Văn xuôi 11: Tàn một giấc mơ

Khi anh cất to tiếng gọi cổng thì trời vừa đổ mưa. Lúc đó khoảng ba giờ chiều tháng Mười. Nghe tiếng, cô em họ xa của tôi làm bánh dưới bếp chạy ra. Cửa cổng được quấn chặt bởi hai vòng dây sên xe đạp mà cô em họ tôi lại chưa quen nên lúi húi mãi vẫn không tháo ra được.
– Anh Hân, chị ơi. Dân Sài Gòn về! Nó gọi vọng qua màn mưa. Tôi chạy ra, băng cả chiều ngang sân đất rộng đến hai chục thước.
Cả người anh ướt sũng. Anh trong tư thế khá buồn cười vừa khom người để tránh cho cái túi xách to kềnh khỏi ướt vừa như muốn tìm chỗ đụt mưa. Thấy tôi đạp mưa chạy tới, anh vội quay lại.
– Để bảo toàn đám rau muống đó mà. Tôi nói khi tháo vòng xích
– Em chào nhà đại thi hào như thế à?
Anh cười rõ to rồi đi vượt qua tôi, vào nhà.
– Anh thay áo vào đi, để em lấy gì anh ăn nhé.
– Thằng Klu đâu em?
– Con đang ngủ anh ạ.
– Anh biến mau vào phòng. Tôi mở chiếc túi: trong túi xách lại có vài cái túi nhỏ khác.
– Có cái này cho em.
Anh vừa đến sau lưng tôi. Tôi ngước lên. Anh cúi xuống hôn nhẹ lên trán tôi. Và sẵn tay lôi dưới đáy túi xách lên một gói nhỏ.
– Em mở ra đi. Anh nói. Mở gói, một xấp vải và một bọc tiền.
– Để tiêu pha mùa Katê em. Và dĩ nhiên là cái này. Giọng anh trở nên trang trọng trong khi giơ cao một tập giấy. Tôi nắm lấy cánh tay anh ghì xuống và chộp lấy tập giấy – thơ!
– Mươi bài cả thảy. Anh nói, cười rất ngây thơ. Tôi cũng cười.
– Anh chị có gì vui thế! Nghe giọng mợ Ba, tôi quay lại.
– Một nhà thơ mới đấy. Tôi nói, đi vội vào phòng trong với tập giấy. Nét chữ in nhảy múa trước mắt tôi. Bốn bài thơ và ba bài viết, ký tên: Chế Dạ Hân. Tên tôi ghép với tên anh đậm nét đầy kiêu hãnh trên trang báo. Năm ngoái ba lần, năm nay bảy lần. Anh bảo còn nhiều tin và bài nữa anh không ký bút hiệu mình.
Tôi nhớ ngày xưa anh nói người Chăm có năng khiếu văn nghệ thể thao. Anh đã chẳng từng đại diện Trường Duy Tân đi dự thi thơ toàn miền Trung là gì. Anh nói cần phải đánh thức tiềm năng này nơi người Chăm. Chúng tôi gặp nhau và lấy nhau cũng bởi lẽ đó.
Nhưng rồi anh vào được Đại học còn tôi bị rớt và chuyển qua Cao đẳng. Khi tôi tốt nghiệp Cao đẳng, chúng tôi lấy nhau, lúc đó anh đang vào năm cuối. Rồi anh ra trường và ở lại thành phố. Thằng Klu chào đời một năm sau đó. Những năm khó khăn, tôi phải bươn chải độ nhật. Anh nói giọng đẫm buồn đành lui một bước thôi để khi nào anh có chân đứng vững chắc ở Sài Gòn rồi mình sẽ quật khởi trở lại.
Tôi chấp nhận kế hoạch của anh. Cả khi nghe anh làm bốc vác bến tàu, tôi đem chuyện ra hỏi, anh nói đó chỉ là phương sách tạm thời, tôi cũng chấp nhận. Và phần nào lấy làm hãnh diện nữa. Rồi thơ anh được đăng một, hai bài. Anh phôtô nó gởi ngay cho tôi. Và hôm nay – ngay một lúc bảy bài cả thảy. Ánh sáng dường như đang tới.

