Tiếng Chăm của bạn: Lưu ý về ngữ âm

Tiếng Chăm là thứ ngôn ngữ đa âm tiết. Hình vị ít nhất có một âm tiết và nhiều nhất gồm bốn âm tiết.

mai / về                                               sang / nhà

tamư / vào                                           tapuk / sách

paralau / tiễn                                       xaranai / kèn xaranai

mưhexarai / hạnh phúc                       thampuranư / toàn mĩ

Nên tất cả các âm tiết trong một hình vị phải được viết liền nhau. Cả các từ tạo sinh có các tiền tố cũng vậy.

ppa dơng = ppadơng / dựng;           ta klaut = taklaut / tróc

 

Trong ngôn ngữ nói, việc nói lướt một hay nhiều tiền trọng âm (người Chăm gọi là lang likuk / giải thích ở phía sau) hoặc đọc gộp hai tiền trọng âm xảy ra rất tự nhiên. Nhưng trong văn viết, ta phải viết đầy đủ một hình vị hoàn chỉnh. Nếu không sẽ xảy ra không biết bao nhiêu từ đồng âm khác nghĩa, từ đó gây khó khăn rất nhiều cho việc đọc và hiểu một văn bản.

Hiện tượng đọc lướt:

angan / tên đọc là ngan;            tapuk / sách đọc là t’ puk hoặc puk

Hiện tượng đọc gộp:

tamưkai / dưa hấu đọc là tamkai;       baranưng / trống baranưng đọc là barnưng

Ngoài các tiền tố tham gia việc cấu tạo từ là có các cấu trúc theo quy luật, còn lại tất cả các lang likuk trong tiếng Chăm không theo quy tắc nào cả. Và bổn phận của chúng ta là học thuộc mỗi từ như là một chỉnh thể.

Trong ngôn ngữ nói, 3 phụ âm cuối n, l, r đều được đọc thành n.

pơr / bay đọc là păn

apơn / nắm đọc là apăn

hapơl / bắp tay đọc là hapăn

Đây là một trong những điểm hóc búa nhất của chính tả tiếng Chăm mà người mới học hay mắc sai lầm. Trong trường hợp này cũng cần chú ý đến các dạng thức phát âm khác nhau ở các địa phương.

Ví dụ: ở Phan Rí

cur / vôi đọc là chu

Về nguyên âm chính có âm đệm U hay W, trong ngôn ngữ nói hiện nay ở nhiều làng Chăm ở Pandurangga đã được đọc lướt qua và biến thành âm chính khác:

tuai / khách đọc là tôi

tuei / theo đọc là tui

luơn / nuốt đọc là lôn

Chủ trương của Ban Biên soạn sách chữ Chăm là chuyển tất cả sang lối phát âm sau. Tuy thế ở vài vùng vẫn còn giữ nguyên lối nói có âm đệm U hay W. Cần lưu ý, khi gặp trường hợp như thế, chớ vội cho rằng các địa phương này phát âm sai, bởi trong Từ điển Aymonier ghi 3-4 kiểu khác nhau.

Tiếng Chăm có hai âm vực cao và thấp. Thường gặp là tiền trọng âm có âm vực thấp luôn ảnh hưởng đến âm vực của âm tiết theo sau nó.

Ví dụ:

anaung / gánh – ginaung / hờn

pala / trồng  – bala / độc hại

Tuy nhiên, có một số chữ cái trong bảng chữ cái Chăm không theo quy luật này: k, kh, ch, s, p, ph, t, th.

Ví dụ:         takik (hay dakik) / ít

takhat (dakhat) / bố thí

bacah / đắm tàu

patuk (batuk) / ngôi sao

pathak (bathak) / rốn

tapwơl (dapwơl) / đám, lũ

Nghĩa là âm tiết thứ hai vẫn KHÔNG bị phát âm chùng xuống, như ginòng, hay balà.

Có một số phụ âm tiếng Chăm rất khó phát âm đối với thế hệ trẻ, nhất là các phụ âm mặt lưỡi giữa: ch, s, nhj.

Chúng ta cần tập phát âm chuẩn, nếu không rất dễ lẫn lộn.

Ví dụ:         s / x / sh

                        shit / sai khớp – xit / tí, nhỏ

                        sang / nhà – shang / chói

                        sa / một – rixa / muôn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *