Tolstoi giàu, quá giàu nữa là khác, đến nỗi ông muốn cho đi, để rồi chịu khổ bởi nỗi đó. Dostoievski ngược lại, khổ vì túng thiếu, luôn chịu ám ảnh về điều kiện cho tự do sáng tác.
Không dư dả như Tolstoi, không túng bấn như Dos để chơi roulette rồi cả đời gánh nợ – biết thân biết phận, tôi làm ra tiền, học tiêu và giữ tiền, để được tự do cho chữ nghĩa.
Quan niệm xưa cũ, đã là nhà văn thì phải… nghèo: thanh bần, nghèo mà sang. Và ta ưỡn ngực bởi nỗi đó. Trí thức Do Thái nghĩ khác, ở Cham – Muk Thruh Palei Bà Tổ Làng cũng nghĩ khác: ‘kathot rong reh gaup gan ra klao’. Giàu, để hỗ trợ chồng “đấu chiến” ngoài xã hội.
Sao một nhà văn không thể giàu và sang?
Hơn mươi năm trước, tôi có loạt 18 bài: “Cham vẫn có thể làm giàu” bày Cham làm giàu. Ở đó có kể chuyện tôi đã giàu lên từ thổ cẩm ra sao. Nay, cũng chuyện tôi, từ VĂN CHƯƠNG CHỮ NGHĨA. Một bài học bổ ích cho nhà văn, và cho chung, chắc chắn thế!
1. Tôi làm ra tiền
Không kể từ vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị của Cty, ở đây tôi đưa hết cho Hani; càng không phải từ “quan văn” hay cán bộ ăn lương Nhà nước, mà giàu như một NHÀ VĂN TỰ DO.
– 38 tác phẩm: Sách tôi bán được, cả thơ là thứ khó tiêu thụ nhất.
– Báo: Hơn ngàn bài, trong đó có bài đăng mấy lần, dù chỉ khi được mời tôi mới viết; rồi là khoản “bo” viết giới thiệu, biên tập, hiệu đính…
– Dịch: Các ấn phẩm của Nhà nước, các tác phẩm dịch xuôi và ngược, và nhiều món khác.
– Thuyết trình: Hơn 100 buổi, nhiều chủ đề khác nhau, cả trong lẫn ngoài nước, rồi là Chủ trì các thứ…
– Giải thưởng: 21 giải các loại. Ngoài ra còn có: Ban giám khảo các giải thưởng, Đầu tư từ tổ chức hay cá nhân, Cố vấn và Thẩm định này nọ, chưa kể tôi còn được bạn bè thương tình Biếu tặng một ít nữa!
Nghĩa là từ rất nhiều nguồn khác nhau.
2. Tôi tiêu tiền
Có tiền, làm sao để tiền ở lại với mình? – Tiết kiệm, và học biết chi tiêu hợp lí. Tuổi 20, tôi là kế toán hàng đầu tỉnh, thế nên ý thức quản lí tài chính rất tốt. Có tiền, tôi mới tự do triển khai chương trình của mình và giúp đỡ mọi người. Tạm kê:
Đốt sổ nợ cho bà con, 2 lần giải-nợ lớn cho Hani, các con ra trường tôi đều có khoản riêng. Bù lỗ Tagalau mấy số đầu, giúp các bạn Cham, biếu tặng sách cho Cham, quà thiếu nhi và bà mẹ Cham nghèo.
Cộng cả thảy trăm lượng vàng chớ chẳng chơi.
3. Tại sao tôi tự làm nghèo mình?
Bởi triết lí sống, từ 55 tuổi. Chuyện đã kể chi tiết, nay tóm:
Năm 2007, giao Cty cho Hani quản, 5 năm sau giao hết tài sản cho vợ con, để được trắng tay – cho tự do Suy tư và Chữ nghĩa. Từ đó các nguồn thu nhập sụt đi thấy rõ. Dẫu sao tôi vẫn biết giữ lại cho mình đủ cho tuổi [chưa] già. Tôi chưa từng tốn tiền cho thuốc thang và bệnh viện, chớ sau này, nếu bị mà không tiền chạy chữa, tôi vui vẻ đi theo ông bà – nhẹ nhõm. Heleh!
Giàu, ta đã sang; nghèo, ta vẫn cứ sang. Tại sao không?