1. Tôi, thằng Klu nhỏ…
Tôi sinh năm Đinh Dậu tại làng Chăm Caklaing – Ninh Thuận. Một năm đại hạn hán, mẹ tôi nói. Hãy tưởng tượng, vùng đất nắng nóng nhất nước lại chịu thêm hạn. Có lẽ thế chăng mà tôi bị cọc (trong gia đình tôi, cao mét sáu nhăm là cọc). Nhưng may mắn tôi ít bị bệnh vặt. May mắn nữa là sống trong một gia đình nông dân nghèo gồm 6 anh chị em nhưng tôi được học hành liên tục. Đó là một ân huệ lớn mà gia đình đã dành cho tôi. Ân huệ thứ hai là tôi có người cha nông dân mẫu mực: hiền từ, cần cù và ham mê sách cổ nhân. Có lẽ tôi được truyền cái tình yêu này từ người. Chính trong những đêm trăng thơ mộng nơi thôn trang, nhiều lần được nghe người ngâm thơ mà tôi thuộc nằm lòng Ariya Glơng Anak ngay thời tôi mới 5–6 tuổi, khi còn chưa cắp sách đến trường.
Caklaing, làng Chăm duy nhất hôm nay có tên trên bia kí cổ Champa, nghĩa là nó có mặt ít nhất cũng hơn ngàn năm. Một làng chuẩn, theo cách nhìn Chăm:
Cơk mưraung, kraung birak
Núi hướng nam, Sông phía bắc
Những con sông, bao nhiêu là con sông tuổi thơ tôi nhảy giỡn, tắm gội; chúng nuôi nấng, vỗ về tâm hồn tôi; dù hôm nay chúng đã mất đi không còn dấu vết, nhưng tên chúng đã mãi vang vang ở bề đáy tâm thức tôi: Kraung Biuh – Sông Luỹ, Kraung Likuk – Sông Sau, Ribaung Lah – Mương Tháo, Ribaung Kanu – Mương Gò, Ribaung Dhaung – Mương Trũng, Katơng Lamưy – Vũng Lamưi (tên người), Danaw Kaxon – Đầm Kaxôn, Kraung Lakưk (tên cô gái Kinh chết đuối được dùng đặt cho con sông)… Hơn chục con sông, mương, đầm là chi lưu sống hay chết của sông mẹ: Sông Lu. Chúng đã chết. Cùng chết với chúng là Sông Lu được vạch dòng quy hoạch.
Sông Lu với cánh đồng quê tôi
như thần Shiva với thế giới
Shiva sáng tạo và hủy phá
sông Lu làm lũ lụt và bồi phù sa
khi sông Lu được vạch dòng quy hoạch
nó hết làm lũ lụt
cũng lúc thôi bồi phù sa.
(Inrasara, Lễ tẩy trần tháng Tư)
Năm 1969, tôi rời làng và những con sông tuổi thơ lên thị xã Phan Rang để vào trung học. Năm 1976, vào Đại học sư phạm Tp.Hồ Chí Minh, chưa đầy hai năm thì bỏ giảng đường do một vài sự cố riêng tư. Đến năm 1982, tôi được mời về làm việc ở Ban biên soạn sách chữ Chăm – Thuận Hải (cũ), rồi 5 năm sau thôi việc để tập trung cho nghiên cứu. Để đến năm 1992, Trung tâm nghiên cứu Việt Nam – Đông Nam Á thuộc Đại học Tổng hợp Tp.Hồ Chí Minh mời tham gia vào nhóm nghiên cứu văn hóa Chăm. Năm 1998, lại nghỉ việc tại Đại học. Dù sau đó vài nơi mời tôi công tác nhưng tôi muốn được tự do. Cởi bỏ mọi vướng bận cho cuộc hành trình. Vài bạn trách tôi dại dột hay kiêu ngạo. Song, mặc.
Có ai hiểu Sông Lu đang chảy trong tôi?
2. Một cuộc đi dài…
6 năm Trung học, vào những chiều thứ bảy, chủ nhật – thay vì “xuất trại” (kí túc xá Pô-Klong) về quê như các bạn, tôi lang thang đến các làng Chăm khác: Phước Nhơn, Thành Tín, Văn Lâm, Hữu Đức… Bước chân tuổi trẻ tôi rong ruổi trên khắp ngõ hẻm quê hương. Tâm hồn tôi mở ngõ đón nhận những mới lạ, ngạc nhiên tiếp ngạc nhiên: câu hát, giọng nói, phương ngôn, màu áo…
Và cả những con sông. Dù chúng mang tên khác, hình thành từ suối nguồn khác hay chảy vào cửa biển khác nhưng tôi cứ gọi chúng là Sông Lu. Sông Lu với tôi là một biểu trưng. Cuộc đi vô định, gập ghềnh và bấp bênh, nhưng đôi lúc tôi cũng nhìn thấy suối nguồn. “Sông Lu cùng tôi thức đêm nay”, “Sông Lu và tôi”… là các bài thơ được sáng tác vào mùa hè năm 1999, ghi nhận vài cuộc hội ngộ hi hữu đó.
Tôi hồn nhiên tắm trong không khí đời sống Chăm, như thế. Mãi khi gặp thầy Phạm Đăng Phụng, tôi mới chú ý hơn đến ngôn ngữ-văn chương, bắt đầu công cuộc sưu tầm có ý thức hơn, không chỉ để nghiên cứu văn chương cổ nhân mà còn để học tập kinh nghiệm sáng tác của cha ông. Thật ra, thầy Phụng không giúp đỡ gì tôi cả. Thầy chỉ hơi tiếc cho hoàn cảnh của mình: Nghiêm Thẩm, Nguyễn Bạt Tuỵ đã có thành tựu về dân tộc học, ngôn ngữ Chăm. Trong khi thầy đang ngồi trên kho vàng mà không biết, lại đi nghiên cứu Hán Nôm với thiếu thốn mọi bề, nhất là về tư liệu. Tỉnh lẻ đành vậy. Thầy hỏi: tại sao các em không thử đi vào lãnh vực này? Thế thôi….Đến lúc làm sinh viên, tôi đã có một tập thơ sáng tác bằng tiếng Chăm và một bộ sưu tập văn học cổ điển Chăm kha khá rồi.
Rời trường Đại học, tôi lần nữa làm vài cuộc đi dài khắp các làng Chăm ở Ninh Thuận. Vừa sưu tầm văn học dân gian, vừa tìm cảm hứng để sáng tác. Có lẽ đây là khoảng thời gian làm việc và sáng tạo hứng thú nhất của tôi. Sau đó, 5 năm làm việc ở Ban biên soạn sách chữ Chăm, theo dõi thí điểm dạy và học ở các trường tiểu học có con em Chăm học, tôi cũng đã có dịp đi nhiều. Để duyệt lại những gì mình thu nhặt được.
Thôi việc ở Ban biên soạn sách chữ Chăm năm 1986, vừa làm đủ mọi việc: kế toán, dạy học, làm ruộng, thú y, buôn bán… để có cái ăn vừa viết. Đến năm 1992, cơ bản thì bộ sách Văn học Chăm đã hoàn thành. Như vậy, khi được về công tác soạn Từ điển tại Trung tâm, tôi đã có một hồ sơ từ vựng đáng kể; 5 năm ở Ban biên soạn sách chữ Chăm, tôi được học tập rất nhiều từ thế hệ cha anh; khi phiên dịch tác phẩm cổ điển Champa sang tiếng phổ thông, tôi đã tích lũy được nguồn tư liệu quan trọng; bên cạnh đó, thời gian làm Từ vựng Việt – Chăm vào năm 1975 cũng là một kinh nghiệm quý giá.
Trời ạ! Đó là vào tháng 4 năm 1975. Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu điều mấy sư đoàn lính cộng hoà về tử thủ Ninh Thuận. Bom đạn gầm rú. Cháy kho xăng phi trường Thành Sơn. Di tản. Tôi cứ bị đóng cứng vào bàn làm Từ điển Việt – Chăm! Cũng như nửa năm sau đó: vào tập đoàn sản xuất, rầy nâu, cơm độn… Tôi mượn được ở người bạn Dictionnaire Cam-Français của E.Aymonier và Cabaton, và mải mê ngồi chép. Trong 3 tháng ròng rã. Bản thảo Từ vựng thì bị mối xông 2 năm sau đó. Còn Từ điển nay đang thất lạc nơi đâu, tôi không biết nữa. Cũng như:
– Từ vựng học tiếng Chăm, 1984, đã diễn trình ở Tọa đàm trí thức Chăm ở Mĩ Nghiệp năm 1990, in ronéo chục bản, nay trong tay tôi không còn bản nào.
– Tự học tiếng Chăm, 1985, được trình bày tại Hội nghị chuyên đề ở Ban biên soạn chữ Chăm, sắp in thì Nxb.Giáo dục làm mất bản thảo duy nhất. Cuốn này được viết lại để dùng làm giáo trình cho sinh viên ở Trung tâm. Tôi phải viết nó, trong thế buộc.
Hành trình về nguồn của tôi là một đam mê. Bởi đam mê nên không tính toán đến thành tích hay lợi lộc. Làm là làm chơi. Đó là tâm tính Chăm đặc sệt. Hơn nữa, từ tuổi hai mươi, tôi đắm mình trong tư tưởng Nietzsche và Krishnamurti. Và bị hai triết gia này ảnh hưởng nặng. Tôi luôn luôn ở tư thế của kẻ sẵn sàng vứt bỏ tất cả. Để lên đường. Do nhập nhằng giữa phá/xây, gom nhặt/làm mới, nghiên cứu/sáng tạo nên hơn 2 lần tôi đem cho tất cả những gì sưu tầm được. Làm lại thì luôn mất cái hứng thú ban đầu. Nên nhiều tài liệu quí bị mất. Ngay Ariya Bini – Cam mà tuổi 18 tôi còng lưng ra chép từ ciet sách của cụ Huỳnh Phụng nay cũng không còn. Sau này tôi mới hay đó là bản chép tay duy nhất tại Ninh Thuận. Thế mới khổ chứ!
Ngay cả nếu không tình cờ gặp ông Nông Hoàng Thụ (nguyên giám đốc Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc) ở Sài Gòn và “bị” ông thúc, thì bộ Văn học Chăm cũng không biết bao giờ ra đời được. Tư liệu có sẵn, tôi viết chúng vào những buổi tối, sau khi suốt ngày đánh vật với ngôn ngữ, trong thời gian biên soạn Từ điển tại Đại học. Nghĩa là tôi làm việc trên 12-15 giờ/ngày. Liên tục trong 3 năm liền.
Và tôi đuối. Cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Tôi tìm đến thi ca. Ở khoản này nữa, nếu không có nhà thơ Nông Quốc Chấn trước kia hay bạn hữu sau này giục, thì Tháp nắng (1996), Sinh nhật cây xương rồng (1997), Hành hương em (1999) cũng không cơ hội chào đời. Mong tìm giải thoát. Nhưng thơ không phải là phương tiện để giải thoát hay cứu rỗi mà nó đẩy tôi đối mặt với vấn đề – gây cấn hơn, quyết liệt hơn. Nói một cách hình tượng: tôi phải nhìn Sông Lu từ một chiều kích khác, đến với Sông Lu bằng những bước đi khác.
3. Động cơ, khó khăn và thuận lợi
Tôi thường nói đùa các bạn rằng ví tôi là công dân Đức hẳn tôi đã thành triết gia rồi, hay nếu làm người Raglai đi thì tôi chỉ chuyên làm thơ. Đằng này, làm Chăm nên tôi phải gánh trách nhiệm. Một trách nhiệm nặng nề – như thiên hạ nói. Bởi tôi biết, Chăm luôn bắt đầu từ con số không, từ con số âm – có lẽ: không mảnh tư liệu ban đầu, không tiền bạc, không nguồn tài trợ… Còn mục tiêu thì xa hun hút. Nhưng tôi xuất phát từ niềm vui. Tôi làm bởi tôi vui thích làm, nó làm cho tôi vui thích, tôi biến nó thành cuộc chơi vui thích. Chứ không vì mục đích to lớn gì cả đâu. Trên bước đường, nhiệt tình của tuổi trẻ đã nâng đỡ tôi, niềm vui đã đẩy tôi lao tới.
Còn cụ thể ư? Có thể nói tôi muốn tìm hiểu tâm hồn dân tộc mình và tôi nghĩ văn chương là biểu hiện trọn vẹn nhất. Bên cạnh đó, tôi cũng mong giới thiệu với thế giới bên ngoài về một nền văn chương có một bề dày truyền thống đang có nguy cơ thất truyền. Song, để hiểu thấu đáo nền văn học này, hay nói một cách cụ thể hơn là để đọc và hiểu được các văn bản chép tay đang nằm rải rác các khắp làng Chăm với biết bao sai lệch, dị biệt… này, điều kiện tiên quyết là phải nắm thật vững vốn cổ ngữ Chăm. Do đó, trong thời gian sưu tầm, tôi tự mày mò học và học ở nhiều gru (thầy) cách đọc chữ Chăm cổ chép trên lá buông, giấy bản…
Văn học Chăm là lĩnh vực chưa có một nhà nghiên cứu nào chú ý đào sâu, chưa có một dịch phẩm nào nghiêm túc được giới thiệu rộng rãi cho công chúng. Đó là lý do giải thích vì sao trong văn học sử Việt Nam hoàn toàn vắng bóng nền văn học dân tộc độc đáo này. Dẫu vậy, trong cuộc đi dài… tìm đến khuôn mặt văn học dân tộc, dường như không có khó khăn hay trở ngại gì cả. Không chủ quan đâu! Mọi cánh cửa mở ra với tôi, mọi vòng tay đón nhận một đứa con Chăm hồn nhiên và nhiệt tình đến với chữ nghĩa cha ông. Ở tất cả các làng Chăm, các cụ dễ dàng cho tôi mượn bản chép tay như của gia bảo về mà không chút ngại ngần; hay đãi cơm cho tôi được ngồi chép, dù đó là thời buổi chúng ta đang trường kỳ ăn độn (1977-80). Ví cụ Thiên Sanh Cảnh được xem là một học giả khó tính (theo nghĩa tốt) vẫn thoải mái tiếp tôi mấy lần tại tư gia khi tôi mới lớp Bảy. Ở đây tôi muốn nói lời cảm ơn đến Lưu Văn Đảo đã giới thiệu tôi làm quen với cụ; hay sau đó bạn Trượng Ngọc Toán dẫn tôi qua gặp ông Bac Dauh ở Bầu Trúc. Đó là cái may mắn!
Tôi đã nói rồi: thiếu tiền là khó khăn chứ không làm trở ngại. Thiếu tiền thì công việc sẽ chậm hơn nhưng nếu thiếu tình là thiếu tất cả.
Buồn nỗi là tư liệu Chăm còn quá ít. Vốn văn học dân gian được truyền chẳng còn là bao. Văn học viết cũng thế. Văn học Chăm chưa được thừa hưởng kỹ thuật in ấn nên tác phẩm không được nhân bản nhiều. Và rồi mất mát. Hơn 16 thế kỉ có mặt, như vậy là quá ít – với một dân tộc yêu thích văn chương-nghệ thuật như Chăm.
4. Phương pháp làm việc
Thế hệ tôi có mươi bạn theo học chữ, tiếng Chăm, yêu thích văn chương dân tộc và có hướng đi vào nghiên cứu. Nhưng theo thời gian, do nhiều nguyên nhân khác nhau, họ đã rớt lại hay bỏ cuộc. Lại hy vọng ở thế hệ nối tiếp thôi.
Còn phương pháp của tôi ư? Chẳng có phương pháp gì đâu, tôi làm hoàn toàn cảm tính, và – xin nhắc lại: vô mục đích. Tôi mê ngôn ngữ Chăm và yêu cái âm vang của lời. Thời trẻ gặp lúc các bà Chăm ở quê cãi vã, chửi bới nhau, mấy bọn trẻ chạy túa đi xem, tôi cũng thế. Nhưng khác các bạn, tôi không nhìn hành vi, cử chỉ mà nghe âm vang của lời, rồi ghi. Các tục ngữ, thành ngữ bật ra theo tiếng chửi rủa, cãi vã. Các từ rơi vãi ra, các từ không thể tìm thấy trong bất cứ từ điển nào, của Aymonier lẫn Moussay.
Ngay đến bây giờ, sau khi cùng nhóm nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu Việt Nam – Đông Nam Á soạn xong Từ điển Chăm – Việt, Từ điển Việt – Chăm, mỗi lần về quê hay khi nói chuyện với người đồng tộc, tôi luôn lắng nghe, đãi các từ chưa từng có mặt trong văn bản. Và ghi vào sổ nhỏ (nhỏ thôi – bởi tôi rất không ưa bọn làm ra vẻ trịnh trọng, long trọng).
Một câu tục ngữ – một dòng ca dao
nửa bài đồng dao – một trang thơ cổ
tôi tìm và nhặt
như đứa trẻ tìm nhặt viên sỏi nhỏ
(những viên sỏi người lớn lơ đãng dẫm qua)
để xây lâu đài cho riêng mình tôi ở
lâu đài mà một ngày kia họ ghé đụt mưa – chắc thế!
(Inrasara, Tháp nắng)
Liên tục đi, liên tục tìm, lắng nghe và ghi chép. Ví ai làm được vậy thôi cũng có công với cha ông rồi. Đó là việc sưu tầm. Thứ hai là nghiên cứu. Được tiếp cận nhiều phương pháp (hay trường phái) nghiên cứu – phê bình khác nhau đã giúp tôi rất nhiều trong công việc vỡ vạc mảnh đất văn học dân tộc. Văn học so sánh có thể giúp ta nghiên cứu sử thi – akayet hay các sáng tác bình dân Chăm. Nghiên cứu – phê bình trường ca trữ tình thì vận dụng thuyết cấu trúc là thích hợp hơn cả. Trong lúc thuyết xã hội sẽ hỗ trợ ta khám phá cái u uẩn đằng sau thơ ca thế sự. Dĩ nhiên khi viết Văn học Chăm – khái luận, tôi chưa áp dụng triệt để các phương pháp vào cuộc. Đó là lí do vì sao, đã qua 7 năm, tôi vẫn chưa có ý tái bản nó, dù nhu cầu từ bạn đọc và các nhà nghiên cứu là khá lớn.
Và cuối cùng: viết liên tục.
5. Ngôn ngữ
Như một ngôn ngữ dân tộc nào bất kì, ngôn ngữ Chăm cũng chịu sự biến động. Vốn từ cũ chết đi hoặc mặc vào nghĩa mới; vốn từ mới được sáng tạo, sinh thành. Nhưng với Chăm, bởi hoàn cảnh đặc thù, lượng từ chết nhiều hơn, nhanh hơn cái được sáng tạo. Mà sáng tạo lại èo uột, chắp vá.
Từ điển Aymonier được ấn hành vào đầu thế kỉ, đến đầu thập niên 70, G.Moussay đã tập hợp xung quanh mình các vị trí thức hàng đầu của Chăm lúc ấy để làm ra Từ điển Chàm – Việt – Pháp. Rồi gần 30 năm sau, Trường Đại học tổng hợp Tp.Hồ Chí Minh với sự chủ trì của Bùi Khánh Thế (có sự cộng tác của Inrasara, Phú Văn Hẳn, Thành Phần, Lương Đức Thắng) trình làng bộ Từ điển Chăm – Việt, Từ điển Việt – Chăm. Mỗi lần từ điển mới xuất hiện là một lần bớt đi từ cổ và thêm thắt từ mới. Một thêm thắt cần thiết nhưng chắc gì có ai dùng!
Cả Ban biên soạn sách chữ Chăm nữa. Gần một phần tư thế kỉ, Ban này cũng đã đẻ ra được vài trăm từ mới phục vụ cho thông tin mới. Đã không ít vị cho họ làm sai bét. Chuẩn hoá chữ Chăm sai, và nhất là sáng tạo chữ mới sai tuốt. Chuẩn hoá akhar thrah, dẫu không đồng tình hết nhưng tôi đã không phản đối(1). Còn sáng tác, tôi chưa đồng ý lắm rồi cũng đành chấp nhận. Làm sao bây giờ?! Bởi còn ai vào đây để làm nữa? Trong khi Ban đã tập hợp được các vị uy tín nhất về ngôn ngữ Chăm. Mà nhu cầu đáp ứng thông tin mới thì rất bức xúc. Có kẻ đề nghị làm như Malaysia làm: vay mượn thẳng tiếng Ănglê chứ đừng đẻ đái gì cả. Mẹ cha ơi!
Thống kê ngày 1.4.1999, dân số Chăm ở Việt Nam hiện nay có: 152.312 người được phân bổ trong 10 tỉnh như sau: Ninh Thuận: 61.000 người, Bình Thuận: 29.312 người, An Giang: 30.000 người, Bình Định và Phú Yên: 20.000 người, Đồng Nai: 3.000 người, Tây Ninh: 3.000 người, Bình Phước và Bình Dương: 1.000 người, Tp.HCM: 5.000 người. Cư dân Chăm ở hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận theo Bàlamôn và Hồi giáo bản địa hoá, trong khi người Chăm ở thành phố Hồ Chí Minh và Nam bộ theo tôn giáo Islam. Ngôn ngữ họ sử dụng thuộc ngữ hệ Nam Đảo. Người Chăm đã có chữ viết từ những thế kỷ đầu Công nguyên. Đây là thứ chữ vay mượn từ Nam Ấn, qua nhiều biến thể, trở thành akhar thrah và được lưu truyền đến ngày nay. Nhưng hôm nay hầu như chỉ có Chăm Panduranga còn sử dụng thứ chữ này.
Còn tiếng nói? Bởi cư dân Chăm rải rác nhiều khu vực nên ảnh hưởng của “ngôn ngữ bản địa” vào tiếng Chăm nơi đó là cái chắc. Chăm Bình Định, Phú Yên bổ sung tiếng Bana, Việt vào vốn từ của mình. Chăm An Giang, Tây Ninh… mượn Mã Lai và Việt. Chăm Campuchia từ Khmer. Chăm Panduranga thì đang nhập tiếng phổ thông vào ngôn ngữ nói đến 30-40% trong đối thoại hàng ngày.
Ai có thể cản bước tiến (hay bước lùi) của ngôn ngữ Chăm hôm nay? Nói chi vốn từ cũ đã và đang chết, ngay từ mới Ban biên soạn đang dạy trong nhà trường hôm nay cũng không có ai ứng dụng nó trong giao tiếp. Buồn. Nhưng, chịu. Trong lúc ngôn ngữ chỉ sống và sinh sản qua sáng tác và giao tiếp cộng đồng. Vậy mà ngày nay, có ai còn sáng tác bằng tiếng mẹ đẻ? Cộng đồng Chăm thì đang phân hoá: khu vực, tôn giáo-tín ngưỡng, kinh tế-xã hội… Đó là chưa nói đến cộng đồng Chăm ở hải ngoại. Do vậy, một đề nghị duy ý chí như thế thì nhiêu khê biết bao, nếu không nói là hão huyền.
Yêu tiếng mẹ đẻ, mê đắm ngôn ngữ Chăm, tôi đã sáng tác thơ bằng tiếng Chăm đăng báo tường ngay thuở trung học. Rồi sau giải phóng tôi đã mở 3 lớp dạy chữ Chăm tại Caklaing cho 60 anh chị em lớn nhỏ. Ngay khi ấy, tôi đã đánh hơi thấy nguy cơ suy thoái tiếng dân tộc có cả gần 2000 năm văn minh này đang đến gần. Lo, nhưng làm sao! Bởi ngay cả các vị được đánh giá giỏi tiếng mẹ đẻ cũng đã sai chính tả, ngữ pháp rất căn bản. Nền văn học cổ mất đi có thể được cứu vãn, một di tích nát tan có thể được dựng dậy trở lại. Nhưng một ngôn ngữ?
Sáng tác thơ bằng tiếng Chăm không gì hơn là dựng một “ngôi nhà an cư” (chữ của M.Heidegger) của riêng tôi, cho tôi.
6. Văn học Chăm
a. Kho báu
Có lẽ xưa kia kho báu văn học Chăm rất phong phú. Thử điểm danh những thứ kiểm kê được. Về văn học dân gian Chăm có hàng trăm thần thoại, truyện cổ tích, hàng ngàn câu tục ngữ, câu đố, hơn 50 bài ca dao, đồng dao đã được sưu tầm… Về văn học viết thì từ thế kỷ thứ II, người Chăm đã có văn bi ký. Đến nay đã có hơn 250 minh văn được sưu tầm, tuy ít hơn, nhưng có trước văn chương bi ký Khmer. Các trước tác thành văn, đến nay đã sưu tầm được 5 sử thi, 7 trường ca trữ tình, 10 tập thơ ký sự, 3 tác phẩm gia huấn ca… Có sử thi như Akayet Dewa Mưno dài 472 câu, Ariya Bini – Cam 162 câu, hay ký sự bằng thơ như Ariya Ppo Parơng 216 câu. Pauh Cawai dài 132 câu mỗi câu đều hàm chứa một ý nghĩa như một châm ngôn. Hay Damnưy Cei Xit(2), kể về vị vua Ppo Klaung Garai (thế kỷ XII), mà người Chăm tôn vinh là vị vua anh minh tài ba nhất trong lịch sử dân tộc. Tháp mang tên vị vua này, hiện còn giữ được nguyên vẹn ở Phan Rang là một trong những cụm tháp đẹp nhất của nền kiến trúc Chăm. Bên cạnh đó, hàng năm, người Chăm có mươi cuộc lễ, tế, mỗi cuộc với hàng mấy chục bài tụng ca, chứa đựng những nội dung hết sức phong phú về đời sống tinh thần của dân tộc.
Thời gian qua, nhóm nghiên cứu Chăm tại Malaysia thuộc EFEO đã có nhiều nỗ lực trong việc giới thiệu văn chương cổ điển Chăm đến với thế giới. Đáng trân trọng. Song vẫn có vài nhầm lẫn như nhầm lẫn giữa hư cấu và hiện thực, giữa địa danh lịch sử với địa danh văn chương… Từ đó dẫn tới những nhận định lệch lạc, tai hại(3).
Về các sưu tầm – nghiên cứu – dịch văn học Chăm của tôi, tôi chỉ xem đó như một khai phá bước đầu. Còn nhiều sơ suất và thiếu sót, cả nhầm lẫn nữa. Đừng giả vờ khiêm tốn: tôi đánh giá khá cao việc làm của mình. Không ở Văn học Chăm – khái luận; ai có tương đối đầy đủ tư liệu đều làm được. Không ở Trường ca Chăm; các bản chép tay đã có sẵn trong ciet sách gia đình Chăm, chịu khó đi, xin photocopy, hệ thống lại, dịch nữa là xong. Mà ở Tục ngữ – Thành ngữ – Câu đố(4). Đây là tư liệu cực kì quý, hiếm; và nói không ngoa: chỉ mình tôi có. Tôi phải trả giá nó bằng cả tuổi thanh xuân của mình: đi, lắng nghe, và ghi nhận. Đây là suối nguồn tinh khiết nhất của sông Lu ban tặng cho tôi, như là tặng phẩm sâu thẳm dành cho những con người sẵn sàng đến với nó bằng bước chân nhiệt tình, việc làm vô vị lợi và tâm hồn phiêu lãng nhất.
b. Sử thi
Giữa các thuật ngữ văn học thường được dùng trong văn bản: ariya, dulikal, damnưy, kabbon…, thể loại akayet là gì? Có 3 tác phẩm bằng thơ được phổ biến rộng rãi trong quần chúng Chăm:
Akayet Dewa Mưno, Akayet Inra Patra, Akayet Um Mưrup.
Akayet được Aymonier dịch là “commencement”(sự bắt đầu) trong cuốn từ điển của ông, còn Moussay dịch là “tác phẩm bằng thơ” (oeuvre poétique). Sau này ông đã dịch lại là sử thi, như ông đã gọi Dewa Mưno là một épopée (L’épopée Dewa Mano). Aymonier đã nhầm lẫn như thế vì ở các thi phẩm này đều “bắt đầu” bằng từ akayet. Còn lối dịch của Moussay vào năm 1971 thì không được tinh xác lắm. Vì một ariya hay damnưy Chăm cũng là một “tác phẩm bằng thơ”. Như vậy, dịch akayet là épopée (sử thi, anh hùng ca, tráng ca) thì ổn hơn cả.
Theo các nhà nghiên cứu gần đây, các dân tộc Êđê, Bana, Giarai, Raglai… có thể loại gọi là sử thi với tiếng bản ngữ là: Khan, Hơmon, Hơri, Jukar. Thật ra các “thuật ngữ văn học” này đều có quan hệ mật thiết với Chăm. Khan trong tiếng Chăm là akhan hay khan nghĩa là kể; hơmon tiếng Cham: mưmaun (đọc là mưmon) có nghĩa nói thầm; jukar tiếng Chăm: dulikal có nghĩa truyện cổ, hơri, tiếng Chăm: hari có nghĩa ngâm đọc. Sở dĩ các dân tộc này vẫn còn giữ chất truyền khẩu của sử thi bởi vì lúc đó họ chưa có văn tự ghi chép thành văn bản như Chăm. Do đó, họ “thuần” hơn, mang tính kể nhiều hơn đọc (pwơc) ngâm (hari). Cả người Chăm ở Bình Định, Phú Yên cũng mang đậm chất dân gian trong sử thi.
Người Chăm vùng xuôi và khu vực Panduranga (Phan Rang, Phan Thiết) ngược lại, có chữ từ thế kỷ thứ IV (bia Đông Yên Châu). Họ đã ý thức chép truyện thành văn bản. Ví dụ bản Akayet Dewa Mưno hiện nay, được sáng tác và chép lưu truyền từ đầu thế kỷ XVII. Bước ngoặt đó thể hiện ngay ở câu đầu của Sử thi nổi tiếng này:
Dulikal Dewa Mưno twơk twei ariya.
Truyện (cổ) Dewa Mưno được sáng tác (chuyển) theo thể thơ
Như vậy trước khi có sử thi thành văn, Dewa Mưno được kể như truyện cổ tích.
Cũng vậy, một văn bản ở Pháp có tên Pram Dit Pram Lak mà G. Moussay cho là sử thi (akayet) trong lúc người Chăm ở Phan Rang vẫn còn gọi là truyện cổ (dalikal). Văn bản thể hiện nó bằng văn xuôi. Một điều cần lưu ý thêm là Đam San của Êđê rất giống Dam Sang (hay Dam Sen) của Chăm ở cốt lõi nhưng cách kể hay thể hiện thì hoàn toàn khác, đến nỗi Dam Sang của Chăm nay chỉ được coi như một truyện cổ rất ngắn, dấu ấn cũng khá mờ nhạt trong tâm thức Chăm. Trong khi nó lại là niềm hãnh diện lớn của dân tộc Êđê.
c. Truyện cổ
Truyện cổ là thể loại văn học Chăm được chú ý sưu tầm, ghi chép từ rất sớm. Từ cuốn Contes Tjames in năm 1887(5) đến ấn phẩm mới nhất của Trung tâm nghiên cứu văn hóa Chăm – Ninh Thuận(6), việc công bố thể loại văn học dân gian này đã có thành tựu nhất định. Thế nhưng, do các thao tác nghiên cứu chưa được đảm bảo nghiêm ngặt nên đã xảy ra nhiều tình trạng rất khó xử cho nhà nghiên cứu đi sau: 1. Truyện được sao đi chép lại: đây là trường hợp gần như phổ biến. 2. Nhầm lẫn giữa truyện cổ và sáng tác thành văn: “Hoàng tử Umrup và cô gái chăn dê” với Akayet Um Mưrup. 3. Các nguồn sưu tầm không được ghi đầy đủ hoặc ghi qua loa, không gây được sự tin cậy cho giới chuyên môn. 4. Không có đối chiếu dị bản ở các vùng, miền Chăm sinh sống. 5. Các chú thích sai lạc, tuỳ tiện: ví dụ trong Tuyển tập truyện cổ tích các dân tộc ở Việt Nam(7) ghi: “Truyện này (Cucai – Marut) được kể theo một truyện dài bằng thơ trên 2000 câu của đồng bào Chăm”. Ngay cả ấn phẩm mới nhất, khá dày dặn là Truyện cổ dân gian Chăm(6) cũng đã không khắc phục được hết các khuyết điểm trên. Dễ gây cho người đọc như đang đọc một ấn phẩm phổ thông chứ không phải một công trình sưu tầm folklore nghiêm túc. Từ những lỗi lầm trên (nhất là ở lỗi 1) nên nhiều nhà làm tổng, tuyển khi chưa phân tích kỹ đã vội đưa chúng vào bộ sách của mình rồi gán bừa chúng là văn học Chăm.
Có một ấn phẩm mang tên Truyện thơ Chàm(8). Dịch giả gồm một người Kinh và một người Chăm (Quảng Đại Cường). Tác phẩm được nhiều nhà nghiên cứu sử dụng làm tư liệu tham khảo.Và mặc dù năm 1991, G.Moussay có bài đối chiếu, so sánh (và bình phẩm) truyện “Hoàng tử Um Mrup và cô gái chăn dê” với văn bản Chăm: Akayet Um Mrup trong “Um Mrup dans la littérature Cam”(9) thế mà năm 1992, nó được in lại trong Tuyển tập văn học các dân tộc ít người Việt Nam(10).
Nhưng nó có phải là một tác phẩm dịch văn học Chăm không? Hay nó chỉ là những câu chuyện có nhiều nét xa lạ với các văn bản Chăm hiện có, hoặc chỉ là các “phóng tác” và “tưởng tượng” như Moussay và Inrasara đã nhận xét như thế?
Và mặc dù chính bản thân tôi với bài “Xung quanh việc công bố Akayet Dewa Mưno, đặt lại vấn đề nghiên cứu văn học cổ Champa” đã đăng trên 3 tạp chí chuyên ngành, in thành sách rồi phê phán nó trên các diễn đàn khoa học, nó vẫn được in lại trong Tổng tập Văn học dân gian Việt NamV(11). Rồi Tổng tập Văn học Việt Nam nữa!
Hai dấu hỏi quan trọng nhất mà ít nhà tuyển, tổng chúng ta đặt ra: đâu là văn bản gốc? Chúng được sưu tầm ở đâu, bởi ai, mức độ tin cậy đến đâu?
Trong nghiên cứu, sai một li đi một dặm là vậy. Khốn khổ thay!
7. Buồn vui cuộc đi
Vui, rất nhiều. Nhưng cái gây cho tôi xúc động nhất là sau 3 tháng Văn học ChămII – Trường ca xuất bản, trong dịp dự Ramưwan tại làng Văn Lâm – Ninh Thuận, một ông cụ Chăm (bố vợ của một bạn tôi) bệnh nan y sắp qua đời, cho mời tôi sang nhà dùng trà. Bằng giọng run run, ông nói: làm được như cháu quý lắm, chưa ai trước cháu tập hợp chữ nghĩa ông bà nhiều như thế cả. Lại cả dịch nghĩa và chú thích từ khó nữa. Hai tháng nay chú chỉ đọc mỗi mình nó… Qua bên kia, chú sẽ nói với ông bà… Thú thật, dù đã từng nhận được bao nhiêu lời khen, khích lệ (đôi khi cũng hơi quá) bấy lâu, nhưng hôm nay tôi đã run lên bần bật. Không ngờ việc “làm chơi” của mình lại được bà con trân trọng đón nhận như thế. Sau đó không lâu, lại có thêm vài bạn trẻ viết thư tâm đắc với việc làm của tôi.
Buồn cũng lắm. Đáng buồn nhất là những ngộ nhận. Ngộ nhận dài hạn. Anh em, người thân, người dưng. Từ đó, hiềm khích không đáng có. Thật không nên có trong xã hội Chăm chật chội này. Nhiều chân trời bao la mở trước mắt chúng ta, mời gọi chúng ta tung cánh; chứ gì mỗi nghiên cứu văn hóa! Mà nghiên cứu là nghiên cứu đa ngành và liên ngành, tương tác và hỗ trợ; làm gì có chuyện triệt tiêu nhau, mà lấy làm điều!
8. Giải thưởng
Tôi nghĩ, không ai sáng tác hay nghiên cứu với ý định sẽ ăn một giải nào đó cả. Nên giải đến với tôi thật đột ngột. Cả tác phẩm nghiên cứu đầu tay lẫn sáng tác đầu tay đều có. Lạ.
Giải thưởng nghiên cứu năm 1994 của CHCPI (Sorbonne – Pháp) dành cho Văn học ChămI quả là một bất ngờ đối với tôi. Dự hội thảo quốc tế về Tư liệu và cách tiếp cận Việt Nam tại Aix–en–Provence, giáo sư Trưởng khoa Đông phương học (Đại học tổng hợp Tp.Hồ Chí Minh) có mang theo cuốn sách để giới thiệu. Về nước giáo sư cho biết công trình sẽ được tặng thưởng. Nửa tháng sau, tôi nhận giấy báo. Vào đầu thế kỷ này, một học giả uy tín người Pháp P.Mus đánh giá văn học Chăm có thể chỉ tóm gọn trong vài mươi trang sách, nghĩa là không gì đặc sắc cả. Thế mà hôm nay, có người chứng minh ngược lại. Và theo thiển ý, phần thưởng như một xác nhận cho lý lẽ đó. Sau đó, năm1996, tôi có một giải thưởng nữa của Hội đồng Văn học dân tộc trao cho tác phẩm xuất sắc nhất trong năm của Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc: cuốn Văn học ChămII – Trường ca. Đó là niềm vinh dự lớn. Chẳng những là phần thưởng xứng đáng cho công sức tôi mà còn cho cả cộng đồng Chăm nữa.
Nhưng có lẽ phần thưởng quan trọng nhất, đáng quý nhất là tấm lòng bà con Chăm dành cho công trình nghiên cứu cũng như sáng tác của tôi. Nó là duy nhất và không gì thay thế được!
9. Nhìn về tương lai
Về lực lượng nghiên cứu: hiện nay không chỉ những người ngoại quốc như ở đầu thế kỷ mà còn có công dân Việt Nam, cả Kinh lẫn Chăm. Riêng người Chăm ở trong nước, Thành Phần và Bá Trung Phụ có luận án phó tiến sĩ. Luận văn cử nhân của Phú Văn Hẳn, Đàng Năng Hòa… Văn Món và Thông Thông Khánh mỗi người đã có một đầu sách. Ban biên soạn sách chữ Chăm (Thuận Hải) thành lập năm 1978 đã có một nhóm nghiên cứu mới. Đặc biệt ở Tp. Hồ Chí Minh, nhóm nghiên cứu về Chăm ở Trung tâm nghiên cứu Việt Nam-Đông Nam Á do Giáo sư Bùi Khánh Thế chủ trì, đã xuất bản một số công trình quan trọng về ngôn ngữ.
Ở nước ngoài, Po Dharma (đang công tác ở CHCPI thuộc Đại học Sorbonne, Pháp), ngoài luận án tiến sĩ về tư liệu hoàng gia Chăm, còn có tác phẩm Panduranga(12) và nhiều bài viết giá trị. Abdul Karim là một khuôn mặt mới, đáng kể. Cũng nên hy vọng vào tên tuổi cũ làm việc lại: Dohamide và Dorohiêm.
Điều đáng mừng hơn nữa là đại bộ phận quần chúng đã có cái nhìn thoáng hơn về dân tộc, một quan điểm lành mạnh về dân tộc, công nhận các cống hiến xứng đáng của văn hóa dân tộc thiểu số vào nền văn hóa đa dân tộc Việt Nam.
Nhưng như thế vẫn chưa đủ. Trong bài “Vấn đề xã hội – văn hóa Chăm”, nghĩ và làm(13), tôi viết: “Từ 20 năm nay, mặc dù ở Tp.Hồ Chí Minh không thiếu người Chăm làm việc trong các trường đại học hay cơ quan khoa học, nhưng chưa một ai có tác phẩm nào viết về dân tộc mình được xuất bản cả, chứ chưa nói đến tạo một tiếng nói có trọng lượng. Như vậy, qua lớp sương mù của quá khứ, nếu trí thức Chăm không giúp được quần chúng Chăm hiểu nền văn hóa dân tộc mình và từ đó, hiểu rõ mình thì làm sao người ngoài có thể hiểu đúng chúng ta? Trong khi lúc này, thực sự chúng ta muốn gì?
– Một dân tộc Chăm hiểu biết lịch sử-văn hóa dân tộc, ý thức được vị thế của mình trong lòng đất nước Việt Nam hoà bình, độc lập.
– Một dân tộc Chăm đủ ăn, đủ mặc đồng thời là một dân tộc đoàn kết, sống đầy tính trí tuệ và nhân bản.
– Các thành viên trong đại gia đình dân tộc Việt Nam hiểu nhau, xem nhau như ruột thịt để cùng xây dựng và tiến bộ.”
Người Chăm có truyền thống hiếu học, nhưng ít có cơ hội hay điều kiện để phát triển, chưa có được sự đầu tư dài hơi. Vấn đề dạy và học tiếng Chăm vẫn còn dừng lại ở cấp tiểu học. Sau đó, các em chưa có sách, báo hay tạp chí viết bằng tiếng dân tộc mình để đọc thêm. Các nhà nghiên cứu mảng đề tài Chăm ở Ninh Thuận, Bình Thuận, Tp.Hồ Chí Minh… mạnh ai nấy làm, chưa có sự tập trung nghiên cứu định hướng. Trung tâm nghiên cứu Văn hóa Chăm ở Ninh Thuận là một bộ phận thuộc Sở Văn hóa-thông tin, kinh phí hạn hẹp, chưa làm được gì nhiều. Trung tâm nghiên cứu Việt Nam – Đông Nam Á, thuộc Đại học Tổng hợp Tp.Hồ Chí Minh có một tổ nghiên cứu về Chăm, nhưng đã ngưng hoạt động từ năm 1997. Người Chăm nay đã có cả ngàn người trình độ đại học và trên đại học trên tổng số hơn 150.000 dân, nhưng mới có mặt bằng mà chưa có đỉnh cao…
Cạnh đó, Chăm hôm nay chưa thật sự nhập cuộc, như còn ở ngoài lề. Inrasara được Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, ít anh em Chăm biết mà chúc mừng. Thì chuyện cá nhân Sara. Đành vậy! Nhưng tại sao Trượng Ngọc Anh, Đại biểu Quốc hội khoá IX, đại đa số Chăm không hay không biết? Các bài báo, cuốn sách viết sai về Chăm và văn hóa Chăm, đã không vị nào có bài trao đổi. Thì chuyện khả năng chuyên môn. Cũng đành! Nhưng tại sao ngân sách chi cho dân tộc thiểu số ít có phần cho Chăm, mà chúng ta chẳng có ai lên tiếng, dù không ít làng Chăm còn nghèo, còn quá nghèo?
Chúng ta chưa nhập cuộc. Chưa hết mình cho công cuộc đổi mới đất nước, chưa hết mình vào bảo tồn văn hóa dân tộc mình để làm phong phú nền văn hóa đa dân tộc Việt Nam. Tagalau, tuyển tập sáng tác – sưu tầm – nghiên cứu Chăm do tôi và một số anh em trí thức Chăm góp sức làm, cần xem là một khởi động cho cuộc hoà hợp văn hóa, hòa hợp dân tộc lâu dài.
Nhìn vào thế hệ tương lai thì cũng chưa thấy lạc quan lắm. Cuốn theo dòng xoáy của văn minh vật chất hiện thời, giới trẻ Chăm đang xa rời nguồn cội, trong lúc những gì cha ông để lại ngày càng bị hư hao, mất mát. Mà theo tôi, bên cạnh trách nhiệm chung của các tổ chức, cơ quan nghiên cứu, sự say mê của những cá nhân xuất sắc đóng một vai trò quyết định.
Nói đến người Chăm là người ta nhớ ngay tới một nền kiến trúc phát triển rực rỡ, điển hình là Khu thánh địa Mĩ Sơn được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới ngày 29.11.1999, một nền điêu khắc phong phú và đặc sắc trong đó “có nhiều kiệt tác có thể sánh với những tác phẩm đẹp nhất của nghệ thuật thế giới” (Trần Kỳ Phương), bên cạnh một nền văn học – cả văn học truyền miệng lẫn văn học thành văn – mà nếu biết khai thác, nó cũng sẽ cống hiến cho nền văn học chung những hương thơm cỏ lạ đáng trân trọng.
Ngoài ra còn phải có cả đóng góp của con người ngày hôm nay nữa!
Đà Lạt-Sài Gòn, 1998-2001.
____________________________
Chú thích:
(1) Chuẩn hóa chữ viết Chăm, Ban biên soạn sách chữ Chăm – Ninh Thuận, 1985.
(2) Có thể tìm đọc các tác phẩm này trong: Inrasara, Văn học ChămI – khái luận, Nxb.VHDT, H., 1994; Văn học ChămII – trường ca, Nxb.VHDT, H., 1996
(3) Po Dharma,… , Nai Mai Mâng Mâkah – EFEO, Malaysia, Kuala Lumpur, 2000, p.26.
(4) Inrasara, Văn học dân gian Chăm – tục ngữ, thành ngữ, câu đố, Nxb.VHDT, H., 1995
(5) Landes, A. …, Contes Tjames, Exc, et Rec. XIII, Paris, 1887.
(6) Trương Hiến Mai, … Truyện cổ dân gian Chăm, Nxb.VHDT, H., 2000.
(7) Tuyển tập truyện cổ tích các dân tộc ở Việt Nam, Nxb.KHXH, Tp HCM 1987, tr.59.
(8) Tùng Lâm, Quảng Đại Cường, Truyện thơ Chàm, Nxb.VH., H., 1982.
(9) “Um Mrup dans la littérature Cam”, trong Le Campa et le Monde Malais, Paris, 1991, pp 95-107.
(10) Tuyển tập văn học các dân tộc ít người Việt NamIII, Nxb.KHXH, H., 1992, tr.469-578.
(11) Tổng tập Văn học dân gian Việt NamV, Nxb.GD., H., 1999.
(12) Po Dharma, Le Panduranga 1802-1835, EFEO, Paris, 1987.
(13) Inrasara, Các vấn đề văn hóa-xã hội Chăm, Nxb.VHDT, H., 1999.
*
Trong Văn hóa – xã hội Chăm, nghiên cứu & đói thoại.
Cám ơn Inrasara và những người bạn, đã cho tôi những xúc cảm và hi vọng về Chăm. Tôi là một người Kinh còn trẻ, sống tại Hà nội, đã từ lâu ngưỡng mộ văn hóa Chăm qua các Đền tháp nhưng phải gần đây mới biết về tiếng hồn Chăm qua ngôn ngữ văn chương. Tôi rất muốn tìm đọc Tagalau và những ấn phẩm định kì về văn hóa Chăm. Xin hướng dẫn cho tôi vài địa chỉ để liên lạc.
Xin chân thành cảm ơn, chúc Inrasara và các bạn nhiều sức khỏe, nhiều niềm vui.
Trần minh Tuấn
Bạn có truyện hoàng tử umrup và cô gái chăn dê không ? Cho mình xin với. Mình Google mà không có nguồn nào hết. Chỉ có trang của bạn mới thấy nhắc tới. Nhờ lúc nhỏ hay đọc mà giờ tìm đọc cho con mà không thấy. Cám ơn bạn