Suốt ba ngày Katê, bạn bè anh kéo tới. Chỉ có rượu và thơ. Anh ngâm thơ anh cho họ nghe. Họ khen nức nở. Anh ngâm cả thơ thời con gái của tôi và họ bảo tràn đầy hứa hẹn. Tôi thấy mắc cở, bởi thơ tôi vẫn chưa qua cái ải ráp vần. Không ít nhà thơ Chăm tương lai mạnh dạn mang thơ tới đọc và nhờ anh cho nhận xét. Anh khen một ít, chê một ít như một quan văn trịnh trọng. Rồi anh lớn tiếng tuyên bố thơ phải xuất phát từ cái tâm và trở lại với cái tâm. Anh chê trường lãng mạn là hời hợt, trường siêu thực là chẳng có gì siêu cả, còn trường tượng trưng dù có đóng góp lớn vào nền thơ ca nhân loại nhưng quá lệ thuộc vào âm nhạc, vân vân và vân vân. Các tay nhà nông tập tễnh làm thơ chỉ còn biết ngẩng cổ mà nghe. Trong lúc cao hứng anh còn kể giai thoại là chính anh đã làm cho Chế Lan Viên cứng người ngay trên giảng đường Đại học. Lúc đó anh đang năm hai. Nhà thơ được mời đến nói chuyện với sinh viên. Nhắc đến tập Điêu Tàn thời thanh niên của mình, nhà thơ họ Chế nói đấy chỉ là một tâm trạng vay mượn. Ngay tức thì, từ cuối giảng đường anh đứng dậy và xin phát biểu.
– Kính thưa ngài thi sĩ! Như vậy là ngày sợ Tây mà mượn tâm trạng làm giáp bảo vệ mình thôi ư? Xin hỏi chứ ngài tác thi bằng tài hay tâm? Và đâu là con người thực của ngài? Anh kể nhà thơ đứng như trời trồng mãi phút sau mới lãng sang chuyện khác được. Sau đó nhà thơ ra ngoài tìm anh và vỗ vỗ cái vai, không một lời phân trần.
Tôi không biết có mấy phần sự thật trong câu chuyện, nhưng mỗi lần nghe anh kể với giọng khoái trá, tôi nghe buồn buồn.

Mới tám giờ tối mà trời tối mịt. Đêm thứ năm của mùa Katê, đêm sau đêm cuối cùng. Mưa vẫn còn rả rích. Anh nằm cạnh tôi, lặng lẽ, đôi mắt thoáng buồn nhìn lên trần nhà. Nửa chừng tiệc trưa hôm nay, ngoại đến. Anh thoáng bất ngờ, ngớ ra một lúc rồi mới đứng lên ôm chầm lấy ngoại. Ôi, ngoại mới xuống à? Anh kêu lên. Mắt ngoại đã mờ, dáng ngoại cũng gầy đi rất nhiều. Chỉ có nụ cười còn giữ nét đôn hậu. Ngoại hỏi cháu Hân của tôi đấy ư? Thế là hai bà cháu nước mắt giàn giụa. Sau đó anh hỏi tôi kiếm quà gì đặc biệt cho ngoại. Tôi bảo nhỏ nhà không còn đồng nào, hai bữa nay em phải rổ không đi chợ. Anh nói như mếu hãy cứu anh. May mắn tôi ứng được của trường nửa tháng lương anh mới an lòng. Cả buổi chiều anh trở nên trầm lặng, ưu tư.
Có tiếng người quen gọi anh ngoài cổng.
– Em ra mở cửa nhé. Tôi nói và nhổm dậy.
– Không! Anh đáp cụt ngủn, kéo tôi ngã lên cánh tay anh. Tôi nghe hơi đau vùng bàn tay anh vừa nắm chặt. Tôi thoáng rùng mình. Ngoài cổng có lẽ người bạn đã bỏ đi. Tiếng đàn hát từ sân khấu ngoài trời nghe sao mà gượng. Thiên hạ như muốn níu lại mùa vui sắp tàn.
Lại mưa.
Tôi lần tay về phía bàn tay anh với sự hồi hộp kỳ lạ, như mới lần đầu yêu nhau. Nhẹ nhàng, thật nhẹ nhàng, tôi nắm lấy nó. Bàn tay cứng và hơi thô. Tôi nghĩ đây là bàn tay của một nông dân hơn là một người chạy tin cho tờ báo có uy tín như anh nói, khi tôi bảo chắc anh không sống bằng nghề làm thơ.
Không, anh không dối tôi bao giờ. Anh rất yêu quý vợ con nữa là đằng khác. Nhưng tôi nghĩ anh đang tự lường gạt mình. Anh biết thế và đang đẩy nó đến tận cùng. Vết bầm lớn trên vai anh tôi thấy lúc anh tắm vào buổi trưa hôm qua làm dậy trong tôi nỗi đau xót. Tôi nắn nhẹ bàn tay anh. Anh như muốn rụt lại nhưng rồi để yên trong tay tôi. Tôi thôi nắn. Anh nói, giọng thật buồn:
– Lâu nay anh không chịu nhìn ra xung quanh. Nên cả người thân yêu nhất anh cũng không nhìn thấy, em ạ.
– Hay mình về tỉnh đi anh.
Tôi nói, quay sang nhìn khuôn mặt anh lờ mờ trong tối. Lúc này mắt anh đã nhắm nghiền lại.
– Tỉnh đang cần người mà.
Tôi lại nói. Anh đã mở mắt nhưng không nhìn tôi mà ngó trừng trừng lên trần nhà.
Mưa buông những hạt thật nặng lên mái ngói.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *