăm đã có sự tiết kiệm như vậy?
Ở khía cạnh này, người Chăm Bàlamôn (Cam Ahier) còn đẩy sự tiết kiệm đất đến độ quyết liệt hơn nữa. Kut (nghĩa trang tộc họ) với chưa tới nửa mẫu đất cũng có thể cưu mang cả vạn, thậm chí cả triệu hài cốt người quá cố, nếu dòng họ không vì lí do nào đó mà tàn mạt, mất đi người phụ nữ cuối cùng của mình.

Cũng theo chế độ mẫu hệ, nhưng khác với người Chăm Bàni là một làng chỉ có ghur; kut của người Chăm Bàlamôn là khu vực dành cho một dòng họ mẹ. Trong lễ hỏa thiêu, 9 miếng xương trán của người quá cố được cất trong một cái klaung (chiếc lọ có nắp đậy, bằng đồng hay gốm có dung tích khoảng 1,2dm3) và được mang gởi tạm ở một nơi kín đáo dưới dốc cây hay hốc đá ngoài rừng. Đến 10 hoặc 20 năm sau, người ta tập hợp các klaung này lại để làm lễ nhập kut. Diện tích thực tế chứa tất cả các klaung của hàng trăm thế hệ cũng chỉ 10m2! Một sự bình đẳng đau sót nhưng thật tuyệt vời! Quan quân hay thường dân, quí tộc hay dân dã. Chỉ có các vị vua có công lớn mới được xây tháp để thờ, như một Ppo Klaung Girai hay Ppo Rome… Chỉ có các vị tướng tài mới được dựng danauk, như một Ppo Klaung Haluw ở Hữu Đức – Ninh Thuận. Còn lại tất cả đều bình đẳng và hòa đồng ở thế giới bên kia. Không tuổi tên, không chức vị. Dù ông có đi xa đến đâu, có làm đến ông này ông nọ, cuối cùng ông cũng phải trở về an cư nơi đó. Ông trở thành muk kei (tổ tiên) cho con cháu cung kính, thờ phụng. Họ còn thì ông còn. Ông, con người vô danh đã góp công tạo hơi thở cho miếng đất này, mảnh làng này, dòng họ này tồn tại và phát triển.

Đã qua một tháng khô hạn nên không có một bụi cỏ nào mọc để phải giẫy. Người ta chỉ dọn đi mấy lớp lá rừng khô và phả lại mặt cát cho bằng. Lễ bái cũng được thực hiện khá nhanh – chưa đầy 15 phút cho một cuộc lễ. Cấp acar (giáo sĩ Bàni) đọc kinh và con cháu quì lại, cầu khấn. Thành kính và lặng lẽ.

Nhóm này đứng lên rồi nhóm kia tiếp tục. Cứ thế, hơn 50 chi họ ở bảy làng Chăm Bàni Ninh Thuận qua làm lễ. Có làng ở xa 30-40km. Họ đi bằng các phường tiện hiện đại. Không có năm nào, không có một dòng họ nào bỏ quên ngày trọng đại này.

Thử tưởng tượng trở lại thời xưa, 100 trở về trước, cũng khoảng cách này, ông bà ta đã phải băng qua đường rừng với chiếc xe trâu, hoặc lội bộ để tìm về nguồn cội. Nghĩ đến lòng thành kính mà họ dành cho tổ tiên, không thể không thầm cảm phục sự kiên trì thầm lặng ràng buộc Chăm với quá khứ bằng một sợi dây vô hình nhưng bền chặt.
Ông Imưm Cở – một chức sắc cao trong hàng giáo phẩm Bàni Văn Lâm – trỏ tay về hướng Tây Nam, nói với chúng tôi:
– Ở phía Nam dãy núi kia cũng có một nghĩa trang cổ nữa. Nhưng từ lâu rồi chẳng có ai qua đó để làm lễ bái, bởi con cháu của dòng họ kia đã không còn.
– Thế ở bên đó ngày xưa có làng Chăm không? Cô sinh viên Nhật tò mò hỏi.
Ông Imưm này hứng khởi giảng giải:
– Bất cứ nơi nào có ghur là có làng Chăm bên cạnh. Hơn một ngàn năm nay, người Chăm từ Hơrơk Kah Dhei (vùng Quảng Bình) chạy vào. Một số tạt qua Cà Đú – Ninh Thuận, nơi có một nghĩa trang lớn, một số dừng lại nơi đây, một bộ phận khác có chiếc tàu lớn hơn chạy vào Phan Rí, vào nam vượt sông La Ngà lên Tây Ninh, Châu Đốc để qua Campuchia…
Tôi nghĩ đấy là cách chắp nối các sự kiện thiếu tính khoa học nhưng đó lại là một lối suy luận dân dã có giá trị nhất định của nó.

Buổi chiều cùng ngày đoàn chúng tôi đi xuống Cwah Patih. Tên làng Thành Tín được gắn liền với một truyện cổ Chăm là Xah Pakei – Mưh Rat (một biến thái khác của nó là trường ca Ariya Xah Pakei khá nổi tiếng). Đây là một trong những làng nghèo của người Chăm. Một phía là đồng ruộng còn lại chỉ là một khoảng rừng thưa với hàng đụn cát trắng không cỏ (nên gọi là Cwah Patih). Cát, nắng và gió. Ngột ngạt và khó thở. Những khóm khẳng khiu, thưa thớt. Nhóm trẻ bụng ỏng phơi trần dưới nắng. Mấy chị đội thúng đi dọc triền mương. Từ đồi xa, vài cô gái gánh củi hối hả đi về làng. Ngày mai, gánh củi kia được đưa xuống thị xã Phan Rang, nằm cách làng 5 cây số. Lũ dê đàn bò kiên trì gặm cỏ khô…
Vẫn cảnh ấy từ ngàn năm qua. Thời gian như đứng lại và ánh sáng văn minh như không chịu len lỏi tới xó xỉnh này, ít ra là với đại bộ phận dân làng. Không ít người hiểu biết đã trách họ và tự trách mình sao không chịu dời đi vùng đất mới, mầu mỡ hơn, dễ thở hơn? Khi ở đây họ phải chịu đựng bụi và cát. Xa rừng, xa biển để có thể cậy nhờ bà mẹ thiên nhiên.”Khẩu phần tăng mà ruộng đất thì teo”. Trong khi họ không được nuôi heo là nguồn phụ thu quan trọng như các người Chăm Bàlamôn.
Nhưng làm sao họ có thể bỏ ghur mà đi? Nỡ nào họ tự cắt đứt cuống rốn dưỡng nuôi tâm linh họ? Thiên tai, địch họa. Bao lần họ chạy đi rồi lại trở về. Khổ đau, hao mất. Rồi lại bỏ đi. Nhưng không bao giờ rời đi vĩnh viễn. Tinh thần ghur là vậy!
Có lẽ đây là làng có khu nghĩa trang tầm cỡ nhất. Từng dãy, từng dãy hòn đá xếp hàng thẳng tắp nằm trên một bãi cát trắng. Cảnh tượng đẹp mắt đầy linh thánh. Phía đông và phía nam là những đụn cát trắng tạo cho khung cảnh vừa trang nghiêm vừa thơ mộng.
Các cô cậu học viên của tôi lia lịa bấm máy. Một cậu còn đi tìm “người mẫu” cho bức ảnh nghệ thuật vào buổi tảo mộ sáng mai.

Buổi tối, chúng tôi cuốc bộ qua làng Tuấn Tú. Mặt cát đã trở lạnh, kêu lạo xạo dưới bước chân những người khách lạ. Chúng tôi bước lặng lẽ. Anh sinh viên người Nga tụt lại phía sau. Đột ngột anh reo lớn:
– Em chưa bao giờ thấy trời đầy sao đến thế!
Chúng tôi đứng lại đợi anh. Tôi nói:
– Đấy mới là tháng Ba. Nếu em đến vào giữa hè, bầu trời trong hơn, sao sẽ sáng hơn và nhiều gấp bội phần.
Dưới ánh sao đêm, khu nghĩa trang Tuấn Tú hiện lên mờ nhạt trước mắt chúng tôi.
Trong các làng Chăm Ninh Thuận Tuấn Tú là làng nằm gần bờ biển hơn cả. Nhưng dân làng không sống bằng nghề đi biển mà phải lặn lội với ruộng nương xâm canh nơi làng khác. Tàu đánh cá hay lực lượng thủy quân Champa hùng mạnh xưa kia chỉ còn trong hoài niệm. Người ta nghĩ rằng đó là do quan quân thời Minh Mạng đã cho dời dân Chăm vào sâu trong đất liền để người phương Tây không dễ tiếp xúc; cấm người Chăm đóng thuyền để họ không có cơ hội bỏ làng xóm ra đi.
Một cụ già tuổi quá cổ lai hy lại nghĩ khác:
– Xưa nay chúng tôi ở đây và mãi mãi sẽ không bao giờ dời đi đâu cả. Dân quá nghèo thì làm gì đóng nổi thuyền để đánh bắt cá hay vượt biển. Còn các palei khác muốn sống cạnh núi là để dễ biến vào rừng khi có giặc giã thôi…
Chúng tôi ghi nhận và tôn trọng ý kiến của cụ. Rồi cụ kể cho chúng tôi nghe về lịch sử hình thành làng, các biến cố, các nhân vật… Chúng tôi như sống trở lại với cụ trong không khí cổ tích thời thơ dại, xa, rất xa xưa.

Sáng hôm sau, trong các nhóm đi tảo mộ, chúng tôi còn thấy cả người Chăm Islam nữa. Dễ hiểu thôi: ở Ninh Thuận, bộ phận người Chăm chỉ theo tôn giáo Islam từ thập niên 60 mươi của thế kỉ này, mà lại rút tín đồ từ ba làng Chăm Bàni là Phước Nhơn, An Nhơn và Văn Lâm. Như thế, ông cha họ chính là người Bàni, cùng máu mủ, cùng dòng tộc. Và không quên nguồn cội – Chăm Islam cũng lễ phần mộ của các bậc sinh thành.

Vào tối Thầy Chan vô thánh đường chay tịnh, từng đoàn thiếu nữ với màu áo sặc sỡ đội mâm bánh trái đi dâng lễ. Các thiếu nữ Chăm với nước da bánh mật, lông mi dày và cong, cái nhìn sắc ngọt dưới ánh đèn điện sáng trưng đã tạo cho đêm Ramưwan sự rạo rực và vẻ huyền bí lạ lùng. Như là một sự giao thoa giữa nét cổ điển và hiện đại đầy ấn tượng.
Được biết rằng, trong kỳ chay tịnh suốt một tháng ròng, các vị Thầy Chan Bàni cũng được người Chăm Bàlamôn đội ciet bánh trái sang cúng dường. Đây không chỉ là cử chỉ thân thiện như một “phép lịch sự” của hai tôn giáo chính của dân tộc mà còn là một nét văn hóa đáng trang trọng. Chắc chắn trong lịch sử đã có cuộc xung đột gay gắt trong giai đoạn Hồi giáo xâm nhập vào Vương quốc Champa Bàlamôn giáo đang ngự trị. Nhưng khi Ppo Rome (1627-1651) lên ngôi vua – theo truyền thuyết –, ngài đã biết cách hóa giải mâu thuẫn này, tầng lớp giáo sĩ mới được hình thành Haluw janưng ahier – awal gồm: Mưdwơn, Pajuw… phục vụ cho cả hai bên. Bởi vậy có những lễ cúng mà tín đồ Bàlamôn phải mời Thầy Chan về chủ tế. Cũng không ít lễ hội lớn, cả cấp Acar và cấp Paxeh cùng phối hợp hành lễ.
Và hành vi cúng dường chỉ là một trong những ngàn hệ quả của cuộc hòa giải-hòa hợp sáng suốt của vị vua này.
Người Chăm nghĩ đó không chỉ là cử chỉ tạo sự hòa hợp tôn giáo mà nó còn mang một ý nghĩa tượng trưng cao cả. Đó là sự hòa hợp âm – dương (Bàni = đàn bà= âm, Bàlamôn = đàn ông = dương) qua một khía cạnh khác của cuộc sống trong sự giao hòa chung của vũ trụ. Bài dân ca được trình diễn vào tối văn nghệ hôm đó đã tạo nên sự phấn khích đặc biệt cho sinh viên nước ngoài.
Chăm – Bàni đâu xa
Cùng màu da, chung một dòng máu
Chăm – Bàni đâu khó
Nước chung lọ, cùng hạt cát lồi
Chăm (lấy) Bàni được thôi
Ai rằng chẳng được, tội người ấy mang
.
Giọng hát của cô gái Chăm và tinh thần bài dân ca đã để lại cho tôi những ấn tượng sâu đậm khó quên.

Văn Lâm, mùa Ramưwan, 1997.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *